Ba điều cha mẹ Do Thái tâm niệm khi dạy con
Mình qua Israel với tâm thế khám phá, trải nghiệm, nên ngoài lúc làm việc trên farm, mình dành khá nhiều thời gian để rong ruổi khắp nơi. Một tuần mình chỉ làm tối đa là 5 ngày, còn ngày chủ nhật sau khi đi học trên trường về mình tận dụng để xin boss cho đi chơi, đến chiều thứ hai mới lại về farm làm việc.
Một trong những cảnh mà mình ấn tượng nhất dù là khi đi qua thành phố hay vùng sa mạc hoang vắng, thì ở đâu trên mảnh đất Israel này mình cũng đều nhìn thấy màu xanh của chiếc áo người lính IDF. Thường ở vùng sa mạc, nhất là dọc đường biên giới hoang sơ, thì luôn có các nữ quân nhân lái xe jeep chạy dọc tuần tra. Dưới cái nắng chói chang và khô cằn của Trung Đông, các cô gái tuổi mười chín đôi mươi không ngại gian khó và sự cô đơn của đất trời hoang dã để làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ tổ quốc. Còn nam quân nhân thì không canh gác biên giới mà xuất hiện nhiều ở các thành phố lớn, vì ở đây tỉ lệ khủng bố cao hơn, nguy hiểm hơn, nên các anh nam giới phải đảm nhiệm.
Dù là nam hay nữ quân nhân, thì những người lính này thật ra đều rất nhỏ tuổi, thường là chỉ mới vừa tốt nghiệp cấp ba. Họ lại phải đi rất xa gia đình, đến những vùng xa xôi hẻo lánh theo lệnh điều động lực lượng của cấp trên. Những đêm mình đi bus băng qua sa mạc giữa các khu dân cư, có rất nhiều trạm đón bus nằm cô đơn giữa những cánh đồng cát bạt ngàn, xung quanh không có đèn điện gì, cũng không thấy nhà dân nào gần đó, nhưng luôn có các cô cậu mặc quân phục đứng chờ bus ở đó. Hỏi ra mới biết, là họ đi bộ từ căn cứ cách đó mấy cây số ra đây đứng chờ xe, tranh thủ đi trong đêm để…về thăm nhà. Số ngày nghỉ phép rất hạn chế, nên ngày nào được về là ngay chiều hôm đó tranh thủ lên đường đi ngay, được về với bố mẹ, ăn bữa cơm với gia đình cách đó hàng trăm dặm đường, giữa một đêm đông giá lạnh, còn gì hạnh phúc hơn nữa. Suy cho cùng, cởi bỏ bộ quân phục, gác súng ống sang một bên, thì các cô cậu này cũng chỉ là những đứa trẻ mới rời phổ thông trung học.
Và lần nào cũng vậy, hễ về tới nhà, có người thân lái xe ra cổng moshav đón, là thể nào mẹ con cũng ôm nhau oà khóc. Mình thì chưa có con, nên không biết cảm giác xa con và thương nhớ, lo lắng cho con là như thế nào, nhưng mà mình cũng biết cảm giác xa vắng người thân, cái cảm giác được rúc đầu vào lòng mẹ sau bao ngày xa cách gian khó bộn bề, có đứa con nào kìm được nước mắt không? Có ông bố Do Thái nhìn thấy con gái từ xa vác ba lô đi tới thì vội vàng chạy từ trong moshav ra, đội cả nón cối của con lên đầu, vai mang luôn đống ba lô của con gái, rồi xách luôn khẩu M4 giùm cho nó, cô con gái thích thú cười tít cả mắt lẽo đẽo đi theo bố. Mỗi lần nhìn thấy cảnh đoàn tụ như vậy là mình lại âm thầm đứng ở xa dõi theo, mình không muốn xâm phạm không gian cảm xúc riêng tư của họ, cảm xúc của mỗi con người đều thiêng liêng, mà cảm xúc của đoàn tụ gia đình là cái gì đó còn mãnh liệt hơn tất cả.
Mình thấy cách tổ chức gia đình người Do Thái rất hay. Dù là người phương Tây, nhưng mức độ gắn kết gia đình của họ cao hơn nhiều so với các nước Âu Mỹ khác. Đó là bởi vì họ theo đạo Do Thái, dùng kinh Cựu Ước, vốn rất đề cao gia đình và văn hoá bảo bọc nhau. Đây là một nét làm dân Do Thái có điểm gần với dân Á Đông. Tuy nhiên vẫn có sự khác biệt đặc trưng rất thú vị, đó là cha mẹ Do Thái không quá nghiêm khắc với con cái như dân Á Đông, mà ngược lại rất tin tưởng, giao quyền và khuyến khích tự lập.
Theo thống kê, thì dân tộc đi du lịch, tham gia các hoạt động mạo hiểm ở những nơi xa xôi hẻo lánh nhiều nhất thế giới là dân Do Thái. Nếu bạn đã từng sống ở Israel thì sẽ thấy điều này đến rất tự nhiên thôi. Trẻ em khi vừa lên tiểu học đã tự biết đón xe bus đi từ moshav lên trường học cách đó vài chục cây số. Lớn hơn một chút thì tụi nó đã đi trekking vượt sa mạc, tập nhìn sao trời đoán hướng, tập cắm trại, sinh tồn. Lên cấp ba thì đa phần đều đã thông thạo vài môn thể thao và đi du lịch vài nước. Chuyện quan hệ yêu đương nam nữ cũng xảy ra sớm và được khuyến khích, giáo dục bài bản. Mẫu số chung này là do tất cả thanh niên khi lên 17 đều phải tham gia quân đội, ra chiến trường sinh tử không rõ nay mai, nên ai cũng đều mong con mình sớm trải nghiệm cuộc sống nhiều nhất có thể khi còn có cơ hội.
Cha mẹ Do Thái có ba điều tâm niệm khi dạy con:
– Thứ nhất, không chỉ trích nặng lời, không xúc phạm con.
Con cái khi lớn lên sẽ phải gánh vác trách nhiệm nặng nề với quốc gia, nên ngày nào con còn bên mình là một ngày được ban phước lành. Mình chưa từng thấy cha mẹ nào bên đây đánh mắng, mạt sát con cái, mà chỉ có răn dạy nghiêm khắc và khéo léo làm gương. Ông boss mình khi tới dịp lễ tưởng niệm Holocaust là sẽ dắt thằng con ra đứng trước cột cờ đã hạ xuống một nửa, và hai cha con đứng nghiêm đưa tay lên chào cờ hết một hồi siren dài một phút mới cho nó nghỉ.
– Thứ hai, khuyến khích con cái tự lập.
Nếu không la mắng con thì rất dễ làm con cư xử tuỳ tiện. Để đưa con vào khuôn khổ, cha mẹ Do Thái hướng con vào thực tiễn càng sớm càng tốt, thực tế cuộc đời phải làm lụng lao động, cố gắng vất vả để cạnh tranh nhằm chứng minh năng lực, tất cả điều đó đã đủ tạo thành áp lực cho con cái tự biết cố gắng. Khi con cái thành công, cha mẹ Do Thái chỉ chúc mừng và tuyên dương, mà không tranh công hay đòi hỏi trả ơn.
– Thứ ba, yêu thương con hết mực.
Cha mẹ không chỉ nuôi hay dạy con, mà còn yêu thương con vô bờ bến. Nhìn cái cách ông bố xách lên vai toàn bộ bộ quân trang của cô con gái, hay cái cách người mẹ rơi nước mắt đặt tay lên đầu cậu con trai để đọc lời cầu nguyện chúc phước lành cho cậu mà mình cảm nhận được sâu sắc tình cảm của đấng sinh thành. Tình yêu thương đó làm tan chảy và cải biến những trái tim chai đá nhất, làm con cái thêm vững lòng và hướng thiện.
Tất cả những điều trên đều không thực hiện được nếu như cha mẹ Do Thái không có một niềm tin mãnh liệt vào khả năng của thế hệ con cái họ. Người Do Thái luôn có một niềm tin bất diệt vào sứ mệnh của dân tộc họ, đó là một dân tộc được chọn để dẫn dắt, cho nên chắc chắn họ sẽ thành công, chỉ cần nỗ lực và sống đúng đạo lý. Niềm tin đó làm cho thế hệ đi trước luôn cảm thấy có trách nhiệm phải nâng đỡ, trân trọng và tạo mọi điều kiện để thế hệ sau phát triển tới tiềm năng cao nhất của chúng.
Có lần ông thầy Boaz nói với mình, hàng ngàn năm trước, tổ phụ Abraham của chúng tôi phải hy sinh con mình cho đấng tạo hoá, còn ngày nay thì mỗi bậc làm cha làm mẹ người Do Thái đều phải dâng con mình cho quân đội, cả hai lần đều vì sứ mệnh và tương lai mai sau của dân tộc Do Thái. Lịch sử thật đặc biệt, dù lúc gian khó hay ngày vinh quang, thì bối cảnh lịch sử cũng đã làm cho tình cảm gia đình của người Do Thái thêm khắng khít và cảm động.