Cách tích tập giúp tăng trưởng
Phước Báu Công Đức nhanh chóng
Sống trên đời này, ai ai cũng mong cầu một cuộc sống thoải mái, no đủ và giàu có. Ai cũng cầu mong gia đình thịnh vượng, tiền bạc dồi dào, cả năm mọi thứ thật thuận lợi.
Nhưng tại sao một số người thường xuyên gặp nhiều may mắn, thuận lợi, thành công.. nhưng một số khác lại hay gặp nhiều chuyện không vui, xui xẻo, thất bại? Có cách nào, làm thế nào để giúp mình ngày càng gặp nhiều may mắn, thành công, giàu có, hạnh phúc.. hơn hay không?
Đó là vì trong cuộc sống luôn ẩn chứa luật nhân quả. Tiền bạc hay sự giàu có, may mắn, thành công… cũng tuân theo quy luật này. Theo bạn quy luật đó là gì? Đó chính là tiền tài của bạn kiếp này có bao nhiêu đều là do “nhân” từ kiếp trước của bạn tạo thành. Kiếp trước bạn tích được nhiều phúc đức gọi là “nhân”, đến kiếp này tiền tài của bạn dồi dào đầy đủ, đó gọi là “quả”.
Nếu quả thực như vậy, có phải tiền bạc của chúng ta kiếp này là đã được an bài và không thể thay đổi được? Tôi cảm thấy kiếp này mình thật nghèo, không kiếm đủ tiền, vậy tôi phải làm thế nào? Phải làm gì, làm thế nào để tăng phước báu?
Người xưa nói, vận mệnh của mình là tự bản thân mình thay đổi. Cho nên, nhìn nhận một cách đơn giản, khách quan thì khi hiểu quy luật nhân quả về tiền tài thì chính là khi ta biết tu phúc tạo phước, hành thiện tích đức, thì phúc báo và tiền tài đều sẽ theo đó mà cải thiện, ngày càng trở nên tốt hơn.
Người xưa có câu: “Có đức mặc sức mà ăn”, tức là ám chỉ nói một người nếu có nhiều phước đức, công đức, hay phúc báo, thì có thể không còn cần lo lắng đến cái ăn cái mặc hàng ngày nữa.
Cho nên, học được cách tích đức, tức là ta đã học được cách cải biến số phận của mình, mang lại phước lộc dồi dào. Vậy làm thế nào để tích đức, phải làm sao để “tu phúc” ngay cả khi không có nhiều điều kiện về vật chất, tiền của?
Trước tiên, ta phải tìm hiểu và nắm rõ phước đức là gì? phước đức từ đâu đến? Rồi mới cùng tìm hiểu cách tạo phước đức, phước lành hay tích lũy phước báu là gì, làm như thế nào?…
Phước đức là gì? phước đức từ đâu đến?
Phước đức và công đức giống nhau và khác nhau thế nào?
+ PHƯỚC ( PHÚC ): là do việc làm bố thí, hay nói cách khác là bố thí năng sinh phước báu.
Vậy bố thí nghĩa là gì? Bố thí hiểu một cách đơn giản nghĩa là cho đi, cho đi cái mình đang có, hoặc có thể giúp cho những người còn đang thiếu thốn, khó khăn hay cần giúp đỡ.
Có nhiều cách để bố thí (cho đi), như bố thí tiền bạc, vật chất; đóng góp công sức, chia sẻ thời gian để giúp người khác. Khuyên bảo, hướng dẫn người khác cách sống tốt đẹp hơn hay giúp họ vượt qua đau khổ, bất an, sợ hãi, sầu muộn..
Ở đời người ta có địa vị, danh thơm, giàu sang phú quý, học thành đạt, xinh đẹp, mạnh khỏe, sống lâu đều là do phước báo cả. Người có phước đức nhiều thì làm gì cũng dễ thành tựu.
+ ĐỨC: Đức nói cho đủ là đạo đức. Ở đời, người ta gọi người đạo đức là người ăn hiền ở lành.
+ CÔNG ĐỨC: Nói đơn giản dễ hiểu là việc làm giúp đỡ, lợi ích cho ai đó hoặc làm công quả (làm không công) cho chùa, bệnh viện, trường học, xã hội (như hội nhân đạo, từ thiện..)..v.v. hay nói cách khác là bố thí công sức. Vậy, công đức năng sinh phước.

Bố thí là nguồn gốc căn bản để có phúc đức phước báu
Có câu “trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”. Bạn muốn được dưa trước tiên bạn cần trồng dưa, gieo nhân nào thì đắc được quả ấy, không thể nào trồng đậu lại được dưa, hay nấu sỏi mà thành cơm được.
Vậy “nhân” của tài lộc trong đời người ta là gì? Bố thí chính là nguồn gốc mang đến tài lộc cho bạn. Chỉ khi có thiện niệm bố thí cho người, bạn mới đắc, có được phúc báo!
Đôi khi chúng ta thấy có một số người rất giàu có sống quanh mình. Bạn phải hiểu rằng, tiền bạc kiếp này của họ dồi dào như vậy là bởi kiếp trước họ đã gieo hạt giống bố thí rất nhiều cho người khác. Họ đã bố thí một cách vui vẻ nên mới đắc được phúc báo như vậy.
Bạn không cần phải ganh tỵ, ghen ghét, đố kỵ với họ, điều bạn cần làm lúc này là gì? chính là hãy cầu tiền tài theo đúng như quy luật của Nhân Quả. Kiếp này bạn gieo nhân thiện lương, kiếp sau bạn sẽ được quả thiện, có khi quả ngọt sẽ trổ ngay trong đời này. Đây cũng chính là đạo lý mà bạn nhất định nên ghi nhớ.
Nhà Phật dạy có 3 loại bố thí chúng ta có thể thực hiện: Bố thí tài, bố thí Pháp, bố thí vô úy.
- Bố thí tài (tài thí): Chính là dùng tiền bạc, tài chính cứu giúp những người khó khăn, nghèo khổ.
- Bố thí Pháp (Pháp thí) và Bố thí vô úy (Vô úy thí): các bạn tìm hiểu thêm: Bố thí nào có công đức thù thắng nhất?
Xem thêm: 3 loại giúp đỡ – bố thí trong nhà Phật
Biết cách và chăm chỉ bố thí tài (tài thí) cũng có thể giúp bạn có phúc đức, phước báu về tiền bạc, vật chất rồi. Nếu thực hiện được cả ba loại bố thí này thì chính là bạn đang gieo trồng nhân thiện duyên, phước báo, công đức không nhỏ.
Khi hiểu được cần bố thí như thế nào đó chính là “tu phúc”. Cho dù trong đời này bạn không thấy được kết quả nhưng tương lai chắc chắn sẽ được phúc báo tốt lành.
Khi bố thí, bạn hãy làm trong khả năng có thể của bản thân mình, việc nào không làm được, không giúp được thì cũng không cần miễn cưỡng. Ngoài ra còn một điểm rất quan trọng khác là: Sự bố thí thật sự không phải ở số lượng nhiều hay ít mà là xuất phát từ Tâm của bạn. Nếu tâm bạn chân thành, vui vẻ khi bố thí cho người thì rất tự nhiên sẽ tích được phúc báo lớn.
Sẽ có nhiều bạn thắc mắc, rằng: “Với những người có đủ điều kiện về vật chất, hay dư giả tài vật thì việc bố thí tiền của tương đối dễ dàng nên không nói làm gì. Nhưng với những người còn đang nghèo khó, thiếu thốn thì làm thế nào để tích đức, làm sao để tu phúc cho được nhiều đây?”
Đúng là trong cuộc sống, số phận cuộc đời mỗi người không ai là giống nhau. Có kẻ giàu, có người nghèo khó, lại có những kẻ túng quẫn đến manh áo che thân cũng không lo nổi. Thế nhưng không vì thế mà việc bố thí bị ngăn trở. Bởi vì bố thí không phải chỉ bằng vật chất là cho đi, mà ngay cả lúc tay không, ta vẫn có thể bố thí.
Có nhiều cách để bố thí (cho đi), như bố thí tiền bạc, vật chất; đóng góp công sức, chia sẻ thời gian để giúp người khác. Khuyên bảo, hướng dẫn người khác cách sống tốt đẹp hơn hay giúp họ vượt qua đau khổ, bất an, sợ hãi, sầu muộn.. Có khi chỉ là một nụ cười nho nhỏ, lời hỏi thăm sức khỏe hay một tiếng chào thân ái. Như vậy đều đã là bố thí, đều đã tạo một cơ sở phúc báo cho chính mình vậy.
Tham khảo sách: Liễu Phàm Tứ Huấn – sách hướng dẫn cải tạo vận mệnh bằng tu phúc tích đức
Dưới đây là những cách giúp tích công bồi đức, huân tập tăng trưởng phước đức, công đức nhanh chóng mà ai cũng có thể làm được, ngay cả khi không có nhiều điều kiện về vật chất. Đây là các phương pháp, bí quyết giúp cải tạo vận may, vận mệnh bằng tu phúc tích đức, lập công bồi đức…
Làm thế nào để tăng trưởng Phước Báu Công Đức nhanh chóng?
Có một bạn trẻ hỏi một vị Đạo sư rằng:
Hỏi: Em nghe nói, dâng cúng hoa cho Đức Phật sẽ được xinh đẹp, bố thí sẽ được giàu có. Xin được hỏi thầy, các bạn trẻ nên tích tập nhân tốt như thế nào?
Đáp: Ngoài những nhân tốt như cố gắng làm việc, cố gắng học tập, sống có trách nhiệm, có vài phương pháp giúp tích tập nhân tốt mau có kết quả tốt.
Những cách tích tập nhân tốt nhanh chóng
Chúc thầm bí mật – Phương pháp tích tập nghiệp tốt đơn giản, hiệu quả
Đơn giản là gặp ai cũng chúc thầm trong lòng không nói ra miệng, chúc mọi người mạnh khỏe, giàu có, hạnh phúc và giác ngộ. Sức khỏe, điều kiện kinh tế, hạnh phúc đều rất quan trọng và giác ngộ là quan trọng nhất.
- Đầu tiên, chúc những người thân, người quen, bạn bè, nhân viên, sau đó mở rộng ra đến những người không quen biết, ví dụ như những người trong cầu thang máy, các cô bán hoa quả trên đường, những người chủ cửa hiệu, bác trông xe, nhân viên nhà hang.
- Sau đó, bí mật chúc cho những người mình ghét, kẻ thù, hay những người đang phá hoại mình, những người mình có kỉ niệm không tốt với họ. Khi chúc những người như vậy thì chuyển hóa mạnh nhất sẽ xảy ra.
Chúc thầm là một loại bố thí, không bằng hành động mà bằng ý nghiệp. Đó cũng là cách chuyển hóa tâm rất mạnh.
Khi ghét một người mà chúc được cho họ thì tâm mình trở nên bình an hơn rất nhiều, cho nên tối thiểu là có sự bình an. Khi đã gieo những nhân tốt như vậy thì quả tốt sẽ xảy ra, tự nhiên sẽ có người đến giúp mình, không nhờ cũng có người đến giúp mình.
Người ta không nhờ mình chúc mình vẫn chúc họ, tự nhiên cuộc sống sẽ có những người nghĩ tốt về mình, mình chẳng cần bảo ai hãy nghĩ tốt về tôi đi tự nhiên vẫn có người nghĩ tốt về mình.
Tại sao là chúc thầm? Vì không một ai, kể cả người được chúc cả đời cũng không biết mình chúc. Mình hoàn toàn cho đi một cách vô tư, không cho họ biết, không đòi hỏi lấy lại gì hết. Đó là những nghiệp tốt dần dần sẽ thay đổi toàn bộ cuộc sống của mình, cách nghĩ của mình, đồng thời là cách người khác đối xử với mình.
=> Hướng dẫn cụ thể cách Chúc thầm bí mật
Đây là phương pháp cực kì hiệu quả, là việc rất tốt, rất nên làm của những người đi vào đời, nhất là những người làm kinh doanh. Chúng ta có vô số cơ hội để tập, trong kinh doanh hay làm ở đâu cũng có vô số đối tượng khác nhau, người hỗ trợ mình, người phá hoại mình, người muốn làm điều xấu cho mình, ghen ghét, nói xấu, dèm pha, trù dập mình.
Với ai cũng có thể dùng phương pháp này. Nếu tập đủ lâu thì sẽ thấy kết quả rõ ràng. Khi mình bí mật cho đi sẽ có người bí mật giúp đỡ mình, đó là nhân quả tự nhiên.
Tùy hỷ công đức – vui với điều tốt của người khác
Đây là một cách rất quan trọng để chúng ta tích tập nghiệp tốt là cảm thấy hoan hỷ khi người khác hạnh phúc. Cảm thấy hoan hỷ khi người ta làm được một điều tốt, nhà Phật gọi là tùy hỷ công đức. Đức Phật có dạy trong kinh Ánh Sáng Hoàng Kim là khi nghe người khác làm một điều tốt mà cảm thấy hoan hỷ tận đáy lòng thì mình có nghiệp tốt bằng với người vừa tạo ra.
Chỉ cần hoan hỷ, rất hoan hỷ, ngắm người khác vui và thấy thật vui, sung sướng tận đáy lòng khi thấy ai đấy làm điều tốt. Đây là cách rất tốt tích tập công đức, đặc biệt khi ta gặp càng nhiều người như vậy ta tích tập công đức càng nhanh.
Sống trong biết ơn – Ân sủng sẽ đến
Một bạn chia sẻ: Thưa thầy, em nghe bài trên trang Trong Suốt của Thầy em thấy “chúc thầm bí mật” cảm giác rất hiệu nghiệm.
Thầy Trong Suốt: Khi em thấy “chúc thầm bí mật” hiệu nghiệm rồi, thì cần bổ sung thêm “thầm cảm ơn” sẽ càng hiệu nghiệm hơn. Trong cuộc sống, em có điều gì cảm ơn được thì hãy cảm ơn. Ví dụ người ta giúp những điều vừa vừa với mình, hãy thầm cảm ơn người ta.
Em hãy cảm ơn những điều rất bình thường: “Cảm ơn là tôi có đủ tiền mua mớ rau. Còn hơn không đủ duyên, không đủ tiền để mua. Thầm cảm ơn vì công ty tôi vẫn hoạt động đến ngày hôm này để tôi có việc làm.” Cảm ơn những điều bình thường nhất. Giỏi hơn nữa là cảm ơn những điều gây cho mình khó chịu. Đặc biệt khi bị ốm bệnh, nếu em cảm ơn được bệnh tật thì nhanh khỏi hơn nhiều.
Hay đơn giản hơn, buổi sáng khi tỉnh dậy: “Tôi cảm ơn vì tôi vẫn còn sống đến ngày hôm nay. Cảm ơn tôi còn đủ sức khỏe để đến đây. Cảm ơn đôi mắt tôi vẫn còn sáng để nhìn được đường đi. Cảm ơn vì tai tôi còn thính để nghe rõ được Pháp. Cảm ơn vì tôi vẫn còn bố mẹ ở bên cạnh.” Cuộc sống có rất nhiều thứ để cảm ơn lắm!
Mình nên sống trong trạng thái cảm ơn. Vì khi cảm ơn thì trong lòng mình dâng lên một một loại năng lượng của sự đầy đủ. Năng lượng đầy đủ đó chữa lành cho mình các vết thương về tinh thần lẫn thể chất. Và giúp mình thực sự thoải mái, đầy đủ.
Ngược lại nếu mình không cảm ơn, mình coi mọi thứ là đương nhiên thì mình sẽ không bao giờ có năng lượng đầy đủ bên trong. Chưa kể mình ghét bỏ còn thì còn tệ hơn nữa. Trong lòng mình dâng lên một năng lượng của sự ghét bỏ, nó tiếp tục đục phá thân thể, tinh thần mình. Nên đó là lí do vì sao nên cảm ơn bệnh tật. Vì nhờ bệnh tật mà em có cơ hội hiểu thêm về cuộc sống, em có cơ hội tiếp cận Phật pháp.
Nếu em làm được chuyện đó thì nhanh hơn nhiều. Còn nếu không làm cũng được nhưng sẽ chậm hơn. Ít nhất là cảm ơn những điều bình thường. Khi em cảm ơn càng nhiều thì năng lượng đầy đủ càng mạnh. Năng lượng đó sẽ chữa bệnh cho em luôn. Chữa cả tinh thần và thể xác, chưa kể là khi em đầy đủ sẽ cuốn hút cái đầy đủ xung quanh đến với em dễ hơn. Vì vậy, cảm ơn có rất nhiều ích lợi. Em hãy thầm cảm ơn bất kì cái gì có thể cảm ơn.
Trích Trà đàm Trong Suốt – “Nhân quả và sức khoẻ” – Hà Nội, 2013
Sống trong biết ơn thì ân sủng sẽ đến.
Sống trong biết ơn, bạn sẽ xúc động, một điều nhỏ bạn cũng thấy xúc động…
TS – trích buổi nói chuyện “Ngập tràn ân sủng”. Hà Nội 2015

Hòa Thượng Tịnh Không cũng khuyên nên “Sống trong thế giới biết ơn”

Hãy biết ơn những người khiển trách ta
vì họ giúp ta tăng trưởng Định Tuệ.
Hãy biết ơn những người làm ta vấp ngã
vì họ khiến năng lực của ta mạnh mẽ hơn.
Hãy biết ơn những người bỏ rơi ta
vì họ đã dạy cho ta biết tự lập.
Hãy biết ơn những người đánh đập ta
vì họ đã tiêu trừ nghiệp chướng cho ta.
Hãy biết ơn những người lường gạt ta
vì họ tăng tiến kiến thức cho ta.
Hãy biết ơn những người làm hại ta
vì họ đã tôi luyện tâm trí của ta.
Hãy biết ơn tất cả những người khiến ta được Kiên Định Thành Tựu.
Pháp sư Tịnh Không
Xem thêm bài chia sẻ của một bạn đã áp dụng cách Sống Biết Ơn: Biết ơn để tâm an – thuận duyên rồi sẽ đến
Đọc thần chú của Đức Quán Thế Âm – vị Bồ Tát của lòng bi mẫn
Thần chú là những tiếng nói mang năng lượng tốt lành rất to lớn. Toàn bộ thế giới chúng ta đang sống chính là năng lượng.
Thần chú là những năng lượng rất mạnh mẽ có thể thay đổi môi trường chung quanh mình. Đọc thần chú sẽ giúp cho những người hay những con vật xung quanh nhận được điều tốt.
Cách rất dễ tích tập công đức là đọc thần chú càng nhiều càng tốt từ sáng đến đêm. Có thể đọc câu thần chú của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, câu thần chú có năng lượng cực kì tuyệt vời là Om Mani Padme Hum.

Tham khảo:
Cách Hít thở và đọc Tâm chú Om Mani Padme Hum của Quan Âm Bồ Tát
Chúng ta nên đọc từ sáng đến tối, hít vào đọc Om Mani, thở ra đọc Padme Hum. Khi đọc câu thần chú này, nếu ai có khả năng nhìn thấy hào quang sẽ thấy ánh sáng xung quanh mình thường có màu trắng đục hay màu xám, sẽ biến thành màu xanh lục. Ánh sáng đó có khả năng làm người xung quanh được bình an, hạnh phúc và giúp những vong linh xung quanh mình nếu chạm vào được siêu thoát.
Om Mani Padme Hum – thần chú tăng trưởng công đức – trí tuệ
Đọc câu thần chú đấy tích tập rất nhiều công đức. Câu thần chú này có sức mạnh thay đổi thực sự. Thần chú rất đơn giản, 6 âm nhưng tác dụng vô cùng to lớn. Đọc Om Mani Padme Hum là cách tập cực kì hiệu quả cho ai muốn tích tập công đức thật nhanh.
Một học trò – vị Bồ tát Trừ Cái Chướng đã hỏi đức Phật về công dụng câu thần chú này: “Thưa Đức Phật có thể nói cho con tác dụng thần chú Om Mani Padme Hum?”
Đức Phật trả lời: “Ta có giảng một triệu kiếp thì cũng không giảng hết được sức mạnh câu thần chú này. Ta có thể biết được một năm Ấn Độ có bao nhiêu hạt mưa, sông Hằng có bao nhiêu hạt cát nhưng ta không thể biết và kể hết được sức mạnh thần chú Om Mani Padme Hum.”
Làm điều tốt – việc thiện ngay khi có thể
Ngoài bố thí, chúng ta còn có nhiều dịp có thể làm điều tốt, việc thiện để giúp đỡ người khác. Không chỉ giúp đỡ người, chúng ta còn có thể giúp các con vật cần giúp đỡ nếu có thể. Có nhiều cách giúp đỡ trong khả năng như:
- Tự mình làm, giúp đỡ trực tiếp
- Tham gia, đóng góp với các nhóm, tổ chức khác:
- Góp công: tham gia đóng góp công sức trực tiếp hoặc gián tiếp như chia sẻ, lan tỏa..
- Góp của: góp tiền tài, vật chất cho nhóm, tổ chức, cho quỹ
- Góp ý: chia sẻ hiểu biết, kinh nghiệm của mình, tùy hỷ, cầu nguyện..
Có rất nhiều việc tốt bạn có thể tham gia giúp đỡ, như:
- Công tác xã hội, từ thiện, tình nguyện
- Giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật, người già neo đơn, trẻ mồ côi, con vật bị bỏ rơi…
- Chia sẻ công sức, thời gian, sự hiểu biết, kinh nghiệm của mình để giúp người khác.
- Chia sẻ, lan tỏa những điều tốt lành đến cho nhiều người cùng biết
- Tìm cách khuyên, giúp đỡ người lầm lỡ, giúp họ cải tà quy chánh, bỏ ác làm lành
Ngoài ra, nếu bạn là người có duyên với Phật Pháp, thì bạn có thể:
- Phóng sinh cứu giúp các con vật. Tránh, hạn chế sát sinh tạo nghiệp xấu.
- Cúng dường Tam Bảo, những vị tu hành nghiêm túc.
- Tam Bảo phước điền: Tam Bảo là ruộng phước rất tốt để gieo trồng phước đức
- Nghe giảng Pháp từ các Vị Thầy chân chính. Việc nghe và học hỏi giáo lý của một vị thầy có thể giúp bạn tích lũy công đức và trí tuệ.
- ….
“Đức” của mỗi người nhiều hay ít đến từ việc họ làm việc thiện, việc tốt nhiều hay ít. Như thế nào là làm việc thiện tích đức? Hành thiện tích đức chính là làm việc tốt, việc thiện, giúp đỡ mọi người làm điều tốt, hết thảy đều chất chứa lòng từ bi mà làm.

“Tất cả các bạn đều đủ giàu có để bắt đầu giúp đỡ người khác. Đừng đợi tới khi mình có nhiều của cải mới bắt đầu làm việc thiện, tích tập công đức.” – TS
“Người thông minh phải nghĩ ngay đến phần bố thí. Chứ không phải có tiền là sung sướng tích tập thêm. Thông minh là chưa cần có nhiều tiền, chỉ cần có tiền dư ra đã phải nghĩ đến chuyện dùng một phần đấy để đem đi làm điều tốt rồi.” – TS

Mọi người chỉ cần đem bản tính lương thiện của mình tăng lên, mở rộng ra, tận lực làm thêm nhiều việc thiện, tích nhiều âm đức. Đây là phúc mà do con người tự tạo ra, người khác có suy tính chiếm đoạt cũng không chiếm được
Kiên nhẫn làm việc thiện, tận tâm bố thí cứu giúp người và vật. “Thiện” chính là chìa khóa để tích đức! Cho nên, thay vì tính toán quá nhiều hãy thường xuyên “hành thiện tích đức” thì cuộc đời mới càng thêm bình an, tốt đẹp.
Đừng xem thường điều thiện nhỏ
vì nghĩ rằng, “kết quả tốt lành sẽ không đến với mình”,
Hãy xem kìa, một giọt nước nhỏ mỗi ngày
sẽ làm cho đầy bình nước.
Người từ bi và trí tuệ tích lũy được nhiều phước lành,
là nhờ mỗi ngày làm một điều thiện nhỏ.
Sám hối mỗi ngày – hạn chế quả xấu
Vì sao bạn cần sám hối mỗi ngày?
Trong cuộc sống, có rất nhiều việc xảy ra có thể khiến bạn cảm thấy hối hận, ăn năn và day dứt vì đã làm điều không tốt. Ngoài ra, trong nhiều hoàn cảnh, do thiếu hiểu biết bạn đã vô tình làm nhiều điều xấu mà lại không nhận ra. Phải làm thế nào khi bạn rơi vào những tình huống kể trên?
Sám hối là việc chúng ta cảm thấy ăn năn, hối hận vì đã làm một việc không tốt. Từ đó, chúng ta có thái độ quyết tâm không mắc lại những hành động sai lầm đó nữa.
Sám hối rất cần thiết và nên thực hành đều đặn hàng ngày bởi những lý do sau:
- Khi đã gieo nhân xấu, quả sẽ trổ là điều tất yếu.
- Mỗi ngày, chúng ta đều làm việc xấu mà không nhận ra.
- Sám hối giúp bạn không mắc lại sai lầm.
- Sám hối giúp giảm hậu quả của nhân xấu xảy ra
- Sám hối giúp ngăn chặn việc gây ra những hành động xấu trong tương lai
=> Cách thực hành : sám hối mỗi ngày
Hồi hướng công đức – tăng trưởng nhanh chóng
Vì sao nên hồi hướng công đức?
- Hồi hướng công đức là một trong những cách giúp ta quan tâm và thương yêu người khác.
- Hồi hướng công đức có thể giúp người khác vượt qua khó khăn, đau khổ.
- Hồi hướng giúp bảo vệ công đức
- Hồi hướng giúp tăng trưởng dần trí tuệ & từ bi
- Có thể hồi hướng công đức cho người đã mất
=> Cách hồi hướng đơn giản hằng ngày và bất cứ khi nào cần: Hồi hướng công đức
Thần chú Thác Nước – thanh tịnh nghiệp chướng
Vì lòng đại bi thương xót chúng sanh, Chư Phật và Bồ Tát đã tạo ra những phương tiện thật thiện xảo để giúp đỡ chúng sinh. Trong đó có Thần Chú Giải Thoát Thông Qua Sự Thấy giúp thanh tịnh nghiệp chướng mỗi lần nhìn thấy. Chỉ cần mỗi lần nhìn thấy hoặc đi dưới câu Thần chú này, có thể thanh tịnh nghiệp chướng và tịnh hóa những ác hạnh của nhiều kiếp trong quá khứ.
Tìm hiểu thêm: Thần Chú Giải Thoát Thông Qua Sự Thấy

Tránh các điều làm tổn hại công đức
Công đức tích tập nhanh nhưng mất cũng dễ. Thế nào là mất công đức? Công đức có thể bị tổn hại bởi những điều sau:
Bốn điều tổn hại công đức
- Thứ nhất, Đức Phật có dạy, nếu làm điều tốt mà khoe khoang về công đức vừa làm thì lập tức mất ngay công đức đó. Ví dụ, khoe khoang khi vừa đi làm từ thiện là cách mất công đức rất nhanh.
- Thứ hai làm mất công đức là thay vì hoan hỷ khi người khác làm điều tốt, mình ghen ghét, như thế sẽ mất công đức bằng lượng công đức họ vừa làm.
- Ví dụ, khi nghe một người bạn vừa được giải thưởng hay làm điều tốt, mình lại nghĩ “thật là vớ vẩn”, vậy là lập tức mất đi rất nhiều công đức.
Hãy giữ gìn công đức như giữ ngọn đèn trước gió
- Ví dụ, khi nghe một người bạn vừa được giải thưởng hay làm điều tốt, mình lại nghĩ “thật là vớ vẩn”, vậy là lập tức mất đi rất nhiều công đức.
- Điều thứ ba làm mất công đức nữa là hối tiếc khi làm điều tốt. Ví dụ, hôm nay vừa giúp được người khác, về nghe vợ nói mấy câu lại cảm thấy tiếc vì đã giúp họ, thì bao nhiêu công đức đã làm biến mất hết.
- Điều thứ tư làm mất công đức là sân hận. Có câu nói là một cơn giận đốt cháy cả rừng công đức. Giận rất nguy hiểm vì bao nhiêu công đức tích tập sẽ mất hết khi ta giận.
Đó là bốn điều tổn hại công đức: Khoe khoang, ghen ghét, hối tiếc, và sân hận.
Nếu mình chỉ xây ít, tích tập công đức ít, mà phá nhiều, làm những việc tổn hại công đức nhiều, thì mình sẽ mất công đức nhiều.

Trên đây là những cách giúp bạn huân tập, tích tập và tăng trưởng công đức, phước đức, phúc báo nhanh chóng, dễ dàng, đơn giản. Nếu bạn chịu khó và chăm chỉ áp dụng, thực hành thì có thể chỉ sau một thời gian ngắn bạn sẽ nhận thấy có những sự thay đổi rõ rệt, kỳ diệu, bất ngờ trong cuộc sống của mình. Như ngày càng gặp được nhiều may mắn, giúp đỡ.. bất ngờ, hoặc tránh được những tai nạn một cách kỳ diệu. Tất cả tùy vào nhân quả, niềm tin và sự nhiệt tình thực hành của bạn.
Chúc bạn ngày càng có nhiều bình an và may mắn hơn!
❤️ Yêu quý bạn,❤️
***
Hãy thực hành và chia sẻ lại kinh nghiệm của bạn với nhé! Biết đâu sự chia sẻ của bạn sẽ giúp đỡ được ai đó được nhiều hơn! ❤️