Ẩn dụ về Nhận Biết Tự Nhiên
Chiều đầu hè thầy trò ngồi trên bãi biển Hội An, một số học trò muốn biết phải làm sao để hiểu và nhớ về Nhận Biết một cách dễ dàng.
Biển xanh, những con sóng nhẹ xô bờ và gió rì rào trên bờ cát.
Thầy Trong Suốt liền cảm hứng phóng tác bài thơ.
???? BỐN ẨN DỤ VỀ NHẬN BIẾT ????
Nhận Biết bao la tựa bầu trời
Nghĩ suy mây khói khởi muôn nơi
Ngay giữa nghĩ suy vẫn đang biết
Mây khói sao che nổi bầu trời
Nhận Biết sáng trong giống mặt gương
Bao nhiêu hình ảnh hiện rõ ràng
Ảnh dẫu mịt mờ gương vẫn sáng
Chảng phải chùi lau vẫn Niết bàn
Nhận Biết thẳm sâu tựa đại dương
Ôm trọn muôn trùng nghĩ khởi tan
Sóng nhỏ sóng to đều từ nước
Nghĩ xuôi nghĩ ngược: Biết là nguồn
Nhận Biết rạng rỡ giống màn hình
Muôn vàn cảnh vật chiếu lung linh
Thưởng cảnh mà không chìm vào cảnh
Đại lạc! Vô cầu! Hiện rõ rành.
– Trong Suốt –
Hội An 19/4/2021
Một sáng tháng Tư, trong lúc đang nằm thảnh thơi bên hồ bơi, Thầy Trong Suốt bỗng nhắc lại câu nói: “Cùng nhau chúng ta sẽ về Nhà, bạn nhé!” – Nhà ở đây là gì, các con biết không?
Học trò bèn xin thầy giải thích. Thế là bài thơ “Chiếc giường” ra đời.
CHIẾC GIƯỜNG
Giống như người mộng ngủ trên giường
Thấy mình du lịch khắp mười phương
Chưa từng rời giường bao giờ cả
BIẾT luôn bất động, hệt như giường
– Trong Suốt –
Nam Hội An, 20/4/2021
CON VOI
Thấy dấu chân voi trước hiên nhà
Vội lần theo vết đến rừng xa
Luẩn quẩn cả ngày về chốn cũ
Tổ cha! Voi vốn ở trong nhà.
SUY NGHĨ
Mọi việc chỉ trong suy nghĩ thôi
Thực tại: Biết luôn sáng ngời ngời
Ví thử đừng quên đơn giản ấy
Không tu mà Phật chẳng tách rời
Nghĩ ngược nghĩ xuôi xuôi ngược mệt
Không nghĩ cũng không tránh nổi đời
Nghĩ đến nghĩ đi, đều trong Biết
Mây có hay không, vẫn bầu trời
Tin rằng suy nghĩ là sự thật
Luân hồi muôn kiếp mãi chửa thôi
Thấy rõ nghĩ suy chỉ là Biết
“Niết bàn” “Sinh tử” rụng sạch rời
Bầu bạn sớm khuya cùng Tự tính
Một trời đại lạc há nhỏ nhoi
Ai bảo tu hành là khổ hạnh
Đạp cho một đạp, bắn lên trời !
❤, Trong Suốt
Xem thêm:
- Con đường Trong suốt – Nhận biết tự nhiên
- Thế nào là nhận biết tự nhiên?
- Tiếp tục trò chuyện về nhận biết tự nhiên
- Cắt xuyên qua mọi nhầm lẫn
- Thái độ với cảm xúc tiêu cực ntn?
- Con chính là cái mà con tìm kiếm
- Mọi việc đều hoàn hảo, ngay lúc này
Hội thơ bãi biển đánh dấu:
“MỘT THỜI ĐÃ QUA & VỀ VỚI QUÊ NHÀ”
???? Tại bãi biển Đà Nẵng lộng gió đêm 22.04.2021, các thành viên CLB Phát triển bản thân Trong Suốt đã có cuộc thi làm thơ về Nhận Biết – một sự thật mà các bạn vừa được học trong hơn 1 tuần nay. Các bạn được chia làm 2 đội để ứng đối với luật chơi như sau:
1️⃣- Đội chơi viết một cặp câu lục bát có ý nghĩa nhắc sự thật về Biết. Yêu cầu câu thơ có ít nhất 1 trong 3 từ “Qua”, “Biết” hoặc “Nhà”
2️⃣- Đội còn lại sẽ nối vào cặp thơ đó một cặp thơ lục bát với yêu cầu tương tự.
3️⃣- Nếu câu thơ được ứng đối chưa đủ hay, đội đang đến lượt có quyền giành lượt để tăng điểm. Cứ như vậy mà các câu thơ được nối dần đến khi hết giờ thì kết lại toàn bộ cả bài thơ.
???? Sau 5 tiếng đồng hồ cam go thi thố – Một bài thơ đã ra đời với những áng thơ nghịch ngợm và sâu sắc:
♦️THẤY BIẾT LÀ THẤY NHÀ♦️
Bao đau khổ đã can qua
Nhận ra đang Biết là về Nhà ngay
Thầy ơi tánh Biết thật hay,
Con ngồi con nhớ những ngày phải thi
Về Nhà cứ tưởng phải đi
Hoá ra Nhận Biết tức thì ngay đây
Biết này ôm trọn trời mây
Trùm luôn biển cả hàng cây vào lòng
Hoà vào Nhận Biết là xong
Cuộc đời ý nghĩa chẳng mong thêm gì
Ăn ngủ ỉa cũng li kỳ
Cốt là trong Biết ỉa gì cũng vui
Thúi, thơm, thum thủm đủ mùi
Ỉa trong Nhận Biết không chùi vẫn ngon
Hôm qua con vẫn thấy con
Bây giờ vô ngã, chỉ còn Biết thôi
Thời nghiêm túc đã qua rồi
Giờ luôn nhớ Biết khắp nơi là Nhà
Tưng bừng tận hưởng hát ca
Không gian của Biết bao la muôn trùng
Chủ quan là chết hãi hùng
Không nhớ về Biết là khùng là điên
Điên trong Biết chẳng ngán điên
Điên như Đạo Tế không phiền không lo
Ngày sau dẫu có đói no
Trong Nhà có Biết là kho báu rồi
Ngàn năm con quỷ cái tôi
Tan trong Nhận Biết một trời tự do
Cứ tưởng đấu Pháp gay go
Thì ra là Biết pha trò cho xem
Cố lên hỡi các anh em
Trò chơi trong Biết phải kèm drama
Dẫu rằng có bị thua xa
Cay cú trong Biết cũng là thắng to
Qua sông nhớ bỏ con đò
Ở Nhà đã Biết chớ lo bản đồ
Luân hồi quanh quẩn phát rồ
Không tìm về Biết xuống mồ quẩn quanh
Nấm mồ sinh tử tan tành
Mặt gương Nhận Biết rõ rành ngay đây
Nay Biết mới chính là Thầy
Trời ơi! Giác ngộ!!! Sẵn ngay trong Nhà.
———
Bãi biển Đà Nẵng 22/4/2021
ANH NẾU BIẾT
“Anh nếu biết, cuộc đời là thế ấy,
Còn gì đâu vướng bận ở lòng anh.
Ai cười vui năm trước,
Ai khổ đau tháng này,
Ai tiền rừng bạc bể,
Ai bát cơm khó đầy,
Ai vinh quang tột đỉnh,
Ai tủi nhục cùng đồ?
Dòng đời cứ trôi, trôi qua mãi,
Năm tháng mang đi, đi kiếp người.
Đâu tá những ai, ai cố giữ,
Còn chăng chỉ thấy một nấm mồ!
Hồ thu nước trong vắt,
Vầng trăng hiện sáng ngời.
Trẻ thơ đua nhau vớt,
Vớt mấy vẫn tay không.
Thôi đừng ngây thơ nữa,
Ngửa mặt nhìn trời trong.
Ô kìa! Vằng vặc trăng đêm vắng,
Đã hết, khổ công nhọc vớt mò.
Nay được thấy trăng, trăng rạng rỡ,
Còn đâu run rẩy lặn tìm trăng!
Anh nếu biết, cuộc đời là thế ấy,
Còn gì đâu vướng bận ở lòng anh.”
– Thiền Sư Thích Thanh Từ –
(Thiền viện Thường Chiếu, xuân Kỷ Tỵ 1989)
SÁCH VỀ BIẾT
Học Pháp Biết cốt ở niềm tin, và đọc sách về Biết là cách để tăng trưởng niềm tin, để hiểu đúng về Biết, để hiểu sai về Biết rồi hiểu đúng lại. Những cuốn sách dưới đây có thể đọc tham khảo về Biết
1. Sự Thật Về Giác Ngộ – tác giả: Adyashanti: ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, chân thành nhưng đầy sức mạnh, đánh thẳng vào nhầm lẫn, ảo tưởng của chúng ta về giác ngộ. Nhưng cũng đầy sự thông cảm, ấm áp, khích lệ ta trên hành trình tìm ra bản chất của mình.
2. Sáu Yoga của Naropa. Mở đầu là Bài ca Đại Ấn của Tổ Tilopa (2 vị Tổ này đã đủ uy tín rồi ha) rất hay và truyền cảm hứng ạ. Có bản PDF trên mạng cho ai không có sách nhé.
3. Kinh Thủ Lăng Nghiêm: có nhiều trích đoạn Sp đã đọc cho mọi người trong những bài giảng về Biết. Trong kinh Đức Phật có chỉ ra nhiều ẩn dụ về Biết, so sánh, phân biệt Biết và nội dung của Biết, nhiều chỗ ngôn ngữ hơi chuyên môn nên có thể khó hiểu một chút ạ.
4. Tuệ Trung Ngữ Lục – Sách về những bài kệ đầy cảm hứng của Tuệ Trung Thượng Sĩ được hoà thượng Thích Thanh Từ diễn giải. Với câu kệ nổi tiếng : “Anh chẳng thèm làm Phật, Phật chẳng thèm làm anh!” Hay câu “Nếu gặp Cồ Đàm ưa nóng lạnh; Sao không đưa chân cho một đạp”.
5. Đạo Đức Kinh của Lão Tử: Ở đây Đạo chính là Biết. Chắc mọi người đã nghe câu “Đạo khả đạo, phi thường đạo” là của Lão đấy ạ. Sách phần đầu nói về Đạo, phần sau nói về cái mà Đạo sinh ra. Theo mình biết thì Đạo Đức Kinh là nền tảng cho lý thuyết về Âm dương, ngũ hành, bát quái,…các môn ứng dụng sau này như Tử vi, tướng số, tứ trụ…
6. Sự nhảy múa ảo diệu – Thinley Norbu: Có một số đoạn nói về Phật tính, Phổ Hiền Như Lai rất hay ạ.
7. Bạn nấu ăn cuộc đời bạn như thế nào? – từ Thiền nấu bếp đến Giác Ngộ. Tác giả không dùng từ Biết mà dùng từ Tự Ngã. Và thiền ngay trong cuộc sống hàng ngày: rửa bát, nấu cơm, quét dọn….rất thú vị ạ.
8. Thơ của Rumi: Các bạn google sẽ thấy nhiều bài thơ, đọc không hiểu lắm nhưng rất cuốn, kiểu blow the mind, rất cảm hứng
9. Những khai thị từ Đức Liên Hoa Sanh về Con đường Đại Toàn Thiện. Trong cuốn này có phần “Chỉ cây gậy vào người già” mà mọi người đã được nghe trong buổi Hỏi đáp về Biết ạ.
10. Kinh Duy Ma Cật:
11. Pháp bảo đàn kinh – Lục tổ Huệ Năng:
12. Sức mạnh của hiện tại; Thức tỉnh mục đích sống; và một số cuốn khác của Eckhart Tolle
…..
Bạn đọc comment:
Hanh Nguyen
Sách số 7: chị ko tìm đc, tên sách đúng chưa?
Vũ Tấn Hanh Nguyen
sách này ko bán c ạ. Bên Thiện Tri Thức ấn tống
sách này năm nay mới xuất bản nên tìm trên mạng chưa có các bạn ạ. Ngôn ngữ thiền nên cũng hơi khô và khó đọc (không quá hấp dẫn như tựa đề lắm đâu ạ).
Minh Phong
Tên sách: I AM THAT
Tác giả: Nisargadatta Maharaj. Ông là đạo sư người Ấn Độ – đạo Hindu
Sách viết lại theo dạng Hỏi – Đáp gồm 101 tiêu đề.
Mình mới chỉ đọc được 1/5 cuốn.
Cảm nhận ban đầu khi đọc ví như mình bước vào khu đất có vàng. Cứ sàng lọc thì vàng hiện ra. Cần thời gian và sự chiêm nghiệm.
Không phải cố hiểu hết tất cả những gì trong sách.
Mình bỏ qua các câu hỏi không thấy quan trọng hoặc không hỏi vào cái gốc Biết hay nhận thức thế giới quan.
Ông không dùng từ Biết mà dùng thẳng I – TÔI (Viết hoa).
Ở đây cần rõ TÔI là cái Biết tự nhiên chứ KHÔNG phải là “tôi”, bản ngã, cái thân tâm này.
Link bản Eng:
http://www.maharajnisargadatta.com/I_Am_That.pdf
Tuyen Vo Quoc
Mình đã đọc Đạo Đức Kinh, Kinh Duy Ma Cật và Pháp Bảo Đàn Kinh từ lâu lắm, ko còn nhớ nhiều về nội dung, nhưng xin tham gia những ý kiến nhỏ nhoi sau:
1) Đạo Đức Kinh hơi khó đọc và hiểu. Cách viết quá cô đọng của tiếng Hán làm cho cả những dịch giả có tiếng như Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần có chỗ còn chưa hiểu rõ nghĩa. Lão Tử viết xong Đ Đ K thì quy ẩn ko lời giảng giải, ko có học trò nên nhiều nội dung DĐK chưa sáng tỏ.
Tuy nhiên cần lưu ý ĐẠO trong Đ Đ K ko phải là Pháp Thân, Chân Như, Tánh Không, . . . Trong Đ Đ K cũng ko chứa đựng Tứ Pháp Ấn của đạo Phật: Vô Thường, vô ngã, khổ, tánh Không (hay Niết Bàn).
Tuy vài bậc Đạo sư có trích dẫn Đ Đ K khi giảng pháp như:
Đạo khả đạo, phi thường đạo,
Danh khả danh, phi thường danh.
Hoặc:
Vô, danh thiên địa chi thủy;
Hữu, danh vạn vật chi mẫu.
Hoặc:
Cố thường vô, dục dĩ quan kì diệu;
Thường hữu, dục dĩ quan kì kiếu.
Là để làm rõ nghĩa thêm thôi.
Cho nên các bạn nếu đọc để tăng hiểu biết thì nên lưu ý.
Nếu đã đọc Đ Đ K thì mình đề nghị đọc thêm Nam Hoa Kinh của Trang tử (người tự xưng là học trò Lão Tử dù cách nhau khoảng 1 thế kỷ) với tư tưởng phóng khoáng và vượt thoát mọi ràng buộc. Các thiên Tiêu Dao Du, Tề Vật Luận trong NHK rất gần với Đạo Phật.
2) Kinh Duy Ma Cật là kinh thượng thừa, nhấn mạnh đến tánh Không với pháp Bất Nhị. Thú thật các bạn là hồi năm mình 17 tuổi, đầu óc còn lanh lẹ mà phải đọc đến 4 hoặc 5 lần mới hiểu mang máng thôi.
Kinh Duy Ma Cật là tiêu biểu cho tư tưởng Đại Thừa, phê phán tư tưởng Tiểu Thừa. Ngài Duy Ma Cật (với hạnh Bồ tát) đã hàng phục tất cả các Đại Đệ tử của Phật kể cả Bồ Tát Văn Thù (được cho là theo hạnh Thanh Văn, Duyên Giác).
Việc Ngài DMC thắng trong tranh biện với các Đại Đệ tử của Phật và Văn Thù chỉ do tác giả hư cấu để có phương tiện trình bày luận giải về tư tưởng Đại thừa thôi, chớ thật sự học trò của Phật đâu có dở như vậy. Các bạn đọc thì đừng chấp đó là sự thật nhé.
3) Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục tổ Huệ Năng đọc rất hay và sâu, với tinh thần Phá Chấp ko thua kém bài kệ đối đáp với Thần Tú năm xưa.
Tuy nhiên mình tự hỏi: Tương truyền Huệ Năng mù chữ, muốn viết bài kệ cũng phải nhờ người viết giúp, mà sao trong PBĐK, Huệ Năng giảng lưu loát, cao siêu đến vậy? Có lẽ do các đệ tử khi viết kinh này, chép lại lời Thầy đã hiệu đính lại tuy vẫn giữ tư tưởng của Thầy.
Nếu đã đọc Pháp Bảo Đàn Kinh, thì về độ Phá Chấp mãnh liệt và chỉ thẳng cái Biết, mình đề nghị đọc Lâm Tế Lục là ngữ lục của Thiền sư Lâm Tế, trong các bản dịch thì bản dịch của Thích Nhất Hạnh, theo mình, là hay và sát nghĩa nhất.
Các bạn thấy hứng thú thì thử đọc xem nhé!
Phạm Minh Thanh
Sức mạnh của hiện tại; Thức tỉnh mục đích sống; nếu có thể thì đọc cả 5 quyển sách này của Eckhart Tolle, bậc GN viết đây ạ!