Bệnh tật có phải do nghiệp gây ra không?
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh Trong Suốt-Đà Nẵng- 2/2018
Một bạn nam: Dạ, em xin chào Thầy, em là Huy, năm nay 32 tuổi, kinh doanh tự do, một vợ và một con nhỏ hai tuổi ạ. Trong năm vừa qua em có xem hai câu chuyện bi kịch về những người thành công. Câu chuyện thứ nhất về một cô gái khởi nghiệp thành công và phát hiện mình mắc bệnh ung thư, qua chương trình Wechoice của Thầy. Và câu chuyện thứ hai là của một bác sỹ ở đỉnh cao của sự nghiệp, chuyên đi cứu người nhưng cuối cùng không cứu được chính mình, ông ấy bị ung thư và qua đời ở tuổi 37. Ông ấy viết cuốn sách “Khi hơi thở hoá thinh không”.
Câu hỏi của em liên quan đến sức khoẻ và bệnh tật. Thứ nhất về tâm linh: Có phải bệnh là do nghiệp mà ra? Và có phương pháp nào để tiêu trừ nghiệp mà không bị bệnh ung thư như vậy không?
Thầy Trong Suốt:
Tất cả bệnh tật, rủi ro, tai nạn, bị lừa lọc, bị đối xử tệ… đều do chúng ta đã từng làm hại đến sức khoẻ, tinh thần của chúng sinh khác. Khi chúng ta làm hại sức khoẻ, hoặc tinh thần của một chúng sinh khác thì nghiệp xấu đến với chúng ta.
Ví dụ, mình đánh đập con vật khác, hoặc mình quát mắng một người khác. Quát mắng ảnh hưởng đến tinh thần của họ, hoặc đánh đập ảnh hưởng đến sức khoẻ của họ. Thì đánh đập, hoặc quát mắng ấy sẽ gây bệnh cho chúng ta, biến thành nghiệp xấu như vậy. Bệnh do nghiệp mà sinh. Những nghiệp chúng ta gây ra rồi thì không thể nào mà sửa được, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể làm những điều tốt mới.
Có câu nói là: “Nghiệp xấu giống như những cơn sóng biển, còn nghiệp tốt giống như bức tường”. Giả sử chúng ta đang ở trên một hòn đảo, nếu không có bức tường chắn mà cơn sóng thần đến là quét sạch. Nhưng nếu chúng ta xây những bức tường càng cao thì khả năng bị sóng cuốn càng thấp đi. Đấy, những nghiệp xấu mà chúng ta đã làm như sóng biển, còn nghiệp tốt chúng ta tạo ra hiện nay thì giống như bức tường. Nếu chúng ta chịu khó xây tường thì có thể đỡ bị sóng.
Trong lịch sử có nhiều người ung thư mà chữa khỏi, hoặc bị ung thư mà sống rất lâu, thì chúng ta phải biết cách xây dựng nghiệp tốt. Và nói chung là nghiệp xấu thì không ai biết nó nhiều từng nào hết. Ở đây không ai biết là mình đã từng gây ra bao nhiêu nghiệp xấu, đúng không? Đã từng trong đời này hoặc các đời trước, đánh đập bao nhiêu người, giết bao nhiêu con vật, mắng chửi bao nhiêu người… Không ai biết hết!
Vì không biết nên là chúng ta phải có thói quen mới là gì?
Nghiệp xấu cũ thì không biết là bao nhiêu, vậy nghiệp tốt mới chúng ta phải thường xuyên xây dựng hay là thường xuyên phá huỷ? Thường xuyên xây dựng. Phải làm nó như là một thói quen xây dựng nghiệp tốt, giống như xây tường ấy. Sóng thần thì không biết khi nào mò đến, ập đến bất kỳ lúc nào. Tốt nhất chúng ta nên xây bức tường nghiệp tốt liên tục, chứ đừng đợi khi nào bệnh ung thư mới xây thì đã quá muộn.
Những cách để xây dựng nghiệp tốt
Có rất nhiều cách để xây dựng nghiệp tốt. Điểm căn bản của tất cả các cách đấy là gì? Là muốn làm điều tốt hoặc thực sự làm điều tốt. Nhưng đôi khi, trong nhà Phật có rất nhiều lời dạy của Đức Phật ưu tiên việc mình muốn làm điều tốt cho người khác một cách thực tâm.
Thậm chí chúng ta chỉ cần là: không cần phải hành động vội, mà chỉ cần cầu chúc, chỉ cần hoan hỷ khi người khác hạnh phúc – là chúng ta có nghiệp tốt. Ví dụ người ta có được niềm vui trong cuộc sống, một giải thưởng, hay một buổi tiệc sinh nhật… tóm lại bất kỳ cái gì mà người ta hạnh phúc, mình hoan hỷ thì cũng là một nghiệp tốt. Như vậy, mình có thể làm điều tốt cho người khác, hoặc chúc điều tốt cho người khác, hoặc hoan hỷ khi thấy người khác hạnh phúc đều là nghiệp tốt.
Nếu nghiệp xấu là làm hại đến sức khoẻ, tinh thần, thì nghiệp tốt là làm gì? Làm lợi về sức khoẻ, làm lợi về tinh thần thì có lợi không? Ví dụ, thấy họ đang sợ hãi thì đến khuyên bảo, vỗ vai nói “Không sao đâu!”. Một người đang rất sợ, thấy con gián chạy qua, co rúm người, hét tướng lên. Thế là mình đến vỗ vai bảo là: “Không sao đâu, không sao đâu! Vấn đề cùng lắm là…”, cùng lắm là gì nhỉ? “Đừng lo, có tớ đây rồi! Cậu yên tâm, đừng sợ gián! Có tớ đây rồi, có gì tớ đập nó chết luôn.” (Mọi người cười)
Đấy là nghiệp tốt hay xấu? (Nhiều bạn: Nghiệp xấu!) Tốt cho người mà xấu cho gián thì thôi! “Có gì tớ sẽ hét cùng cậu!” – Đấy, thì được – “Ta cùng hét cho vui!”, cùng hét vì hoảng sợ ấy.
Tóm lại, nếu chúng ta có thói quen làm lợi về sức khoẻ hoặc tinh thần cho người khác một cách tự nhiên và liên tục thì chúng ta sẽ tự xây dựng bức tường nghiệp tốt rất nhanh và giảm bớt tác hại của nghiệp xấu đi.
Cách rất dễ là chúng ta có thể chúc thầm. Thấy ai mình cũng chúc một câu: “Chúc anh, chúc chị, chúc bạn mạnh khoẻ, giàu có, hạnh phúc và giác ngộ”. Những điều mình muốn thì mình chúc cho họ, nhưng mình không quên chúc cho họ giác ngộ. Vì nếu chúc được họ giác ngộ thì giác ngộ là hạnh phúc lớn nhất của mỗi người. Hạnh phúc một cách bền vững, không bị mất. Còn hạnh phúc kia là tương đối, như là mạnh khoẻ, giàu có, may mắn thì nó cũng chỉ đến một lúc thôi.
Nên chúc thầm cũng là một thói quen tốt. Chúng ta có một thói quen chúc thầm liên tục, chúc bí mật đấy, thì chúng ta xây dựng cho mình một kho nghiệp tốt liên tục. Quan trọng hơn là tâm chúng ta, khi mà chúng ta mong muốn điều tốt cho người khác thì tâm chúng ta tự thấy bình an hơn nhiều.
Ví dụ thế này nhé. Mình ra chợ mua bán xong bị mua hớ, ví dụ quả này là quả gì nhỉ?
Mọi người: Anh đào. Năm trăm ngàn/1 kg.
Thầy Trong Suốt: Năm trăm ngàn/1kg – Thế là mình mua, mình hỏi bao nhiêu, họ bảo tám trăm. Mình cứ nghĩ giá nó là tám trăm, thế là mua, xong. Mua xong về khoe mẹ là “Hôm nay con mua anh đào tám trăm ngàn/kg”. Thế là mẹ bảo: “Thôi chết rồi con ơi, mày dại rồi con ơi, giá chợ đen chỉ có năm trăm ngàn thôi con ơi!”. Lúc đấy có hai lựa chọn: Một là, hậm hực, tức tối với người ấy: “À, mày lừa tao! Nó lừa mình!”; Lựa chọn thứ hai là, vui mừng. Vì sao lại vui mừng?
- Thứ nhất là, mình bớt nghiệp xấu, đúng không? Vì bị mua hớ là bớt nghiệp xấu rồi.
- Thứ hai là, vui mừng vì có một người có tiền, có một người có thêm mấy trăm nghìn.
Đây là điều thầy thường xuyên làm, vui mừng vì thầy hay bị lừa mà, (Mọi người cười) tin người ấy. Bây giờ thì đỡ chứ hồi xưa dại lắm! Tin người hay bị lừa. Mình vui mừng vì họ có ba trăm ngàn. Ba trăm ngàn có thể giải quyết vấn đề gì đó cho họ. Đấy, mình vui mừng khi nghĩ đến chuyện mình mất và có người được. Mình vui vì họ được, mình thoải mái ngay, thấy lòng nhẹ bẫng ngay. Khi mình bị bạn lừa, bị người khác lợi dụng, mình nghĩ ngược lại là: “Có một người được cái gì đó thêm”. Mình nghĩ mình bị mất là mình khổ. Mình nghĩ là: “À, anh ấy có thêm ba trăm ngàn để tiêu, để sống”, thế là mình thấy vui vẻ, đấy!
Như ví dụ của thầy vừa xong, không bao giờ mình sợ mua đắt. Tất nhiên không ai muốn bị mua đắt cái gì cả, nhưng lúc mình có mua đắt ấy, thì cũng chẳng sao, vì có một người thêm tiền. Mình vui vẻ với hạnh phúc của họ, mình được trả nghiệp xấu. Họ có thêm tiền để tiêu, để sống. Tuy nhiên mình vẫn phải chúc cho họ giác ngộ, bởi vì về nhân quả mà nói nếu họ thực sự lừa mình thì họ sẽ phải chịu nghiệp xấu. Mình nói là mình vui vẻ thôi, nhưng đấy là trường hợp họ không làm việc quá xấu với mình, như họ bán lãi hơn, mình thiệt hơn – OK, được! Việc ấy được, mình vui vẻ được. Chứ nếu họ thực sự làm điều xấu với mình thì mình chẳng thể vui cho họ được, vì họ gây nghiệp xấu mà. Mình chúc họ giác ngộ để họ thoát được nghiệp xấu ấy.
Còn ví dụ nếu người ta lãi được ít, mình mất một ít ấy – rất dễ áp dụng trong cuộc sống. Đến bị lừa thì hơi khó rồi. Nhưng khi mình bị mua đắt cái gì đấy, như quả anh đào là ví dụ đấy, thì họ lãi, mình vui vẻ có vấn đề gì đâu. Những thói quen như vậy nó làm tâm mình rất bình an.
Đấy có lẽ là cái tuyệt vời nhất – Nghiệp tốt thì chưa biết đến từ đâu và bao giờ nó đến, nó biểu hiện như thế nào, nhưng mà rõ ràng, lòng mình hạnh phúc, mình thấy ngay rồi. Khi giúp người khác hạnh phúc thì mình có loại hạnh phúc sâu thẳm – hạnh phúc vô ngã, hạnh phúc vì người khác hạnh phúc. Hạnh phúc của vị tha, hạnh phúc rất sâu thẳm, rất bền vững. Còn những hạnh phúc chỉ cho riêng mình thì sẽ nhanh chóng mất đi, hoặc là mình lại thiếu.
Khi mong muốn điều tốt cho người khác thì tâm chúng ta tự thấy bình an hơn nhiều.
Khi giúp người khác hạnh phúc thì mình có loại hạnh phúc sâu thẳm, bền vững – hạnh phúc vô ngã, hạnh phúc vì người khác hạnh phúc.
Nhà Phật có câu là:
“Những kẻ chưa trưởng thành về tâm linh thì suốt ngày chỉ nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình, còn những bậc giác ngộ thì lúc nào cũng chỉ nghĩ về hạnh phúc cho người khác”.
Hay là có câu nữa cũng của nhà Phật:
“Mọi loại đau khổ trên đời này đều đến từ việc chỉ nghĩ cho hạnh phúc của mình.
Mọi hạnh phúc trên đời này đều đến từ việc nghĩ cho hạnh phúc của người khác”.
Nếu mình chỉ lo nghĩ cho hạnh phúc của mình thì khổ là chắc. Mình sẽ làm những điều hại những thứ xung quanh. Thứ hai là, kể cả mình không làm hại những thứ xung quanh thì trong tâm mình lúc nào chỉ có tôi, tôi, tôi. Nên cái tôi bị động vào là đau đớn ngay.
Ví dụ hai vợ chồng cãi nhau, ai cũng nghĩ cho hạnh phúc của mình, thì khổ không? Quá khổ chứ còn gì nữa! Ai cũng nghĩ đến hạnh phúc của mình thì khổ. Còn nếu người này chịu nghĩ cho người kia, cả hai cùng nghĩ cho nhau thì đôi khi chẳng muốn cãi nhau nữa, hạnh phúc bắt đầu đến. Đôi khi là mình nhường nhịn, đôi khi là mình bỏ qua, bao dung.
Tóm lại là không cần phải cãi nhau nữa vì mình nghĩ cho hạnh phúc của người khác. Còn nghĩ hạnh phúc cho riêng mình thì sẽ mãi mãi không bao giờ thấy đủ cả, chẳng bao giờ thấy mình có đủ. Đã có nhà rồi thì muốn nhà đẹp hơn, mua được xe thì muốn xe tử tế hơn, đã được tôn trọng rồi lại muốn được tôn trọng hơn nữa, đã có tiếng tăm rồi lại muốn tiếng tăm nhiều hơn, chẳng bao giờ dừng lại được. Đấy, nếu chỉ nghĩ hạnh phúc cho riêng mình thì khổ.
Thế nên để hết bệnh hay để ít bệnh, tốt nhất nên có thói quen đơn giản là gì?
Rất dễ, cực kỳ đơn giản
– Hãy nghĩ về hạnh phúc cho người khác!
“Người” ở đây là người hay con vật đều giống nhau hết. Gọi là “người khác” không thiếu mà bao gồm cả những con vật. Tập thói quen nghĩ về hạnh phúc cho người khác, tự nhiên mình chẳng cần phải làm gì, tự nhiên những hành động, lời nói của mình dần dần sẽ mang tới nghiệp tốt, tránh những nghiệp xấu.
Nên trong thời đại này nếu hỏi:
“Làm thế nào để giảm bớt những nghiệp xấu, tăng trưởng những nghiệp tốt, giảm bớt bệnh tật thì phải làm gì?”
Câu trả lời đơn giản:
Hãy thường xuyên nghĩ về hạnh phúc cho người khác!
Thế là mình được cả thân tâm an lạc, đúng không? Được cả vô vàn nghiệp tốt, mình sẽ làm, và tất nhiên là sẽ bớt bệnh tật đi. Dễ chưa? Hoá ra để hạnh phúc và khoẻ mạnh chỉ cần nhớ một chìa khoá nhỏ: “Hãy thường xuyên nghĩ về hạnh phúc cho người khác”. Thế thôi!
Ví dụ, trong phòng nóng mình bật quạt lên, mình phải quan tâm xem người ta có bị lạnh không, chứ đừng chỉ nghĩ là mình nóng quá thì mình bật. Nhỏ thôi mà! Nếu mà mình thường xuyên nghĩ về hạnh phúc cho người khác thì từng hành động nhỏ của mình đều có sự quan tâm đến hạnh phúc của người khác. Đấy! Tình huống bật quạt cũng nghĩ đến làm người khác có lạnh không? Nếu vào phòng thấy mọi người ngồi trong tối, mình bật đèn lên cho sáng – là nghĩ đến hạnh phúc cho người khác đấy!
Trà đàm muộn quá, thôi mọi người về đi không lại đói. Đấy, những trường hợp như thế…
Tập dần thói quen – đấy là thói quen mà ai cũng có thể vun trồng được, thói quen thường xuyên nghĩ về hạnh phúc cho người khác. Vì khi mình nghĩ rồi mình sẽ làm, nên là mình nên tập thói quen đấy – Đó là thói quen để phòng tránh bệnh tật trong thời đại này. Là gì? Lá cờ thêu 9 chữ vàng:
Thường xuyên nghĩ về hạnh phúc cho người khác.
Mọi hạnh phúc trên đời này đều đến từ việc nghĩ cho hạnh phúc của người khác.
Ngày xưa, mọi người biết truyện lá cờ thêu 8 chữ vàng không?
Một bạn nam: Trần Quốc Toản.
Thầy Trong Suốt: Trần Quốc Toản, đồng ý. Có biết 6 chữ vàng: “Phá cường địch, báo hoàng ân”. (Nhiều bạn đọc theo) Đấy! Bây giờ qua thời đấy rồi, bây giờ nhiều lụa, nhiều chỉ hơn thêu hẳn 9 chữ cho oách, đúng không? 9 chữ gì – “THƯỜNG XUYÊN NGHĨ VỀ HẠNH PHÚC CHO NGƯỜI KHÁC”.
Thầy cũng sống theo kiểu đấy từ trước. Lúc mình không sống, không nghĩ như thế mình rất là khổ, mình bị phá sản này, bị thất tình này, mình bị coi thường. Khi mình nghĩ hạnh phúc cho riêng mình ấy, hoá ra mình mất, mất cả tình lẫn tiền, lẫn cả danh dự. Thầy đã từng trải qua giai đoạn như vậy. Tình cũng mất, tiền cũng mất, danh dự cũng mất.
Sau này, khi mình nghĩ lại, tại sao mình mất? Rõ ràng mình đâu phải người kém thông minh, mình cũng khá phết ấy chứ, đâu đến nỗi nào. Thế thì mình nhận ra là gì?
- Trong tình yêu, mình thường xuyên chỉ nghĩ về hạnh phúc cho mình thôi, người kia mình cũng nghĩ, nhưng mà nghĩ sau mình.
- Trong kinh doanh cũng thế, mình thường xuyên nghĩ về mối lợi của mình, mình ít nghĩ về mối lợi cho người khác.
Trong khi bản chất kinh doanh, muốn kinh doanh bền vững thì mình phải thường xuyên nghĩ về mối lợi cho người khác. Người khác ở đây có thể là đối tác, là khách hàng của mình. Còn khi mình dịch chuyển sang đoạn chỉ nghĩ cho mình là dấu hiệu mình sắp bị phá sản rồi, sắp mất rồi.
Thế sau mình khôn hơn, hiểu biết hơn thì
- trong tình cảm, mình nghĩ cho người khác trước,
- trong kinh doanh mình nghĩ làm thế nào để cả hai cùng được.
Đấy, dần dần tình cũng không mất, tiền không mất, mà được cả hai.
Thế nên, thói quen thường xuyên nghĩ về hạnh phúc cho người khác là rất tốt trong cả đời lẫn đạo. Trong đạo là đương nhiên rồi, trong đạo thì thói quen đấy làm cho người ta giảm cái ngã chấp đi, giảm thói quen quy ngã. Quy ngã tức là mọi thứ hướng về tôi. Và người ta trở nên có thói quen từ bi, sống hoà đồng với tất cả mọi thứ, mọi người, mọi vật. Cái tôi nó yếu đi.
Nên đấy là điều rất quan trọng của người đời cũng như người tu hành – Thường xuyên nghĩ về hạnh phúc cho người khác – tránh bệnh tật, tránh rủi ro, tránh mất tiền, tránh mất bạn, tránh mất tình cảm và có được mọi thứ.