Tâm Bám chấp – Chấp trước
Khi đề cập đến cái chấp của chúng sinh, thì phải nói là chúng sinh chấp rất là nhiều.
Mỗi người thì chấp mỗi kiểu, nhưng khi tâm còn kẹt vào sự chấp trước, thì tâm ấy vẫn chưa phải là thật sự có trí tuệ rốt ráo đâu.
Hai sự chấp mà hôm nay, trong bài viết này tôi muốn đề cập đến đó chính là
- chấp vào sự nghèo khó và
- chấp vào sự giàu có.
Trước tiên chúng ta cần tìm hiểu
Tâm bám chấp – chấp trước là gì ?
Chấp có nghĩa là sự cầm hay nắm giữ.
Người có tâm chấp nghĩa là họ nắm, giữ chặt vào một ý kiến, một quan điểm nào đó, rồi rơi vào sự chấp cực đoan, cố hữu mà thiếu đi tính uyển chuyển, thiếu đi sự linh hoạt trong việc hiểu, hành, cũng như ứng dụng pháp….
Sự chấp thứ nhất đó là :
Chấp vào sự nghèo khổ :
Tu là phải nghèo khổ, phải sống trong rừng sâu, phải ở nhà tranh, không được xây chùa lớn, không được thờ tượng Phật lớn, không được sử dụng các phương tiện hiện đại, không được thắp điện mà phải dùng đèn dầu,……
Rõ ràng cái quan điểm như trên cũng có đạo lý đúng chứ không phải không.
Nhưng nếu ta chấp vào chúng thì sẽ rơi vào cực đoan đầu tiên.
Lấy ví dụ để các vị dễ hiểu :
Ví dụ như các vị đang tu học trong thành phố, và không những tu học cho bản thân mình, mà quý vị cần phải hành Bồ Tát Đạo, nghĩa là phải giúp đỡ chúng sinh trong việc tu hành.
Nhưng vì số lượng Phật Tử trở về chùa tu rất đông, mà ngôi chùa thì nhỏ, đất của thành phố thì không có được nhiều.
Mà quý vị chấp vào sự nghèo khó, nghĩa là chấp rằng tu thì phải ở nhà tranh, nhà nhỏ, thiếu tiện nghi trong sinh hoạt,…..
Vậy thì sao có thể hóa độ được Phật tử đây ?
Làm sao có thể giúp Phật tử nơi thành phố tu học đây, khi mà họ về chùa không có nơi ngồi, trời mưa thì bị dột, trời nắng thì bị nóng, không có nơi đi vệ sinh, đói bụng cũng không có gì ăn, không có nhà ăn, …….
Vậy thì làm sao tu được….?
Đây chính là tâm chấp vào sự nghèo khó.
Sự chấp thứ hai tôi muốn đề cập đến đó là :
Chấp vào sự giàu có :
Sự chấp này có nghĩa là như thế nào ?
Có nghĩa là quý vị cho rằng :
Tu là phải nhà cao cửa rộng, nhiều vật chất dư đầy, sử dụng đầy đủ tiện nghi, ….. Nếu không có thì thiếu thốn không tu được.
Khi chấp vào quan điểm này thì đã bị lệch lạc rồi.
Đời sống của người tu hành cần phải có sự đơn giản, biết sống thiểu dục tri túc ( nghĩa là ít sự ham muốn biết sự vừa đủ ).
Vì sao phải sống như thế ?
Vì người tu hành thì không có làm kinh tế, chủ yếu nhận vật phẩm từ các thí chủ cúng dường.
Do đó nếu chúng ta hưởng nhiều quá, mà đức tu quá kém thì coi chừng bị mắc nợ, kiếp sau phải mang lông, đội sừng mà trả ,….
Điều này quá nguy hiểm không an toàn chút nào cả.
Hơn nữa, tâm một người tu mà thích sự hưởng thụ, thì tâm ấy sẽ góp phần làm cho dục vọng gia tăng, mà lòng dục gia tăng thì rất dễ khiến người ta làm bậy, đoạ lạc….
Nên người tu hành cần phải chọn cho mình một lối sống cực kỳ đơn giản, thanh bần,….
Chứ không nên đắm mê vào những điều gì cao sang, ngon, sướng,….
Thời gian gần đây tôi cũng có theo dõi rất nhiều Vị Tu Hành, và tôi nhận thấy Đại Đức Thích Trúc Thái Minh, hiện Thầy đang quản lý chúng Tăng rất hay.
Chùa Thầy tuy to như vậy, nhưng mỗi tối Chư Tăng phải vào rừng sống, tập hạnh sống viễn ly, sống nơi rừng núi để tĩnh tâm tu học.
Các Thầy tập sống và tu như thời Đức Phật còn tại thế, đây là điều rất quý giá.
Còn chùa lớn Thầy xây to để làm gì ?
Là để dành cho việc hóa độ chúng sinh, để dành cho các Phật tử tại gia có nơi về tu học cho thoáng mát, ấm cúng, đầy đủ nơi ăn chốn ở,…..
Tấm lòng của Thầy thật từ bi bao la….
Thầy cũng đã tổ chức rất nhiều khóa tu mùa hè rất hữu ích cho sinh viên học sinh……
Thầy đã có công lao rất lớn trong việc làm cho biết bao nhiêu tâm hồn người trẻ được trở nên hiền thiện, tốt đẹp, sống biết hiếu thuận với cha mẹ, sống có ích với đất nước, làm lợi lạc cho xã hội,……
Nên quý vị đừng có bao giờ chỉ mới nhìn vào một ngôi chùa to mà vội phê bình, thì coi chừng mang tội, hay bị tổn phước đấy.
Tóm lại, một người tu có trí tuệ là người không nên chấp vào một cực đoạn nào cả.
Hãy đi theo con đường Trung Đạo, mà Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã chỉ dạy.
Không ép sát khổ hạnh, cũng không đắm chìm trong lợi dưỡng, dục lạc.
Vì cả hai cực đoan ấy đều đưa đến sự khổ đau, chỉ có con đường Trung Đạo mới đưa đến sự an lạc, giác ngộ và giải thoát.
Chúc quý vị luôn luôn có được chánh kiến, để nhìn mọi thứ được thấu đáo, để không bị kẹt vào một cực đoan, hay một sự chấp nào cả.
Nam Mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Nam Mô Tôn Giả Xá Lợi Phất Bồ Tát.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>>> Tìm hiểu thêm: Bám chấp và dấu hiệu của sự bám chấp?