Cách thức tập ngồi thiền căn bản
Hôm nay tôi sẽ hướng dẫn Quý Vị cách thức để ngồi thiền đơn giản và căn bản nhất :
Tôi tạm chia một buổi công phu tọa thiền ra thành 4 phần :
* Phần 1 : Dâng hương, sám hối, cầu Phật gia hộ
Đốt ba nén hương, sau đó ra qùy trước bàn Phật, đọc những câu sau :
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Con xin sám hối tất cả các tội lỗi do tham sân si, tạo bởi thân, miệng, ý, từ vô thỉ kiếp cho đến nay, nhiều như đại địa.
Nay nhờ gặp Phật nên con biết được lỗi lầm.
Con xin thành tâm sám hối.
Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát
( 3 lần).
Con nguyện tu hành tinh tấn, thề dứt ác làm hành, sống đời thuần thiện và lợi lạc cho chúng sinh.
Xin Phật gia hộ cho con đạo tâm kiên cố, tinh tấn tu hành, tu tập đúng đường, cho tới ngày thành tựu viên mãn.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ( 3 lần ).
* Phần 2 : Ngồi thiền
Thắp hương lên lư hương. Sau đó tới chỗ tấm tọa cụ được chuẩn bị sẵn để ngồi.
Cách thức điều thân khi ngồi thiền
Điều thân là một khâu rất quan trọng khi ngồi thiền.
Nếu một người tu mà chuẩn bị thật kĩ lưỡng ở bước điều thân này, và ngồi hết sức vững vàng thì người đó đang tiến rất gần với đạo.
Điều thân là gì?
Điều là điều chỉnh.
Thân là thân thể chúng ta.
Điều thân là điều chỉnh thân thể để ngồi cho ngay ngắn, đúng cách khi tọa thiền.
Tốt nhất là các bạn phải luyện cho được thế ngồi kiết già. Trừ những người tuổi đã lớn, xương đã cứng, hay những người mập, nên không thể bắt chân chéo lên được.
Cách ngồi :
Bàn chân trái gác lên đùi chân phải, và bàn chân phải gác lên đùi chân trái.
Hai lòng bàn tay đặt lên nhau, tay phải ở dưới, tay trái ở trên, hai ngón cái đối vào và chạm nhau.
Miệng ngậm lại, đầu lưỡi đặt ở nướu răng trên.
Lưng thẳng, nhưng không ưỡn ra sau, hay không gù phía trước.
Người mới tập ngồi, đừng nhắm mắt, hãy mở mắt ra, và nhìn xuống, nên đầu sẽ hơi cúi nhẹ nhìn xuống phía trước. Để quan sát thân cho dễ, để biết vị trí nào chưa đúng mà điều chỉnh.
Qua hai tháng, nếu bạn cảm thấy thân đã thuần thì mới được nhắm mắt.
Miệng ngậm lại, đầu lưỡi đặt ở nướu răng trên.
Hai cánh tay thả lỏng, tự nhiên, xuôi theo thân, không gồng cứng, cũng không ép sát dính vào người.
Cơ thể luôn luôn giữ thật mềm mại, nhưng bất động, dù muỗi chích.
Ở trên chính là Quý Vị đang chuẩn bị kĩ thuật của thân, khi ngồi.
Về phần dụng tâm
Tâm Quý Vị sẽ kiểm soát gián tiếp qua việc theo dõi thân. Theo dõi thân khi ngồi như sau :
Ngồi tĩnh lặng, xem nhẹ thân có bị đau không, lưng có gù, có ưỡn không, thân ngay ngắn chưa, người có bị gồng cứng không, có buồn ngủ không….
Tâm quan sát nhẹ toàn thân, cảm giác biết rõ toàn thân.
Chỗ nào đau, ta biết đau, tê ta biết tê, ngứa ta biết ngứa.
Chỗ nào gồng cứng ta tác ý thả lỏng.
Luôn giữ thân bất động, không nhúc nhích.
Tất cả những sự theo dõi vậy, đều được thực hiện trong tĩnh lặng.
Khi có vọng tưởng, những ý nghĩ vẩn vơ. Ta cứ để mặc chúng, ta trở lại với sự quan sát thân ta như trên : Chỗ nào đau, tê,…..
Chú ý sự biết rõ toàn thân từ đầu đến chân, nhưng tập trung sự biết rõ nhiều hơn ở phần từ rốn trở xuống (nhưng không tập trung một điểm ở rốn, mà nên dàn trãi mọi vị trí, chỉ biết nhẹ mà không cố ý làm gì hết).
Một người ngồi tốt là phải tỉnh, không có buồn ngủ, không gặp các ảo giác (như đang ngồi mà thấy mình như bị nghiêng, hay nghe tiếng nói bên tai, thấy ánh sáng,…), đừng thấy, đừng bị gì là tốt nhất.
Mà cái khổ nhất thời gian đầu, khi chân chưa quen, chưa dẻo. Thì quý vị sẽ rất đau chân, rất đau.
Nhưng không sao, cứ kiên nhẫn, qua hai tháng sẽ bình thường lại, với một thời gian ngồi nhất định như 30 phút hay 45 phút. Bạn sẽ chịu được.
Người ngồi đúng, là trong và sau buổi ngồi thấy thân tâm mình thơi thới hạnh phúc nhẹ nhàng, an lạc, và từ bi, điềm tĩnh.
Hãy cố gắng ngồi, rồi quý vị sẽ hiểu được vì sao các Thiền Sư sống ở trong rừng, hay hang động một mình mà vẫn an lạc, không buồn, không cô đơn.
Pháp Phật chỉ dành cho những ai thực hành, mới thấm được giáo pháp.
* Phần 3 : Xả thiền
Sau khi ngồi thiền được một khoảng thời gian nhất định, nếu thấy chân đau quá, hoặc không muốn ngồi nữa, thì tiến hành xả thiền. Xả thiền nghĩa là không ngồi nữa.
Cách xả như sau :
Từ tư thế đang kiết già hay bán già tĩnh tọa, từ từ mở mắt ra. Thân từ từ nhúc nhích, đầu ngước lên, tay buông ra.
Sau đó ta tiến hành xoa bóp cơ thể, vì trong thời gian ngồi lâu nhiều bộ phận cơ thể máu lưu thông không điều hòa. Do vậy, xoa bóp cơ thể sau khi xả thiền là phần rất quan trọng.
Chúng ta xoa bóp từ phần đầu trước, rồi xuống dưới chân sau.
Hai lòng bàn tay ta chà sát nhiều lần để cho nóng lên, sau đó ta áp vào mặt, mắt, trán, đầu, tai, cằm, làm lặp lại khoảng năm bảy lần.
Sau đó xoa nóng hai lòng bàn tay và áp vào mặt, tai, tóc, làm năm sáu lần như vậy.
Rồi xoay vai vài vòng, xoay người sang trái, sang phải cũng vài lần. Ta xoay qua trái, tay chống ở sau, cái lưng sẽ kêu rốp rốp. Sau đó xoay sang phải cũng tương tự, ta xoay khoảng năm lần.
Sau đó, ta xoay hai vai tay co lại xoay tròn từ trên xuống dưới, rồi từ dưới lên trên, khoảng 6, 7 lần.
Sau đó ta bóp tay, vai, xoa bóp kĩ phần hông nơi phía hai quả thận, xoa bụng.
Sau đó, ta mới từ từ dùng tay nắm hai bàn chân, nâng chân đang ngồi kiết già ra, và bỏ xuống, hai chân duỗi ra phía trước. Và tiến hành xoa bóp chân, xoa bóp cho tan máu, để giúp máu lưu thông tốt trở lại.
Phần chân Quí Vị nên xoa bóp kĩ chút vì ngồi qua thời gian chân bị chéo nên máu khó lưu thông, nếu chân chưa dẻo, vọng tưởng nhiều thì chân sẽ bị tê, nhiều khi tê mà mất đi cảm giác. Cần xoa bóp kĩ đùi, bắp chân, lòng bàn chân.
Xoa bóp xong, Quý Vị đứng dậy và đi chậm chậm vài vòng quanh nơi thờ cho chân lưu thông máu. Nếu có thời gian, Quí Vị nên dành thêm khoảng 15 phút để đi thiền hành.
Khi đi tay thả xuôi xuống, thả lỏng, lòng bàn chân khi tiếp xúc xuống sàn thì biết rõ cảm giác mát. Nhấc chân, bỏ chân xuống đều cảm giác biết rõ, đi chậm, nhẹ nhàng.
Đây là quá trình Quí Vị đang luyện tập chánh niệm, đang chuyển từ vị trí thiền tọa sang thiền hành, từ tĩnh chuyển sang động.
Dù thân có trong trạng thái động hay tĩnh đi nữa thì tâm vẫn luôn an trú trong trạng thái tĩnh lặng, chánh niệm, tĩnh giác, sáng suốt, trí tuệ.
Sau khi đi thiền hành xong. Quí Vị có thể trở lại nơi thờ Phật để hồi hướng công đức.
* Phần 4 : Hồi hướng công đức
Sau khi đi xong, Quý Vị trở lại, và qùy trước Phật để hồi hướng công đức, đọc các câu sau :
Con nguyện đem công đức ngồi thiền này, hồi hướng cho tất cả các chúng sinh trong pháp giới, cầu mong tất cả đều sẽ thành Phật.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ( 3 lần ).
Chú ý trang phục khi công phu :
Phải trang nghiêm, không mặc quần quá chật, không mặc quần jean.
Nên ngồi trên một tấm lót bằng phẳng ở dưới, để thân không tiếp xúc trực tiếp với đất.
Nếu Quý Vị nào hữu duyên đọc được bài viết này, thì tối về ngồi thử thế nào.
Vị nào ngồi rồi thì hôm sau nên hỏi lại tôi những gì còn chưa rõ, hoặc các cảm giác khi ngồi thấy thế nào, hãy trình bày lại, để tôi xem thử Quý Vị có bị sai ở đâu không.
Chúc Quý Vị tu tinh tấn.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.
Cư Sĩ Nhuận Hòa
Tìm hiểu thêm :
- Cách thức điều thân khi ngồi thiền
- Khi ngồi thiền thì đầu óc suy nghĩ cái gì?
- Cách thở và đối trị vọng tưởng khi ngồi thiền
Xem thêm: