CÁI CÚI ĐẦU VĨ ĐẠI!
Bài của Phạm Minh Vũ
Không quen biết, không nợ nần ai, vậy mà người phụ nữ dáng vẻ khắc khổ này vét hết sạch túi của mình 120 triệu dành dụm bao năm qua nhờ việc buôn cá để trao người Dân “tháo chạy” khỏi Sài Gòn, chỉ vì sau khi xem một video ngắn thấy bao cảnh khốn khổ trên Internet.
Chị Huệ người Bình Định, vào Phan Thiết buôn cá, nhìn dáng vẻ còm cõi, gầy gò khắc khổ và đôi dép chị đi, áo quần chị mặc, nhìn nó thật cũ nát, nhưng sâu bên trong tâm hồn người phụ nữ này lại là một con người thánh thiện; tử tế.
500k và một túi quà, tay trái nâng tay phải khi trao quà kèm theo cái cúi đầu nhìn thật vĩ đại thay, [vĩ đại hơn tượng đài ngàn tỷ, nhà hát cổng chào chứ nhỉ?] để trao cho người Dân khắc khổ khác trên hành trình thiên lý, cho người nhận cái cảm giác tình người và chan chứa nghĩa đồng bào.
Giá như: chính phủ Việt Nam làm việc nhanh gọn như Chị Huệ để hỗ trợ người nghèo đang trong các khu trọ nghèo, khu cách ly hay phong tỏa thì tốt biết mấy?
Giá như: chính phủ giúp đỡ người đang tháo chạy bằng những chuyến bay nghĩa tình chuyến xe, chuyến tàu miễn phí để Dân bớt mệt nhoài, nguy hiểm thì hay biết mấy?
Giá như: không có mấy cái thứ giấy tờ nhiêu khê gây khó dễ người nghèo đi nhận hỗ trợ, cứ làm cái rẹc như chị Huệ đây thì Dân hạnh phúc biết nhường nào?
Một con người khắc khổ, cuộc sống không mấy khá giả như chị Huệ đây vẫn còn đau đáu với người khác, chẳng lẽ cả hệ thống chính trị thường ca ngợ vinh quang, ngạo nghễ lại không bằng chị sao?
Chị làm, tất cả vì một người có lương tâm, một người tử tế, cho đi người không quen biết vì không thể ngồi nhìn những chuyến xe đầy khổ đau đi qua trước mặt Chị. Chị sợ họ đói, sợ họ khát sợ bé con thiếu sữa, sợ xe hết xăng, và sợ…. họ cô độc không có ai lo.
Đó không chỉ là vì tình người mà vì nghĩa đồng bào nữa.
======***=====
MỘT TÂM HỒN VĨ ĐẠI
của LS. Luân Lê
Đôi dép tổ ong rách rưới và đỏ nhợt theo thời gian, là đôi dép của người phụ nữ đã đứng giữa đường phát từng tờ 500.000 đồng cho mỗi người dân khăn gói với cái đói khổ khi về quê trong đại dịch.
Một phụ nữ quanh năm bán cá, bao nhiêu lờ lãi được rút ra để cho người khác mà vẫn thấy chỉ như muối bỏ bể trước dòng người quá dài lặng lẽ đi qua.
Bán cá, cái việc nhà nông làm tôi nhớ tới thuở ấu thơ ở quê mình, nơi mà mẹ tôi đêm khuya sớm hôm lội bùn, mùa hè nắng cháy cũng như mùa đông cắt thịt, mò mẫm bắt cá mang ra chợ bán, hàng năm ròng rã để nuôi con ăn học. Công việc ấy không chỉ nặng nhọc mà còn lấy đi sức khoẻ của con người ta nhanh chóng.
Người phụ nữ này cứ rưng rức mà rằng, chẳng có nhiều tiền hơn để cho thêm được nhiều người hơn nữa. Và người đàn bà ấy cũng nói mười năm qua chẳng mua lấy một bộ quần áo hay đôi dép mới cho mình, có bao nhiêu chị đem giúp người hết, chỉ giữ đủ ăn cho mình và đủ tiền học cho con.
Cái vĩ đại thường không nằm ở những hình tượng lộng lẫy, mà là ở sự đời thường, tột cùng đời thường và hết mức bình dị. Một trái tim vĩ đại, và một tâm hồn cao cả biết nhường nào.
Người không có quyền hành làm điều vĩ đại với bàn tay nồng hậu, lắm kẻ có quyền bính lại làm đủ điều vô đạo và thậm bất nhân, bằng quyền lực của mình để cướp đoạt cho nhiều.
Người ta vĩ đại không phải vì người ta giàu có, mà người ta vĩ đại bởi có một trái tim giàu có.
———
“Không mấy ai thấy được sự vĩ đại của một kẻ tầm thường, nhưng người ta có thể thấy rõ mọi sự tầm thường của một kẻ vĩ đại.”
(Trích: Bóng Người Thầm Lặng)
Ô-Hay.Vn St.