Thu nhiếp thân tâm
Thu nhiếp thân tâm là một phần rất quan trọng trong thực hành giáo pháp Phật.
Nếu bạn là người hành pháp mà bạn không biết nhiếp tâm thì đây vẫn chưa thực sự gọi là người hành pháp chân thật.
Có rất nhiều phương pháp để nhiếp tâm, sau đây tôi sẽ giới thiệu một phương pháp nhiếp tâm rất cơ bản nhưng là trọng tâm trong Phật pháp. Đó là nhiếp tâm qua việc thực hành thiền định.
Bạn cần phải sắp xếp cho mình một thời khóa công phu cố định trong ngày. Tốt nhất là sáng sớm hay trước giờ đi ngủ.
Sau khi vào trước bàn Phật, bạn dâng hương, lễ Phật, sám hối, phát nguyện, cầu Phật gia hộ xong. Là bạn chính thức bước vào thời công phu thật sự.
Tốt nhất là bạn phải luyện tập thế ngồi kiết già, thời gian đầu rất đau chân. Nhưng bạn phải cố gắng, sau một tháng bạn sẽ ngồi được.
Khi mới tập ngồi thì bạn phải mở mắt ra, lưng thẳng, mắt nhìn xuống trước mặt, hai tay đặt chồng lên nhau, giống như tượng của Phật ở bên dưới.
Tốt nhất các bạn ngồi, phải có Thầy chỉ, nếu bạn không ngại có thể chụp tấm hình khi bạn ngồi, rồi gửi lên để tôi nhìn rồi chỉnh sửa lại.
Sau khi thân đã chuẩn bị xong, tới phần tâm. Có nhiều Thầy chỉ dạy là hãy nhiếp tâm vào hơi thở. Nhưng theo tôi, khi bạn còn kém thì đừng vội nhiếp tâm vào hơi thở.
Mà hãy lui lại một bước, tuy cạn hơn, nhưng rất căn bản. Hợp cho các bạn căn cơ thấp hơn. Đó là chú tâm chánh niệm trước mặt và để ý toàn thân, điều thân.
Các bạn hãy quan sát toàn thân, xem có chỗ nào gồng cứng, nếu gồng cứng ta tác ý buông lõng. Buông lõng nhưng vẫn bất động, tay chân, lưng đều phải giữ đúng vị trí. Mềm mại mà bất động, các bạn vẫn cứ thở bình thường, không nên vội chú tâm vào hơi thở.
Theo dõi, chánh niệm, tĩnh giác, quan sát nhẹ toàn thân, không suy nghĩ gì hết, buông xả hết mọi vọng niệm, tâm trống trơn. Và luôn quán sát theo dõi toàn thân, tập trung nhiều ở phần dưới rốn trở xuống, chú tâm toàn thân.
Lúc này các vọng tưởng sẽ xuất hiện, các ý nghĩ xuất hiện, nhưng bạn cứ để mặc. Bạn hãy làm nhiệm vụ của mình là hãy theo dõi toàn thân, an tịnh, bất động, tĩnh lặng, chú tâm.
Và suốt thời ngồi thiền của bạn, đơn giản chỉ là như vậy, không thêm, không bớt.
Xả thiền :
Nhiều bạn nhắn tin hỏi mình là không biết xả thiền là xả thế nào.
Xả thiền là khâu cuối cùng của thời ngồi thiền, nhằm giúp thân được từ từ trở lại với trạng thái ban đầu.
Khi bạn ngồi lâu, bạn thấy đau quá, bạn nghĩ
« Thôi xả thiền cho rồi, đau quá »
Vậy là từ từ bạn mở mắt ra (nếu bạn đã là người ngồi lâu năm, đã nhắm mắt lại rồi).
Chân kiết già vẫn còn ngồi , thân thể ta bắt đầu động đậy, hai tay ta chà sát nhau cho ấm.
Sau đó, ta xoa nhẹ lên mặt, bóp vai, xoa lưng cho máu lưu thông. Mặt xoay qua phải, qua trái, lưng xoay theo. Sau khi phần trên đã mát xa xong, ta buông chân kiết già ra.
Ta duỗi hai chân ra, tiếp tục mát xa chân, bóp chỗ đau cho máu tan ra , bóp toàn chân cho máu lưu thông.
Sau khi mát xa xong, bạn chắp tay lại và nói :
« Con nguyện đem công đức này hồi hướng (cho ai đó trong cõi siêu hình, có thể là thân nhân bạn hay ai đó), có thể nương nhờ công đức này mà tự thân được no đủ, chuyển hóa thân tâm, luôn hướng tâm về sự tu tập, để có ngày được giải thoát giác ngộ.
Con cũng nguyện đem công đức này, hồi hướng khắp tất cả chúng sinh trong pháp giới. Có thể nương nhờ công đức này mà có nhân duyên gặp chánh pháp để tu hành, để có ngày được giác ngộ, giải thoát.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.
Tác đại chứng minh.
Cư Sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày –
An trú tâm là gì