Bát Đẳng Chơn Hồn
Theo giáo lý của Đạo Cao Đài, Bát đẳng Chơn Hồn là 8 phẩm cấp tiến hóa về mặt vô hình, của tâm linh, tâm thức. Sự tiến hóa về mặt vật chất và tâm linh vô hình có những mối tương quan nhất định, tùy theo phẩm bậc của linh hồn này mà 1 vật chất hữu hình sẽ có những hướng phát triển một cách cụ thể trong quá trình tồn tại. Bài này viết về quan niệm của Đạo Cao đài.
Sự tiến hóa của linh hồn
- Sự Tiến hóa trong giai đoạn đầu từ Vật chất hồn lên Nhơn hồn là sự Tiến hóa tự nhiên, do sự thúc đẩy của Luật Tiến hóa của Thượng Ðế, sự tiến hóa đi lên dần dần theo từng cấp bực, không có sự vượt cấp và cũng không có sự thoái cấp.
- Sự Tiến hóa trong giai đoạn tiếp theo, từ Nhơn hồn lên Phật hồn là do sự Tu luyện của Nhơn hồn, nên Nhơn hồn có thể tiến hóa vượt cấp và cũng có thể thoái hóa xuống Cầm thú.
Tiến hóa vượt cấp là khi Nhơn hồn tu luyện có công đức dồi dào thì tiến hóa vượt qua Thần hồn và Thánh hồn, để đạt đến Tiên hồn và Phật hồn.
Sự Tiến hóa đi lên của Nhơn hồn, khi đã đến Phật hồn rồi thì chưa phải là đến mức tận cùng của nấc thang tiến hóa. Phật hồn còn phải tiếp tục tu luyện để tiến hóa lên mức tận cùng tối cao là Thiên hồn, tức là Ðại hồn của Thượng Ðế.
Tới đây mới giáp một chu trình tiến hóa của Vạn linh, bởi vì Vạn linh xuất phát từ Thiên hồn (Ðại Hồn, Ðại Linh Quang, Thái Cực), đi chu du một vòng tiến hóa, trải qua Bát hồn, nay trở về hiệp nhập vào Ðại hồn của Thượng Ðế là đúng một chu trình tiến hóa.
Kim thạch hồn
Kim thạch hồn (Vật chất hồn) được sinh ra là để phục vụ cho cuộc sống của vạn vật. Là dạng sống cơ bản nhất của vũ trụ. Sự hy sinh này vô cùng cao cả bởi lẽ chúng hoàn toàn chịu sự chi phối của vạn vật. Dạng vật chất cơ bản nhât đó chính là hai khí Âm Quang và Dương Quang. Tất cả vạn vật đều được cấu tạo từ hai chất trên.
Kế tiếp thì thực vật có thể hấp thu trực tiếp các chất dinh dưỡng từ bên ngoài môi trường sống để sinh tồn. Đó là ánh sáng, khí Oxy, nước và các chất dinh dưỡng khác từ đất. Rồi thực vật lại nuôi dưỡng động vật.
Tuy rằng vật chất là thứ vô tri, vô giác, nhưng về phương diện tâm linh, trong bản thể mọi sự tồn tại đều có sự tồn tại của cái được gọi là linh hồn. Bởi Thượng đế là sự tồn tại, nơi nào có sự tồn tại thì nơi đó có Thượng đế. Vậy nên trong vật chát có sự tồn tại của linh hồn, được gọi là Vật chất Hồn.
- Một lần nữa ta phải nhìn nhận rằng nhờ vào sự hy sinh của Vật chất Hồn mới có được mọi sự sống trong cả toàn cõi vũ trụ này.
Sự hy sinh ấy phải đáng được chúng ta trân trọng chứ không phải để ta chà đạp, xem chúng là những thứ vô tri vô giác, sinh ra để phải phục vụ cho chúng ta và chúng ta có quyền đối xử với chúng như thế nào cũng được.
Tiến hóa hơn Vật chất Hồn là đến Thảo Mộc Hồn.
Thảo mộc Hồn
Loài Kim thạch có sự sống chưa thể hiện rõ rệt, nó chỉ là sự liên kết của các tế bào tạo thành tinh thể rắn chắc. Loài kim thạch hoàn toàn không có tri giác.
Loài Thảo mộc, được Thượng đế ban cho một điểm nguyên hồn để làm Sanh hồn, tạo nên sự sống. Điểm nguyên hồn nầy được Đấng Thượng đế rút ra từ khối Đại hồn (Đại Linh Quang) của Ngài.
Loài Thảo mộc chỉ có sự sống mà chưa có tri giác.
Loài Thảo mộc cấp cao thì lá biết khép lại khi đêm xuống hay khi bị đụng chạm, như cây su đũa, cây mắc cỡ; vài loại Thảo mộc có cánh hoa phát ra mùi thơm để dụ côn trùng bay đến rồi khép các cánh hoa ấy lại đặng bắt côn trùng mà hút thịt và máu. Như thế, chúng đã có chút ít tri giác nhưng rất thô sơ, gần như chỉ là những phản xạ tự nhiên.
Từ Vật chất Hồn tiến lên một bậc trong nấc thang tiến hóa đó là Thảo Mộc Hồn.
Đến đây thì ta mới thấy được rõ rệt cái sự sống hiện hữu nơi phẩm bậc này.
Như thế, ý nghĩa đầu tiên của sự tồn tại của Thảo Mộc Hồn là học hỏi về sự sinh tồn trong thiên nhiên.
Bên cạnh sự phát triển của Thảo Mộc Hồn lại xuất hiện một hình thức sống mới là động vật. Đó là Cầm Thú Hồn.
Thảo mộc có thể hấp thu chất dinh dưỡng trực tiếp từ môi trường như là ánh sáng, không khí và nước.
Nhưng còn cầm thú không thể hấp thu trực tiếp các nguồn năng lượng từ thiên nhiên như thảo mộc nên chúng phải hấp thu một cách gián tiếp thông qua thảo mộc.
Cầm thú dùng thảo mộc, nước và không khí làm thức ăn để sinh tồn.
- Ý nghĩa thứ hai trong sự sinh tồn của thảo mộc là làm lương thực, hy sinh mạng sống của mình để nuôi dưỡng các loài động vật.
Các loài thảo mộc cũng phải thụ tinh, ra hoa, kết trái thì mới có thể sinh tồn và phát triển được. Mà hình thức thụ tinh, kết hợp giữa giống đực và cái của thảo mộc còn đơn giản, thường thì trên mỗi loài cây đã có đầy đủ hoa đực và hoa cái để có thể giúp chúng thụ tinh dễ dàng.
- Ý nghĩa thứ ba trong sự tồn tại của chúng là sự duy trì nòi giống.
Nhưng ở đây chỉ mới là hình thức thụ động, phấn hoa muốn đến được nhụy hoa thì phải nhờ vào các điều kiện khách quan từ thế giới tự nhiên như gió và các loài động vật khác. Có một số loài cây, các hạt của chúng muốn phát tán để phát triển thì phải nhờ vào các loài động vật, động vật ăn các quả của cây này nhưng hạt của cây thì không bị tiêu hóa và sẽ được phát tán ra xung quanh theo hệ bài tiết của động vật.
Sự hy sinh của thực vật cũng đã được động vật đáp trả lại bằng việc giúp chúng phát triển khu vực sinh tồn trong thế giới tự nhiên.
Cầm thú hồn
Cầm thú hồn, được Thượng đế ban thêm cho một điểm nguyên hồn nữa để làm Giác hồn, tạo ra sự hiểu biết, như đau đớn biết la, sợ hãi biết chạy trốn, biết đi tìm thức ăn thích hợp, biết tìm chỗ ẩn trú an toàn, biết nuôi con, có chút ít trí nhớ nhưng rất sơ sài.
Các loài động vật xuất hiện ban đầu chỉ có một hình thức là động vật ăn thực vật. Nhưng trong quá trình sinh sống và phát triển thì có những khu vực mà nơi đó các loài động vật phát triển quá nhanh, làm cho số lượng thực vật giảm đi, để cho cân bằng sinh thái thì các loài động vật ăn thịt xuất hiện.
Loài ăn thịt xuất hiện để làm cho các loài ăn cỏ giảm xuống thì các loài thực vật mới có thể tồn tại và phát triển được.
Giữa hai dạng động vật ăn cỏ và ăn thịt đều có một điểm chung, đó là muốn tồn tại phải duy trì nòi giống thông qua hình thức kết đôi giữa giống đực và giống cái.
Vậy ý nghĩa đầu tiên trong cuộc sống của động vật là học hỏi cái tình thương đồng loại, chúnng phải biết thương yêu nhau mới có thể cùng nhau duy trì nòi giống và phát triển.
Kế tiếp là vai trò rất quan trọng trong việc cân bằng sinh thái.
- Đối với loài ăn cỏ: không cho thực vật phát triển quá nhiều, làm thức ăn cho loài ăn thịt bởi vì loài ăn thịt không thể ăn cỏ.
- Đối với loài ăn thịt: không cho các loài ăn cỏ phát triển quá nhiều gây nguy hiểm đến sự tồn tại của thực vật.
Như vậy thì trong tự nhiên đã hình thành nên những mắc xích quan trọng trong quá trình phát triển của sự sống.
Cho đến khi loài người xuất hiện.
Nhân hồn
Nhơn loại, là đẳng cấp cao nhứt của chúng sanh, được Thượng đế ban thêm cho một điểm nguyên hồn nữa để làm Linh hồn, lúc đó sự hiểu biết mới được hoàn toàn.
Nhờ linh hồn, con người có được sự hiểu biết, sự suy nghĩ, phán đoán, biết được lẽ phải trái và có tính linh.
Đến đây, con người có đủ Tam Hồn: Sanh hồn, Giác hồn và Linh hồn.
Những con thú mới tiến hóa lên làm người thì còn khờ khạo ngu ngây, độc hiểm, hình dáng thô kệt xấu xí, nếu chịu học hỏi tiến hóa thì chuyển kiếp đôi ba chục lần cũng đặng minh mẫn khôn ngoan và có thân hình tốt đẹp.
Có ba dạng người. Nguyên nhân, Hóa nhân và Quỷ nhân
- Nguyên nhân: mang hình ảnh con người từ khi được Thượng đế và Phật Mẫu tạo ra.
Có được ánh sáng Thiên Tánh là lương tâm, trí tuệ và tám món báu đó là Hiếu, Để, Lễ, Nghĩa, Trung, Tín, Liêm, Sỉ.
- Hóa nhân: mang hình ảnh con người nhờ vào sự tiến hóa từ loài vượn người mà thành.
Hóa nhân thì còn bị bức màn vô minh che phủ ánh sáng Thiên Tính của Thượng đế ban cho từ khi bắt đầu là sự sống ở dạng căn bản nhất là Vật chất Hồn.
Lúc này, ý nghĩa tồn tại của Nhân Hồn có hai dạng:
-
- Đối với Nguyên nhân:
Có trách nhiệm thay thế Thượng đế và Phật Mẫu thực hiện tình thương yêu và công bình với chúng sanh.
Dạy dỗ cho những người anh em của mình những điều hay lẽ phải để cùng nhau tiến hóa lên những nấc thang cao hơn của linh hồn mà cùng trở về Cha Mẹ thiêng liêng.
Gìn giữ tám món báu mà Phật Mẫu đã ban cho nhờ vào ánh sáng Thiên Tính và trí huệ mà Thượng đế đã chiết ra từ khối Đại Linh Quang của Người.
-
- Đối với Hóa nhân:
Học hỏi những điều hay, lẽ phải của các Nguyên Nhân dạy dỗ, mà quan trọng nhất đó chính là tình thương và công bình đối với những người anh em kém phát triển của loài người là cầm thú, thảo mộc và vật chất.
Học hỏi, rèn luyện sao cho trí não tinh thần phát triển để có thể dần dần phá được bức màn vô minh mà Minh Tâm Kiến Tánh, tự ý thức được những hành vi đạo đức mà cư xử cho hợp lẽ Đạo đối với cuộc sống.
Đối với Hóa nhân thì ý nghĩa này nó bao gồm học hỏi, rèn luyện và thực hành sao cho giống với Nguyên nhân, tức là thu thập cho được tám món báu là Hiếu, Để, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sĩ, Trung, Tín và Trí, Nhân là hai món thuộc về ánh sáng của Thiên Tính khi đã phá được bức màn vô minh (Trí là sự sáng suốt để giữ Công Bình, Nhân là tình yêu thương vô tận). Đó là cảnh giới của sự trọn lành, Chân, Thiện, Mỹ mà Hóa Nhân cần phải học.
Đó là những ý nghĩa tồn tại của loài người khi loài người mới xuất hiện trong vũ trụ.
Thế nhưng sau một thời gian, với trí não phát triển nhưng lại bị những dục vọng thấp kém chi phối làm che mất ánh sáng Thiên Tính mà Thượng đế đã ban cho, cả Hóa Nhân lẫn Nguyên Nhân đều phạm nhiều tội lỗi, gây ra những ác nghiệp trong cuộc sống. Vì thế loài người phải chịu trong vòng luân hồi của sự đau khổ. Khi ấy xuất hiện dạng thứ ba của loài người: Qủy Nhân.
- Quỷ nhân: là Nguyên nhân và Hóa nhân sau khi đã gây nên nhiều ác nghiệp trong kiếp sanh, phải chịu đọa đày linh hồn sau khi chết, bị đọa vào qủy vị, không thể trở về cùng Thượng đế.
Sau khi đã bị đọa đày, dằn vặt khổ sở về những hành động tội lỗi mà mình đã gây ra trong kiếp sanh, được dạy dỗ để biết ăn năn hối cải, được đầu kiếp trở lại làm người để trả nợ những gì mình đã gây ra đối với cuộc sống.
-
- Ý nghĩa tồn tại của Quỷ Nhân:
Là sự trả quả những ác nghiệp đã gây ra từ kiếp trước. Phải biết ăn năn hối cải, không làm những việc xấu nữa. Phải học hỏi, rèn luyện và thực hành những điều hay lẽ phải để trở nên Chân, Thiện, Mỹ.
Chung quy tất cả ý nghĩa sự tồn tại của loài người là học hỏi, rèn luyện, thực hành những điều hay lẽ phải sao cho những hành động của mình đối với cuộc sống hợp với lẽ Đạo, để trở nên Chân, Thiện, Mỹ mà trở về với bổn tánh trọn lành, trong sạch của Thượng đế đã ban cho loài người giống hệt như hình ảnh Thiên Lương của Thượng đế.
Thần hồn và Thánh hồn
Từ Nhơn Hồn mà biết làm lành lánh dữ, học hỏi cho trí thức tinh thần phát triển và làm những việc hợp lẽ Đạo đối với cuộc sống thì sẽ đạt được phẩm Thần Hồn hay Thánh Hồn tùy theo công nghiệp nhiều hay ít.
Thần Hồn và Thánh Hồn thì lo điều đình những việc xảy ra trong vũ trụ.
Nhiệm vụ của Thần vị và Thánh vị là giúp đỡ, hộ trì cho loài người và các phẩm thấp hơn trước thế lực cường quyền của tà quái, của lực lượng đối kháng cùng Thượng đế.
Tiên hồn
Thần hồn và Thánh hồn khi lập công bồi đức, tạo được nhiều thiện nghiệp, học hỏi thêm nhiều điều về trí thức tinh thần, vẹt được thêm phần nào lớp màn vô minh, hoàn thành được sứ mạng của mình, dẫn dắt được con người hướng về cửa Đạo. Khi ấy thì phẩm vị sẽ được thăng lên phẩm Tiên Hồn. Bên cạnh đó, có những bậc tu hành đạt Đạo, vẫn còn mang thể xác phàm, nhưng Chơn Hồn đã lên đến phẩm Tiên hồn được gọi là Tiên nhân.
Lên đến phẩm Tiên Hồn là đã vào hàng Trọn Lành, lo về việc đào luyện về trí thức tinh thần, đạo đức cho các phẩm thấp hơn.
Phật hồn
Tiên hồn sau khi lập công bồi đức, tạo nhiều thiện nghiệp, hoàn thành sứ mạng của mình, chịu nhiều khổ hạnh, phát triển trí não tinh thần đến cảnh giới cao siêu, phá tan hoàn toàn bức màn vô minh che lấp Thiên Tính. Đó là Minh Tâm Kiến Tánh, Tâm và Tính trở về với sự trọn lành, trong sạch có nguồn gốc từ Thượng đế.
Khi ấy thì Tiên Hồn sẽ đạt lên phẩm Phật Hồn. Tức là ngang bậc cùng Thượng đế.
Phẩm Phật Hồn thì có trách nhiệm giáo hóa chúng sanh theo con đường đạo đức để thoát khỏi luân hồi nơi khổ hải và trở về cùng Thượng đế.
Đến phẩm Phật Hồn rồi còn phải tiếp tục tu thêm nữa, lập công bồi đức mãi để dần dần tiến lên gần với Thượng đế hơn. Để có thể phát triển theo con đường phẩm vị thiêng liêng này thì từ một phẩm thấp nhất là Vật chất Hồn phải trải qua hằng trăm muôn triệu kiếp mới có thể đạt đến phẩm Phật Hồn.
Cơ Bút giảng về Bát Đẳng Chơn Hồn
Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư có giáng cơ giảng giải về sự tiến hóa của Bát hồn, trong Luật Tam Thể, trích ra như sau:
Đức Cao Thượng Phẩm giảng về Bát Hồn
* Đêm 10 tháng giêng Nhâm Thìn (dl 5-2-1952)
- Phò loan: Thừa Sử Phước, Luật Sự Nhung.
- Hầu đàn: các Luật Sự: Ảnh, Hợi, Tiếp, Tú, Hưởng, Cao, Trường, Khoe
Cao Thượng Phẩm
Bần Đạo chào mấy em.
Đêm nay Bần Đạo giảng về Bát Hồn.
Trong càn khôn vũ trụ có 8 đẳng chơn hồn là:
-Kim thạch hồn,
-Thảo mộc hồn,
-Thú cầm hồn,
-Nhơn hồn,
-Thần hồn,
-Thánh hồn,
-Tiên hồn,
-Phật hồn.
Từ lúc hổn độn sơ khai, âm dương tiến hóa thì trong khí hư vô đã có sẵn các tế bào.
Sau tiếng nổ, Âm Dương phân tách, khí Dương quang là khí nhẹ nhàng bay lên trên, còn khí Âm quang là khí chất chứa các tế bào nên lóng xuống dưới.
Sau một chuyển, các khí chất trên liên đới với tế bào mà tụ lại thành chất khí và biến thành vạn vật.
Khi chưa thành hình thể hữu vi, thì chất khí vẫn là một khối lửa do khí Dương quang đốt cháy.
Sau đó, nơi Diêu Trì Cung thâu thập nhị Địa Chi mà biến khí Dương quang và chất khí làm Ngũ Hành. Vậy cho nên, đất, nước, sắt, đá và lửa được nảy sanh trước hết. Đó là kim thạch hồn.
Sau một chuyển nữa, nước, đất, đá, lửa và sắt mới tiết ra một chất khí và liên đới với các tế bào lại mà tạo nên cây cỏ. Đó là Thảo mộc hồn.
Sau một chuyển nữa, các cây cỏ chia tế bào mà liên đới với Ngũ Hành tạo nên bách thú, trong đó có phần khô gọi là điểu thú, còn phần nước gọi là ngư thú. Đó là Thú cầm hồn.
Sau một chuyển nữa, Ngũ Hành hiệp với Thảo mộc nuôi Thú cầm. Trong Thú cầm, chơn hồn đã bước vào cơ tấn hóa, do đó tạo nên thủy tổ loài người là La Hầu, tức là người khỉ đó.
La Hầu dần dần sanh hóa và nhờ điểm Linh quang của Chí Tôn mà dần đến loài người như hiện giờ. Đó là Nhơn hồn.
Trong Nhơn hồn lại chia ra: Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn. Nếu đoạt được Thể Pháp tức là Thần hồn; tạo được phẩm người gọi là Thánh hồn. Trả xong Nhơn Đạo, tạo nên Bí Pháp gọi là Tiên hồn. Đoạt được Bí pháp tức là Phật hồn đó vậy.
Kỳ tới, Bần Đạo sẽ phân tích mỗi đẳng chơn hồn cho mấy em dễ hiểu hơn.
Bần Đạo kiếu.
.…………………….
Kim Thạch Hồn
* Đêm 13 tháng giêng Nhâm Thìn (dl 8-2-1952)
Phò loan: Thừa Sử Hợi, Luật Sự Nhung.
Hầu đàn: Thừa Sử Phước, các Luật Sự: Hợi, Tiếp, Tú, Hưởng, Đúng, Đôi, Khen, Khỏe, Thơ Ký Minh.
Cao Thượng Phẩm
Bần Đạo chào mấy em.
Đêm nay Bần Đạo giải về Kim Thạch Hồn.
Trong âm khí có sẵn tế bào, do đó Phật Mẫu đem Âm quang hiệp với Dương quang mà liên đới tế bào lại thành hình chất hữu vi. Sở dĩ các hình chất được thấy rõ là do nơi sự liên đới ấy.
Khi mới thành hình thể nó là một cục lửa, tức nhiên là một cực độ của Dương quang trụ lại mà thôi. Lần lần khối lửa ấy bị Âm quang rưới hơi lạnh mà nguội dần. Trong khi ấy mới phân tách Ngụ Hành riêng biệt.
Như Đất thì tế bào là một tiểu Dương bao bọc bởi 72 điển tử Âm.
Loại kim khí thì một Dương với 92 Âm.
Các loại kim khác nhau là do: thứ thì có lẫn lộn tế bào của thảo mộc; thứ thì lẫn lộn tế bào của nước; thứ thì lẫn lộn nhiều thứ tế bào.
Nước thì tế bào có 1 Dương với 67 Âm.
Lửa là tế bào của Dương quang, chỉ có điển tử Dương mà thôi, hiệp với tế bào của loại kim mà có.
Cây cỏ thì tế bào là 1 Dương và 36 Âm.
Sự mềm cứng của nó là sự lẫn lộn chất nước cùng không. Những màu sắc do khí Dương quang rọi vào, khí tiết ra của các tế bào mà có.
Những tế bào của đất, ngày ngày biến chuyển theo thời gian mà thay đổi hình tướng thành: sắt, đá, cây cỏ. Vì thế mà sự biến chuyển ấy là cơ tấn hóa của Kim thạch hồn. Trong Kim thạch hồn có sự biến chuyển của toàn thể cơ hữu vi lẫn lộn, nên theo Đạo pháp từ xưa vẫn gọi là: sắc biến không, không thành sắt vậy. Cơ tạo đoan nhờ Kim thạch mà lập nên mọi biến chuyển trong phường thế tục và lập nên trường thi công quả cho các nguyên nhân.
Từ thử đến giờ, mấy em vẫn hằng thấy muôn vật đều qui thổ, dầu sắt đá cũng vậy. Hôm trước, mấy em có nói: có thứ không thấy tan ra như đồ sứ, đồ chai…
Cười…
Thử hỏi chất hóa học ngày kia sẽ tựu về đâu hay cũng theo thời gian mà tiêu hủy. Bằng chứng cụ thể là mấy em có thế gì kiếm đặng các vật ấy của thời gian trên 2.000 năm về trước. Nếu có kiếm được thì các Viện Bảo Tàng chứa đâu cho hết cà!
Mấy em đã hiểu rõ Kim hồn chưa?
Gọi rằng hồn vì nó cũng có lẻ sống của nó vậy.
Thôi đêm khác sẽ giải về Thảo mộc hồn.
Bần Đạo kiếu.
Thăng
….……………………….
Đức Cao Thượng Phẩm giảng về Vật chất hồn:
* Đêm 24-10 Canh Dần (dl 3-12-1950)
Phò loan: Thừa Sử Hợi, Luật Sự Nhung.
Hầu đàn: Thừa Sử Hải, Truyền Trạng Phước, các Luật Sự: Ngời, Trân, Khỏe, Đôi, Khen, Hưởng, Giáo Hữu Thượng Giác Thanh, ông bà Nguyễn Hữu Lương.
Cao Thượng Phẩm
Đêm nay, Bần Đạo nói về Vật chất hồn.
Nguyên thủy của nó cũng là tế bào, nó ở chung lộn cùng nhau, chẳng phân tách riêng một thứ gì.
Sau một thời gian biến chuyển, chịu dưới sự điều động của khí Âm Dương mà biến nên hình tướng, đặng tạo thành Ngũ khí. Nó tuy không cử động, không tri giác, nhưng thật sự nó biến đổi hình dạng. Đó là hồn của nó vậy.
Cái hồn ấy chịu sự trao giồi mà biến làm vật hy sinh đặng nuôi thảo mộc, thú cầm cùng nhơn loại mà được tiến hóa từ chỗ vật chất nó tạo thành Ngũ Khí và các vi tố đặng nuôi dưỡng mà biến lần thành hình thảo mộc.
Đó, các em đã hiểu Vật chất hồn và sự tiến hóa của nó chưa? Có gì không hiểu thì hỏi.
Bạch: -Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát là thế nào?
-Địa Tạng Vương Bồ Tát là vị Phật chưởng quản cơ biến chuyển vạn vật, bởi vì mỗi vật muốn biến lên hình khác đều phải qui thổ, do đó mới kêu là Địa Tạng.
-Linh hay không tùy theo sự ứng nghiệm cùng không. Hồn của nó tuy phải chịu thấp hèn nhưng lúc làm xong phận sự cũng được cao thăng mà chuyển kiếp. Vậy thì sự linh cũng do hồn ấy.
Để Bần Đạo cho một bài thi:
Căn xưa vẫn tại một không hai,
Lãnh lịnh đi thi phải đổi hài.
Tái kiếp làm đồ cho chúng đạp,
Trở ngôi phải mặt để người sai.
Lần hồi luân chuyển lên cây cỏ,
Thong thả châu lưu đến mạng loài.
Học hỏi một thời cơm khổ hạnh,
Ngày sau đoạt vị có ai hay.
Các em coi bài thi mà hiểu ý.
Bần Đạo kiếu.
Thăng
….……………………………….
Thảo Mộc Hồn
* Đêm 16 tháng giêng, Nhâm Thìn (dl 11-2-1952)
Phò loan: Thừa Sử Trấn-Luật Sự Nhung.
Hầu đàn: Chư vị Thừa Sử, Luật Sự và Thơ ký Minh.
Cao Thượng Phẩm
Bần Đạo chào mấy em.
Đêm nay, Bần Đạo giải về thảo mộc hồn.
Từ Kim thạch hồn, các tế bào thâu khí Âm Dương mà liên đới lại, tạo nên Thảo mộc.
Các Thảo mộc đều chung một tế bào, song tùy theo giống, có thứ thì mình nước như loại Thảo, có thứ mình cứng có 3 phần tế bào Thảo mộc và một phần nước là cây tạp, còn thứ chỉ có 1/8 nước là gỗ quí.
Trong các thứ cây đều có tế bào của Kim thạch, tùy theo mỗi giống. Do đó mà có những tánh chất khác nhau, chất ngọt do đạm khí và lân chất, chất đắng do kim khí, chất mặn do kim và thạch khí lộn với đạm khí và lân khí, chất chua do thạch khí và thổ khí lộn với thủy khí. Còn các sắc màu của hoa lá là do nơi khí dương quang chiếu vào chất khí của nó tiết ra mà có.
Các tế bào đến Thảo mộc hồn là bước lên trường thi công quả rồi đó. Bởi do nơi Thảo mộc đã đã tự thâu các tế bào và Âm Dương khí làm món thực dụng cho thú cầm và nhân loại.
Về thảo mộc hồn chỉ có bấy nhiêu thôi.
Thừa Sử Phước bạch: -…………
-Bởi trong khi Ngũ Hành thâu nơi Thảo mộc đã có hoặc nhiều Dương khí, hoặc nhiều Âm khí, vì khí mà có thứ mát quá, có thứ nóng quá, có thứ mà tự mình có phản khắc Âm Dương, nếu trúng thứ ấy thì là bị ngộ độc khí.
Thôi để bửa khác tiếp thêm về Thú cầm hồn.
Bần Đạo kiếu.
Thăng
….………………………
Thú Cầm Hồn
* Đêm 19 tháng giêng, Nhâm Thìn (dl 14-2-1952)
Phò loan: Thừa Sử Phước-Luật Sự Nhung.
Hầu đàn: Các Luật Sự: Cao, Tiếp, Cẩm, Hợi, Đúng, Hưởng
Cao Thượng Phẩm
Bần Đạo chào mấy em.
Đêm nay Bần Đạo giảng về Thú cầm hồn.
Từ Thảo mộc hồn, các tế bào đã liên đới mà tạo thành sanh khí đặng dưỡng nuôi Thú cầm và Nhơn loại. Bởi cớ, lẽ sống của Đệ nhị xác thân đã có bởi khí tiết của Thảo mộc hồn. Do đó mà sau một thời gian biến chuyển, các tế bảo của Thảo mộc liên đới với tế bào của Kim thạch mà biến ra thú cầm.
Lúc mới phát sinh thì giống Ngư thú được nảy sinh ra trước.
Đến lúc có cuộc tan thương biến đổi, những loại có chân bò lên sống trên mặt đất và lần lần thành ra thú vật. Trong Thú vật lại có sự thay đổi mà biến hóa thành Điểu thú.
Những tế bào tạo nên loài thú là do những hội nguyên tử : 1 điển tử Dương và 36 điển tử Âm.
Sau khi phân tách các loài thú vì mỗi thứ dùng một vật thực khác nhau và những tánh cách liên hợp tế bào khác nhau mà biến nên hình tướng và thể chất riêng biệt.
Khi đã thành Thú cầm hồn rồi thì các linh đã bước vào con đường tiến hóa vì nó được hưởng chút ít ân huệ của Phật Mẫu ban cho là Chơn thần hay là Giác hồn đó vậy.
Nhờ nơi đặc tánh của Thú cầm hồn mà Chí Tôn tạo nên loài người bằng phương cho thêm Đệ tam xác thân đặng khai đường tấn hóa cho các hồn thuộc hạ đẳng hồn.
Trong Thú cầm hồn, những vật đã đủ tánh linh tức là những vật đã đi được trên đường tấn hóa đó vậy.
Về Thú cầm hồn có bấy nhiêu, mấy em coi lại bài đã dạy kỳ trước sẽ rõ nhiều.
- – Lúc mới sinh Thú cầm thì các hình thể đều đã phân biệt bởi sự liên đới tế bào. Đó là cơ huyền vi của Đấng Tạo hóa. Từ ấy về sau, các giống vật đã sẵn mầm sống mà sanh sảng thêm ra, quyền Tạo hóa chỉ còn thổi sanh quang vào đặng tạo nên sự sống hữu vi nữa mà thôi.
- – Thú cầm hồn biến hóa do Thảo mộc hồn thì lúc ban sơ, loại Ngư phải là loài của Thảo mộc. Đến chừng biến chất thì tế bào lại tăng hay là giảm bớt điển tử Âm do nơi kết hợp hình thể để tạo nên xương thịt, máu huyết của nó.
- – Côn trùng thuộc về Thảo mộc biến hóa, nên nó đứng giữa Thảo mộc hồn và Thú cầm hồn. Trong Bát hồn, chỉ có côn trùng là loài biến hóa mà thôi.
Đêm nay như vậy là đủ, Bần Đạo kiếu.
Thăng
….……………………..
Nhơn Hồn
* Bộ Pháp Chánh Hiệp Thiên Đài,
Đêm 22 tháng giêng Nhâm Thìn (dl 17-2-1952)
Phò loan: Thừa Sử Phước, Luật Sự Nhung
Hầu đàn: Thừa Sử Hợi, Trấn, Tả Phan Quân, các Luật Sự: Cao, Đúng, Tất, Tiếp, Du, Tỷ, Cẩm, Tú, Hưởng.
Cao Thượng Phẩm
Bần Đạo chào mấy em.
Trong Bát hồn, mấy em đã được giải từ Kim thạch cho đến Thú cầm, tức là qua lớp học biến chuyển tạo nên vũ trụ trong buổi lập Địa, tức là Sửu thời Địa tịch. Bây giờ qua Nhơn sanh Dần chi.
Khi các Thú cầm đã hóa sanh đầy đủ, các Sanh hồn và các Giác hồn đã đến lúc huệ khai, thì Chí Tôn rưới linh quang ban cho một thể thứ ba là Chơn linh.
Giống Hầu (khỉ vượn) đã được tấn hóa hơn, nên La Hầu được Chơn linh điểm trí mà tạo nên Thỉ Tổ loài người.
Như trong Đệ nhứt xác thân mà mấy em đã học, thì loài người được thông minh sáng suốt nhờ Đệ tam xác thân điều khiển và Đệ nhứt xác thân tinh túy. Đó là Nhơn hồn. Từ tạo ra Nhơn hồn cho đến được sự uy linh của nó, phải trải qua 2 chuyển.
Đến cuối Nhị Chuyển, các chơn linh, tức là nguyên nhân mới bước vào Trường thi công quả và mở Thượng Nguơn Tam Chuyển.
Từ ấy đến nay, đã đến Thượng Nguơn Tứ Chuyển, Nhơn hồn còn thêm phần tấn hóa thêm nữa.
-Từ Thượng Nguơn, Trung Nguơn, Hạ Nguơn đều ở trong Tam Chuyển.
Trong Nhơn hồn, từ buổi Tam Chuyển được tấn hóa thêm 4 phẩm nữa là: Thần, Thánh, Tiên, Phật hồn.
- * Nhơn hồn nào được trọn trung, ấy là vào Thần vị.
- * Biết được nghĩa chánh, bồi bổ Đạo nhơn luân tức là Thánh vị.
Đến Thánh hồn thì lẽ tự nhiên phải thông suốt phần Thế Đạo đó vậy. - * Trong phần Thế Đạo mà tạo được Bí Pháp đặng bước qua mặt Thể Pháp Thiên Đạo tức là Tiên vị.
- * Đã lập được Thể Pháp Thiên Đạo mà tầm nên Bí Pháp Thiên Đạo, tức gọi là đắc Pháp, ấy là Phật vị.
Bát hồn đến đây là chấm dứt.
Kỳ tới, Bần Đạo sẽ giải về Thế Đạo và Thiên Đạo. Bần Đạo kiếu.
Thăng
- Trích từ Góp nhặt chuyện Đạo 15
Quang Minh – Sĩ Tải Bùi Văn Tiếp - Biên soạn: Huyền Chân