Bà Mụ – Mẹ Độ Sinh – Sản Bà
– Hài Đồng Thánh Mẫu -Tiểu Đồng Thánh Mẫu
– Quỷ Tử Mẫu Thần
Nguồn gốc
– Bà Mụ, Sản Bà hay Mẹ Độ Sinh, Hài Đồng Thánh Mẫu hay Tiểu Đồng Thánh Mẫu là các vị Chánh Thần thuộc Sinh Hóa Bộ, chuyên lo việc độ duyên sinh sản cho sản phụ, dẫn duyên cho các đồng tử chuyển sinh, dưỡng dục và bảo hộ các chân hồn trẻ nhỏ. Các vị ấy xuất hiện từ thời Thượng Cổ, hoạt động trực tiếp dưới sự cai quản của Đức Dao Trì Kim Mẫu nơi cõi Tạo Hóa Thiên.
Trong văn hóa Việt Nam và Trung Hoa, Hài Đồng Thánh Mẫu thường được gọi với tên thân thương là Bà Mụ, Mẹ Độ Sinh. Trong tín ngưỡng Phật Giáo và Ấn Giáo, các vị ấy còn được biết đến với tên gọi Quỷ Tử Mẫu Thần khi độ duyên cho các âm linh Tiểu Quỷ – Quỷ Đồng.
– Chúng sinh có tâm tình lo lắng, yêu thương trẻ em, muốn an ủi những đứa trẻ bất hạnh, chia sẻ các đau khổ bi thương, tủi thân vì cô độc, vì bị bỏ rơi, vì thiếu sự quan tâm chăm sóc của người thân các trẻ ấy. Chúng sinh ấy, lại có thể hy sinh bản thân mình để chăm sóc, vun bồi cho các em nhỏ được trưởng thành nên người, được sống một đời hạnh phúc. Khi thân mạng chúng sinh này kết thúc, bởi có tâm tình hòa ái, yêu thương muôn loài, với lòng từ bi quảng đại, chân hồn ấy thường trở thành anh linh Tiểu Đồng Thánh Mẫu, tiếp tục độ duyên sinh hóa cho muôn sinh trong Tam Giới.
– Cây cổ thụ lâu năm, ở nơi có nhiều âm linh đồng tử xuất hiện, tự nhiên trở thành nơi nương tựa, tá túc của các đồng tử. Lúc bấy giờ, tánh linh của Thần Mộc ấy dần thức tỉnh, lại quan tâm đến việc bảo hộ, chăm sóc và độ duyên cho các đồng tử được chuyển sinh sang dạng tồn tại tốt hơn. Thần Mộc đó cũng trở thành một Tiểu Đồng Thánh Mẫu trong khu vực mình cư trú. Trường hợp này có nhiều ở các bệnh viện phụ sản, bệnh viện nhi, hoặc nơi nghĩa trang dành cho thai nhi, nhi đồng.
Hình dạng, tính chất đặc trưng
Bà Mụ – Tiểu Đồng Thánh Mẫu thường có hình dạng thiếu phụ trung niên hoặc lão bà, dáng người phúc hậu với mái tóc dài thường được cột, hay búi quả đào gọn gàng, đôi mắt thân thương với ánh nhìn từ ái. Toàn thân khoác đạo bào nhẹ nhàng kín đáo.
Các vị Thánh Mẫu có xuất thân từ phi nhân, khi thị hiện thân ảnh Thánh Mẫu sẽ mang dáng dấp người mẹ nhân từ, là nhân thú dạng với phần thân là loài người nhưng có một số đặc điểm của cầm thú trên mình, hay nhân thụ dạng vừa mang hình ảnh người mẹ hiền từ chăm lo cho đàn con, lại mang nơi mình các đặc trưng của cây, cành lá cổ thụ.
Dù cho Tiểu Đồng Thánh Mẫu mang dáng dấp, hình ảnh gì đi chăng nữa, thì vẫn có một điểm chung khi nhìn vào thân ảnh các vị ấy là nét yêu thương từ ái, quan tâm đến con của một người mẹ hiền hòa. Tình cảm ấy, sẽ chẳng nhầm lẫn với bất kì sự tồn tại nào khác.
– Khi có một nữ nhân cầu khấn về việc được có con, các vị Thánh Mẫu trong khu vực sẽ xem xét căn duyên nghiệp quả của gia đình vợ chồng đó, rồi khuyến khích những đồng tử mình đang trông chừng có bé nào thích hợp duyên nghiệp thì nên kết duyên để được chuyển sinh. Việc này cũng là độ duyên cho một gia đình có được niềm vui, có tiếng khóc cười của trẻ nhỏ để tăng kết nối gia đình, cả nhà sum vầy ấm áp.
Sau khi có một, hoặc vài đồng tử chấp nhận kết duyên với thế tục, thì nữ nhân đã cầu xin con cái với chư vị vô hình sẽ nhanh chóng có thai, do các đồng tử chuyển sinh thành.
– Tiểu Đồng Thánh Mẫu phụ trách việc bảo hộ, trông chừng các sản phụ, giúp cho các sản phụ được an toàn cho đến ngày sinh nở được bình an. Chân hồn của các đồng tử cũng luôn theo sát người mẹ của mình để bảo vệ cho mẹ lẫn thai nhi được vuông tròn chờ ngày sinh nở. Tới khi sản phụ sinh con, các vị Thánh Mẫu lại tiếp tục bảo vệ cho hai mẹ con được bình yên cho tới lúc đứa trẻ tròn 12 tuổi.
Trong thời gian này, hầu như các tai nạn xảy đến với mẹ và bé đều được chuyển duyên sao cho nhẹ nhàng ít tổn thương nhất, đó là nhờ vào sự độ duyên bảo hộ của các vị Thánh Mẫu. Như việc em bé té từ trên cao xuống, chỉ bị xây xát nhẹ, không bị thương nặng, người ta hay nói là bé “được Bà Mụ đỡ” chính là nhắc về sự hiển linh của các vị Thánh Mẫu ấy.
– Những đứa trẻ từ 12 tuổi trở xuống, vì lý do nào đó mà vong thân mạng, hoặc là đang trong quá trình hình thành thai nhi thì bị sẩy thai. Các đồng tử ấy đau khổ vô cùng, bi thương, có khi uất hận mà biến thành Tiểu Quỷ đi quậy phá xung quanh.
Tiểu Đồng Thánh Mẫu thường du hành hóa độ, tìm kiếm các đồng tử lang thang khắp nơi như vậy, gom góp các đồng tử về với họ, nhận các em ấy làm con mình. Họ an ủi, chăm sóc, xoa dịu nỗi đau khổ bi thương của các em cho đến khi tinh thần các em ấy an lạc, muốn đi đầu thai, hoặc là chuyển sinh thành một dạng tồn tại khác trong Tam Giới, tiếp tục tu tâm dưỡng tánh để ngày càng trọn lành.
– Tiểu Đồng Thánh Mẫu là nỗi ám ảnh và lo ngại của các tà sư luyện âm binh Tiểu Quỷ. Vì chỉ cần có duyên biết được Tiểu Quỷ đang gặp nạn, họ sẽ độ duyên cho Tiểu Quỷ ấy về với mình nương tựa vào Đạo Pháp, chờ ngày chuyển sinh. Vị Thánh Mẫu ấy lại cắt duyên luyện âm binh tà ác, khiến tà sư đó chẳng thể nào luyện thêm được nữa. Nếu cố gắng tìm cách chiêu mộ hay luyện thêm, thì tự thân tà sư đó sẽ chiêu cảm các âm linh đầy oán hận, phẫn nộ đến gây hại cho bản thân mình.
Phương thức cảm ứng, khấn nguyện
– Những gia đình hiếm muộn con cái, các cặp vợ chồng chung sống lâu năm nhưng không có con thì có thể đến chùa, nhà thờ, miếu thờ Thần Hoàng, Thủy Thần, hay bất kì một đền miếu nào có tôn thờ các vị Chánh Thần của các tôn giáo khác nhau để cầu xin có con.
Ở những nơi tâm linh ấy, nếu có vị là Thánh Mẫu Tiểu Đồng thì vị ấy sẽ trực tiếp độ duyên cho gia đình đó có con. Nếu không phải đền thờ của vị Tiểu Đồng Thánh Mẫu, các vị Liên Thần sẽ giúp chuyển lời khấn nguyện đến các vị Thánh Mẫu trong khu vực của gia đình cầu khấn có con, nhờ vị này độ duyên, khuyên các đồng tử chuyển sinh đầu thai vào nhà đó để kết duyên lành.
– Người khấn nguyện, muốn có linh ứng cần sự thành tâm, yêu thương con cái, sống hòa đồng nhân ái với muôn loài muôn vật xung quanh mình. Nên giảm các ác nghiệp của bản thân, ăn chay, làm việc thiện lành, lánh điều dữ.
Tiểu Đồng Thánh Mẫu trong các nền văn hóa, tín ngưỡng
* Quan niệm dân gian về Tiểu Đồng Thánh Mẫu
Quả thạch lựu được dân gian xem là biểu tượng của các vị Tiểu Đồng Thánh Mẫu. Bởi vì những hạt lựu đỏ hồng mọng nước, thơm ngon giống như là phúc lộc đường con cái đông đúc trong gia đình.
Dân gian tin rằng mỗi tháng sẽ có một Bà Mụ chuyên lo việc sinh sản của chúng sinh, nên tổng cộng sẽ có 12 Bà Mụ trông coi việc sinh sản. Trên thực tế, từng khu vực lớn nhỏ khác nhau sẽ do một hoặc vài vị Tiểu Đồng Thánh Mẫu phụ trách cai quản chính. Các vị Thánh Mẫu này cũng có những thị giả là các vị Chánh Thần thuộc Sinh Hóa Bộ đang trong quá trình tu tâm dưỡng tánh, học hỏi thêm về việc độ duyên cho chúng sinh, chưa có được các quyền năng trong việc chuyển duyên sinh sản, tâm từ bi đang dần rộng mở. Các thị giả ấy thường chỉ trông coi duyên nghiệp của một vài đứa trẻ, chứ không có tổng quản cả bầy trẻ như các vị Thánh Mẫu Tiểu Đồng.
Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam với Trung Hoa, nhiều người tin thờ hai vị là Mẹ Quan Âm và Mẹ Cửu Thiên Huyền Nữ còn có tôn danh là Đức Từ Mẫu. Người ta tin rằng hai vị ấy chính là các vị Tiểu Đồng Thánh Mẫu, chuyên độ duyên cho việc cầu khấn có con và bảo hộ cho con trẻ được bình yên, sống vui khỏe, hạnh phúc.
* Quỷ Tử Mẫu Thần trong Phật Giáo
Thuở xa xưa, có một La Sát Nữ sống giữa loài người. La Sát Nữ này rất thích ăn thịt trẻ con nên hay đi bắt con nít về ăn, gây cho chúng sinh nỗi hoảng sợ, kinh hoàng vô cùng. Đức Phật biết chuyện, Ngài liền kêu đệ tử của mình tạm bắt đứa trẻ con của La Sát Nữ ấy.
La Sát Nữ khi đi bắt con nít về, không thấy con mình nơi hang động thì hoảng hốt đi tìm kiếm khắp nơi. Cả ngày trời tìm kiếm mệt mỏi, tóc tai rũ rượi, thân thể xơ xác, tâm can đau khổ hỗn loạn đến điên cuồng, La Sát Nữ ấy bắt đầu ngồi than khóc vì thương nhớ con. Lúc bấy giờ, Đức Phật mới đến bên La Sát Nữ ấy và hỏi:
“Vì sao thí chủ lại khóc?”
La Sát Nữ kêu gào thảm thương:
“Con của ta bị lạc mất rồi!”
Đức Phật lại nhẹ nhàng nói:
“Này thí chủ, con của mình lạc mất, mình biết đau khổ bi thương như thế. Vậy sao thí chủ nỡ lòng bắt con của kẻ khác để thỏa cơn đói khát của mình?”
Nghe đến đấy, La Sát Nữ tức thì giác ngộ, bà vừa khóc vừa nói với Đức Phật:
“Ta biết nghiệp chướng của ta rồi… Ta chỉ mong bây giờ có thể tìm lại được con mình. Nhất định ta chẳng bao giờ bắt cóc con nít để ăn thịt nữa.”
“Thí chủ nhìn lại sau lưng mình xem.”
Đức Phật mỉm cười, chỉ tay về sau lưng của La Sát Nữ. La Sát Nữ quay lại, đã thấy con mình đang được một đồ đệ của Đức Phật bế trên tay, vẫn đang say sưa ngủ. La Sát Nữ ấy nhào đến ôm lấy con mình, cúi tạ Đức Phật rồi nói:
“Nay ta nguyện hồi hướng về Chánh Pháp, quy y Tam Bảo. Đa tạ Ngài đã điểm hóa cho ta.
Từ nay ta sẽ luôn bảo hộ, yêu thương các tiểu đồng như chính con ruột của mình vậy! Nếu ta biết được kẻ nào làm hại các tiểu đồng, nhất định sẽ trừng trị kẻ ấy!”
La Sát Nữ nói xong, tức thì toàn thân liền phát tỏa hào quang sáng chói. Thân ảnh La Sát hung bạo cũng được chuyển hóa thành nữ nhân với gương mặt hiền từ phúc hậu, trên tay bế con của mình, còn có cả những âm linh đồng tử từng bị bà sát hại cũng đang vây quanh vui đùa.
Từ đó, người ta không còn sợ hãi La Sát Nữ ấy nữa, mà gọi bà với tôn danh là Quỷ Tử Mẫu Thần. Những nhà nào hiếm muộn con cái, con bị bệnh tật, hoặc đi lạc… người ta đều cầu khấn với Quỷ Tử Mẫu Thần để được bà độ duyên cứu giúp.
* Long Thánh Mẫu nơi vùng sông nước Mỹ Tho
Ở miền sông nước Việt Nam, nơi xứ Mỹ Tho, có một vị Thủy Thần được gọi là Long Thánh Mẫu. Vị này xưa kia là một liệt nữ, vì cứu giúp cho muôn sinh nơi đó tránh khỏi nạn chiến tranh thảm sát đã hy sinh thân mình, anh linh nữ nhân ấy trở thành Thủy Thần bảo hộ cho chúng sinh vùng sông nước.
Vị Thủy Thần này, có vài lần thị hiện hình dáng Long Thần khi cứu giúp người thoát nạn ở thủy vực mình cai quản, lại có khi thị hiện thân ảnh là thiếu phụ với gương mặt hiền từ, tay bế đứa trẻ đưa đến những người cầu khấn với Thủy Thần xin được có con. Từ đó, người ta xưng tụng Ngài là Long Thánh Mẫu. Vị Long Thánh Mẫu này tuy là Thủy Thần, nhưng cũng độ duyên sinh hóa như các vị Tiểu Đồng Thánh Mẫu.
Ngài thường thị hiện hình ảnh là thiếu phụ toàn thân khoác bạch y, chèo thuyền nơi sông nước cứu độ những âm linh chết non nơi thủy vực. Trên thuyền của Ngài cũng có rất nhiều đồng tử vây quanh chờ ngày được chuyển sinh.
Tam Giới Toàn Thư