BỒ TÁT LÀ NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO?
Bồ tát là người cam kết sẽ thực hành cho đến khi họ trở nên hoàn toàn yêu thương và trí tuệ. Về ngắn hạn, Bồ tát giúp đỡ mọi người giảm bớt đau khổ và cảm thấy hạnh phúc hơn. Về dài hạn, Bồ tát giúp mọi người cũng trở nên đầy yêu thương và trí tuệ cho đến ngày hoàn toàn giác ngộ.
Bồ tát giúp đỡ mọi người ngay cả khi người kia không hề biết, ngay cả khi người kia không hề cảm ơn, ngay cả khi người kia hiểu lầm, và ngay cả khi người kia phá hoại công việc của Bồ tát. Bồ tát là một siêu anh hùng thầm lặng, nhưng không bao giờ nghĩ mình là anh hùng.
Các siêu anh hùng chỉ xuất hiện trong truyện tranh, Bồ tát sống giữa đời thường như một người quen của bạn. Các siêu anh hùng có được khả năng đặc biệt là nhờ trời cho, Bồ tát có được năng lực đặc biệt là nhờ rèn luyện.
Các siêu anh hùng sử dụng nhiều vũ khí quyền năng khác nhau như kiếm, nhẫn, áo choàng, quyền trượng, tơ nhện… Bồ tát chỉ sử dụng 2 vũ khí để hàng phục mọi loại vũ khí khác của thế gian, đó là Trí tuệ và Tình thương.
Bồ tát hiểu rằng, tình thương và trí tuệ sẽ làm việc hoàn hảo nhất khi chúng phát triển cùng với nhau. Bồ tát không nghĩ rằng, trước tiên tôi chỉ phát triển trí tuệ rồi sau đó mới phát triển tình thương, hoặc trước tiên tôi phát triển tình thương rồi sau đó mới phát triển trí tuệ.
Khi bạn có tình thương với mọi người, trí tuệ của bạn sẽ mở rộng để thấu hiểu mọi vấn đề tương đối và tuyệt đối của thế gian. Khi bạn có trí tuệ, tình thương của bạn sẽ dạt dào bởi bạn biết mọi chúng sinh và bạn là đồng một thể. Như hoa trái đến từ sự hợp nhất giữa trí tuệ và từ bi, hành động của bạn sẽ tự mang lại lợi lạc cho tất cả chúng sinh, trong khi đó, bạn hoàn toàn tự do vì biết rằng chẳng có chúng sinh nào để làm lợi lạc.
Vì thế, Bồ tát rèn luyện cả trí tuệ lẫn tình thương trên con đường tu học của mình.
Trích “Hòn đá đặt chân và người luôn thua kém“ – TS
Xem thêm: Truyện Cổ Tích Trong Suốt. Zangthalpa – P2: Hòn Đá Đặt Chân
TỪ BI MÀ KHÔNG CẦN PHẢI TỎ RA TỪ BI GÌ CẢ
Một học trò hỏi:
Thưa Thầy, con rất đau khổ và băn khoăn mãi một điều: tại sao con không thể ‘yêu thương vô điều kiện’ như mọi người hay nhắc đến? Con đã cố gắng rất nhiều lần. Dù con rất yêu chồng con, rất thương anh ấy, nhưng mỗi lần anh ấy làm con trái ý thì con cứ hậm hực, ngầm trách. Con rất dằn vặt vì chính cái cảm xúc ‘yêu thương rất có điều kiện’ như thế đã đeo đẳng con suốt bao năm nay dù đã có 2 con với nhau. Xin Thầy cho con lời khuyên ạ?
Trong Suốt:
Vì cái Biết vốn có sẵn sự từ bi, khi con nhận ra mình là ai thì từ bi sẽ tự xuất hiện trong con mà con không cần phải đi trau dồi sự từ bi bằng cách giúp hết người này sang người khác. Khi con nhận ra mình là Biết và tất cả nội dung của Biết là ở trong con, thì tự con sẽ không muốn lấy cái gì của thế giới này nữa. Mà tự con sẽ thấy đầy đủ, con sẽ sẵn sàng trao tặng những gì mình có cho thế giới.
Sự từ bi sẽ tự hiện ra, chứ không cần thiết phải tìm cách trau dồi sự từ bi cho cái tôi này, rồi đi giúp hết cái tôi này đến cái tôi khác. Đấy là cách trau dồi từ bi kiểu cũ. Cách đấy có giá trị, rất giá trị là khác, vì nó làm cho người ta bớt cái tôi đi và giúp phát triển các phẩm tính khác. Tuy nhiên, nó là giá trị tương đối. Vì nền tảng là con vẫn tin mình là cái tôi này thì không thể nào tuyệt đối được.
Còn khi con nhận ra mình là ai thì con sẽ có sự từ bi tuyệt đối. Từ bi mà không cần phải tỏ ra từ bi gì cả, tự mọi hành động sẽ toát ra sự từ bi.
Ví dụ, khi con nhìn người khác, mà con thấy ngay đó là mình, thì không đời nào muốn hại họ cả. Thấy họ khổ tự mình thương, như tay phải với tay trái mình đau, mình thấy thương ngay lập tức. Nó đến tự nhiên, không cần phải nghĩ tới việc tôi phải thương nó, mà mình phải chữa ngay cho nó chứ! Hay ở chỗ là, con nhìn thấy mình, con cũng thương mình luôn, chứ không phải là chỉ thương những người trên thế giới này, còn mình thì mặc kệ. Vì tất cả đều bình đẳng, tay nào đau thì chữa tay đấy. Con sẽ tự biết thương chính mình như thương người khác.
Nhưng ‘chính mình’ chỉ là cách nói thôi, con không phải cái ‘mình’ – cái ‘tôi’ này nữa. Nếu giả sử con là cô A đang yêu anh B, sau khi nhận ra con là ai, con sẽ thương cả cô A và anh B. Khi con thấy cô A đau khổ con sẽ tìm cách chữa cho A như thể con tìm cách chữa cho anh B một cách tự nhiên. Con không muốn làm gì gây tổn thương cho B nhưng con cũng sẽ không muốn làm gì gây tổn thương cho A.
Còn sự từ bi cũ là gì? Tôi là A và tôi phải thương B. Vậy một ngày nào đó, B làm tổn thương A thì A lại phải chọn: tôi không yêu được B nữa vì tôi phải bảo vệ bản thân tôi trước. Đây cũng là lý do các con yêu nhau mà bị tổn thương thì nhất định không thể yêu nhau được nữa. Các con chỉ có thể yêu đến một mức độ tổn thương cho phép, nhưng đến khi người kia làm mình tổn thương đến mức độ nhất định rồi là mình không thể yêu người ta được nữa. Vì mình là người này cơ mà! Chỉ khi con là Biết thì con sẽ thương cả 2 người. Khi hai người làm khổ nhau thì con thương cả hai người cùng lúc. Chứ con không chỉ thương chính mình mà con không thương người kia nữa.
Tình thương khi này sẽ rất khác, nó rất tự nhiên! Không cần phải lập kế hoạch rằng tôi phải cho rải lòng từ bi gì cả, vì đã thấy hai cái thân tâm đau khổ ở ngay đây thì đương nhiên phải thương rồi. Con sẽ có sự bình đẳng, không cần phải hi sinh cái thân kia để bảo vệ thân này nữa.
Vì vậy con sẽ hiểu tình thương tuyệt đối không phải là kiểu theo một người lập kế hoạch để thương cả thế giới này để tăng lòng từ bi nữa. Không cần! Dù loại tình thương đó cũng rất tốt vì nó có giá trị tương đối trong một giai đoạn nhất định. Con vẫn nên trân trọng nó, nhưng mà con sẽ thấy không cần hành động như thế nữa. Con không cần phải tỏ lòng thương với thế giới nữa vì con đã thương sẵn thế giới rồi, thế giới đã là một phần của con rồi. Lúc đấy con sẽ hiểu những khái niệm về tình yêu vô ngã, vị tha, hi sinh, v.v… ở góc độ khác chứ con sẽ không hiểu đơn thuần ở góc độ thân tâm như trước đây nữa.
(Trích từ buổi nói chuyện ‘Yêu chính mình theo kiểu mới’ – TP HCM, 04/01/2022)
Tìm hiểu thêm về cái BIẾT