CÁ CUỘC VỚI CUỘC ĐỜI!
(Tác giả Hương trần– đăng 20/9/2015)
______________________________
Con người sanh ra vốn dĩ đã mang theo cái bản-nghiệp của mình, trước khi nhập thai Mẹ, nhưng có mấy ai biết đó là thứ gì, nó ra sao cho hết cuộc đời của mình?! Ngoại trừ các bậc Đại Thánh hay các bậc Đại Giác như chư Phật Thế Tôn, các bậc Bồ Tát, vẫn thường hằng qua lại nơi trần thế và biết mình làm gì và kết thúc ra sao cho có đại lợi ích cho chúng sanh.
Bởi vậy, Kinh Tứ Thập Nhị Chương viết,
Chương 13:
Có vị Sa Môn hỏi Phật: “Do nguyên nhân gì mà biết được đời trước và đạt được sự cao tột của Đạo?”
Đức Phật dạy: “Đoạn trừ tham dục, lòng không mong cầu thì sẽ có khả năng biết được đời trước. Thanh tịnh tâm tư, giữ vững ý chí thì có thể đạt được chỗ cao tột của Đạo, như lau gương hết bụi thì ánh sáng hiển lộ”.
>>> Chúng ta tin Phật, quy y theo Phật, học hạnh Phật, phát nguyện theo Phật, mà có mấy ai dám cá cuộc với chư Phật Thế Tôn, các bậc Đại Bồ Tát?
Các Tỳ kheo? Tỳ kheo ni?
____________________
Đời bây giờ, chúng ta thường gặp phải các hàng xuất gia:
1) Trá hiện dị tướng: Giả dối hiện ra dị tướng để gạt người
2) Tự thuyết công năng: Nói ra cái hay giỏi của mình hay tự khoe tài giỏi để cầu lợi dưỡng.
3) Chiêm tướng kiết hung: Xem bói tướng nói điều lành dữ của người để cầu lợi dưỡng.
4) Cao thinh hiện oai: Nói phách những lời mạnh dữ hoặc nói huênh hoang để cầu lợi dưỡng.
5) Thuyết sở đắc lợi dĩ động nhơn tâm: Nói ra cái mối lợi kiếm được để làm động lòng người.
6) Dư báo Súc-sanh phá trọng giới
7) và phần đông hạng “Ma thờ Phật (Kinh Phân Biệt)
Thân tuy xuất gia, tu thân mà chẳng biết tu Tâm! Hết phước Người thì lại theo nghiệp lưu chuyển, để trả nợ đàn-na tín-thí, để chịu nghiệp nơi Tam Đồ Khổ ! Vừa ra khỏi, lại quày quả quay trở vào Địa Ngục, Quỷ Đói (Vong linh) hay Ngạ Quỷ (Preta), Súc Sanh…!
Đó là cá cuộc với Ma chớ không phải với Phật, Bồ Tát! “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành” hình như không ai thắng nổi Như-Lai đời quá khứ và hiện tại!
Bởi vậy, Kinh Tứ Thập Nhị Chương viết,
Chương 2:
Đức Phật dạy rằng: “Người xuất gia làm Sa môn thì phải từ bỏ ái dục, biết được nguồn tâm, thấu triệt giáo pháp của Phật, hiểu pháp vô vi. Bên trong không có cái để được, bên ngoài không có chổ để cầu. Tâm không chấp thủ nơi Đạo, cũng không hệ lụy bởi nghiệp, không có suy tưởng, không có tạo tác, không có tu, không có chứng, chẳng cần trải qua các thành vị mà tự thành cao tột, gọi đó là Đạo”.
Những người tại gia?
________________
Tại gia thì bận bịu gia đình, công ăn việc làm, vui chơi với bè bạn, chiêu đãi chủ, thù tiếp cấp trên, nên không có thời gian học Kinh, Luật, “y nhân bất y Pháp” (tin theo Thầy/Cô trong Chùa, không tin kinh luận), tin Phật mà không hiểu Phật, nên thường vấp phải lỗi phỉ báng Phật mà không hay!
Nhưng người tại gia dám cá cuộc cả đời với
1) chồng hoặc vợ hay người tình mà chẳng hề biết trước chuyện gì sẽ xãy ra! Thường là tan nát, đổ vỡ hoặc có chút hạnh phúc như mật ngọt đọng trên lưỡi dao bén!
Lắm lúc bị chồng đánh không nương tay để đến nổi thân mang trọng bệnh, tật nguyền mà không hề ghét bỏ!
Lắm khi bị con vợ ác nghiệp, ác khẩu, đôi lưỡi, chữi bới thậm tệ mà nào đâu dám mở mồm, hé miệng!
2) với đàn con, lũ cháu, mà đa phần là lo lắng, buồn phiền, khổ lụy, đến khi chúng thành tài thì mõi mắt trông chờ cũng không thèm về nhà thăm Mẹ, thăm Bà!
Trái lại, khi chúng thất bại, nghiện ngập, bệnh tật, tai ương, tiền mất, tật mang hay thậm chí vướng phải hình lục, mang thân tù tội thì không muốn thấy bản mặt của chúng, chúng cũng lù lù xuất hiện! Khổ càng thêm khổ, sầu càng thêm sầu!
Bởi vậy, Kinh Tứ Thập Nhị Chương viết,
Chương 23:
Đức Phật dạy: “Người bị vợ con, nhà cửa ràng buộc còn hơn là lao ngục. Lao ngục có kỳ hạn được phóng thích còn đối với vợ con không có ý tưởng xa rời. Khi đã đam mê sắc đẹp, đâu có sợ gì cho dù tai họa nơi miệng cọp, lòng vẫn cam chịu, tự đắm mình vào chốn bùn lầy. Vì vậy nên gọi là phàm phu. Nếu ai thấu rõ lẽ này sẽ là kẻ xuất trần A La Hán”.
3) Với DANH-LỢI-QUYỀN-TÌNH thì khỏi phải nói, Kinh Tứ Thập Nhị Chương viết,
Chương 21:
Đức Phật dạy: “Người thuận theo lòng dục để mong được danh tiếng, khi danh tiếng vừa nổi, thì thân đã mất rồi. Ham muốn cái danh tiếng thường tình mà không lo học đạo chỉ uổng công mệt sức mà thôi. Giống như đốt hương, khi người ta ngửi được mùi thơm, thì cây hương đã tàn rồi. Lửa (tham danh tiếng) tác hại thân còn di lụy về sau”.
Chương 22:
Đức Phật dạy: “Tiền tài và sắc đẹp đối với con người rất khó buông xả. Giống như chút mật trên lưởi dao, không đủ cho bửa ăn ngon, thế mà kẻ liếm vào thì bị nạn đứt lưỡi”.
Được thân người là khó
Con người sanh ra như đất dính móng tay, còn mang thân ở Địa Ngục, Quỷ Đói (vong linh), Súc Sanh thì như đất đại địa. Vì nghiệp từ vô thỉ đến giờ nó luôn luôn chi phối con người như hình với bóng nên đời nầy chúng ta gặp phải 20 điều khó, các bạn đã làm được điều gì?
___________________
Chương 12:
Đức Phật dạy: “Làm người có 20 điều khó: Nghèo nàn bố thí là khó – Giàu sang học đạo là khó – Bỏ thân mạng quyết chết là khó – Thấy được kinh Phật là khó – Sanh vào thời có Phật là khó – Nhẫn sắc nhẫn dục là khó – Thấy tốt không cầu là khó – Bị nhục không tức là khó – Có thế lực không dựa là khó – Gặp việc vô tâm là khó – Học rộng nghiên cứu sâu là khó – Diệt trừ ngã mạn là khó – Không khinh người chưa học là khó – Thực hành tâm bình đẳng là khó – Không nói chuyện phải, trái là khó – Gặp được thiện tri thức là khó – Thấy tánh học đạo là khó – Tùy duyên hóa độ người là khó – Thấy cảnh tâm bất động là khó – Khéo biết phương tiện là khó”.
Phát Bồ Đề Tâm là khó
Người có thể chân chánh và đúng ý nghĩa phát Bồ Đề Tâm là người đã trồng cội lành với trăm ngàn đức Phật Thế Tôn đời quá khứ. Phần đông chỉ phát Bồ Đề Tâm trên đầu môi chót lưỡi, như vẽ chữ trên nước, như mây đùn thành lầu gát, nên gặp ác duyên thì lập tức xã bỏ!
__________________
Chương 36:
Đức Phật dạy: “Kẻ rời bỏ ác đạo được làm con người là khó. Làm con người rồi mà tránh được thân nữ, làm được thân nam là khó. Làm được thân nam rồi mà sáu giác quan đầy đủ là khó. Sáu giác quan đủ rồi mà được sinh sống ở nơi văn minh là khó. Sinh sống ở nơi văn minh rồi mà được gặp Phật ở đời là khó. Đã gặp thời Phật rồi mà được gặp Phật Pháp là khó. Gặp được Phật Pháp rồi mà khởi được niềm tin là khó. Khởi được niềm tin rồi mà phát Tâm Bồ Đề là khó. Phát Tâm Bồ Đề rồi mà đạt đến chổ vô tu vô chứng là khó”.
Vậy chúng ta phải làm sao để cá cuộc với chư Phật Thế Tôn, chư Bồ Tát kể từ ngày hôm nay?
Chương 33:
Đức Phật dạy: “Người tu hành theo Đạo như một người chiến đấu với vạn người.
1) Mặc áo giáp ra cửa, tâm ý hoặc khiếp nhược, hoặc
2) đi nửa đường thối lui, hoặc
3) chiến đấu đến chết, hoặc
4) đắc thắng mà về.
Người Sa môn học đạo (cũng vậy) phải có ý chí kiên cường, dũng mãnh tiến lên, không sợ cảnh tượng trước mặt (làm chướng ngại), phá tan các loài Ma để đắc đạo thành Đạo quả”.
Chúng ta phải là Sa-môn của Phật! Phải cá cuộc với Phật, “ta là Phật sẽ thành”!
Namah Shakyamuni Buddha!
Namah Avalokitesvara Bodhisattva!
Namah Manjusri Bodhisattva!
Namah Samantabhadra Bodhisattva!
Namah Vajrapaniguhyapati Bhagavat!
– Om Mani Padme Hum –https://www.facebook.com/110397320314103/posts/238154474205053