CÁCH THỞ VÀ CÁCH ĐỐI TRỊ VỌNG TƯỞNG KHI NGỒI THIỀN
Nếu như quý vị đã biết cách điều thân: cách ngồi và đặt đúng vị trí của chân, tay, lưng, lưỡi…..rồi.
Thì việc thở và cách đối trị vọng tưởng khi dụng công tu tập, quý vị cũng phải cần biết luôn.
Ở bài viết này tôi sẽ tập trung nói về cách thở và cách đối trị vọng tưởng khi ngồi thiền :
* Về cách thở :
Nếu quý vị đang còn ngồi thực tập trong giai đoạn điều thân như bài hôm trước tôi viết.
Xem bài: Cách thức điều thân khi ngồi thiền
Thì các vị cứ thở bình thường, thở giống như mình đang làm việc hay sinh hoạt trong cuộc sống vậy.
Cứ để cho hơi thở tự nhiên như vậy mà không có điều chỉnh, hay thay đổi gì hết.
Khi ngồi trong tĩnh lặng, các vị để ý toàn thân, và để ý nhiều hơn ở phần từ rốn trở xuống.
Việc tập trung hai cái biết vào việc để ý này, sẽ giúp cho nội lực được lắng xuống dưới, điều này sẽ giúp cho đầu óc quý vị trở nên mạnh mẽ hơn, nhẹ nhàng và sâu sắc, tinh tế hơn….
Khi tâm đang để ý như vậy rồi, nếu quan sát thấy các vị trí của tay chân lưng….Được đặt chưa đúng thì ta sẽ điều chỉnh trở lại, giống như bài điều thân hôm trước tôi đã viết rồi đó.
* Vậy còn cách đối trị vọng tưởng thì sẽ như thế nào đây?
Vọng tưởng chính là những ý nghĩ lăng xăng khởi lên trong đầu chúng ta.
Vì những ý niệm này chúng cũng theo sự vô thường, nghĩa là khởi sinh rồi lại tan biến, có đó rồi mất đó, chứ không có tồn tại mãi, nghĩa là không có thực, nên gọi là vọng.
Khi các vị tập trung vào hai cái biết như đã nói trên (tức là biết toàn thân và biết tập trung nhiều hơn từ phần rốn trở xuống), rồi để ý nhẹ các vị trí của chân xem có bị tê, đau hay không, lưng có bị khòm hay không?
Nếu có ta điều chỉnh cho thẳng lại, còn bị tê, đau thì ta cứ biết rằng nó đang tê, đau (lưu ý là không được gồng).
Lúc này nếu có những ý niệm trở lên (tức vọng tưởng), thì các vị cứ để mặc chúng, mà không có chạy theo.
Ví dụ :
Khi đang ngồi trong tĩnh lặng như vậy, tự nhiên một ý nghĩ khởi lên là “thèm muốn ăn một món ngon nào đó”.
Khi ý niệm ấy khởi lên, quý vị nhận biết, sau đó cứ để mặc chúng, chứ ta không có đi theo món ngon ấy.
Và quý vị vẫn tập trung hai cái biết như tôi nói trên, khi mình biết như vậy thì những ý niệm kia tự chúng sẽ tan dần, làm mất đi.
Nên thật sự thì khi ngồi thiền chúng ta cũng không cần phải quá sợ vọng tưởng.
Như các Bậc Cổ Đức cũng đã dạy :
“Không sợ vọng tưởng chỉ sợ giác chậm”.
Câu nói này có nghĩa là :
Khi vọng tưởng xuất hiện, chỉ cần ta tinh ý, bình tâm nhận diện rõ chúng, thấy được từng tâm niệm khởi, mà ta nhận biết được nhưng không theo, đây chính là giác.
Do đó, chúng khởi gì kệ chúng, ta chỉ cần nhận biết mà thôi, sau đó trở lại với quá trình công phu của ta.
(Như giai đoạn đầu của công phu là công phu điều thân).
Ở giai đoạn đầu khi mới thực tập ngồi thiền, các vị đừng vội chú tâm vào điều hơi thở liền, hãy cố gắng tập điều thân trước cho vững.
Đây là kinh nghiệm sau nhiều năm tôi rút ra được.
Vì trước đây khi không có ai chỉ dẫn, tôi đã đi vào hơi thở liền, mà không có tập điều thân, nên tôi bị gặp ảo giác rất nhiều.
Và sau này tôi lùi lại một chút, đó là tập trung vào việc điều thân.
Vậy mà ngồi qua nhiều năm tháng, tôi thấy thân tâm rất yên ổn, đầu óc sáng suốt hơn, người điềm tĩnh hơn, lời nói nhẹ nhàng hơn, hành động từ tốn hơn, sức chánh niệm có tăng trưởng tốt,…..
Nên tôi thấy đây là dấu hiệu tốt của việc công phu.
Do vậy, tôi sẽ viết ra để cho các vị có thêm kinh nghiệm, để tham khảo đi tu tập.
Chúc quý vị có buổi tối nhiều an lạc.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>>> Tìm hiểu thêm tại: https://xn—hay-uqa.vn/tam-linh/tu-hoc-moi-ngay/
Bạn đọc comment:
Tu Dang A di đà Phật Cư sĩ cho Con hỏi nên ngồi ít nhất bao lâu cho 1 khóa ạ
Cư Sĩ Nhuận Hòa Tu Dang tùy khả năng con, ít nhất 5 phút
Hằng Nguyễn Dạ con xin cảm niệm công Đức lành cư sĩ đã chia sẻ ạ
Sen Hoa Nam mô a di Đà phật bữa nào thầy dạy cho con cách ngồi thiền với ạ
Lê Hải Triều Nam mới Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bậc thiện tri thức cư sĩ Nhuận Hoà
Không biết, năm nay Bác bao nhiêu tuổi, tôi 62 cho phép tôi được xưng thưa Bác trong tình Đạo
Kính Bác, tôi đến với Thiền thì cũng đã khá lâu. Tuy nhiên đo công việc nên việc hành trì, chay lạt không được nề nếp cho lắm
Thứ Bác, duyên khởi là đo tôi bị mất ngủ dùng các chất khích thích không hiệu quả nên tôi đã thực tập thiền, hiện tại nếu có thời gian trước khi ngủ tôi ngồi từ 30 phút đến 1 giờ thì sau đó đi vào giấc ngủ nhẹ nhàng, cơ thể sảng khoái, năng lượng cho ngày mới dồi dào hơn, tỷ lệ có ác mộng là rất thấp.
Tuy vậy, phần điều thân điều tâm (kỹ thuật ngồi thiền) là điều tôi vẫn trăn trở, vì không được thân cân Quý Ông, Quý Thầy, sở học lượm lặt, chắp vá nhưng cũng mạo muội thưa với Bác rằng: tôi theo dỏi trên mạng, thì tôi thấy cách ngồi thiền của Ông Thanh Từ là đầy đủ hơn cả, tôi có thêm phần niệm Phật ban đầu, sau đó khởi niệm “hít vào tâm tỉnh lặng….”hay sổ tức quán hay “vào-ra-mĩm cười” hay tri vọng như phần bác nói và tôi cũng chỉ thực tập được chừng ấy thôi, không dám mơ ước những điều cao xa hơn
Từ kinh nghiệm của Bác, kính mong Bác chỉ giáo, chia sẻ
Kính chúc Bác thân tâm thường lạc.