Tính âm dương của Ngũ Hành, Ngũ Khí
Ta thường nghe nói về Ngũ Hành và Ngũ Khí.
Ngũ Khí thì thanh nhẹ, bay lên trên, hướng thượng, hướng ngoại.
Ngũ Hành thì trọng trược, giáng hạ, lắng đọng, hướng nội.
Thực ra thì Ngũ Hành và Ngũ Khí đều nói về sự vận hành của năm nguyên tố phổ biến của vũ trụ là Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ.
Khi nói về tính thanh nhẹ, tạm hiểu là tính dương, của các sự vận động tương quan sinh diệt của năm nguyên tố thì ta dùng từ Ngũ Khí để ám chỉ. Khi nói về tính trọng trược, tạm hiểu tính âm của các sự vận động tương quan sinh diệt này thì ta gọi Ngũ Hành để nói.
Về màu sắc, ta vẫn thường nghe nói xanh, vàng, đỏ, trắng, đen là màu biểu trưng của năm nguyên tố này. Trên thực tế, đó chỉ là đại khái phổ biến, chứ màu thì mỗi nguyên tố đều có khá nhiều màu, đó là chưa nói thêm về sắc độ đậm nhạt của các màu theo sự kết hợp của năng lượng âm dương vận hành. Những gì chúng ta nói tới, đọc nghe thấy biết từ kinh điển sách vở tư liệu xưa nay, trên thực tế rất bị hạn chế bởi ngôn từ và hạn chế cả mặt trải nghiệm thực tế với thế giới quanh mình.
Bài chia sẻ này gợi cho quý vị một cái nhìn mở rộng hơn đối với Ngũ Nguyên Tố, ở hai khía cạnh tính âm dương mà chúng ta vẫn thường hay quen miệng gọi là Ngũ Hành và Ngũ Khí.
1. Hỏa Nguyên Tố
Hỏa mạnh mẽ nhất trong vũ trụ, chính là lửa ở mặt trời, Thái Dương. Hỏa ấy thuần dương cực đại, màu biểu trưng phổ biến chúng ta thường thấy là màu cam, màu vàng, thỉnh thoảng thấy màu đỏ tươi.
Nhưng nếu nhìn thẳng vào Thái Dương, người có nhãn lực cao, nhìn không bị chói, không chớp mắt, sẽ có thể nhìn thấy được dải ánh sáng cửu sắc từ mặt trời lan tỏa ra. Giữa trung tâm chính là màu trắng, lan tỏa ra màu tím, tím hồng cánh sen, xanh biển đậm, xanh da trời nhẹ, xanh lá cây, cam, vàng, đỏ. Hết dải màu từ trung tâm đó, lan ra ngoài thì chúng ta thường thấy màu cam, vàng, đỏ nhè nhẹ.
Kế đến là các loại lửa khác như:
- – Lửa từ cây khô, củi, giấy, hộp quẹt gas thì màu phổ thông là cam, vàng.
- – Lửa từ núi lửa phun trào, dung nham, kim loại nóng chảy thì có màu cam, đỏ vàng, vàng nhẹ gần chuyển sang trắng.
- – Lửa của bếp gas, que diêm thì có màu tím nhẹ, xanh, vàng. Lửa này tính âm khá nhiều do khí gas có nguồn gốc là vật chất hoại diệt, uế khí mà hình thành.
- – Lửa của than tổ ong cũng là lửa âm vì mang uế khí có thể gây ngộ độc khi đốt cháy thì giải phóng năng lượng ô trược ấy.
- – Lửa ma trơi ở nơi có xác phân hủy thì phảng phất lập lòe màu xanh lá cây, xanh nhạt, tím nhẹ. Lửa này cũng là lửa âm hàn chứ rất ít có dương khí.
2. Thổ Nguyên Tố
- – Đất nơi miền khô cằn thì có màu đỏ, đỏ nâu.
- – Đất đá núi lửa thì thường có màu xám đen, đỏ nâu đen đậm.
- – Một số vùng núi có nhiều lớp trầm tích, khoáng chất đặc biệt thì đất núi ở đấy có đủ màu, có cả dải màu cầu vồng.
- – Đất cát ở vùng gió biển thì thường có màu vàng nhẹ, màu hơi ngà cho đến màu trắng sữa.
- – Đất tro từ lửa thiêu cháy các vật loại khác thường có màu đen, xám tro, xám nhẹ gần như màu trắng, trắng.
- – Đất bùn thì xám đen.
- – Đất có nhiều xác động thực vật phân hủy nhiều năm gọi là đất thịt thì thường có màu đen đậm hoặc là nâu đen.
3. Kim Nguyên Tố
– Kim loại thì có đủ màu từ trắng, xám, đen của nhôm thiếc, sắt thép, đỏ nâu, nâu, đỏ của các hợp kim, xanh của thanh đồng cho đến vàng của vàng ròng, trắng xám của bạc, trắng của bạch kim.
– Kim của ánh sáng thì có màu vàng, trắng, ánh sáng của sao trời, không trung bầu trời. Đây là Kim có tính dương cực cường đại.
4. Thủy Nguyên Tố
– Nước mưa, sông, hồ, suối, biển thì thường có màu trắng trong. Đây là Thủy tính dương cao nên có khả năng tịnh hóa, thanh tẩy, hồi phục khi uống và tắm trong ấy. Nhưng mà các dòng nước ấy nếu bị ô nhiễm thì cần thận trọng khi tiếp xúc trực tiếp, càng thận trọng hơn khi uống, tắm gội.
– Nước cống thì có màu xám đen và hôi, tính âm hoại diệt cao, không phù hợp cho việc tắm, uống.
– Máu thì có màu đỏ tươi, tính dương cao nên nuôi sống động vật. Khi bị ô nhiễm, có độc thì sẽ chuyển thành màu sạm, đỏ thẫm hay đỏ nâu, đen, vàng, xanh nhạt mang tính âm hoại diệt. Lúc bấy giờ, cơ thể cần đào thải chất dịch ấy ra khỏi thân mới khỏe nên thường gọi nó là máu độc hay mủ.
– Nhựa cây có màu trắng, xanh, nâu, có tính dương cao hơn tính âm một chút chứ không quá cao vì dưỡng chất phần lớn chủ yếu lấy từ đất hầu hết đều là năng lượng âm, lại thêm cây trao đổi khí với môi trường hấp thu khí xấu, độc vào nên cũng là hấp thu năng lượng tính âm vậy. Nhưng nhờ có lá quang hợp, giúp cây hấp thu được năng lượng tính dương để giúp cây phát triển, sinh tồn lâu dài.
– Dịch sinh dưỡng, hay máu của một số loài động vật, thực vật tuy không có màu đỏ phổ thông, có màu trắng nhạt, hoặc vàng hơi dính nhưng vẫn là máu nuôi sống các sinh mệnh ấy.
5. Mộc Nguyên Tố
– Mộc của lá cây phổ thông có màu xanh lá cây, một số loại lá cây có màu nâu, tím, trắng, vàng, đỏ, cam tùy theo mùa mà cây thay đổi màu lá.
– Mộc của thân cây thì thường có màu xanh lá cây đậm với các loài thân thảo mộc, hoa cỏ nhỏ, dây leo ngắn ngày. Với các loài thân gỗ, dây leo, hoa cỏ sống lâu năm thì có màu nâu, đỏ nâu, nâu đen, xám, xám tro, trắng.
– Mộc của rong rêu thì có màu xanh lá, xanh rêu, nâu, tím. Mộc này đa phần đều là khí âm nhiều hơn khí dương.
– Mộc của nấm thì muôn màu sắc không thể nghĩ bàn. Mộc này chủ yếu là âm hàn, hiếm có loại nấm nào mang dương khí. Chỉ có mấy loại nấm linh chi, nấm cổ thụ lâu năm sinh trưởng ở nơi vừa ẩm thấp lại vừa có ánh sáng mạnh, không khí trong lành thì nấm ấy dương khí mới nhiều.
– Các loại củ đa phần đều mang tính âm cao do được hình thành trong lòng đất âm hàn, hiếm có loại củ nào mang tính dương cao.
– Các loại hạt hầu hết đều mang tính dương khá cao, nên ăn hạt nhiều thì dễ bị nóng trong người, hiếm có hạt nào mang tính âm cao.
– Rễ và thân cây thường có tính bình. Do rễ cây là phần hút trực tiếp dưỡng chất từ đất nuôi sống cây, phần đầu mút tiếp xúc đất ấy hiển nhiên là mang tính âm cao. Nhưng do rễ là phần cốt lõi sống của cây, mà thân cây lại là phần tiếp xúc ánh nắng mang khí dương cao nên rễ và thân trung hòa nhau, đều mang tính bình vậy. Một số ít loại cây đặc trưng có mang tinh dầu, mùi thơm đậm trong thân thì thân cây ấy có tính dương cao.
…
Chia sẻ đôi điều về tính dương, tính âm của các loại năng lượng Ngũ Nguyên Tố phổ biến trong sự vận hành vạn loại. Màu sắc thì muôn màu muôn vẻ để chúng ta nhìn lại vấn đề cái gọi là ngũ sắc hay năm màu tượng trưng Ngũ Nguyên Tố cũng chỉ là đại diện, mường tượng, phổ thông chứ không phải là tất cả đều sẽ như thế.
Cho nên quý vị có nghiên cứu huyền học, dịch lý… đụng đến Bát Quái Cửu Cung, Ngũ Hành Ngũ Khí thì vui lòng đừng mất thời gian cho việc tranh luận về màu nào tính nào là đúng, là sai. Vì tất cả cũng chỉ là tương đối một góc nhìn nào đó mà thôi.
Tự mình phá vỡ các giới hạn của tri thức kiến giải, sẽ tự mình tinh tấn, trưởng thành đến mức độ có thể hòa nhập cùng sự vô hạn của Đại Vũ Trụ.
Ngũ hành xoay chuyển giữa trời nhung
Nương bóng Chí Linh hiệp Cửu Trùng
Liễu phận hoa nhường khi thẹn nguyệt
Hạnh tài khoe sắc trước Thiên Cung.
Đức Ngũ Nương Dao Trì Cung – Đức Liễu Hạnh Tiên Tử giáng cơ đề thi