Ai là người lụm được 2 bí kíp kinh doanh Trung Hoa và Do Thái?
Vào thế kỷ 17, khi nhà Thanh lên ngôi ở Trung Hoa, phong trào “phản Thanh phục Minh” ở các tỉnh như Phúc Kiến, Quảng Đông…. bị thất bại, nhiều gia tộc ở đây đã phải lên thuyền sang các nước Đông Nam Á để tránh bị đàn áp. Họ đến Manila, Băng Cốc, Singapore, Malaysia, Đồng Nai, Hà Tiên….để sinh sống và nhanh chóng trở thành cộng đồng phồn vinh. Cách làm của họ có thể gói gọn vô một cụm từ mà các cộng đồng bản địa ở Đông Nam Á chẳng bao giờ hiểu nổi: hệ sinh thái kinh doanh.
Ông Cổ Gia Thọ – Chủ tịch Công ty Bút Bi Thiên Long nhớ hai người đàn anh đã giúp đỡ mình: “Chúng tôi gọi anh Lý Ngọc Minh (Chủ tịch Công ty gốm sứ Minh Long) và anh Vưu Khải Thành (giày dép Bitis) là những cây đại thụ. Có lần ông Vưu Khải Thành tổ chức hội nghị khách hàng, ông kêu những doanh nhân trẻ hơn, non nghề hơn như ông Thọ vào tham dự để nghe, để học, để giới thiệu mối làm ăn. Ông bà người Việt từ xưa khuyên bảo nhau “thà cho vàng chứ không chỉ đàng làm ăn” nhưng với cộng đồng người Hoa thì ngược lại “chỉ đàng làm ăn chứ không cho bạc cho vàng”. Vàng bạc ngoài đường đó, ai chịu khó, có đầu óc thì lấy được, chứ nếu cho không, nó sẽ xài hết, mà còn hư người. Cho tiền người khác là tội ác, làm cho nó không còn phải động não để vươn lên. Còn chỉ cách rồi mà không kiếm được tiền thì “số nó đã thế”.
“Hai mươi mấy năm trước, khi tôi còn bập bẹ làm một cơ sở bút bi nhỏ xíu, tôi không quen anh Thành, nhưng chủ động xin được theo làm đệ tử. Vì ít vốn và còn nhỏ, tôi hay rụt rè để ra những quyết định quan trọng (vì sợ mất) nhưng anh Thành khuyên phải nhanh nhẹn nắm cơ hội và chấp nhận những rủi ro, thất bại nếu muốn làm chuyện lớn. Và phải triển khai sản xuất ở các tỉnh, đừng ở Sài Gòn nữa, cạnh tranh không lại công ty lớn, phí thời gian cuộc đời. Phải sản xuất, chứ mua qua bán lại thì cũng là kiếm tiền trên sự chênh lệch, kiếm tiền từ sản phẩm của người khác, không bền vững trăm năm được”. ông Thọ kể.
Người Hoa luôn tôn thờ câu nói “Phải yêu nghề kính nghiệp”. Quả thật, nếu không dốc trọn cuộc đời, dốc hết trái tim và khối óc, kể cả tính mạng cho một công việc mà mình đã chọn, thì không có cách nào tạo ra MAY MẮN VÀ CƠ HỘI. Những ông vua của ngành sản xuất và thương mại lớn của nước ta hiện nay có rất nhiều người gốc Hoa: vua gốm sứ Lý Ngọc Minh, vua giày dép Vưu Khải Thành, vua bánh Kao Siêu Lực, vua nước rửa chén Lương Vạn Vinh, vua nhựa Trần Duy Hy, vua vải Thái Tuấn Chí, sắt thép, du lịch, ngân hàng, vật liệu xây dựng, bánh kẹo, nước giải khát, các nhà buôn lớn nhất nước ta ở các chợ đầu mối nhập khẩu cho cả nước.
Hệ sinh thái kinh doanh có nghĩa là được nhà cung cấp cho nợ (coi như hỗ trợ tài chính, nên họ quý nhà cung cấp hơn cả khách hàng), rồi các đàn anh trong nghề chỉ vẽ đôi đường và còn giới thiệu đối tác. Qua thử thách thời gian, có người tham lam, tham vặt, nghĩ nhỏ thì rơi rụng, chỉ trụ lại được người nghĩ lớn, có chữ TÍN. Hứa ít thôi, nhưng hứa là phải làm, nợ là phải trả ngay, dù bán cả thân mình. Những người giữ được lời hứa, như bạn trẻ trong bài này, thì đáng quý vô cùng, cỡ nào cũng nên giúp đỡ.
P/S: Bạn trẻ người Việt này, Trương Hoàng Nam, đã được 1 đại gia người Hoa (chủ farm trong bài) truyền dạy và thêm 1 ông chủ lớn bên Do Thái (trong 1 năm bạn học tập làm việc cho ông ấy). Đây là FB các bạn nên để chế độ FOLLOW, SEE FIRST (theo dõi, xem trước). Hiếm bạn trẻ nào có được tính trách nhiệm cao như vậy, nên việc trở thành 1 người chủ lớn, với bạn trẻ sinh năm 1996 này, là điều chắc chắn! Bạn cứ triển khai sản xuất đi, bận rộn, rảnh rỗi chỉ cần mở FB của anh này ra xem là đủ.
Tony Buổi Sáng
Mình đã làm 1 tỷ đầu tiên như thế nào?
Trước khi đi Israel thì mình có đi thực tập không lương cho 1 farm ở Bình Phước. Ông chủ farm mình thì ở nước ngoài nên ở đây ông giao cho chục anh em quản lý, tự chia hoa lợi. Mình vào thì đúng 1 tháng sau là Tết, ai cũng nôn nao về, đứa thì nói truyền thống gia đình phải về, đứa thì lấy lý do này lý do khác. Cuối cùng chẳng có ai chịu ở, kể cả anh quản lý lớn nhất cũng nói “gia đình là trên hết, anh cần về trong dịp Tết” dù tàu xe tăng giá mấy lần. Anh tranh giành ghế ngồi trên chiếc xe Nam Bắc để kịp đón giao thừa và vừa giao thừa xong, chơi được 1-2 ngày thì tối mùng 2 đã vào Nam lại. Họp phân công trực Tết mà gay gắt lắm, nên mình đăng ký ở lại trực, thuyết phục bố mẹ là sau mùng 4 mình sẽ về, sau khi anh quản lý vào tiếp quản. Ba mẹ mình cũng buồn, nhưng mình nói nếu ai cũng theo truyền thống gia đình thế thì cơ sở kinh tế lúc Tết ai trông coi. Cây thì không tưới OK, nhưng tới mấy chục con chó con mèo gà vịt ngan ngỗng….nó cũng cần ăn như người mà.
Mà ăn Tết 1 mình đúng là buồn, rất buồn. Từ ngày cuối năm, ra vô cái farm rộng lớn thấy cô đơn dễ sợ. Bạn mình nhắn thôi đóng cửa đi, mày thực tập mà, có lương bổng gì đâu mà có trách nhiệm, trốn đi, có khi chẳng bao giờ gặp lại mấy ông kia đâu mà sợ. Nhưng mình đã hứa rồi, lương tâm không cho phép. Sáng mùng 1 ngủ dậy, ngồi ăn bánh tét xong cắn hột dưa rồi lại ăn bánh chưng, chăm sóc cây và thú cuối cùng cũng hết ngày. Bỗng dưng mùng 2, ông chủ farm xuất hiện, ông về nước ăn Tết, xong ghé thăm. Hỏi thì mình kể sắp qua Israel du học nông nghiệp. Khi đi, ông dặn “nhớ lên bưu điện đóng tiền cọc mở chế độ roaming (chuyển vùng cuộc gọi), sẽ hữu ích. Ông nói cả farm mấy chục thằng mà bỏ đi hết trơn vầy, giao cho thằng lạ hoắc trực, đúng là không phải tài sản của tụi nó, tụi nó chẳng trách nhiệm gì, gọi điện hỏi thì ông quản lý nói bố trí hết rồi, không phải lo. Ổng nói mình là người có trách nhiệm cao, làm gì sau này cũng thành công rồi lì xì cho mình 100 đô.
Về cái vụ roaming thì mình hỏi đứa bạn bên bưu điện, nó nói không cần, giờ dùng viber, zalo, messenger thì cứ có mạng là gọi, roaming chi tốn tiền, nghe hay gọi đều rất đắt nếu dùng số VN ở Israel. Đừng nghe lời tào lao đó, mất tiền, không nên. Mình hỏi chục người đều khuyên vậy. Nhưng mà ngày cuối trước khi đi, mình cũng ghé bưu điện đăng ký, bụng nghĩ là chắc ông kia kêu vậy cũng có ý gì đó, ổng giàu vậy thì nghe theo, có thể mình ngu chưa hiểu thôi.
Qua bên đó, lúc mình tìm được mối mua nhuỵ hoa nghệ Tây và gửi cho anh Hoàng, anh Phương (hướng dẫn viên du lịch) xách về VN, mình thiếu tiền shekel (tiền của Israel) để mua hàng. Cái mình tình cờ nhận được tin nhắn báo số dư của ngân hàng VN qua tin nhắn SMS. Mình mừng rỡ, bèn làm dịch vụ chuyển tiền hộ cho anh em. Mình sẽ nhận tiền của anh em lao động bên đó, và dùng internet banking để chuyển cho người thân của bạn đó ở VN vì ngân hàng Việt Nam chỉ gửi cái code để thực hiện giao dịch internet banking qua SMS thôi, chứ không có gửi qua viber zalo. Lúc đó ở bên đó chỉ có mình là có số VN nhận được SMS do roaming. Ban đầu mình lấy % bằng với bên ngân hàng Israel, nhưng sau đó thì không lấy % luôn vì đang cần tiền shekel, hàng bán ở VN, khách chuyển vô tk VND bên VN nên mình luôn cân bằng 2 dòng tiền.
Buôn bán bên đó mình còn dư được 1 tỷ, chính xác là vậy. Mình gửi cho mẹ mình sửa cái nhà ở Cao Lãnh, đi chơi khắp Israel và về VN thì đi xuyên Việt 1 chuyến, còn dư 715 tr đóng vô cổ phần mua đất làm farm, còn nợ chủ đất 35 triệu. Sau đó là 1 cái Tết ở Israel, thêm cái Tết rồi mình cũng không về nhà, mãi sau mùng 10 mình mới về. Năm nay mình cũng sẽ về chơi trước hoặc sau Tết, hoặc đưa gia đình đi du lịch. Ước muốn vậy thôi chứ giờ mình trắng tay, không có đồng nào. Vì cây trồng toàn dài ngày, 4-5 năm nữa mới bắt đầu cho trái.
À ông chủ farm cũ bữa còn chỉ mình 1 chiêu này nữa, bạn nào quan tâm thì bấm dấu +/- để theo dõi vì mình sẽ chia sẻ cho người quan tâm thôi. Mình sẽ không đăng lên đại trà đâu vì có nhiều người không thích đọc chuyện làm ăn mấy.
Hoảng Nản
(Các bạn follow facebook của mình để nhận được bài sớm nhất nhe).
Vài comment của bạn đọc:
- Điểm +: Bài viết rất hay. Cảm nhận được độ hiểu biết của cậu boss hiểu rộng, sâu ghê nơi. Nhớ đợt mình thực tập ở đây, nói gì ra cũng chẳng biết, cứ ngơ ngơ, boss bình tĩnh, ra hiệu chỉ tay vào đầu, ý bảo mình dùng đầu suy nghĩ. Có thể đúng hoặc sai, nhưng cố gắng động não để nghĩ và làm sẽ biết được nhiều, nhớ được lâu.
- Điểm -: Đọc mê man, một tay lướt lướt kéo nội dung lên để đọc tỉ mỉ từng từ. Một tay lắc lắc rung rung, nhịp nhịp, lắc lắc lắc… xong….Bộp 1 cái. Ruột gan cái đt yêu vấu của mình văng tung toé, lúc ấy mình mới tỉnh người.
Rõ bài viết có ĐỘC TỐ: ĐỌC SẼ NGHIỆN
さけ くん + mình rất mê ngành nông nghiệp của Israel. mấy năm trước khi đời chơi vơi cũng tìm hiểu tính đi thực tập nông nghiệp Israel ở trường Nông Lâm TPHCM mà ko đủ điều kiện đi nên về quay qua đi Nhật. giờ cũng ko hối hận mà chỉ hơi tiếc sao ko biết sớm để đi nc ngoài sớm hơn thui ah
Đức Trọng +/- mình củng ở BP bài viết và trải nghiệm của bạn rất hay, bạn gặp được người thầy đầu tiên khá tốt đấy, làm việc với tinh thần trách nhiệm là thứ còn thiếu đối với các bạn trẻ hiện nay mình thấy đâu đó những mẫu chuyện của Tony trong này. Chúc bạn nhiều sức khoẻ và ngày càng thành công
Tống Thị Huyền Trang Chị + nhiều dấu được hơm, vì thích được nghe em kể chuyện làm ăn
Trần Hoàng Tú Ko hiểu ở Israel như thế nào, nhưng khi T đi Châu Phi ( Cameroon) thì ko cần Roaming, vẫn nhận dc Sms của Bank và vẫn thực hiện giao dịch trên Internet Banking hoặc Bankplus hoặc Viettel Pay.
Duc Nguyen Anh thắc mắc vì sao em không đăng kí ngân hàng TPB dùng app Mobile Token không cần dùng đến SMS ?
Trần Thanh Quang Duc Nguyen em dùng Maritime bank, và thấy token nửa năm nay mới có, còn những năm trước thì cần sms nhận code.
Nguyễn Quý Ngọc + hay lắm Hoảng Nản à. Status của em có dài đến đâu thì cũng đọc hết. Kiểu gì cũng có chuyện hay, ý nghĩa mà cũng hài hước nữa+
Y Thien Adrong + quan tâm chi tiết về cách tiếp cận khách hàng, vòng xoay vốn và biên lợi nhuận theo từng target tháng/quý/năm
Bình Nguyễn + cám ơn câu chuyện của N. Mình rất thích câu : “đúng là không phải tài sản của tụi nó nên chẳng trách nhiệm gì”
Anh Thư Lý + Bài viết của bạn hay và hữu ích. Mình thì rất thích đọc về chuyện làm ăn, đọc bài này xong, giờ đang tò mò chiêu còn lại của bạn đây.