CÁCH KIẾM HỢP ĐỒNG BỰ CHẢNG
3 tháng đầu khởi nghiệp, tui đầu tắt mặt tối từ sáng sớm đến 2h khuya hôm sau. Tui thấy nếu mình tiếp tục mình-ên vậy là dở, bèn tuyển người vô phụ, tui bung sức ra đi gặp gỡ chào hàng, ngồi 1 chỗ sao ra đơn.
Đầu tiên có 1 đứa phụ việc, nguy cơ nó sẽ bỏ việc vì buồn, nên tui tuyển 3 đứa nữa vô cho thành ngũ hành (tính tui nữa là 5). Lãi chỉ đủ chi phí vận hành, trả lương, máy lạnh chỉ dám bật từ 10h sáng đến 3h chiều thì tắt, dùng quạt.
Tui đi chào hàng khắp nơi, sống theo chủ đề Hẹn và Gặp. Lúc đó có 1 đơn vị ở Hà Nội, tui xin hẹn mãi không được. Gọi cả trăm cuộc, cả mấy chục cái fax có tiêu đề “thư xin hẹn”, họ đều không trả lời. Rồi tui gửi tin nhắn, gửi cả thư tay… vẫn không được. Ông giám đốc tên P, nghe đồn già sắp về hưu rồi, khó tính kiêu sa lắm. Trong ngành ai cũng sợ, ổng có thế lực, vừa có tiền, vừa nắm thị phần chủ đạo, chủ tịch cả hiệp hội chuyên ngành nữa, lại là tiến sĩ học bên Liên Xô về, tiếng Anh tiếng Nga tiếng Trung thành thạo, nhà 3 đời đỗ tiến sĩ. Công ty của ổng mà mua hàng mình dù 1 lần thôi thì coi như DN mình có profile uy tín, về sau bán cho ai cũng dễ.
Tui hẹn miết không được thì quyết định bay ra luôn, face-to-face. Tới văn phòng công ty ổng 3 lần, lần nào cô tiếp tân cũng nói chú bận. Tui ngồi quán trà đá vỉa hè đối diện, thấy ổng xong việc thì ra xe ô tô, tài xế chở đi mất. Tui lên trụ sở hiệp hội thì biết là 1 tuần ổng ghé đó 1 lần, chỗ này thì dễ tiếp xúc hơn, không có tiếp tân chặn đường. Thế là tui mai phục ở chỗ trụ sở hiệp hội, tới ngày ổng lên ký giấy tờ, ngồi chờ hết cho người ta xong việc, thấy không còn ai thì gõ cửa. Sau đây là diễn biến:
– Cốc-cốc-cốc!
– Mời vào!
– Dạ, con là Nguyễn Văn Bình, công ty Hoàng Hôn Chiều Tím ở miền Nam, con có xin hẹn chú mấy lần… (tui vừa cười vừa nói).
– (Ngắt lời) Biết rồi, gớm, xin hẹn gì mà lắm thế. Công ty tôi không mua hàng đấy, tôi không tiếp cậu.
– Dạ, con xin 5 phút trình bày công ty thôi ạ. Chú cho con 5 phút nghen… (vẫn tiếp tục cười).
– Không, cậu về đi. Đừng phiền tôi nữa nha! (lấy tay hất vẫy đuổi đi, mặt giận dữ).
– Dạ con cảm ơn chú!
Nói xong tui vòng tay lại, cúi đầu, “Dạ thưa chú con dìa”, ra khép cửa lại mà lòng buồn vô hạn. Tiền bạc khó khăn, dành dụm mấy tháng mới đủ mua cái vé máy bay mà phải bay nửa khuya cho rẻ, rồi ở cái nhà nghỉ bình dân gì gần phố Cấm Chỉ, ăn xôi uống trà đá cả tuần, mà việc mong muốn nhất lại không thành, tự dưng mắt rươm rướm.
Tui ra đứng trước cổng hiệp hội, chờ vẫy taxi để về nhà nghỉ lấy hành lý, định ra sân bay mua vé giờ chót chuyến nào có thì bay về luôn. Vắng công ty cả tuần rồi. Đang đứng thì thấy chú bảo vệ ra, bảo chú P kêu vào. Diễn biến tiếp theo:
– Cốc-cốc-cốc!
– Vào đê!
– Dạ, chú gọi con?
– Ừ, cậu trình bày gì thì trình bày đi, nhớ đúng 5 phút thôi nhé. Tôi không có thời gian.
– Dạ!
Xong tui mừng gì đâu mà mừng. Quíu tay quíu chân. Bèn lấy laptop, catalogue ra. Chú ngồi nghe kiểu cho có, chứ không quan tâm mấy. Xong tui chợt nhớ đến 1 bài báo, chú có nói về việc thiếu 1 nguyên liệu trầm trọng, nguyên liệu đó chủ yếu từ Trung Quốc, họ cấm xuất nên một số nhà máy VN phải dừng sản xuất để chờ, thiệt hại rất nhiều. Tui may mắn search tìm được 1 nguồn thay thế từ Brazil, nhập về 1 ít để chạy thử, hàng đang ở kho Đà Nẵng. Nghe tui nói vậy, mắt chú sáng rỡ lên. Tui nói, dạ đã hết 5 phút chú cho con rồi, thôi xin phép chú con dìa.
Lúc đó tui nghĩ, người ta cho mình mấy phút thì chỉ dám nói nhiêu đó thôi chứ không phải tung chiêu gì. Chú bảo, ớ, cái cậu này, chưa xong mà. Tui liền thưa, hay là con mời chú đi ăn trưa nói chuyện luôn được không ạ. Cũng đến giờ trưa rồi. Ổng nói, “Thế thì đi. Chú mời!”. Lần này chú mới cười, mà cũng tiết kiệm, chỉ nửa miệng.
Trưa đấy, chú đãi tui ăn trưa ở KS Metropole, sang trọng lắm. Ăn và bàn xong việc, nói chuyện 1 lúc thì thân tình dần, tui hỏi sao hồi nãy chú gọi con quay lại vậy? Chú nói tại tôi thấy tôi đuổi đi mà cậu vẫn cảm ơn, rồi cậu khoanh tay cúi chào, nhìn như học trò lễ phép ngày xưa. Chú nói lúc còn bé, ông của chú dạy con cháu phải khoanh tay chào người lớn tuổi, nhưng tới đời chú thì thấy ngượng ngượng kỳ kỳ, rồi khó khăn về kinh tế nên lễ nghĩa bỏ qua, nay thấy tui thực hiện thì mới nhớ lại. Chú hài lòng khi thấy tui dạ thưa với cả những cô cậu phục vụ ở nhà hàng, dù họ nhỏ tuổi hơn.
Tui nói ở quê con, có những gia đình gốc địa chủ cũ như nhà ngoại, dạy con cháu kỹ lắm, ra đường là một hai dạ thưa ngọt lịm với người lớn, đúng sai gì cũng nhận lỗi về mình, xin lỗi cám ơn miết. Như má hay dì Ba con hay các trí thức trong làng, họ đang đi trên đường thấy xe tang đi qua thì dừng lại, hạ mũ nón xuống. Họ thấy người già hay trẻ con hay bà bầu tới là tới hỏi có cần giúp gì không, lúc nào cũng mỉm cười, nhường nhịn lịch sự lắm, không có tranh giành.
Từ nhỏ, dì Ba tui dặn, mình cứ gặp người lớn bậc cha chú là vòng tay lại thưa gửi, đại loại, dạ thưa cậu con mới tới, dạ thưa cô con đi dìa. Phải kính trọng, lễ phép.
Có vậy thôi mà cũng kiếm được hợp đồng bự chảng.
TnBT
Chìa khoá để văn minh
Nhân dịp này, ad nhớ có lần ở trụ sở ngân hàng nọ, có một bà mẹ và một cậu bé khoảng 12 tuổi đến giao dịch. Cậu bé vào và lễ phép chào “cháu chào cô, cháu chào chú”…. nhưng không một ai trong ngân hàng đáp lại, mặt mũi vẫn lạnh tanh ngồi gõ máy tính.
Bà mẹ lớn tiếng “lần sau con không việc gì phải chào những người như thế này nữa nhé”.
Thật bất ngờ, cậu bé đáp “thưa mẹ, lần sau con vẫn chào, đó là phép lịch sự của con”.
Bà mẹ cay cú “nhưng con phải tuỳ người, ai lịch sự với con thì con mới lịch sự lại”.
Cậu bé nói “dạ cái đó tuỳ họ, văn hoá của con khác họ mẹ à”.
Nghe câu chuyện trên, chúng ta thấy một đẳng cấp rất cao trong cách xử sự của cậu bé. Nói cám ơn, xin lỗi, xin chào,… là thể hiện văn hoá của mình, chứ không phải xem phản ứng thế nào. Mình thấy họ lạnh lùng, không lịch sự mà mình đáp trả lại y chang, hoá ra văn hoá mình giống họ?
Cư xử thượng lưu là vui vẻ, lịch sự, từ thiện, cho đi, giúp đỡ….là cho mình cảm giác thoải mái chứ không phải để ý phản ứng của người khác. Mình không kiểm soát được trình độ văn hóa (không phải trình độ học vấn), trình độ đạo đức hay IQ của người đời, nên càng để ý thì càng khổ. Họ chỉ là 1 cá nhân, mà cá nhân thì việc gì phải để ý. Để ý và quan tâm 1 người nào đó nói gì, nghĩ gì… khiến cái tôi họ lớn dần và họ nghĩ họ quan trọng. Ignore là xong.
Cho, thì phải quên.
Văn minh nào có khó gì
Nhận thì phải nhớ, cho thì phải quên.
* Ai muốn đọc các câu chiện tương tự thì lai se để làm fan cứng. Còn ai thấy rút ra được gì từ bài học trên thì còm cho tui coi biết héng, có khó khăn gì về bán hàng thì gửi mail, nếu biết thì tui chỉ cho!
Các bạn chưa bao giờ kinh doanh gì thì nên học tập kinh doanh, học thực bằng cách làm thực, với các bạn trong TeamSXTony nhé
Xem thêm :
Bạn đọc comment:
Huong Dao Thi
Con cảm ơn Dượng đã chỉ dạy cho tụi con những điều tưởng nhỏ nhặt nhất nhưng là những bài học lớn. Con đã có những tính toán và quyết định chưa được chính xác trong giai đoạn khởi nghiệp và đang phải loay hoay tìm cách giải quyết vấn đề. Nhưng nhờ đọc những bài viết của Dượng giúp con có thêm những niềm tin để điều chỉnh trong kd ❤️
Nhung Nhàu Con cảm ơn Dượng, bữa ni con sẽ xông pha ra đường cuối đầu lễ phép để kiếm đơn bự ạ.
Lena Phuong Cám ơn dượng . Về con áp dụng ngay luôn. Vòng tay cúi đầu để khách thương tình không đuổi ra nữa.
Minh Huyền đúng cái con cần, người ta làm chuyện lớn mà còn cúi lưng gập đầu lễ phép, người bé xíu cỏn con như mình phải học nhiều
Nguyễn Hiền Đôi khi nói dong dài, tỏ bày đủ thứ chưa động được lòng nhưng chân thành, lễ phép 1 số tiểu tiết nhỏ nhưng lại là sự ấn tượng cho người đối diện! Mỗi tus Dượng đăng lại học thêm bài học!!!
Nguyễn Thị Bình Ngày xưa cô thầy cha mẹ dạy con cái ra đường thấy người lớn khoanh tay cúi đầu vâng dạ thưa gửi, cái hay nằm ở chỗ đó đó, ngày nay con cháu thấy người lớn trợn mắt ra nhìn nếu có chào cho có lệ thì cũng ngúc cái đầu cho vui, thấy mà nản cái thói….
Pham Cong Quyet Trước con cũng làm thế suốt đến tận lúc lớn , vẫn thích khoanh tay chào như thế nhưng về sau thấy ngượng ngượng kì kì xung quanh ko thấy ai làm nên lại thôi, chỉ cúi đầu chào dạ thưa. Quả thật khoanh tay chào là một nét đẹp ko nên bỏ
Hòa Lê “hành động nhỏ của bạn phản ánh sự giáo dưỡng của một gia đình tử tế “ .Đó là chìa khoá của sự thành công cho mỗi người . Cảm ơn bài viết của tác giả có những bài học sâu sắc .
Hà Bảo Ân Xin cảm ơn Bác Tony.
Người có Lễ thật khiêm nhường.
Thật đáng quý ạ
Nhân Nhân Vẫn luôn dạy con những lễ phép ban đầu
Nội thất Hải Huệ
Bài học mà tui rút ra từ bài viết của Ăn Trưa Cùng Tony
1. Học nhiều, đọc sách mỗi ngày để nâng cao kiến thức, tư duy.
2. Lễ phép, có văn hóa, có cách cư xử bặt thiệp.
3.Không trách cứ đổ lỗi mà trái lại tìm phương pháp giải quyết.
4. Gieo nhân tốt gặt một bầu trời quả ngọt.
Biết ơn Ăn Trưa Cùng Tony Buổi Sáng .Cảm ơn những bài viết, những kiến thức chia sẻ, cao hơn nữa là dạy cho tôi cách làm giàu. Cảm ơn! Cảm ơn! Cảm ơn
Huỳnh Hạnh Chăm Dạ, học được bài học kiên nhẫn và tôn trọng ạ
KhanhVan Le Kính trên nhường dưới luôn là nếp sống đẹp và tôn chỉ trong quan hệ xã hội
Nguyễn Thành Phố Lễ phép phải luôn được chảy trong máu, gặp là làm, chứ không phải suy nghĩ có nên làm hay không.
Úc Hương Hector Kiên trì cho mục tiêu của bản thân và đối xử tử tế, chân thành với mọi người xung quanh ạ.
Hai Cuong Nguyen Được giáo dục từ nhỏ và thêm tính kiên trì của chú nên tạo thành chìa khóa thành công
Trần Quang Huy Lịch sự với người khác, Học, học nữa và học mãi.
Nguyễn Hữu Chí Câu chuyện tạo động lực mùa khó khăn quá bác Tony ơi
Nguyễn Văn Dũng Một số điểm nêu ra trong bài viết:
– Tuyển thêm người, giao việc, để mình có thể tập trung vào việc quan trọng (Tìm kiếm khách hàng).
– Hiểu rõ chi phí vận hành của doanh nghiệp để đưa ra các quyết định & quy định chính xác (Tuyển dụng nhân sự, cơ sở vật chất,…).
– Kiên trì & chủ động trong việc tạo nguồn & tìm kiếm khách hàng (Kỹ năng cơ bản của người làm sales).
+ Số lượng khách hàng tiếp cận.
+ Phương pháp tiếp cận (Người giới thiệu, địa điểm, phương thức liên lạc,…)
– Research về khách hàng (bài báo trong câu chuyện) để hiểu đúng nhu cầu & mức độ phù hợp của sản phẩm mình cung cấp.
– Sự tôn trọng người khác được thể hiện qua lời nói, hành vi & phản ứng của mình (Cúi chào, quan tâm, cảm ơn, xin lỗi,…).
– Sự may mắn đến với những người tử tế & chăm chỉ, không chỉ kiếm tiền nhưng phải xây dựng nhân phẩm của chính bản thân mình.
Cảm ơn dượng Tony nhiều ạ.
Nguyễn Thu Hương Thấm thía! Lại nhớ đắc nhân tâm có dạy: bán hình ảnh trước bán hàng
CyberDoor Academy
Lễ phép, văn minh, lịch sự với mọi người, không chỉ là với khách hàng của mình!
Vu Le Đây chính là văn hóa truyền thống. Cảm ơn chú nhiều.
Trần Hữu Chiến Cảm ơn bác ạ, câu chuyện bổ ích quá. Con muốn bán hàng cho người châu âu với Mỹ thì nên gặp ai để biết cách ạ, chủ chỉ giúp con, con cảm ơn chú
Lan Kin Theo những gì cháu được biết thì thực sự là nhân duyên đó bác. Chắc chắn bác là người tốt, nên bác luôn luôn sẽ gặp được nhiều may mắn trong cuộc sống!
Đàm Tử Quân Bài viết của bác ngắn gọn xúc tích, đọc mà xúc động muốn chảy nước mắt…
Mà nhìn lại các con của tôi giờ sao chúng khó bảo quá, có lẽ phương pháp dạy bảo của mình bị sai rồi…
Cảm ơn bác đã chia sẻ câu chuyện về kinh doanh rất tuyệt vời