3 chặng đường tu tập của người Hành Giả
Phần chia sẻ này, trên quan điểm của người là hành giả tu Đạo, nhìn về khía cạnh hòa đồng tôn giáo, tu tập nói chung không phân biệt tôn giáo. Cũng không ý hướng về một giáo phái nào, chỉ là những gì một người muốn hướng thiện, làm hành giả thì nên làm.
Chặng thứ nhất: Tu học
Ở chặng đường đầu tiên này, đánh dấu một bước ngoặc từ trong nội tâm của người ngoại Đạo. Từ một người bình thường, chưa biết gì về những năng lực siêu nhiên trong vũ trụ, sự tồn tại của thế giới vô hình nhưng người này đã bắt đầu có sự hứng thú để tìm hiểu về những sự huyền diệu vận hành trong Tam Giới, giá trị cao quý của Đạo.
Một khi đã nhận thức được rằng Đạo là thứ quý báu, vô giá mà trong muôn ngàn kiếp sinh mới may duyên gặp được mối Chánh Đạo. Lúc ấy, trong nội tâm họ mới có sự chuyển biến, thôi thúc họ mau chóng phá vỡ lớp màn vô minh đã che lấp điểm linh quang của họ từ bấy lâu.
Vậy Đạo là gì? Học Đạo ở đâu?
Đạo là thứ không thể dùng bất kỳ ngôn từ hay hình thức nào diễn tả ra được, vì nó quá cao siêu, sâu sắc. Nhưng có thể nói nôm na, rằng Đạo là con đường dẫn con người tìm về với chân lý, tìm về nguồn cội đã hình thành nên cả vũ trụ này, là khối Đại Linh Quang Cội Đạo, tức Đức Thượng Đế đó vậy.
Đức Lão Tử đã từng dạy rằng: Đạo là thứ lớn đến nỗi không gì có thể chứa đựng nó được. Nhưng cũng là thứ vô cùng nhỏ bé đến nỗi không gì có thể chia cắt ra, hay lồng vào trong nó được.
Tại sao?
Vì Đạo có ở khắp nơi, tồn tại trong mỗi hành động, sự vật, hiện tượng mà điều ấy có thể mang đến những điều tốt đẹp cho cuộc sống, ấy là Chánh Đạo.
Chánh Đạo đưa ta đến hạnh phúc, hướng Càn Khôn Vũ Trụ này đến Chân, Thiện, Mỹ. Đấng đứng đầu Chánh Đạo, đương nhiên chẳng ai khác hơn chính là Đức Thượng Đế, hay còn được gọi là Đức Chí Tôn, Đức Phật, Ông Trời… là vị cha lành của vạn vật. Giờ đây, Người mở ra một mối Đạo mới, đó là Đạo Cao Đài, và Người xưng mình là Thầy, gọi các tín đồ là môn đệ.
Đối kháng với Chánh Đạo là Tà Đạo, là con đường dẫn chúng sinh đến sự hủy diệt. Nó xu hướng con người theo sự giả dối, tà mị, đưa Càn Khôn Vũ Trụ này đến sự tha hóa, không còn công bình và bác ái. Vị đứng đầu Tà Đạo chính là Vô Minh Đại Đế, còn gọi là Chúa Quỷ muốn thống trị cả Càn Khôn Vũ Trụ nên đã trở thành người đứng đầu lực lượng đối kháng với Đức Thượng Đế.
Chánh Đạo được phân ra năm cấp bậc tăng dần: Nhân Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo.
-
Nhân Đạo
Nhân Đạo là căn bản. Vì phải làm tròn bổn phận con người, thì mới có thể lên được các nấc thang kế tiếp. Trong Thái Thượng Thanh Tĩnh Kinh, có câu nhắc nhở về việc này như sau:
“Dục tu Tiên Đạo, tiên tu Nhân Đạo
Nhân Đạo bất tu, Tiên Đạo viễn hỹ”.
Nghĩa là:
Muốn tu Đạo Tiên, trước tu Đạo làm Người.
Đạo làm Người không tu, Đạo Tiên xa vời lắm vậy.
Để tu Nhân Đạo, người tu phải thực hiện:
- Nam thì Tam Cang, Ngũ Thường.
- Nữ thì Tam Tùng, Tứ Đức.
(Những phần trong dấu ngoặc kép trích từ lời dạy của Đức Cao Thượng Phẩm – Đức Hớn Chung Ly trong Bát Tiên dạy về cách giữ Tam Cang Ngũ Thường, Tam Tùng Tứ Đức trong Nhân Đạo.)
* Tam Cang
Tam Cang là ba giềng mối, bao gồm: Quân Thầng Cang, Phụ Tử Cang, Phu Phụ Cang.
Quân Thần Cang
“Vua là kẻ chăn dân, vậy bổn phận ấy là cần lập trên những hành tàng để cứu giúp dân cho khỏi điều thống khổ. Ấy là cơ quan phước thiện bây giờ đó. Tôi thì cần tỏ dạ trung thành đặng giúp vua mà làm cho bá tánh an cư lạc nghiệp, tức là bổn phận của hàng Thánh Thể đó vậy.”
Vua chính là những cơ quan phước thiện để giúp dân thoát điều thống khổ. Tôi thần chính là những vị trong hàng Thánh Thể, là chỉ những vị Chức Sắc, Giáo Phẩm trong các nền tôn giáo. Đã mang chức sắc nơi mình thì phải làm đầy đủ trách nhiệm đối với chúng sinh mà làm một tấm gương, vị hướng Đạo để dẫn dắt chúng sinh giải thoát khỏi khổ hải.
Phụ Tử Cang
“Cha là người thay quyền Chí Tôn trong một tiểu gia đình, tức nhiên là biết mình cần phải có bổn phận giáo hóa, dưỡng dục, tức nhiên là một Hội Thánh nhỏ trong gia đình. Vậy con cần phải trọn hiếu, tức nhiên không làm điều nhục tổ hổ tông, tức là bổn phận của một tín đồ, hay nói đúng hơn là một môn đệ xứng đáng của Chí Tôn đó vậy.”
Cha mẹ thì cần có trách nhiệm dạy dỗ con cái nên người mà trở thành một phần tử tốt trong cuộc sống. Còn con cái thì cần hiếu thảo với cha mẹ, cần biết nghe lời dạy bảo của cha mẹ và trở thành một người tốt, chăm sóc, nuôi dưỡng, làm cha mẹ vui lòng. Trên phương diện tôn giáo thì cần trở thành một tín đồ biết thực hành tình yêu thương, thường làm những việc hợp với lẽ Đạo trong cuộc sống, như vậy mới xứng đáng làm một người học trò của các vị Giáo Chủ. Để từ những việc làm tốt đẹp đối với cuộc sống mà những người chưa biết về Đạo sẽ yêu thương và trân trọng giá trị của Đạo Pháp.
Phu Phụ Cang
“Chồng là người cầm lèo giữ lái đặng đưa một tiểu gia đình đến bờ đạo đức thanh bạch, tức nhiên là bổn phận của cơ quan hành chính đó vậy. Vợ là người tùng theo chồng để giúp an cư lạc nghiệp, tạo nên hạnh phúc gia đình, tức là bổn phận của Bảo Cô đó vậy.”
Về mặt cá nhân, vợ chồng cần chung thủy, chân thật, thuận hòa trong tình thương yêu chồng vợ. Dù cho gặp khó khăn gì đi nữa cũng phải giữ gìn trọn vẹn tình nghĩa. Về mặt xã hội, nói một cách sâu sắc thì chồng chính là những cơ quan hành chính của xã hội lẫn các tổ chức tôn giáo, biết tìm ra phương pháp, định hướng để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Vợ, Bảo Cô là những cơ quan, tổ chức từ thiện, hiệp sức cùng các cơ quan hành chính để giúp những người gặp bất hạnh trong xã hội như người già yếu, trẻ thơ không nơi nương tựa, người khuyết tật… có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
* Ngũ Thường
Ngũ Thường là năm điều thường giữ trong đời, bao gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Nhân
“Nhân là phải biết nghĩa đồng sinh, biết tình đồng hưởng âm dương chi khí, chẳng để lòng sái loạn Chân Truyền, tức phải trọn vâng theo luật Công Bình – Bác Ái.”
Con người thường có hai xu hướng trong khía cạnh tình cảm là thương yêu và ghét. Hễ thương yêu thì sẽ không ghét mà đã ghét thì khó lòng thương yêu. Như vậy để thực hành tình thương yêu thì phải mở rộng tấm lòng, biết khoan dung tha thứ cho những lỗi lầm của kẻ khác.
Ta phải mở rộng lòng ra để thương yêu vạn vật, vì vạn vật đều là anh em của chúng ta. Và tình thương yêu ấy phải được đặt đúng chỗ, phù hợp lẽ Đạo chứ không phải tình thương yêu mù quáng có thể làm sự việc trở nên tiêu cực trong cuộc sống.
Nghĩa
“Nghĩa là phải biết trọn phận người để tạo nên danh trọng giá cao, tức là phải giữ phẩm hạnh mà nhìn rõ của chung đồng hưởng.”
Nghĩa là phép cư xử theo đúng Đạo Lý, lẽ phải. Trong cách xử thế thì Nghĩa là cái quan trọng, nó dẫn dắt con người đến đạo đức.
Nhân và Nghĩa phải luôn đi đôi với nhau. Nếu chỉ có Nhân mà không có Nghĩa tức là còn thiếu tình thương, tình thương mà tấm lòng đã mở chỉ mới nhen nhóm trong nội tâm mà thôi, chưa được thực hành một cách cụ thể. Nếu có Nghĩa mà không có Nhân, là hành động đạo đức được thể hiện bên ngoài nhưng nó không trọn vẹn bởi cái tâm chưa thật sự hướng về đạo đức. Hành động đạo đức bên ngoài chỉ thể hiện trong một số trường hợp đặc biệt chứ không phải xuất phát từ bản chất của tình thương.
Người có Đạo, theo một tín ngưỡng tôn giáo thì nhất thiết phải thực hành Nhân Nghĩa, sự đối xử với cuộc sống phù hợp lẽ Đạo mới xứng với giá trị của người biết tìm về đạo đức.
Lễ
“Lễ là giữ hạnh nết đúng đắn để tạo nên một nhân phẩm, biết nhường biết nhịn, tức nhiên là phải giữ trọn hạnh đạo đó vậy.”
Lễ là phép tắc tốt đẹp trong xử thế, là mực thước để đo lường tư tưởng, hành động trong khi xử thế. Nó thể hiện sự tôn nghiêm trật tự và hòa hợp trong việc làm. Nếu có Hòa mà không có Lễ thì mọi thứ sẽ mất trật tự, không còn theo đúng phép tắc của Đạo. Đức Lão Tử có nói: Nếu thất Đạo thì nên theo Đức, nếu thất Đức thì nên theo Nhân, nếu thất Nhân thì nên theo Nghĩa, nếu thất Nghĩa thì nên theo Lễ. Vậy muốn trở về với Nghĩa thì nên học Lễ trước hết.
Người biết tu tức là người biết thực hành Lễ Nghĩa, có Lễ Nghĩa rồi thì việc thực hành tình yêu thương, mở lòng bác ái để làm được chữ Nhân là việc không khó.
Trí
“Trí là phải thông hiểu việc thế mà đi, không để tên tuổi phải lời chê tiếng nhẻ, tức nhiên là phải trọn vâng luật pháp Chân Truyền đó vậy.”
Trí là sự hiểu biết. Có hiểu biết mới phân biệt được phải trái, sáng tối, đúng sai. Mục đích của Trí là tìm hiểu về Chân Lý, tức là Đạo, nên cần phải học tập để mở mang cái Trí. Mà sự học này phải đi chung với sự hướng Đạo, cái học phải có đạo đức trong ấy thì mới mong giữ được không rơi vào sự lầm lạc của những lý thuyết sai lệch.
Chân Lý chỉ có một nhưng các khía cạnh nhìn về Chân Lý, các con đường để dẫn đến Chân Lý thì rất nhiều. Vì thế phải mở mang trí não tinh thần của mình thì mới có thể phân biệt được phải trái, sáng tối, đúng sai, không đi nhầm sang những ngã rẽ xa rời Chân Lý mà đi đúng đường tiến gần hơn về với Cội Đạo.
Tín
“Tín là phải đúng lời đúng hẹn, tức là phải danh chánh ngôn thuận, thuyết hành phải được giống in nhau, tức là phải trọn thệ đó vậy”.
Tín là tin tưởng, phải tạo được niềm tin đối với mọi người xung quanh và phải tin vào con đường mình đã chọn, lời nói phải đi đôi với việc làm. Phải giữ chữ Tín và phải quý trọng lời nói của mình. “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, một lời nói thốt ra thì xe bốn ngựa khó mà đuổi kịp.
Như thế, ta đã thấy tầm quan trọng của chữ Tín. Nó thể hiện phẩm chất đạo đức của con người. “Nhân vô tín bất lập” tức là người mà không có chữ Tín thì không làm được việc gì cả. Mà chữ Tín ở đây chính là phải tin tưởng vào bản thân và xung quanh, tin tưởng vào con đường tìm về Chân Lý.
“Đó là mặt thể pháp Thế Đạo. Còn bí pháp Thế Đạo là phương tầm ra định hướng để vẹn giữ Tam Cang Ngũ Thường, tức nhiên là trọn phần Nhân Đạo. Ấy là kết quả do thể pháp mà nên. Nói chung về bí pháp Thế Đạo tức nhiên là phương giúp đời an nhàn đạo đức đó vậy”.
- Nam thì Tam Cang, Ngũ Thường.
- Nữ thì Tam Tùng, Tứ Đức.
* Tam Tùng
Tam Tùng là ba điều cần nương theo, bao gồm: Tại gia tùng phụ, Xuất giá tùng phu, Phu tử tùng tử.
– Tại gia tùng phụ: Ở nhà thì nghe lời cha mẹ dạy dỗ, đó là Hiếu.
– Xuất giá tùng phu: Đã về nhà chồng thì tuân theo chồng, đó là Nghĩa.
– Phu tử tùng tử: Chồng chết thì theo con, tức là nuôi dạy con nên người, đó là Hiếu, Nghĩa và Trung.
* Tứ Đức
Tứ Đức là bốn tính tốt cần gìn giữ, bao gồm: Công, Dung, Ngôn, Hạnh.
- – Công: Chăm làm việc nhà, thêu may, nấu nướng các món ăn, sắp đặt nhà cửa khang trang, nuôi dạy con cái, học hỏi cho tài giỏi. Tức là Trí.
- – Dung: Chăm sóc vẻ mặt cho tươi tắn dễ nhìn, tướng đi dịu dàng, cử chỉ từ tốn đoan trang, thân thể sạch sẽ, quần áo tươm tất gọn gàng. Đó là Lễ.
- – Ngôn: Lời nói ngay thẳng, thành thật, dịu dàng, gây được tình cảm tốt đẹp cho mọi người, tránh lời đâm thọc, mách lẻo hại người lợi mình. Tức là Tín, Nghĩa và Lễ.
- – Hạnh: Tính nết hiền lành hòa nhã, khiêm cung, kính trên nhường dưới, độ lượng. Tức là Nhân và Lễ.
Phần Nhân Đạo thì trọng yếu gồm có 7 chữ là Trung, Hiếu, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Nếu làm được trọn vẹn một trong bảy chữ thì sẽ đắc Thần Vị. Như những bề tôi trung với vua, liều thân vì nước thì được vua phong Thần, đưa về làng xã làm như Thần Hoàng, ủng hộ dân chúng và được bốn mùa quý tế. Nếu làm được trọn vẹn hai chữ thì được hiển Thánh, như trường hợp Quan Vân Trường thời Tam Quốc, đã làm trọn vẹn hai chữ Trung và Nghĩa nên được hiển Thánh.
Còn các bậc thục nữ giai nhân đã giữ trọn trinh tiết thờ chồng, nuôi dưỡng con cái cho thành người lương thiện, xả thân vì nước… cũng được lưu danh muôn thuở cho muôn đời sau noi gương học hỏi, đắc quả Thiên Vị như Đức Quan Âm Bồ Tát, Thánh Nữ Jéanne d’Arc, Bà Chúa Liễu Hạnh, Mạnh Mẫu…
Như vậy, để tu học Nhân Đạo, người tu phải cố gắng sao cho thực hiện được các yếu tố trên một cách tốt đẹp, phải luôn giữ cho tư tưởng mình trong sạch để thực hiện các điều ấy.
Ở phần Nhân Đạo ta đã học 7 chữ là Trung, Hiếu, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Mà giá trị quý báu của một con người với đầy đủ sự trọn lành, trong sạch của hình ảnh Thượng Đế thì có thể được tóm gọn trong 10 chữ gồm: Nhân, Trí, Hiếu, Đễ, Lễ, Nghĩa, Trung, Tín, Liêm, Sỉ.
Đễ là sự hòa thuận anh em.
Liêm là sự ngay thẳng thật thà.
Sỉ là sống chân thật không phải hổ thẹn với bản thân và xung quanh.
Mười chữ này đều có mối tương quan, gần giống với nhau, thường được xếp thành từng cặp tương hỗ là Nhân Nghĩa, Trung Hiếu, Đễ Lễ, Trí Tín, Liêm Sỉ nên nếu ai đó làm trọn vẹn một chữ thì cũng có liên quan đến các chữ khác. Nhưng tất cả mười điều ấy tóm lại cũng chỉ bằng 4 chữ là Bác Ái và Công Bình mà thôi.
-
Thiên Đạo
Thiên Đạo bao gồm Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo. Học hỏi về Thiên Đạo, tức là học hỏi hai điều Bác Ái và Công Bình, đó chính là tình yêu thương và công chánh.
Càn Khôn Vũ Trụ này được duy trì và phát triển cũng bởi hai quy luật Bác Ái và Công Bình. Bởi phải có tình thương yêu, sự hòa hợp thì mới có thể tạo nên sức mạnh của quyền năng sáng tạo. Nếu không có sự tồn tại của hai điều trên, thì vũ trụ sẽ chuyển động một cách hỗn độn, không có trật tự. Các loài chỉ biết xâu xé nhau, dùng sức mạnh để làm nền tảng cho sự phát triển thì vũ trụ sẽ đi dần đến bờ hoại diệt.
Vì lẽ đó mà Bác Ái, Công Bình là đề thi rất quan trọng trong thời buổi Hạ Nguyên Mạt Kiếp này. Chính loài người, nhờ vào sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, trí não tinh thần phát triển đã làm cho đời sống vật chất của nhân loại trở nên quá dễ dàng, sự đầy đủ tiện nghi đã làm cho con người trở nên lười biếng, sống thụ động.
Nếu có sự năng động đi chăng nữa, thì sự năng động ấy cũng xu hướng theo vòng xoay thỏa mãn dục vọng của bản thân hay vây cánh, phe nhóm, đảng phái, ít khi mang tính chất tích cực cho đời sống cộng đồng.
Bên cạnh đó thì phương diện đạo đức của đời sống tinh thần đã dần trở nên mờ nhạt. Con người đã không còn tin tưởng vào những điều kỳ diệu của thế giới tự nhiên, họ chỉ tin vào cái được gọi là khoa học thực tiễn, nếu không có chứng minh cụ thể thì hoàn toàn không tin.
Nhưng làm sao có thể chứng minh cụ thể sự tồn tại của cái gọi là vô hình? Chỉ khi ta mở rộng lòng mình, dùng chính trái tim lẫn khối óc của mình để cảm nhận, khi ấy ta mới có thể “thấy” được những cái vô hình ấy.
Một ví dụ cụ thể: Làm sao ta có thể thấy được “tình cảm”? Nó không hình, không tướng, không màu sắc, mùi vị. Nhưng ta có thể “thấy” được nó bằng cách cảm nhận những hành động mà nó chi phối, thể hiện ra bên ngoài.
Nhìn vào một người đang giận dữ, ta sẽ thấy ngay những lời nói gay gắt, đầy sự phẫn nộ và muốn vung tay chân để trút hết cơn giận của mình vào một ai đó, hay một cái gì đó gần họ. Nhưng khi nhìn vào một người đang yêu, ta sẽ thấy được những hành động của họ thật dễ thương, vừa vui vẻ mà bối rối, đặc biệt là khi ở gần người họ thích.
Khi yêu chân thật một ai đó, thì ta dễ dàng tha thứ và bỏ qua những lỗi lầm của họ, những việc họ làm thì việc gì nhìn cũng đáng yêu cả. Nhưng ngược lại, khi ghét một ai đó, thì những gì thuộc về người đó, những điều họ nói, những việc họ làm, tất cả đều không thể chấp nhận được. Ta luôn cảm thấy khó chịu vì sự có mặt của họ, và những việc họ làm thì việc nào cũng sai, chướng mắt cả.
Người xưa có nói:
“Thương nhau thương cả dáng đi
Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng.”
Hay:
“Thương nhau củ ấu cũng tròn
Ghét nhau cái bồ hòn cũng méo.”
Chính vì cái tâm lý phức tạp của con người như thế mà Đức Thượng Đế mới dùng đề tài là Bác Ái và Công Bình, để cho chúng sinh cùng nhau thi đua mà đạt quả vị nơi cõi thiêng liêng.
Thời buổi này, con người sống với nhau thì tranh hơn thua, giàu nghèo, đánh mất hết đạo đức. Không ít chuyện con cái trong gia đình mắng chửi cha mẹ, anh chị em, nặng hơn còn đánh đập, đuổi ra khỏi nhà hoặc là giết cả cha mẹ, anh chị em của mình cũng chỉ vì hai chữ danh lợi.
Như thế, con người đã theo xu hướng lụi tàn, đi dần vào chỗ hủy diệt. Bởi ngay chính người đã sinh ra họ mà họ còn chối bỏ thì họ có thể thương ai được nữa?
Nhưng tình thương yêu cũng phải đúng chỗ, phù hợp với Đạo Lý. Đã thấy được cái sai của người mình yêu mà cứ cho rằng điều đó hợp lý, có thể tha thứ được thì đó là sự si mê mù quáng, tình yêu không chân chính. Chỉ là sự bi lụy trong tình cảm, sự yếu hèn không dám nhìn thẳng vào sự thật.
Tình thương yêu chân chính là sự hy sinh, cống hiến để mang lại hạnh phúc cho người mình yêu mà không hề vụ lợi. Khi yêu một người nào đó, thấy cái sai của họ thì phải biết khuyên bảo, góp ý sửa chữa những lỗi lầm ấy để người đó dần nhận thức đúng đắn hơn về việc làm của mình. Chứ không phải thấy sai rồi cứ tha thứ và chấp nhận cái sai ấy, để từ cái sai này mà người đó có thể đi đến nhiều cái sai khác nữa.
Nhưng để làm được điều đó thì trước tiên ta phải biết yêu quý bản thân mình, vì không có nó thì ta cũng chẳng thể làm gì được. Từ chỗ biết yêu quý, trân trọng bản thân mình một cách chân chính, thì mình mới có thể đi đến một tình yêu cao quý hơn. Đó là yêu thương kẻ khác hơn yêu chính bản thân mình, phải làm sao để mang lại hạnh phúc cho kẻ khác nhưng bản thân mình cũng đừng phải chịu quá nhiều thiệt thòi. Vì như thế, thì chính những người thương yêu, lo lắng cho mình lại phải đau lòng, đó cũng không phải là một sự hy sinh chân chính.
Phải luôn yêu bằng cả trái tim lẫn lý trí. Yêu bằng trái tim mà không có lý trí thì dễ dẫn đến tình thương mù quáng. Yêu mà chỉ dùng lý trí thì đó chỉ là một sự tính toán khó có thể gọi là tình thương. Chính vì vậy mà Bác Ái và Công Bình phải được thực hiện cùng lúc, tức ta phải biết dung hòa giữa lý trí và tình cảm. Nếu hai thứ mà thiếu một thì cái tình thương ấy nó không chân thật, nó chỉ là một sự sáo rỗng không thể mang lại hạnh phúc chân thật trong cuộc sống.
Trong chặng đường tu học này, tất cả nhằm vào một mục đích đó là học hỏi sao cho trí thức, tinh thần và đạo đức được nâng cao lên đến mức có thể nhận thức được đúng sai, phải trái. Để từ đó, bản thân mỗi người có thể tìm được niềm vui chân thật của chính mình, đồng thời mang lại hạnh phúc chân thật cho muôn người, muôn vật xung quanh.
Xem tiếp Chặng thứ 2 : Tu Luyện hay đầy đủ hơn là Tu Tâm Luyện Tánh