Buông xả và buông xuôi khác nhau như thế nào?
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh Trong Suốt – Hà Nội T4-2018
Một bạn: Xin chào anh Trong Suốt ạ, em là Mai ở Hà Nội. Đây là lần đầu tiên em đến Trà đàm. Em được biết anh trong 2 tháng gần lại đây, và trong 2 tháng đấy em cũng có biến cố là mất người thân. Thời gian đấy thì em đã nghe rất nhiều Trà đàm và cũng cố gắng thực hiện theo.
Liên quan đến việc chấp nhận thì em có 2 vấn đề như này:
Thứ nhất là chấp nhận trong công việc. Em làm ở cơ quan nhà nước, có nhiệm vụ soạn thảo các chính sách liên quan đến các thực phẩm cả nước. Trong quá trình làm việc thì em thấy là mình có đưa ra các chính sách này kia ấy thì cũng chẳng giải quyết được cái gì, bởi cuối cùng các sếp trên cũng quyết hết. Cái việc nho nhỏ như thế khiến em thấy bất cần. Đã thấy rằng là như vậy có giải quyết được cái gì đâu, thôi tốt nhất là không nên làm nữa.
Đấy, công việc mà mình làm, làm cố, làm thế, làm nữa thì cũng chả giải quyết được cái gì, thì nó rơi vào cái trạng thái là không muốn làm việc nữa, thấy chán công việc cực kỳ. Cứ sáng xách ô đi, chiều xách ô về, tất nhiên là cả biến cố cuộc đời thì thấy chán đời. Thì em không biết là công việc ấy có nên tiếp diễn hay không? Em có bị nhầm lẫn giữa sự bất cần và việc buông bỏ tham, sân, si, ham muốn lên chức lên quyền không? Thực sự thì bây giờ mình cũng chả muốn nữa, cũng không muốn làm việc nữa.
Việc thứ 2 liên quan đến gia đình. Mình thấy là khi mình buông bỏ chồng, buông bỏ con chẳng hạn, khi chồng không theo lời mình, thì mình: “Thôi được rồi, tóm lại là thế nào cũng được”. Rồi em có đọc cái bài Chánh kiến của anh, khi mình nói mãi mà chồng không nghe theo thì em bắt đầu ngồi tưởng tượng ra những cái xấu nhất có thể xảy ra: “Ok, được rồi. Anh ấy uống rượu hay là gì gì đấy, anh ấy sẽ ốm, sẽ ung thư, sẽ chết rồi sau đấy thì bao nhiêu hậu quả như thế thì mình sẽ hứng chịu như thế nào…”.
Đấy, em tưởng tượng hết để xem là cái khả năng chịu đựng của mình đến đâu. Thì sau khi tưởng tượng như thế, em cảm thấy cũng đỡ khổ hơn một tí, đỡ lo lắng hơn một tí. Vì cùng lắm thì nó cũng chỉ đến thế thôi mà. Nhưng trong quá trình ấy thì vẫn thấy sợ. Tại vì những cái khủng khiếp đấy, nó đến dồn dập thì liệu mình có chống đỡ nổi hay không? Và cảm giác mình cần tìm một con đường. Chưa biết bám víu vào niềm tin nào, con đường nào có thể đi theo được. Như anh nói là mình tìm người thầy nào phù hợp với mình nhất, thì em chưa chạm được đến cảm giác là: “À đây, con đường này là đúng”.
Thời gian này em thấy cứ chông chênh, sợ nhầm lẫn giữa buông bỏ và bất cần. Rất khó nói, rất là buông xuôi. Để bỏ được tất cả các thứ, chấp nhận những cái xấu nhất, như thế liệu có được không? Và mình sẽ đi tiếp trên con đường nào. Đấy, em đang rơi vào trạng thái như thế và rất là muốn hỏi anh.
Thầy Trong Suốt:
2 chuyện của em đều chung một câu hỏi thôi. Nghĩa là, tôi gặp công việc, tôi chán, đúng không? Hay là hoàn cảnh gia đình tôi chán. Tôi nên buông xuôi hay là tôi chỉ học buông xả là đủ rồi? Đấy, như vậy mức độ nào là phù hợp?
Buông xuôi là thấy cảnh thế nào cũng được, đến đâu thì đến, hỏng bét cũng được, chả cố gắng gì nữa, đấy là buông xuôi. Buông xuôi thì dễ đúng không? Buông xuôi thì ai cũng làm được. Thôi còn gì nữa, thành kẻ bị chây lười, bất cần đời, ai cũng làm được. Nhưng chắc chắn kết quả của buông xuôi là khổ hay sướng? Chắc chắn là khổ.
Ở cơ quan, mình buông xuôi thì mình sẽ mất việc và tối thiểu là mình bị khiển trách, kỷ luật, chê cười. Ở gia đình, mình buông xuôi thì mình sẽ làm ảnh hưởng tất cả những người xung quanh mình, bố mẹ, anh chị, vợ chồng con. Nên buông xuôi chắc chắn sẽ ra kết quả khổ.
Thế thì nhà Phật không nói thế, không hướng mọi người đến buông xuôi, mà hướng mọi người đến buông xả. À, đấy là em chưa nghe qua về buông xả. Ở đây có ai biết buông xả là gì không? Cái này tuy rằng đơn giản, nhưng lại ít người biết vì sách cũng không viết. Buông xả là gì? Em trả lời xem nào. Mai trả lời thử: buông xả là gì?
Bạn Mai: Em không…
Thầy Trong Suốt: Không biết, đúng không? Đấy, không biết thì không trả lời được đâu. Bạn nào trả lời được buông xả là gì? Một cánh tay thôi à? Còn cánh tay nào khác không? Đây, cánh tay từ xa kia đi.
Một bạn: Dạ thưa anh, theo em, người buông xả được là người vẫn có ước mơ, vẫn có vui, có buồn, có đau, có đủ mọi hỉ, nộ, ái, ố nhưng không bị chấp mắc vào những cảm xúc đấy ạ. Tức là mình đau, ví dụ mình bị bệnh nặng đi, mình rất là đau đớn, hàng ngày tiêm truyền các thứ đau đớn nhưng mà mình không khổ, mình không cảm thấy là cuộc đời mình đau khổ vì cái việc đau như thế. Cái đau ấy chỉ là đau về thể chất thôi, không phải cái đau về tinh thần. Theo em, buông xả là mình không bị chấp mắc vào những cảm xúc vốn có của con người.
Thầy Trong Suốt: Được, một câu trả lời tương đối tốt, nhưng chưa rõ, chưa đến điểm quan trọng. Bạn nào trả lời thì tặng quyển lịch. Ở đây mọi người biết quyển lịch Trong Suốt rồi đúng không? Trên đấy có những câu nói với hình Phật rất là đẹp. Bất kỳ ai trả lời, đúng sai không quan trọng, giơ tay trả lời là sẽ có quà. Hỏi cũng có quà.
Rồi, bạn nào nữa nào? Đấy, đứng lên xem nào? Rồi.
Bạn Sỹ: Em chào Thầy, chào tất cả mọi người. Em tên là Lê Mậu Sỹ ạ.
- Buông xả theo em nghĩ là một thái độ tích cực. Mình buông xuống một cái gì đó để đạt đến sự giải thoát, đem lại lợi ích cho bản thân mình.
- Còn buông xuôi là một thái độ đôi khi mang tính tiêu cực nhiều hơn, mà bên trong mình không giải tỏa được những cảm xúc tiêu cực.
Khác nhau như vậy. Một cái là tích cực hướng tới sự giải thoát, còn một cái là mất cân bằng.
Cái năng lượng tiêu cực bên trong mình không thể giải quyết được bằng buông xuôi, kiểu thái độ hơi uất ức ạ.
Thầy Trong Suốt: Được, hay, rất hay, câu trả lời rất tốt. Bạn Sỹ nói một ý rất hay là một cái tích cực, một cái tiêu cực, đúng không? Một cái có sự bất lực, cố mà không làm nổi nữa, nên tôi phải buông, buông xuôi, bất lực quá rồi. Em là bị bất lực đấy, ở cơ quan thì làm chả được sếp đồng ý, chính sách làm ra sếp không đồng ý chẳng hạn, bất lực quá. Về nhà thì nói chồng không nghe, bất lực, thế là buông xuôi hết. Đấy.
Thế còn buông xả là gì? Ở đây bạn Sỹ nói là mặt tích cực, nhưng mà có ai định nghĩa được chính xác? Mình rất hay nghe nhà Phật có chữ “buông xả”, nhưng thực chất mà nói, rất ít người hiểu buông xả là gì? Đấy là thầy đã nói chuyện với rất nhiều người rồi. Ở đây ai có thể trả lời buông xả nào? Mời bạn, cánh tay ở phương gần nào! Đấy, bạn gần gần ấy, phương gần ấy.
Bạn Nguyệt: Dạ vâng, em chào Thầy và các bạn ạ. Em là Nguyệt, 33 tuổi. Theo em, buông xuôi là vẫn có một cái tôi ở trong đấy. Giống như Thầy nói, mình bất lực nên mình mới phải chấp nhận là từ bỏ. Còn buông xả là không có cái tôi ở trong đấy, mình sẵn sàng làm vì người khác mà không có gì còn đọng lại. Đấy, ý em là một cái có cái tôi, một cái chưa có cái tôi.
Thầy Trong Suốt: Rồi, hiểu ý em rồi. Chưa đạt lắm. Thôi, để thầy nói thử xem. Hay một cánh tay phương xa nào nữa không? Cánh tay ở phương gần à? Toàn phương gần thôi, phải phương xa cơ. Phương gần không trả lời được đâu. Đấy, phương xa, đấy, đấy, cánh tay đấy.
Minh Hồng: Dạ vâng, thưa thầy! Con tên là Minh Hồng ạ. Theo con hiểu buông xả là mình sẽ vẫn cố gắng làm công việc đấy, như trong câu chuyện của chị Mai ấy, nhưng nếu hoàn cảnh đến với mình, thì mình sẽ xả, tức là mình sẽ đón nhận nó. Ví dụ tất cả những gì đến với mình, xấu hay tốt là do nhân quả hoặc do duyên nghiệp của mình. Buông xả là mình vẫn theo hướng tích cực, sẽ vẫn làm tốt nhưng mà khi mình làm việc đấy tốt thì mình không nghĩ là do mình, mà không thành công thì tất cả là do nhân quả… Đấy là ý kiến của con ạ.
Thầy Trong Suốt: Thôi, thầy trả lời cho, câu đấy chưa đạt! Buông xuôi là gì? Cái việc đó vẫn còn rất quan trọng đối với mình, nhưng mình không làm nổi, bất lực quá. Nó rất quan trọng, mình không làm nổi, bất lực thì mình đầu hàng, buông. Buông này là buông do mình đầu hàng. Tôi không làm nổi nó, nó rất quan trọng với tôi nhưng tôi không làm nổi. Chồng rất quan trọng với tôi, nhưng tôi không nói nổi nữa thì tôi buông.
Thì buông đây gọi là buông xuôi là đầu hàng, là bất lực. Khi mình bất lực không làm được điều tích cực nổi, thậm chí mình gán cho là tiêu cực thì như vậy là buông xuôi. Cái việc đấy vẫn còn rất quan trọng đối với em, rất quan trọng, chẳng qua mình không làm nổi.
Còn buông xả là gì? Là nó không còn quan trọng nữa. Mấu chốt ở chỗ đấy, khác nhau ở một chỗ thôi. Nó quan trọng hay không quan trọng với mình.
- Khi nó còn quan trọng với mình mà mình buông thì đó là buông xuôi.
- Khi nó không quan trọng với mình, mà mình vẫn làm thì đó là buông xả.
Ví dụ nhé: Em chán công việc và em buông xuôi, nhưng mà công việc vẫn quan trọng với em. Em vẫn khó chịu khi mà em ra chính sách, người ta không làm theo, như vậy là cái công việc là quan trọng. Chồng em mà không nói được thì em buông xuôi, nhưng rõ ràng là em vẫn khó chịu khi chồng không làm theo lời em, vì chồng vẫn còn rất quan trọng với em.
Vậy thế nào là người buông xả? Ở công ty, ở cơ quan ấy, tôi vẫn cố làm chính sách, tôi vẫn cố làm cái tốt nhất. Bởi vì, đơn giản thôi, người ta trả lương cho mình, mình phải làm đúng cam kết, nếu không thì sẽ không gọi là chánh nghiệp. Mình đi làm, người ta trả lương cho mình, mình dùng tiền lương đấy mua cái này, sắm cái kia để sống, mà mình lại không làm đúng theo cam kết thì đấy là không chánh nghiệp, không sống đúng.
Như vậy là gì? Mình vẫn cố làm tốt công việc đấy, nhưng mà nó không còn thực sự quan trọng trong đời mình nữa. Đấy, về nhà cũng thế thôi, chồng không còn thực sự quan trọng nữa – Đấy gọi là buông xả. “Em khuyên anh, nhưng anh làm theo thì tốt, còn không thì thôi, vì anh không còn thực sự là nút quan trọng trong cuộc đời của em nữa” – thì đấy gọi là buông xả. Em đã buông xả được chồng em rồi, nghĩa là gì? Việc chồng làm theo hay không, không còn thực sự quan trọng nữa, đấy là buông xả.
Buông xuôi là gì? Việc chồng làm theo hay không, rất quan trọng. Nhưng vì tôi không bảo chồng làm theo được, nên tôi chán quá, tôi buông xuôi.
Như vậy thì ta kiểm tra xem là buông xả hay buông xuôi ở đấy, xem cái việc đấy có thật sự quan trọng với mình nữa hay không? Nếu nó rất quan trọng với mình thì mình vẫn chưa buông xả được đâu. Đấy, chỉ buông xả được một việc khi nào mình thấy nó thực sự là không quan trọng nữa mà thôi. Bây giờ ví dụ nhé, việc chồng làm theo lời mình, có quan trọng không? Thật ra mà nói, nó không quan trọng, vì sao? Vì sao lại không quan trọng?
Một bạn: Thầy ơi, những việc khác thì không nói, nhưng việc này liên quan đến sức khỏe…
Thầy Trong Suốt: Thế tại sao lại quan trọng? Thầy hỏi đấy, tại sao lại quan trọng?
Bạn đó: Tại vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe…
Thầy Trong Suốt: Như vậy là nó quan trọng chứ gì?
Một chị: Dạ, vâng.
Thầy Trong Suốt: Thế thì không buông xả được. Em phải hiểu như thế này này:
Em chỉ có thể làm hết sức của em thôi, còn ông chồng em nghe theo hay không hoàn toàn do ông ấy, đúng không?
Hay là em bắt được ông chồng theo ý mình? Không, đúng không?
Ông chồng nghe theo lời mình hay không hoàn toàn do ông ấy quyết định.
Mỗi người có nhân quả riêng, mình gieo nhân tối đa rồi, tốt tối đa rồi, khuyên hết cỡ rồi. Còn ông ấy có nhân quả riêng, ví dụ ông ấy có nhân quả nghiện rượu, em khuyên hết cỡ đi nữa thì ông ấy vẫn nghiện rượu.
Như vậy là mình chỉ làm tối đa phần của mình thôi, còn ông ấy có làm theo lời mình hay không, không còn quan trọng nữa vì mình không thể nào điều khiển được. Mình không thể nào điều khiển người khác nghe lời mình. Mình chỉ có thể gieo cái nhân tốt nhất thôi. Đúng chưa? Còn mình không thể nào bắt cái quả theo ý mình, đúng không?
Giống như mình đi giúp người lúc nãy đấy, mình có thể gieo nhân tốt nhất là chở người ta đi, mình không thể bắt người ta cảm ơn hay trả ơn mình được. Với ông chồng cũng thế thôi, mình chỉ gieo nhân tốt nhất là khuyên lời khuyên phù hợp là “đừng uống rượu”, chứ mình không thể bắt cái quả theo ý mình, là ông ấy phải nghe lời mình.
Nhưng thực ra là gì? Khi mình đã khuyên xong rồi, thì việc đấy là đã kết thúc. Còn nó chạy về đâu là nhân quả riêng của ông ấy, đúng không? Gọi là duyên ấy, chạy về đâu là do nhân quả, mình không thể kiểm soát được. Vì thế nên mình buông xả, nghĩa là gì? Mình khuyên rồi, còn ông có nghe theo lời mình hay không, không còn quan trọng nữa. Không quan trọng nữa là vì sao? Vì nó là nhân quả của ông ấy rồi. Mà nhân quả thì nó chạy thôi, đến đâu thì đến, mình không thể nào kiểm soát được. Cái thứ mình không kiểm soát được mà mình lại quan trọng hóa nó, mình khổ rồi! Cái đấy nó cứ chạy trái ý mình một cái là mình khổ theo, đúng không? Mình chỉ nên là gì? Cố gắng gieo nhân tối đa, tốt tối đa. Đấy!
Chứ buông xuôi là không cố gieo nhân nữa luôn. Buông xuôi khác buông xả ở chỗ đấy!
- Buông xả là tôi vẫn cố gieo cái nhân tối đa tốt, nhưng mà kết quả đến đâu thì đến, không quan trọng nữa vì tôi đã làm hết sức của tôi rồi. Tôi đã có trí tuệ hiểu rằng là gì? Đến đâu là do nhân quả.
- Buông xuôi là gì, là tôi không còn gieo nhân tốt tối đa nữa luôn. Đấy, ngay từ đầu tôi đã thấy bất lực rồi, chán rồi, nên tôi không còn gieo nhân tốt tối đa nữa.
Ở cơ quan cũng như vậy, thế nào là buông xuôi? Buông xuôi là gì? Là tôi đã nói n lần mà sếp không nghe, chính sách tôi đưa ra chả ông nào chấp nhận, vì thế tôi bất lực quá, tôi bỏ. Đấy là buông xuôi.
Buông xả là gì? Cái việc sếp có nghe lời tôi hay không, không quan trọng. Đối với tôi, quan trọng là gì? Tôi sẽ làm hết sức mình, tôi sẽ cố gắng viết ra chính sách mà tôi cho rằng đúng nhất, hay nhất, còn việc sếp có nghe hay không, không phải do tôi quyết, mà do nhân quả quyết. Đấy! Hay do nhân duyên quyết, đủ nhân duyên thì sếp sẽ nghe. Không đủ duyên thì sếp sẽ không nghe, dù tôi có cố gắng hết sức.
Vì vậy việc của tôi là gì? Cố hết sức là xong, thôi. Cố viết cái hay nhất rồi, sau đấy sếp có nghe hay không là việc của sếp. Đấy! Sếp có làm theo hay không là việc của sếp. Và như vậy thì tôi hoàn toàn buông xả, vì khi làm một việc gì đó, tôi không bám chấp vào kết quả đấy. Tôi không bắt buộc rằng nó phải xảy ra theo ý tôi.
Em chán, vì em bắt buộc nó phải xảy ra theo ý em, nhưng mà không được. Em bắt buộc chính sách mình viết ra phải được sử dụng mà không được. Chắc gì mình viết đã đúng đâu, nói thế thôi, có khi sếp mới là người đúng cũng nên. Bây giờ em đang chê sếp, đúng không? Có khi sếp bảo “con bé này viết toàn viết vớ vẩn. Việt Nam dùng thế quái nào được, toàn sách Tây viết ra thế này” – biết thế nào được, nếu thế thì sao?
Nên mình chỉ làm cái mình cho là tốt nhất thôi, còn sau đấy đến đâu là do duyên của nó. Nên là nó có đến được kết quả hay không, nó không còn quan trọng với mình nữa. Sau khi mình đã làm phần tốt nhất rồi ấy thì nó không còn quan trọng với mình nữa. Còn trước khi mình làm điều mình cho là tốt nhất đương nhiên là quan trọng, mình phải cố làm cái điều tốt nhất chứ!
Thì mình nên sống với thái độ buông xả với mọi thứ. Ví dụ:
Mình khuyên chồng hết cỡ rồi, khuyên hết lần này sang lần khác, ngày này sang ngày khác, nhưng trong lòng mình luôn có thái độ buông xả là gì? Mình không nói thẳng với chồng, mà trong lòng mình nghĩ thế này:
“Em đã khuyên anh hết cỡ rồi, còn anh nghe theo hay không, đấy là duyên của anh. Anh có dừng uống rượu hay không là duyên của anh, chứ không phải là do em quyết định. Nên là sau khi em khuyên anh xong, thì việc này không quan trọng nữa” – Đấy là gọi Buông xả.
Còn sau khi khuyên xong, nó vẫn rất quan trọng, xong rồi nó không xảy ra theo ý em, em chán quá, em buông – thì đấy gọi là buông xuôi.
Như vậy em phải kiểm tra xem là việc đấy, nó còn quan trọng với em hay không? Việc ông chồng nghe lời có quan trọng không? Ông sếp nghe lời có quan trọng không? Nếu nó vẫn còn quan trọng nghĩa là mình vẫn còn chưa buông xả được, mình vẫn chưa hiểu, chưa thấu hiểu được về mọi thứ vận hành theo nhân quả, theo duyên. Mình chỉ phải gieo duyên tốt nhất thôi, làm những điều tốt nhất mình có thể thôi, sau đấy thì duyên vận hành.
Ví dụ như thế này cho dễ hiểu này: Thầy đang khuyên em đúng không? Nhưng mà Thầy vừa khuyên em xong, dừng một cái thầy không nghĩ gì nữa luôn, không cần phải nghĩ đến việc em có làm theo hay không. Vì thầy đã làm cái phần tốt nhất của thầy rồi, nói lời mình cho là trí tuệ nhất, tận tâm nhất rồi, còn đi về đâu là việc của nó. Câu chuyện đến đây là hết. Cái việc em có làm theo lời thầy hay không, không còn quan trọng nữa. Đấy là một dạng, được chưa? Còn nếu Thầy nói xong rồi, thầy bắt đầu nhớ mặt em, xong một tháng sau gặp lại: “À, cô có làm theo lời tôi nói không?”. Em bảo: “Không!”. Thầy bảo: “Thôi thôi về đi, tức lắm rồi!” (Mọi người cười) Đấy không có buông xả, đúng không?
Thế còn buông xuôi là gì? Một tháng sau gặp lại em bảo: “Không làm”, tháng sau nữa cũng “Không làm”, đến tháng thứ 3 thì nhìn mặt em không nói câu gì nữa, không muốn gieo nhân nữa luôn. Thì đấy gọi là buông xuôi! Tôi thấy bất lực quá, tôi chán rồi. Thì em bị lệch, em phải kiểm tra lại. Nếu chồng nghe lời mình rất quan trọng, sếp phải nghe lời là một việc rất quan trọng, như vậy là em vẫn chưa buông xả, mà em đang buông xuôi.
Việc của em là tập! Tập tất cả những điều thầy vừa nói đấy, nghe thêm cả Trà đàm để thấy rằng là gì? Mình chỉ cần làm tốt nhất phần của mình thôi, gieo nhân tốt nhất. Sau đó, việc có xảy ra hay không không kiểm soát được đâu, vì nó không quan trọng nữa. Đấy, đấy là một thái độ sống tốt.
Bạn đó: Nhưng mà em thấy là chồng có vấn đề gì thì hậu quả mình cũng phải chịu, thì mọi thứ có do nghiệp quả của mình không ạ?
Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, nhân quả của chính mình và của anh ấy. Mình không thể nào kiểm soát được, đúng không? Thế thôi! Thế xong mình…
Bạn đó: Dạ, tại vì em cứ ngồi lo bây giờ ông ấy bệnh, ông ấy chết hay là ông ấy bị bệnh gì đấy, thì con ai nuôi? Thế rồi bố mẹ chồng ai chịu trách nhiệm… Vì trách nhiệm quá lớn, nó khủng khiếp quá, cuộc sống nó nặng nề quá…
Thầy Trong Suốt: Đúng rồi! Đấy là lí do em buông xuôi đấy! Em bất lực. Buông xuôi đi kèm với cảm thấy bất lực, vì tôi không kiểm soát được. Tôi vẫn thấy nó rất quan trọng, nhưng tôi không kiểm soát được, thế nên tôi buông ra. Nhưng tôi buông ra trong trạng thái là nó vẫn rất quan trọng.
Còn buông xả là gì? Tôi buông trong trạng thái cái đấy không quan trọng, không quan trọng nữa. Nó là nhân quả của anh ấy rồi. Việc anh có nghe lời tôi không, không còn quan trọng, không còn kinh khủng nữa, hơi quan trọng thôi, chứ không còn thật sự quan trọng trong đời tôi.
Nếu làm như vậy một thời gian thì em nhận ra là gì? Suy cho cùng, em chẳng kiểm soát được cái gì: chồng không được, sếp không được… Em chỉ có thể sửa cái tâm của em mà thôi. Mỗi cái tâm của em, bên trong em mới sửa được, còn tất cả cái bên ngoài không bao giờ sửa được.
Có bao giờ sửa được đâu? Thật đấy! Ở đây mọi người cứ thử cố sửa người khác xem, tất cả chúng ta về nhà thử xem. Ở đây có ai sửa thành công vợ mình 100%, giơ tay xem nào? Có ai không? Thành công rực rỡ không? Sửa được vợ mình 100%, hay là cuối cùng bà ấy thậm chí còn xấu hơn cả ngày xưa, hoặc là chỉ tốt lên một chút thôi?
Ở đây có ai sửa được người yêu 100% không? Có ai sửa được không ạ? Thôi, con mình đi, con mình thì dễ hơn đúng không? Bảo gì nghe nấy, đánh nó cũng được, có ai sửa được con mình 100% giơ tay xem nào? Kém thế à? Không ai sửa được à? Thầy cũng không sửa được đâu, thầy cũng chả sửa được con mình 100%.
Không ai sửa được, không ai làm được, không ai kiểm soát được thế giới bên ngoài. Lúc đó em muốn sửa bên trong. Khi em còn đang ảo giác rằng mình sẽ bắt được thế giới bên ngoài theo ý mình, thì em không có thời gian nào sửa được bên trong hết, em chỉ lo loay hoay sửa bên ngoài, đúng chưa? Có lẽ đến n lần cũng không được.
Nếu n lần không được, em có 2 trạng thái, 2 lựa chọn:
- Một là buông xuôi như em đang làm: “Ôi tôi chán lắm rồi, tôi bất lực quá rồi”.
- Hai là em quay vào sửa bên trong.
Như vậy là gì? Em có hai lựa chọn. Sửa mãi không được, sửa mãi bên ngoài không được,
- nếu lựa chọn tốt thì em quay vào em sửa bên trong.
- Còn lựa chọn không tốt là tôi chán bỏ, bên trong tôi rất khó chịu.
Đến khi em đi vào sửa bên trong em mới thấy rằng là gì?
- Hóa ra mình khổ không phải do anh ấy không nghe lời mình, mà là do mình quá kỳ vọng anh ấy phải nghe lời mình.
- Hóa ra mình khổ không phải là vì công việc, mình làm bao nhiêu lần trình mà ông sếp không nghe, mình khổ vì mình kỳ vọng ông sếp phải nghe.
Đấy! Cái chữ “phải” mới gây ra đau khổ, đúng không? Chứ tất cả các bạn ở đây có ai 100% sếp nghe lời mình không? Sếp phải nghe lời mình đã khó tin rồi, đúng chưa?
Đấy! Đến con mình còn không nghe lời mình, mình là sếp của nó, mà nó còn không nghe lời mình thì bảo sao sếp nghe lời mình? Ở đây có ai 100% chồng nghe lời mình đâu? Đúng không?
Mình phải hiểu rằng mọi thứ là nhân quả, tức là do nhân duyên quyết định. Mình chỉ nên sửa tâm mình.
Em nhận ra điều đấy thì em sẽ đi vào con đường đúng đắn ngay. Em quyết định sửa tâm em.
Tất cả các bạn đến đây ngồi rồi, nghe rồi, nếu nghe xong mà nhận ra điều đấy thì buổi hôm nay hoàn toàn giá trị. Giá trị nhất của buổi hôm nay không phải chỉ nằm ở mỗi lời khuyên, mà cuối cùng, nằm ở việc là mình quyết định sửa bên trong.
Còn nếu mình về mình vẫn nghĩ rằng là “không cần sửa bên trong nữa cứ sửa bên ngoài đi kiểu gì cũng tốt”, sớm muộn gì mình cũng sẽ đau khổ và thất vọng. Đấy, nên giá trị lớn nhất của cái buổi Trà đàm cuối cùng… tất nhiên là nó cũng có nhiều giá trị, nhưng nó có giá trị quan trọng nhất là gì? Là câu nói trong quyển lịch này này:
“Sửa bên trong là con đường duy nhất để dẫn đến hạnh phúc”.
Đấy, đấy là điều mà Phật đã tìm ra và rất nhiều người tu hành đắc đạo cũng đã tìm ra.
Sửa bên trong là con đường duy nhất luôn, chứ không phải là con đường thứ 2 hay thứ 3. Không có con đường số hai luôn, là con đường duy nhất để đến hạnh phúc. Vì dù hoàn cảnh bên ngoài 100% theo ý muốn của mình, mình vẫn không hạnh phúc. Đấy! Ở đây ai sống đủ lâu sẽ hiểu.
Hoàn cảnh tốt là gì? Ví dụ mua được nhà rồi thì lại lo mua xe, thế có hạnh phúc đâu? Mua xong xe rồi thì lại lo giữ xe, hỏng xe, chăm cho cái xe… Nghĩa là mình luôn luôn theo đuổi đối tượng vật chất bên ngoài ấy. Hay lấy được chồng rồi cũng thế thôi, đấy, có phải hạnh phúc không? Hạnh phúc của một người phụ nữ đâu phải lấy chồng đâu, lấy chồng xong rồi bao nhiêu chuyện sẽ mò đến. Tại sao? Vì mình cứ loay hoay bên ngoài, vì bên ngoài không theo ý mình thì mình không hạnh phúc được.
Còn mình sửa bên trong thì sao? Mặc dù bên ngoài không theo ý mình, nhưng do mình đã có trạng thái bên trong, có trí tuệ nên mình không vấn đề gì cả. Đấy! Giống bạn Trường vừa nói lúc nãy đấy, chở cô gái xong, cô ấy xuống là xong luôn. Cô ấy xuống xong là cô ấy biến mất trong đời mình luôn, có vấn đề gì đâu? Nhưng bạn cứ “ôm” cô ấy ba ngày, cứ luyến tiếc, bạn không thả cô ấy ra, mà cứ “ôm” cô ấy ba ngày liền, đúng chưa? (Mọi người cười) Thì nó mới có vấn đề chứ! Đúng không? Khi cô ấy xuống xe là xong, nhưng mình cứ “ôm” cô ấy ba ngày nên là cái khổ bám lấy em.
Bây giờ mình khuyên chồng xong là xong, có phải sướng không? Nhưng mà mình ôm chồng trong lòng mình n ngày tiếp theo, mình mới khổ. Thầy nói chuyện với em, xong là xong, vui không? Nhưng mà thầy lại nhớ mặt, đúng không? Ghi sổ, đấy thì khổ không? Đúng chưa? Nên là buông xả rất là tốt.
- Buông xả ở đây nghĩa là gì? Chuyện ấy có xảy ra hay không, không còn quan trọng – đấy là buông xả.
- Còn buông xuôi là gì? Cái chuyện đấy có xảy ra hay không, nó rất quan trọng nhưng mình chả làm gì nổi, chán quá, bất lực quá, mình bỏ – đấy là buông xuôi.
Muốn buông xả thì phải sửa bên ngoài hay bên trong? Bên trong, đúng không? Còn buông xuôi là sửa cái gì? Sửa bên ngoài không nổi luôn.
Em nhận ra vấn đề của mình chưa? Nên lời khuyên của thầy hôm nay là gì?
- Tiếp tục làm việc như bình thường, nhưng làm với tinh thần buông xả. Vẫn biết cái đề án mình chọn là tốt nhất, nhỡ tốt thì sao? Người ta dùng thì sao? Mình không bắt buộc phải xảy ra theo ý mình nữa.
- Vẫn khuyên chồng như bình thường, nhưng buông xả, trong lòng mình hiểu rằng là gì? Có đến được hay không, có kết quả hay không là duyên quyết định. Đấy, thì đấy là mình vẫn cố làm điều tốt nhất mà lại không kiểm soát.
Ngược lại, nếu em không gieo cái nhân tử tế:
- Em đi làm và em bê trễ công việc, người ta trả tiền cho mình mà mình không làm, mình không có trách nhiệm;
- mình về mình thấy chồng mình say xỉn, mình không khuyên câu nào
– như vậy là mình không gieo nhân tốt, thậm chí nhiều khi làm ngơ, chính là gây ra hậu quả xấu.
Đấy, như vậy là em phải làm tất cả những điều đấy, rất bình thường. Trông bên ngoài không ai biết là em đã buông xả rồi, nhưng thực ra bên trong em, em biết. Hiểu chưa? Mai hiểu chưa? Rồi.
(Mọi người vỗ tay)
Xem thêm: BUÔNG BỎ-BUÔNG XẢ THẬT SỰ LÀ GÌ?