Sống với lòng Biết ơn, dù là Nghịch cảnh
Đức Phật dạy chúng ta, mọi sự trên đời đều có nhân duyên của nó, nếu ta không gieo nhân thì hôm nay đâu có quả? Bạn thử nghĩ xem nếu hôm nay người ta mang đau khổ cho bạn, bạn lại trả thù người ta bằng cách làm người ta đau khổ, như vậy đau khổ chồng lên khổ đau thì đời đời kiếp kiếp khổ đau cứ theo ta hoài không bao giờ chấm dứt cả.
Để hóa giải nghiệp quá khứ chúng ta phải huân tập tâm từ bi thật miên mật mới có được kết quả tốt. Trong phim Tây Du Ký có đoạn Hồng Hài Nhi phun lửa, nước thế gian không thể dập được phải nhờ nước cam lồ của Bồ Tát. Lửa của Hồng Hài Nhi thể hiện lòng sân, lòng thù hận của con người thế gian. Nước cam lồ của Bồ Tát thể hiện lòng từ bi của chư Thánh, chư Phật, chư Bồ Tát.
Câu chuyện về một chú lừa:
Có một câu chuyện về một chú lừa : Có một chú lừa đang chạy chơi tung tăng rất vui vẻ, bỗng nhiên chú bị sa vào một cái hố, cái hố rất sâu, chú kêu la lên để cầu cứu. Người chủ của chú và những người dân làng chạy đến cái hố, họ tìm cách để đưa chú lên nhưng không thể nào được, cái hố đó quá sâu cuối cùng họ lấy đá ném xuống cái hố để chôn sống chú lừa vì họ không muốn thấy người chủ của chú đau khổ khi nghe tiếng kêu gào cầu cứu của chú. Chú lừa đau khổ nhìn người chủ của mình và những người dân làng với ánh mắt tuyệt vọng như muốn hỏi tại sao lại đối xử với tôi như vậy, chú kêu gào trong sự thất vọng và cay đắng. Thế rồi chú nhìn những viên đá đang rơi xuống và chợt lóe lên một tia hy vọng, chú nghĩ tại sao mình không bước lên những viên đá kia để leo lên khỏi cái hố nhỉ, thế là chú bắt đầu từng bước dẫm lên những viên đá và cuối cùng chú đã lên khỏi cái hố sâu đó trong sự ngưỡng mộ của mọi người xung quanh.
Bạì học qua câu chuyện trên là những viên đá ném xuống với mục đích để giết hại chú lừa đó lại chính là những cơ hội để giúp chú lừa thoát thân.
Chúng ta cũng vậy, những người mang đến nghịch cảnh cho ta là họ đang giúp ta vươn lên, họ tạo cho ta cơ hội để trả nghiệp quá khứ mà ta đã từng gây tạo. Và đó cũng là cơ hội cho ta để thực hành tâm từ bi, khi nghịch cảnh đến mà ta giữ được sự im lặng trong tình thương yêu thì ngay lúc đó, trong ta đang phát ra một năng lực vô hình đó chính là đạo hạnh. Sức mạnh của lòng từ bi, đạo hạnh sẽ theo ta đến vô lượng kiếp về sau, và đó cũng là bàn đạp cho ta tăng tiến trên con đường tu hành theo chánh pháp. Hoa sen chỉ tỏa hương sắc nơi bùn sình, đức hạnh của con người cũng huân tập bởi trong nghịch cảnh mà thành.
Xin tâm con thương hết
Cả những người ghét con
Thậm chí đã đưa con
Vào khốn cùng đau khổ
Xin vượt qua thù hận
Để mãi mãi về sau
Oan trái chẳng theo nhau
Lòng an vui thanh thản
-Huệ Không-
Thầy Thích Phước Tiến
Trong đời, dù là người lương thiện, tốt bụng hay giàu sang thì ai cũng phải đối diện với những nghịch cảnh, những sự việc hoàn toàn trái ngược với ý muốn của mình. Nhưng đó là điều rất đỗi bình thường mà có khi sau này ngẫm nghĩ lại, chúng ta sẽ phải cảm ơn nghịch cảnh.
Trong quyển “Những bước thăng trầm”, ngài Narada có nói một câu “Dù chúng ta có sống một đời sống trong sạch như một Vị Phật nhưng chúng ta không thể tránh được sự thị phi và nguyền rủa”
Trái ý nghịch lòng là những điều luôn diễn ra trong cuộc đời này và khi đối diện trước những vấn đề ngoài ý muốn, chúng ta thường hay buồn phiền, chán nản, bỏ cuộc hay sân hận, than trách số phận, ông trời bất công bạc bẽo…
Tuy nhiên, mọi thứ trong cuộc đời đều không vận hành theo ý nghĩ của chúng ta, chúng có quy luật riêng và có lý do để đến. Một người có cách nhìn cởi mở và tích cực sẽ thấy dễ chịu, thoải mái hơn, xem đó là động lực mình chinh phục và bước gần hơn đến mục tiêu của mình. Như một công thức chung, đa phần những người dám đương đầu và vượt qua nghịch cảnh là những người thành công, bởi nghịch cảnh sẽ giúp cho con người đó trưởng thành, mạnh mẽ hơn rất nhiều.
1. Nghịch cảnh sản sinh ra sự thành công
Tuy rằng, không ai mong cầu nghịch cảnh xảy ra với mình, nhưng nghịch cảnh lại là bước đệm cho sự thay đổi một điều gì đó bên trong con người hay cuộc sống của họ. Cũng như khi cơn lũ đi qua sẽ để lại một khối lượng phù sa rất lớn để cây cối xanh tốt và phát triển.
Chúng ta thấy những vật quý giá không bao giờ xuất hiện ở giữa đường mà chúng thường ở trong rừng sâu núi thẩm. Ngày xưa, để có những viên ngọc trai, người ta phải lặn sâu dưới đại dương để tìm những con trai có hạt cát rơi vào trong vỏ. Khó khăn muôn trùng và xác suất có được những viên ngọc trai là không cao, nhưng họ có thể phải đánh đổi cả tính mạng.
Hay trong những bộ phim cổ trang mà chúng ta đã xem, những bí kíp võ lâm, những vật quý hiếm thường được cất giấu ở những nơi hiểm trở, khó tìm thấy. Vì sao? Bởi tạo hóa hay con người luôn muốn những thứ đó chỉ xứng đáng được sở hữu từ những ai có nghị lực phi thường. Còn những thứ tầm thường, quá dễ dàng có được thì không có giá trị cao.
Cho nên, những nơi khó khăn, gây cho ta nhiều cản trở đó lại là nơi có những cái gì đó đặc biệt.
Nhiều người thắc mắc “Vì sao Đức Phật lại sinh ra ở đất nước nghèo nàn như Ấn Độ mà không sinh ra ở một nơi giàu có, sung sướng?”
Cũng như anh hùng chỉ xuất hiện khi thời thế loạn lạc, không có loạn lạc thì không có anh hùng vì nếu có thì xã hội cũng không ai cần đến. Nên một bậc vĩ nhân như Đức Phật chỉ có mặt ở nơi mà con người đang rơi vào tận cùng của sự đau khổ, nhiều oan trái để giải quyết khổ đau ấy.
Cho nên trong Kinh đề cập là : Đức Phật Di Lặc sẽ ra đời trong bối cảnh con người phải đến giai đoạn khổ đau cùng cực để cần có một người nào đó để thay đổi. Vì thế, sự cùng cực của khổ đau, cùng cực của một cái gì đó là lý do để bắt đầu thay đổi và nó lại là cơ hội cho chúng ta .
Tổ Huệ Năng cũng đã từng nói là: “Phật Pháp bất ly thế gian giác” là như thế ! Tức là sự giác ngộ được không phải rời thế gian này. Đó là lý do mà muốn đạt đến mục đích giác ngộ, Đức Phật đã phải thị hiện ở cõi Ta Bà và đánh đổi cả sinh mạng của mình khi phải chịu đựng rất nhiều gian khổ và đặc biệt nhất là Ngài đã từng Tu khổ hạnh nơi rừng già đầy nguy hiểm.
Không chỉ có Đức Phật mà hầu như những người thành công đều phải đối diện trước nghịch cảnh và vượt qua được nó. Có lẽ, bản lĩnh và ý chí là sự khác biệt rõ rệt giữa người thành công và người thất bại. Người càng chùn bước trước những khó khăn thì sẽ càng trở nên yếu đuối.
Đức Phật từng nói trong các Kinh là “Vô ma khảo bất thành Đại Đạo” – tức là không có những chướng duyên – nghịch cảnh thì không thể nào thành Đạo lớn! Sự khó khăn, gian khổ luôn luôn lúc nào cũng có một cái gì đó để nó tạo cho ta có một cơ hội để mình tự hào với những thành quả của mình và trưởng thành lên từ đó.
Vì vậy, người xưa cho chúng ta một câu: “Cảnh khó là nấc thang cho bậc anh tài – là kho tàng của người khôn khéo nhưng là vực thẳm của người yếu đuối” .
2. Phải làm gì khi đối diện với nghịch cảnh?
Hãy luôn nhớ một câu thần chú “Thử thách chỉ là thử lòng can đảm của chúng ta, chứ chúng ta không thể nào chết với thử thách”. Vì tâm lý sợ và tưởng tượng mức độ của thử thách mà chúng ta chùn bước với nó, để rồi chúng ta bị lùi lại phía sau.
Đừng cho việc thất bại là sự nhục nhã. Trong cuộc đời mỗi người mỗi cảnh và tất cả mọi người không phải ai cũng giống nhau. Có người hoàn cảnh này, có người hoàn cảnh khác nhưng hãy dặn lòng dù có thất bại, dù có vấp ngã thì cũng phải cố gắng đứng lên làm lại cuộc đời như ông bà xưa từng dặn chúng ta “Thua keo này bày keo khác” ”Ngày mai dù có ra sao nữa cũng chẳng sao”
Với bất kỳ việc gì, hãy nghĩ đến những hoàn cảnh khó khăn nhất, tận cùng nhất để đưa ra giải pháp xử lý, để nếu nó thật sự xảy ra, chúng ta bình tĩnh và biết cách giải quyết hợp lý. Nhưng quan điểm nhiều người cho rằng, nghĩ đến cái xui thì sẽ xui nên khi sự việc không hay xảy đến họ dễ bị sốc, bất ngờ và phản ứng theo bản năng.
Sỡ dĩ những người lớn tuổi họ thường vững chải hơn tuổi trẻ nhờ gặp qua nhiều quá nghịch cảnh, được tôi luyện nhiều nên hình thành nên kinh nghiệm và vì vậy trong cuộc đời họ lại được vững vàng hơn.
Cho nên, khi gặp những điều làm trái ý nghịch lòng, những thử thách chúng ta hãy biến đau thương thành động lực để có những suy nghĩ tích cực rằng: Một điều đau khổ đến chúng ta có khổ đau nó cũng không thay đổi được gì. Nhưng mà đôi khi chúng ta tỉnh táo lạc quan, vững chãi để đối diện thì lại cải thiện được một vấn đề rất là tốt!
3. Mặt tích cực của nghịch cảnh
Cũng như đường đại diện cho thuận cảnh, ớt đại diện cho nghịch cảnh. Trong một món ăn, không phải đường là ngon và cay là dở. Vị ngọt và vị cay đều có những giá trị riêng của nó.
Nên những cảnh trái ý, nghịch lòng không hẳn sẽ nhấn chìm cuộc đời của chúng ta mà nó sẽ làm cho con người chúng ta bớt kiêu ngạo và háo thắng, sẽ nhìn nhận lại một vấn đề tốt hơn và hoàn thiện bản thân mình.
Chẳng hạn như một người sống khỏe mạnh hoài, họ sẽ chủ quan về sức khỏe, ăn uống không điều độ. Nhưng khi một cơn bệnh xảy đến, họ sẽ bừng tỉnh lại và chăm sóc cơ thể mình tốt hơn.
Hay như những người giàu có, họ ít khi làm từ thiện và thường cho rằng việc đi chùa, tu học là một điều gì đó mê tín, thiếu thực tế. Nhưng khi rơi vào đau khổ, bần cùng họ lại tích cực làm thiện, đến chùa để mong muốn cải thiện lại cuộc sống của mình.
Tóm lại, khi rơi vào những điều bất như ý hay bị sự ngăn cản của người khác, người học Phật cần phải nhìn nhận thẳng vào vấn đề, tìm cơ hội trong nghịch cảnh để làm chủ tình huống và biết cách xoay chuyển tình thế. Cho nên, khi nhìn nhận lại những thành quả mà mình đã đạt được, nhiều người lại thầm cảm ơn nghịch cảnh, vì nhờ đó, chúng ta mới thức tỉnh, mới biết vùng dậy mà thay đổi bản thân mình phù hợp với hoàn cảnh xã hội.
Thầy Thích Trí Huệ
Đạo tràng Tuệ Đăng Thường Chiếu thỉnh mời thầy Thích Trí Huệ đến Thuyết pháp giảng về chủ đề Biết ơn Nghịch Cảnh 27-04-2012 (Ngày trì chú và tụng kinh hàng tháng tại Đạo tràng)
Tóm tắt nội dung bài giảng
Cuộc sống càng ngày càng tấp nập hơn, mỗi khi chúng ta tìm sự An Lạc, tìm sự giải trí thì lại rối trí hơn.
Ví dụ: Đến các làng nướng ngồi giải sầu một mình, chơi điện tử, tụ tập ăn uống với bạn bè… Muốn đi giải trí mà trí không giải, muốn đi giải sầu mà sầu còn nguyên.
Đức Phật dạy cái gì gây ra ở đâu thì chúng ta giải quyết ở nơi đó thì mới hết được.
Ví dụ: Mình gây oán do lỡ lời với người kia mà đến trước chánh điện cầu khẩn xin đức Phật gia hộ cho người kia tha thứ. Như vậy có được không?
Trong cuộc sống này người giúp mình thì ít mà người cản ngăn mình thì nhiều, tại vì con người ta có tâm ganh tỵ, con người ta có cái bản ngã…
Xem thêm:
- Bình An Trong Nghịch Cảnh
- Nghịch cảnh và Thử thách
Câu chuyện
Những nông dân ở miền Nam Alabama đã quen trồng chỉ mỗi một thứ là cây bông (dùng để se chỉ, dệt vải).
Một năm kia, những con sâu bọ đã tàn phá cả vùng. Năm sau những người nông dân đem nhà cửa của họ đi cầm cố để có tiền và lại tiếp tục trồng cây bông, hy vọng vào một kỳ gặt hái tốt đẹp. Thế nhưng, khi những cây bông bắt đầu mọc, những con sâu bọ đó lại đến và phá sạch hầu hết các cánh đồng.
Một số ít những người “sống sót” qua hai năm đó đã quyết định trồng thử một thứ mà trước đây họ chưa bao giờ trồng, đó là cây lạc (đậu phộng). Và kết quả là cây lạc của họ nhanh chóng được thị trường ưa chuộng, đến nỗi lợi tức của năm đó đủ để họ trả hết nợ của hai năm trước. Kể từ đó họ trồng cây lạc và rất phát đạt.
Và rồi bạn biết những người nông dân đó làm gì không? Họ trích một phần trong tài sản của mình để dựng một đài kỷ niệm ngay giữa trung tâm thành phố để ghi công “những con sâu bọ”. Bởi nếu không vì những con sâu đó họ sẽ không bao giờ khám phá ra cây lạc. Họ sẽ mãi mãi đủ ăn với nghề trồng cây bông từ thế hệ này qua thế hệ khác.
*Om Mani Padme Hum
Xem thêm:
- Lòng biết ơn – TnBS
- Sống với lòng biết ơn mỗi ngày
- Biết ơn vì được xin lỗi
- Hãy biết ơn từ tận đáy lòng khi ta bị nói xấu
- Biết ơn để tâm an – thuận duyên rồi sẽ đến
- Cậu bé mù và câu chuyện về biết ơn cuộc sống
FB: Quan Âm Bồ Tát – Om Mani Padme Hum –
https://www.facebook.com/110397320314103/posts/163775301642971
https://www.facebook.com/110397320314103/posts/294986955188471