Những lợi điểm và Mặt hạn chế của thực phẩm chay giả mặn
Việt Nam là đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời, khái niệm ăn chay đã không còn quá xa lạ với tất thảy mọi người nữa. Nhất là thời gian gần đây, số lượng người ăn chay cũng trở nên nhiều hơn vì nhiều lý do: giác ngộ Phật pháp, vì lý do sức khỏe, vì môi trường, vì yêu động vật…
Cũng chính vì sự phát triển như thế này mà trên thị trường xuất hiện càng nhiều những loại thực phẩm chay giả mặn. Mọi người nói rằng đã ăn chay rồi mà còn nghĩ tưởng đến tép tôm thịt thì ăn chay để làm gì.
Mặt hạn chế của thực phẩm chay giả mặn
Thứ nhất, như Đức Phật đã nói trong Kinh Pháp Cú:
Tâm hay ý chính là đầu mối của mọi sự khổ đau.
Trong vấn đề này cũng vậy, mục đích chính của việc ăn chay không phải vì theo Đạo Phật mà phải ăn chay, thời Đức Phật còn tại thế Ngài cũng đi khất thực để sống, ai cúng dường gì thì ăn cái nấy, không đòi hỏi chay mặn. Vậy mục đích của việc ăn chay là gì? Chính là tâm từ bi. Tâm từ bi chính là nhân tố quan trọng giúp một người bắt đầu tập ăn chay và duy trì đều đặn để nó trở thành một thói quen.

Do vậy mà việc phát sinh ra tâm từ sẽ giúp cho việc ăn chay trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Như vậy, khi ta đã ăn chay mà còn dùng các món ăn làm hình dạng các món ăn mặn như cá, tôm, mực, thịt,… sẽ khiến cho ta bị tổn thương tâm từ, thêm nữa, đó là một cách nhìn tà kiến, nhìn bột, rau củ, tàu hủ ra đùi gà, cá, thịt, không thấy được chân tướng của sự vật, điều này hoàn toàn không tốt cho việc tu học chút nào.
Chưa kể đến nhiều loại thực phẩm chay hiện nay chứa nhiều hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Những lợi điểm theo cách nhìn tích cực của thực phẩm chay giả mặn
Mặc dù vậy, nhưng ta vẫn có thể nhìn nhận thực phẩm chay theo một hướng tích cực. Thử tưởng tượng tất cả mọi người trên thế giới này đều chuyển sang sử dụng thực phẩm chay giả mặn, có phải vô số chúng sinh có thể thoát được cái chết hay không. Điều đó có ý nghĩa không nhỏ chút nào.

Hơn nữa, ở thời Đức Phật còn tại thế, có 3 loại thịt mà chúng tăng được phép ăn gọi là tam tịnh nhục (3 loại thịt thanh tịnh) đó là:
- không thấy (không nhìn thấy chúng sinh bị sát hại),
- không nghe (không nghe thấy tiếng kê la thảm thiết của chúng sinh khi bị sát hại),
- không nghi (không nghi ngờ là chúng sinh bị giết chỉ vì phục vụ cho bữa ăn của riêng mình).
Khi sử dụng 3 loại thịt này thì nghiệp sát sinh trở thành gián tiếp, nhẹ hơn nghiệp sát sinh trực tiếp rất nhiều (*). Như vậy, có thể thấy rằng việc sử dụng thực phẩm chay giả mặn cũng không phải là một tội lỗi quá lớn lao.
Kết luận
Thế thì mình xin đưa ra một lời khuyên, hy vọng sẽ hữu ích cho bạn khi sử dụng thực phẩm chay giả mặn. Khi sử dụng những loại thực phẩm này, phải luôn nhìn thấu suốt rằng chúng được làm từ thứ gì, đó là một cách nhìn thấu suốt đến bản chất của sự vật, biết rõ cái đùi gà này làm từ bột, xương này làm bằng cọng sả, với cách nhìn như vậy, ta biết rằng mình đang sử dụng thực phẩm chay, không làm từ thịt của chúng sinh, không gây đau khổ cho chúng sinh. Vừa không tổn thương lòng từ, vừa loại bỏ tà kiến. Mình nghĩ rằng nó vẫn là một cách làm đúng đắn. Khi đã có thói quen ăn chay, nên hạn chế sử dụng thực phẩm chay giả mặn, vừa có lợi cho sự tu học, vừa có lợi cho sức khỏe.

Việc sử dụng thực phẩm chay giả mặn khiến ta bị tổn thương lòng từ bi, nghĩ đến việc sát hại chúng sinh để phục vụ cho việc ăn uống của mình, hơn nữa nó còn tạo nên cái nhìn tà kiến, không nhìn rõ bản chất của sự vật mà chỉ nhìn thấy sự hiển hiện qua hình dáng bên ngoài của chúng. Tuy nhiên, việc sử dụng thực phẩm chay giả mặn cũng đã giúp cho rất nhiều chúng sinh thoát khỏi cái chết, cho nên đó không phải hoàn toàn không đúng. Khi sử dụng thực phẩm chay giả mặn nên chú ý nhìn thấu suốt bản chất thực sự của chúng là làm từ nguyên liệu gì, từ đó thấy rõ mình không giết hại chúng sinh để phục vụ nhu cầu ăn uống, cũng hạn chế được cách nhìn tà kiến.
Vấn đề thực phẩm chay giả mặn dưới góc nhìn từ Phật giáo
Có nên sử dụng món ăn chay nhưng giả theo món mặn?
Có nên đặt tên món chay giả mặn hay không? – Đại đức Thích Thanh Huân
Hiện nay rất nhiều người có quan điểm hoặc sự hiểu biết chưa đúng về các món chay cho nên việc tạo ra các sản phẩm chay bắt chước hình tướng của thực phẩm mặn sẽ tạo cho nhiều người có cảm giác đang ăn thức ăn mặn và họ dễ tiếp nhận đồ chay hơn.
Hiện nay ăn chay đã được xem như một cách để giảm bớt nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm nhưng nhiều người trong số đó đã quen ăn thịt, cá. Vì vậy, để hút khách tới quán chay đòi hỏi công nghệ chế biến thực phẩm chay làm sao tạo ra những sản phẩm thực vật nhưng lại có hương vị của đạm động vật. Đồng thời, các món này cũng phải bắt mắt nhìn như các món mặn, để đánh lừa giác quan của những người muốn ăn chay nhưng lòng còn vương vấn mùi thịt, cá.
Đại đức Thích Thanh Huân (Văn phòng I TƯ GHPG) cho hay: “Việc đặt tên món chay giả danh món mặn cũng là một bí quyết, thủ thuật rất hay của những nhà làm thương mại. Bí quyết đó nhằm đánh động được tính hiếu kỳ của con người”.
Theo thầy Thanh Huân thì, “gợi cảm” như vậy mới có thể lôi cuốn hấp dẫn người ăn chay. Cách đặt tên đó, ngoài việc đánh động thị hiếu tò mò của con người, còn có một tác dụng là làm cho người ta dần không gây thêm tội sát sinh hại vật nữa.
Hiện nay rất nhiều người có quan điểm hoặc sự hiểu biết chưa đúng về các món chay (cho rằng ăn chay như thế thì không đảm bảo – PV) cho nên việc tạo ra các sản phẩm chay bắt chước hình tướng của thực phẩm mặn sẽ tạo cho nhiều người có cảm giác đang ăn thức ăn mặn và họ dễ tiếp nhận đồ chay hơn.
“Con người vốn chìm đắm trong sắc dục, trong đó có ham ăn ham uống. Vì thế dù có ăn chay họ cũng chưa đoạn dứt được sự thèm muốn các món ăn mặn. Nhưng dù là món chay được làm theo hình dáng của thức ăn mặn thì đó vẫn là đồ chay, vẫn giảm thiểu được sự sát sinh” – Đại Đức Thích Thanh Huân nhấn mạnh.
Người tu không tự đặt tên “món chay giả mặn”
“Người tu đạo không phải là người đặt ra tên gọi của những thức ăn đó. Đây là lĩnh vực chuyên môn trong phạm vi thương mại. Đã là thương mại, tất nhiên ai cũng muốn có lợi nhuận dù đó là bán thức ăn chay” – thầy Thanh Huân chia sẻ.
Theo lời Phật dạy, người Phật tử nên tránh những thứ dục nhiễm, những thứ có tính cách gợi cảm làm cho con người sinh tâm đắm nhiễm. Trong nhà Phật thường nêu ra hai thứ dục nhiễm: thiện nhiễm và ác nhiễm.
Chúng ta cần phải tập cho mình những thói quen tốt, đó là thiện nghiệp. Thói quen ăn chay là một trong những thiện nghiệp mà người Phật tử cần phải phụng hành.
Theo thầy Thanh Huân, việc đặt tên món chay giả mặn, tuy mang tính thương mạinhưng vẫn là điều rất tốt. Trong một quốc gia nếu có được nhiều tiệm cơm chay và nhiều người ăn chay thì đó là một điều hạnh. Vì ít ra, cũng có nhiều người hướng thiện.
Trên thực tế, những người vào quán ăn chay hay tự tay làm đồ chay đâu phải tất cả là Phật tử. Có những người không phải là Phật tử nhưng họ thích ăn chay.
Còn người đặt tên “chay giả mặn” như thế cũng không có tội lỗi gì. Có thể nhờ vào sự gợi cảm bằng những tên gọi hấp dẫn đó mà nhiều người thích ăn chay. Khi ăn chaylâu ngày trở thành thói quen, từ đó họ sẽ phát tâm ăn chay trường luôn.
“Việc đặt tên món chay giả mặn như thế cũng là một cách hay để khêu gợi cảm giác thưởng thức háo ăn của con người. Và những thực khách thưởng thức ăn chay qua “nhãn hiệu” đồ mặn đó, nếu như có vọng tưởng nghĩ đến đồ mặn đi chăng nữa, cũng là điều tốt chớ không có gì là tội lỗi cả” – thầy Thanh Huân nhấn mạnh.
Món chay giả mặn không gợi cảm với người xuất gia– thầy Thích Giác Tấn
Mục đích của việc tạo ra các sản phẩm chay bắt chước hình tướng của thực phẩm mặn sẽ tạo cho nhiều người có cảm giác đang ăn thức ăn mặn để họ dễ tiếp nhận đồ chay hơn. Tuy nhiên hình thức này chỉ phục vụ cho đại đa số người tại gia, chứ những người xuất gia thì hoàn toàn không có gợi cảm gì cả.
Món chay với hình dạng phong phú, hấp dẫn nhưng không có gợi cảm gì với người xuất gia
“Rất ít người xuất gia muốn ăn các món ăn chay giả mặn vì sản xuất bằng hóa chất nhiều không tốt sức khỏe. Ăn chay lâu rồi nghe đến mùi vị đồ mặn thấy sợ” – thầy Thích Giác Tấn (Bình Định) chia sẻ.
Theo thầy Giác Tấn, khi nhìn thấy các món ăn đó, không gợi lên điều gì trong người xuất gia. Chỉ cảm thấy tội cho người ăn mặn vì mùi vị thôi mà họ sát hại quá nhiều sinh mạng, chứ ăn vào bao tử rồi thì chỉ còn là chất dinh dưỡng.
Thực phẩm chay giả mặn đang được sản xuất theo công nghệ dây truyền và trở nên phổ biến khắp thế giới. Nó được xuất hiện ngày càng nhiều trong các bữa cỗ, nhà hàng làm cho người tại gia thích thú và đôi khi còn hào hứng khi ăn.
Song đối với người xuất gia thì ngược lại. “Nếu người xuất gia ăn các món chay giả mặn chỉ vì bắt buộc và khi ăn với cái tâm không tác ý (không suy nghĩ gì – PV). Nếu ăn ở chùa thì sẽ nấu bằng nguyên liệu của rau quả, đạm bạc, đủ chất dinh dưỡng và hợp vệ sinh hơn” – thầy Giác Tấn cho hay.
Không nên lạm dụng giả món chay – Sư cô Huệ Đức
Sư cô Thích Nữ Huệ Đức – Phân Ban Ni giới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Đơn vị tổ chức các lễ hội ẩm thực chay trong Giáo hội) cho biết, Phật giáo kêu gọi mọi người ăn chay để hướng đến tâm từ bi và tránh sát sinh. Trong khi đó, việc chế biến món chay theo cách thức giả món mặn là tùy vào sở thích ẩm thực của từng chùa, từng người tu hành hay người dân.
“Thường mấy món chay giả mặn đấy có ý nghĩa về việc đa dạng hóa ẩm thực chay cho những người tu tại gia. Các món giả mặn này được phổ biến tại các nhà hàng chay, tại các gia đình phật tử hoặc những người dân mới ăn chay. Việc chế biến này là tùy thuộc vào sở thích của mỗi người ăn chay chứ đạo phật không bắt buộc và cũng không cấm đoán gì về vấn đề này” – Sư cô Huệ Đức nói.
Theo Sư cô Thích Nữ Huệ Đức, khi Ban Ni giới của Giáo hội tổ chức những lễ hội ẩm thực chay phục vụ cho các sư, thì thường không đặt tên theo món ăn mặn mà chỉ đặt tên theo thiền vị là chính.
“Thường các sư không thích làm món chay giả mạo, đa số chỉ thích ăn theo kiểu rau xanh tự chế biến, chứ không thích những món chay công nghiệp chế biến giả món mặn. Bởi những món ăn này thường được chế biến theo dạng công nghiệp và có thể sử dụng hóa chất nên không có lợi cho sức khỏe” – Sư cô Huệ Đức nói.
Cần loại trừ thói quen ăn món chay giả mặn– Đại đức Thích Nhật Từ
“Thay vì để thực khách ăn thịt những con vật thật, nhà sản xuất tạo ra những món chay giả các loại thịt để cho người ăn bớt đi nghiệp sát. Khẩu vị tiếp xúc thì giống nhau nhưng nghiệp sát mạng sống thì không có nhằm mục đích dẫn dụ người chưa quen ăn chay.
Tuy nhiên, hiện nay thực phẩm chay giả mặn không còn hương vị chay tịnh nữa mà tanh hôi. Ăn những thực phẩm đó nếu không biết trước là đồ chay giả mặn thì không thể phân biệt được giữa thật và giả” – Đại đức Thích Nhật Từ (Phó Ban hoằng pháp Thành hội Phật giáo TPHCM) nhận định.
Theo thầy Nhật Từ, lúc ăn những đồ chay giả mặn, hạt giống sát hại thầm lặng được xúc tác, tưới tẩm và nuôi lớn. Ăn thực phẩm này chẳng khác nào ăn những động vật thật dưới góc độ tâm tưởng.
Thị trường thực phẩm chay giả mặn: Ngon miệng, hại thân
Những món ăn chay dường như trở thành cứu cánh cho chị em nội trợ trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan và khó kiểm soát. Những cái tên bắt mắt như gà ướp xả, heo quay, chà bông gà… sau khi chế biến lại rất giống các món ăn mặn cả về màu sắc lẫn hương vị. Câu hỏi được đặt ra là :“Liệu chúng có thật sự an toàn?”
Thật giả lẫn lộn : Coi chừng chay giả!
Thị trường đồ chay thời gian gần đây còn có nhiều sản phẩm nhập từ Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Malaysia… Không chỉ bày bán ở chợ, thực phẩm “chay giả mặn” ngoại nhập cũng xuất hiện ở nhiều cửa hàng thuần chay tên tuổi. Nhưng thông tin sản phẩm rất “tiết kiệm”, xem nhiều bịch sản phẩm vẫn chẳng thể tìm được nhãn ghi tiếng Việt, cũng như không thấy ngày sản xuất, hạn sử dụng
Thịt gà sốt chanh dây, cá bống kho tộ, khô heo… là những món “chay giả mặn” không chỉ giống về hình thức mà cả về mùi vị. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia y tế, để có màu sắc bắt mắt, mùi vị thơm ngon, chắc chắn không thể chế biến đơn thuần chỉ bằng rau, đậu.
Ở một số sạp, khi hỏi về thực phẩm chay khô như thịt heo lát, thịt bò lát, cá, gà, vịt… tiểu thương luôn miệng khẳng định hàng ngoại nhập từ Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Nhật. Tuyệt nhiên không có ai nhắc đến hàng Trung Quốc.
Trao đổi với chủ một siêu thị chuyên nhập thực phẩm chay từ Mỹ, được biết, đa số đồ chay ở chợ đều được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.Bởi hàng chính hãng có giá không hề rẻ, không thể có giá vài trăm ngàn/kg. “Hơn nữa, Mỹ, Hàn Nhật…không có phong tục tập quán ăn chay như người Việt Nam nên thực phẩm chay của họ không thể xuất hiện các loại giống thực phẩm Việt Nam. Nếu có, chắc chắn là do người bán tự phong”, người này khẳng định.
TPHCM đã từng công bố một kết quả khiến những người ăn chay không khỏi lo ngại. Đó là hàm lượng acid oxalic, chất gây sỏi thận có trong thực phẩm chay khá cao. Kết quả này được đưa ra sau khi kiểm tra mẫu mì được dùng trong các mẫu đồ ăn chay như hủ tiếu khô, mì sợi khô, mì căn.
Thực phẩm mặn không bảo đảm, thực phẩm chay cũng chẳng kém
Theo các chuyên gia, các món chay giả mặn thường được làm từ tinh bột, ngũ cốc và đạm thực vật. Dễ nhận thấy, các món chay sử dụng rau củ, khoai, đậu đỗ…chế biến thì không thể nào có độ giòn dai. Tuy nhiên, khi ăn những thực phẩm chay đóng gói sẵn, thực khách dễ dàng nhận thấy độ giòn, dai trong mỗi món chay.
Muốn làm chay giả mặn phải cho phụ gia – tạo màu, tạo độ dai, tạo mùi
Để đảm bảo độ dai, bảo quản được lâu cũng như hình thù giống với thực phẩm mặn, các nhà sản xuất phải thêm hóa chất tạo mùi, màu, chất phụ gia và chất chống ẩm vào các thành phẩm. Các chất này khi tích tụ lâu ngày trong cơ thể vượt quá giới hạn có thể gây viêm gan, xơ gan, ung thư, rối loạn chuyển hóa (rối loạn về giới tính)…
Chưa kể đến những thực phẩm này có nguồn gốc rõ ràng hay không. Đa số các tiệm cơm, các nhà hàng thường tìm mua nguyên liệu với số lượng lớn từ các chợ đầu mối, thiếu nhãn mác, không hạn sử dụng, không nơi sản xuất, chỉ được đóng gói, bảo quản sơ sài. Ngay cả các chủ sạp bày bán ngay ra đất mà không kể bụi bẩn, nắng gió. Các sản phẩm chay không rõ xuất xứ được bày bán tràn lan khắp chợ.
Điều đáng nói, thế giới thực phẩm chay chưa được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm. Đồ ăn chay đóng gói sẵn vô cùng phong phú có xuất xứ không chỉ các công ty truyền thống của Việt Nam như Âu Lạc, Kim Chi mà còn từ Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan. Những sản phẩm này với giá rẻ hơn nhưng trên nhãn mác lại chỉ có những thông tin sơ sài, không địa chỉ nơi sản xuất. Có đến 70% hàng chay nhập lậu từ thị trường Trung Quốc chiếm lĩnh mặt hàng chay cả nước.
Người tiêu dùng lựa chọn thức ăn chay để thanh lọc cơ thể, bảo vệ sức khỏe nhưng lại chọn phải những sản phẩm chay không đảm bảo VSATTP, hóa ra, “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa” chăng?
Gần đây, hàng loạt vụ thực phẩm chay được phù phép, ngâm tẩm hóa chất bị phanh phủi. Ví dụ như sườn non giả mặn có dòi, đậu sử dụng thạch cao. Tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, thật giả lẫn lộn như hiện nay đã khiến người tiêu dùng phải nghi ngờ đặt câu hỏi về sự an toàn của những món ăn chay đang được bày bán ở cửa hàng. Gần đây, dư luận lại xôn xao về vụ pate Minh Chay nghi gây ngộ độc cho nhiều người.
Ăn chay để thanh lọc cơ thể, hay vô tình làm hại cơ thể vì thiếu hiểu biết?
Thấy thị trường đồ chay có cơ hội phát triển nên hiện nay đã có nhiều cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm chay giả mặn. Để có thể tạo món chay có hình dáng và hương vị giống như món mặn, người ta phải sử dụng nhiều loại hóa chất tạo mùi, tạo màu…
Theo khoa học, ăn chay để thanh lọc cơ thể. Tuy nhiên, việc lực chọn chay giả mặn không đem lại sự thuần khiết tự nhiên mà ngược lại còn đầu độc cơ thể bởi hóa chất được tẩm ướp và mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Với ý nghĩa ăn chay để thanh lọc cơ thể thì những món chay giả mặn chỉ đáp ứng nhu cầu ăn kiêng còn lại chưa đáp ứng được yêu cầu của người ăn chay. Vì người ăn chay là phải ăn theo chế độ dinh dưỡng thuần khiết tự nhiên nhất mà thực phẩm chay giả mặn đã có thêm các chất phụ gia và chế tạo qua sẽ ảnh hưởng đến nguyên chất của thực phẩm.
Về phương diện y học, các thực phẩm đó không có dưỡng chất và chứa nhiều độc tố. Còn về phương diện tâm linh, hạt giống của tâm sát hại vô tình vẫn được tồn tại dưới dạng tùy miên (ngủ trong tạng thức con người).
Ý kiến chuyên gia
Món chay giả mặn thường được làm bằng tinh bột, ngũ cốc và đạm thực phẩm. Các cơ sở chế biến cho thêm vào các đồ ăn chay chất phụ gia, đặc biệt là chất tạo màu, tạo mùi, thường là chất carbohydro để tạo độ dai, bảo quản được lâu, có hình thức và mùi vị giống với đồ ăn mặn. Các chất này gây rối loạn về hóc môn giới tính, thậm chí còn tăng nguy cơ ung thư.
TS Phan Thế Đồng, giảng viên Bộ môn Công nghệ thực phẩm và Dinh dưỡng, Trường ĐH Hoa Sen cho biết,
“Để tạo thịt, tôm, cá giả (đồ chay giả mặn) đều phải sử dụng phụ gia, để tạo mùi phải cho hương liệu, màu đẹp phải cho phẩm màu. Trong các quán, khi chế biến món chay giả mặn, đầu bếp sẽ cho thêm hàn the, phèn chua…”.
Tiến sĩ Phan Thế Đồng cho biết thêm: “Ăn những thực phẩm chay giả mặn không gây ngộ độc cấp tính như đau bụng, buồn nôn mà gây ngộ độc cấp tính – các chất tạo màu, tạo độ dai trong thực phẩm tích lại trong cơ thể. Khi nồng độ các chất này trong người vượt quá giới hạn có thể gây viêm gan, xơ gan, ung thư, rối loạn chuyển hóa”.
TS Đồng cảnh báo: “Acid oxalic kết hợp với sắt, canxi, natri, kali… trong cơ thể sẽ kích thích không tốt với ruột và gan. Acid oxalic liên kết với canxi, do đó nếu sử dụng thực phẩm chứa acid oxalic trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu hụt chất khoáng, chất dinh dưỡng. “Người có các rối loạn liên quan tới thận, thấp khớp, bệnh gút… không nên dùng thực phẩm chứa acid oxalic. Người có tiền sử sỏi thận nếu dùng thức ăn chứa acid oxalic sẽ bị nặng hơn, gây sỏi thận, làm nghẽn đường tiết niệu..”.
Theo BS Trần Văn Ký, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam – Văn phòng phía Nam: “người ăn chay là phải ăn theo chế độ dinh dưỡng thuần khiết tự nhiên nhất, trong khi thực phẩm chay giả mặn lúc này đã được bổ sung thêm nhiều chất khác có thể rất độc hại như chất bảo quản, chất tạo mùi, tạo vị, chất định hình… không rõ nguồn gốc, thậm chí ngay cả những nhà sản xuất cũng không biết được tác hại của nó.”
Bác sỹ Trần Văn Ký khuyến cáo, khi chọn thực phẩm chay khô hoặc đã chế biến sẵn, ăn liền, người tiêu dùng nên tìm những thương hiệu có uy tín; sản phẩm phải có giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cần chú ý màu sắc của sản phẩm, tránh mua thực phẩm đã bị mốc, thực phẩm tẩy trắng hay sản phẩm chế biến sẵn dùng nhiều phẩm màu lòe loẹt. Tốt nhất nên tự tay chế biến món chay từ rau củ tươi, không nên chạy theo trào lưu, “sính ngoại” dễ “ôm” bệnh.
Dược sĩ Quách Hiệp Hưng (quận 12, TPHCM) cho biết: “Nếu thường xuyên ăn các món này, với người còn ăn chay kỳ, trong một thời gian dài và ăn liên tục trong cả tháng thì không những đã không thanh lọc được cơ thể mà trái lại đang tự cung cấp những tác nhân xấu, đầu độc chính mình và sẽ gây ra một số bệnh về sau”
Ý kiến của một chủ nhà hàng chay
Ông Tôn Thất Huỳnh Huân – Chủ Nhà hàng chay Giác Ngộ (quận 5, TPHCM) cho rằng, để đảm bảo sức khỏe khi ăn chay, chúng ta nên hạn chế tối đa những món ăn chay kiểu công nghiệp, được chế biến theo cách giả món ăn mặn.
“Nhà hàng, quán ăn chay thường chế biến các món ăn chay giả món mặn để đa dạng hóa món ăn, đồng thời làm tăng sự thèm ăn của thực khách. Tuy nhiên, việc lợi dụng nhiều hóa chất và thức ăn công nghiệp trong ẩm thực chay sẽ đem lại sức khỏe không tốt cho người dùng, nhất là thức ăn nhiều dầu mỡ. Quan điểm của nhà hàng tôi là không đặt tên món ăn chay theo tên món ăn mặn, trong thực đơn của nhà hàng không có món ăn nào theo tên món mặn cả” – ông Huân nói.
Cách chọn thực phẩm chay an toàn
Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, ngoài việc tìm những sản phẩm của thương hiệu uy tín, có giấy chứng nhận đạt VSATTP, có hạn sử dụng rõ ràng, cần tránh những sản phẩm chay đã ngã màu, mốc, màu sắc lòe loẹt khác thường hay đã được tẩy trắng. Cẩn trọng với các chất phụ gia là cần thiết, nhất là những chất không được cho phép sử dụng của Bộ Y Tế trong thực phẩm.
Ngoài ra cần chú ý đến thành phần dinh dưỡng của một bữa chay: protein, sắt, canxi, kẽm, vitamin B12, iot,…. Biện pháp tốt nhất cho chị em nội trợ là tự chế biến những món ăn chay từ rau củ tươi, đừng lạm dụng những món ăn chay giả mặn có tên gọi hấp dẫn có sẵn trên thị trường. Khi nấu món chay không nên cho nhiều gia vị, nấu quá kĩ vì như vậy sẽ mất vitamin, chất khoáng, chất oxy hóa trong thực phẩm
Hãy là người tiêu dùng thông thái!

Ý kiến bạn đọc:
Tại sao có người ăn chay lại dùng các món “giả mặn”?
Mình thấy nhiều người trong và ngoài đạo Phật thường hỏi câu này:
“Tại sao trong đạo Phật, nhiều người ăn chay mà còn cố tình nấu giả các món mặn như sườn non chay, thịt heo quay chay, óc heo chay…hầu như món mặn nào cũng được bắt chước thành món chay được. Tu mà còn thèm mặn thì tu làm gì?”
Bằng sự hiểu biết giới hạn của mình, xin phép được lý giải đơn sơ như sau:
* Tu có nhiều độ khó (level):
Tu theo Phật giáo, nói theo nghĩa đơn giản nhất, là sửa đổi, tu dưỡng 3 thể;
- THÂN: thể xác,
- KHẨU: ngôn từ, lời nói, rộng ra là hành vi,
- Ý: tâm trí, ý niệm, tư tưởng…
cố gắng giữ cho thân trong sạch, khẩu trong sạch, ý trong sạch.
THÂN, KHẨU, Ý ô nhiễm sẽ tạo ra nhiều vấn đều tiêu cực.
- Ăn chay, quan hệ tình dục lành mạnh, thậm chí ở các trình độ cao, hành giả còn từ bỏ ham muốn về tình dục… nhằm cho THÂN trong sạch.
- Đọc kinh, niệm Phật thường xuyên, nói năng, hành động có kiểm soát, chừng mực…để giữ cho KHẨU trong sạch.
- Thiền định, quán tưởng những điều tốt đẹp, các đấng cao cả, quyết tâm học theo tấm gương đạo đức của các ngài để giữ cho Ý trong sạch.
Tùy theo ngộ tính, mà việc giữ THÂN, KHẨU, Ý trong sạch, cái nào khó hơn 2 cái còn lại.
Riêng việc ăn chay, ăn mặn, cũng đã bao hàm THÂN, và Ý trong đó rồi. THÂN: ăn ô nhiễm, thân sẽ ô nhiễm; Ý: để không ăn mặn, thì cái tâm không thèm ăn mặn, vì tư tưởng dẫn tới hành động.
Thế nên ta có ăn chay vô điều kiện, và ăn chay có điều kiện.
Ăn chay vô điều kiện, và Ăn chay có điều kiện
- Ăn chay vô điều kiện: ăn uống chỉ là phương thức duy trì sự sống của thân xác, ăn đủ no, không cầu kỳ món ăn, không sát hại động vật => Vừa giữ được THÂN, vừa giữ được Ý trong sạch.
- Ăn chay có điều kiện: ăn chay nhưng phải giống các món mặn cho dễ ăn, ăn chay phải có dinh dưỡng cao, phải đẹp mắt… => Tuy không giữ được Ý trong sạch, nhưng ít nhất là giữ được THÂN trong sạch.
Đến đây, ta có thể hiểu, người ăn chay có điều kiện, ăn các món “giả mặn”, thì vẫn là ăn chay, và độ khó dừng lại ở việc giữ THÂN trong sạch.
Cái gì muốn nhiều người tiếp cận và làm theo, trước hết là “càng dễ càng tốt”. Để số đông ăn chay mà có tạp niệm, ham muốn thì cũng vẫn hơn là không ăn chay được. Nên việc nấu chay giả các món mặn cũng có ý nghĩa tích cực nhất định, và hoàn toàn không đáng bị phê phán.
Suy rộng ra, người tu vẫn có thể lấy vợ/chồng, vẫn có thể quan hệ tình dục bình thường, vì đời sống vợ chồng là món quà của Thượng Đế, không những không hề xấu xa, dơ bẩn, mà ngược lại còn mang ý nghĩa thiêng liêng là duy trì nòi giống, nuôi dưỡng tình yêu thương, tạo sự hợp nhất giữa hai mặt đối lập. Thế nên, các vị tăng, ni vẫn được phép lập gia đình mà không ai có quyền phê phán họ, vì đó là lựa chọn của họ, tu ở độ khó nào, hoàn toàn là quyền lựa chọn, tâm nguyện của họ, ngay cả khi việc họ phá giới dễ khiến những người đồng tu của họ lung lay ý chí.
Lạm bàn về PHÊ PHÁN, chúng ta thường ngày hay phê phán, bản thân mình đây cũng hay vậy, nó là cái tật khó bỏ, nhất là Facebook và cộng đồng mạng hiện nay, cứ hễ thấy cái gì “LẠ” là phê phán, ném đá quyết liệt một cách vô tội vạ.
Phê phán là một việc rất khó, vì chỉ khi ta có một sự hiểu biết tận tường sự việc, lúc đó ta mới có tư cách phê phán.
Việc này sẽ không có lợi cho chúng ta, cũng không có lợi cho người bị phê phán, càng ảnh hưởng xấu đến những người nghe chúng ta phê phán.
Càng phê phán, chúng ta càng ác cảm với những người bị phê phán, từ đó tình thương yêu bị lu mờ và mất hẵn giữa những người trong xã hội với nhau, dẫn đến vô số hành vi tội ác.
Hạn chế phê phán, hạn chế phán xét, cũng là một pháp tu nhằm giữ cho KHẨU và Ý trong sạch, tránh tạo ra các nghiệp xấu!
“Con cầu và nguyện được THÂN, KHẨU, Ý trong sạch!”
Om mani padme hum!
Bạn đọc comment:
Nguyễn Hải Ăn mặn nói ngay ăn chay nói….thà ăn mặn tâm tính hiền lương thương người có lòng bao dung độ lượng
Trangnhung Tran Đã là ăn chay thì trong tư tưởng cũng phải chay luôn
Clark Mask Tôi ko đọc bài viết nhưng ăn chay ko phải cứ theo đạo bạn ạ. Tại sao ăn chay tư tưởng phải chay, thế nào là chay. Ăn chay còn tốt cho sức khỏe với tôi là điều quan trọng nhất, một healthy diet , một chế độ ăn lành mạnh.
Xuan Nguyen Kim bai viết này đoc thầy dung nhưng neu an chay thi chay hoan toan chu con tu tuong mon man thay no sao sao
Huong Mai nhất trí cao