‘Cái lý’ của phụ phí nắng nóng?
Tôi đi làm bằng xe máy, nhưng vào mùa hè, cái nắng như đổ lửa xuống đường phố Sài Gòn khiến tôi trở nên lười nhác và mệt mỏi. Tôi đặt xe công nghệ.
Trong một lần như thế vài năm trước, tôi gặp chú Hùng và có ấn tượng về chú sâu sắc hơn những tài xế khác, vì được chú mời nước sâm ướp lạnh khi vừa lên xe.
Chú nói đây là “nước do nhà làm, vợ chú pha”. Trên đường đi chú kể chuyện cuộc đời mình. Chú ngoài 60 tuổi, nhiều năm làm xe ôm ngay góc đường gần nhà, thu nhập bấp bênh. Khi các hãng xe công nghệ vào Việt Nam, chú vay tiền, mua xe rồi ký hợp đồng đối tác chạy xe công nghệ, thu nhập ổn định và khá hơn nhiều. Trên xe, chú để sẵn bình đá giữ lạnh mấy chai nước sâm phục vụ khách.
Lúc thanh toán, tôi biếu chú một phần như là tiền cho chai nước, chú không nhận, giải thích “khoản đó” chú mời. Tôi đành lưu số điện thoại của chú cho những lần sau.
Xe công nghệ đến Việt Nam, thay đổi cách tiếp cận dịch vụ của người dân, đồng thời giúp giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người. Một thị trường mới được hình thành và phát triển nhanh chóng.
Những ngày đầu, giá xe công nghệ rất thấp, cũng không tính thêm phụ phí giờ cao điểm, ngập nước hay tắc đường… nên rất hấp dẫn, thu hút nhiều người đang sử dụng xe ôm truyền thống, thậm chí xe cá nhân. Giới tài xế thời kỳ đầu cũng được hưởng mức chiết khấu rất thấp, giúp họ có thu nhập tốt hơn.
Nhưng “trăng mật” qua nhanh. Khi người sử dụng đã định hình thói quen, thị trường mới được hình thành, các hãng xe công nghệ nhanh chóng tăng giá cước, tính thêm phụ phí, tăng mức chiết khấu của tài xế. Vì vậy, giá các cuốc xe tăng nhưng thu nhập của tài xế không thay đổi, thậm chí giảm so với trước.
Thời gian đầu thị trường có những thương hiệu nổi tiếng như Uber hay Grab. Đến 2018, khi Grab thâu tóm Uber thì người sử dụng không còn nhiều lựa chọn. Một số doanh nghiệp khác tham gia nhưng chi phí gia nhập ngành quá cao, lại không đủ tiềm lực tài chính nên dần rút lui. Grab tăng đáng kể về quy mô khi tiếp quản cả “phần bánh” mà Uber để lại.
Điều này gây lo ngại Grab có thể lợi dụng vị trí chiếm lĩnh thị trường để tăng giá, tăng phụ thu cũng như các khoản chiết khấu với tài xế đối tác.
Ngoài các phụ thu về ngập nước, phụ thu giờ cao điểm, mới đây Grab thu thêm phụ phí nắng nóng. Ngày 6/7, Grab thông báo áp dụng phụ phí “thời tiết nắng nóng gay gắt” với mức 5.000 đồng cho mỗi đơn hàng GrabBike, GrabFood, GrabMart và 3.000 đồng cho mỗi đơn hàng GrabExpress.
Báo cáo nghiên cứu thị trường của ABI Research cho biết thị phần của Grab đến 2021 lên tới 74,6%. Cách đánh giá của ABI có thể không tương đương với cách đánh giá tại điều 26 Luật Cạnh tranh Việt Nam năm 2018. Nhưng theo điều 24 Luật này, một doanh nghiệp có thị phần 30% trở lên được coi là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường.
Những doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường phải chịu sự giám sát riêng để đảm bảo không lợi dụng vị trí đặc biệt để trục lợi.
Trong số những hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm tại Điều 27 có “Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý… có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng” và “Áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng”. Việc đơn phương quy định tăng thêm phụ thu nắng nóng một cách mập mờ có dấu hiệu vi phạm quy định này.
Tài xế chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mưa nắng hay giờ cao điểm tắc đường, không chạy được nhiều cuốc xe, dẫn đến giảm thu nhập, có thể là lý do chính đáng để thu phụ phí. Nhưng nhà cung cấp nền tảng công nghệ không chịu ảnh hưởng do nắng mưa hay giờ cao điểm, thậm chí còn được lợi khi số lượng khách hàng tăng lên và quyền lực của nhà cung cấp tăng lên theo.
Tuy vậy, những phụ phí này tài xế phải chia sẻ với nhà cung cấp nền tảng công nghệ theo tỷ lệ phần trăm giá thành một cuốc xe. Như vậy nhà cung cấp dịch vụ đã chiếm đoạt một phần phụ thu đáng ra thuộc về người trực tiếp chịu ảnh hưởng, gây ra sự bất công nhất định giữa các bên liên quan. Nhà cung cấp công nghệ đã tối đa hóa doanh thu và lợi nhuận nhưng làm cho tài xế và những người sử dụng dịch vụ bị thiệt hại. Nói khác đi, giá sản phẩm cao hơn nhiều chi phí biên như trong thị trường cạnh tranh, từ đây gây ra tổn thất cho phúc lợi xã hội.
Cơ quan quản lý cạnh tranh có thể căn cứ dấu hiệu này cũng như tham khảo báo cáo của ABI để tiến hành điều tra “hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường” của các doanh nghiệp công nghệ tăng phụ thu bất hợp lý và tiến hành các thủ tục tố tụng theo Luật Cạnh tranh. Tăng phí vô lý cũng là dấu hiệu cho thấy quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm hại và họ có thể tự mình khởi kiện hoặc kiến nghị Hội bảo vệ người tiêu dùng đại diện khởi kiện theo Luật Bảo vệ Người tiêu dùng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.
Trong một ngày nóng mới đây, tôi gọi cho chú Hùng đặt xe. Chú nói không còn chạy xe công nghệ nữa do thu nhập giảm đi trong khi hãng cũng không đóng bảo hiểm cho đối tác chạy xe như chú.
Vũ Ngọc Bảo
Nguồn: https://vnexpress.net/cai-ly-cua-phu-phi-nang-nong-4487416.html
Bạn đọc comment
Tam Ga Mình cũng là tài xế công nghệ. Việc đầu tiên khi bước chân ra đường, là ăn sáng ở nhà do vợ nấu. Rồi chuẩn bị pha cà phê cho nguyên 1 ngày làm việc hơn 12 tiếng ở ngoài đường, bất chấp nắng mưa kiểu gì cũng phải chạy ra đường đúng giờ. Từ 7h sáng đến 20h tối, trễ lắm là 22h là phải có mặt ở nhà.
Mình thì chạy theo số cuốc mỗi ngày phải trên 25 cuốc xe thì mới đủ tiền sống. Nói là dư thì không dư, nhưng nói về đủ sống thì vừa đủ. Một gia đình 5 người, trông chờ vào bản thân mình.
Nếu trước kia làm việc văn phòng, lương tháng 20 triệu, nhưng đầu óc lúc nào cũng căng thẳng, bủa vây bởi deadline, công việc tăng ca liên tục, ám ảnh đến dường như sắp đột quỵ. Thì từ đầu năm 2021, mình đổi nghề sang chạy xe công nghệ, lương mỗi ngày thấp. Bỏ công lấy lời, bỏ sức kiếm tiền.
Có nhiều bạn bè hỏi: Tại sao không chọn công việc nhẹ nhàng hơn? Lương cao hơn? Thời gian ổn định hơn? Đó là bạn đang suy nghĩ một hướng. Còn mình, mình đã từng thất bại, từng bị bạn bè lừa gạt mất trắng tiền, từng đầu tư mà thua lỗ đậm, phải bán nhà bán xe để trả nợ.
Thì suy cho cùng. Nghề chọn mình, chứ mình không chọn nghề. Vì lẽ đó, cuộc sống hiện tại như thế nào cũng được. Miễn trong lòng thấy vui là được, miễn trong tâm không làm hại ai là được, miễn sao mỗi ngày trôi qua là một điều thú vị hơn trong cuộc sống là được.
Chúc cho mọi người luôn an nhiên và vui vẻ trong cuộc sống hiện tại. Dù đi đến bất cứ đâu, làm bất cứ ngành nghề nào, thì phải nhớ: Gia Đình là Số 1. Ký tên: Tâm Gà
tannghia1959 Một người làm mà nuôi nổi 5 người là giỏi.
Dâu Đen chất lượng cuộc sống chính là cảm giác được sống. Trân trọng sự lựa chọn của bạn.
taonguyen2727 Một tháng nếu trừ hết chi phí thì bạn được bao nhiêu ?
Khắc Định @tannghia1959: Thì cũng phải cố chừng nào hay chừng đó chứ sao, còn nuôi ntn thì chưa biết. Lương vậy mà đẻ tới 3 thì tương lại mờ mịt chứ nói vui vẻ thì ko thể, động viên để mà sống thì được.
Tôi thích nói thật Gia đình là số 1 nhưng những gì bạn làm ko thể hiện được điều đó. Nếu nghĩ tới gđ phải nghĩ tới chất lượng. Ai cũng biết chất lượng đi đôi với giá cả. Con người ko thể hạnh phúc nếu chất lượng cuộc sống kém. Câu chuyện bạn chẳng liên quan gì tới câu bạn nói cả mà dường như bạn đang cố gồng mình bào chữa biện minh. Nói thật ra là vậy.
Khánh Bạn chạy grabcar hay grabike?
Hien Bui @Khắc Định: Người ta nói gia đình 5 người chứ nói có 3 con hồi nào vậy bạn?
Tiepsmartphone Bui Nghề xe rất căng thẳng vất vả. Nếu ngày chạy 12 tiếng đều là quá sức và cũng quá quy định lái xe 10 giờ 1 ngày. Chẳng may mệt mỏi, hoa mắt nhỡ 1 cái là toang luôn. Nên bạn nói từ làm văn phòng lương 20 triệu chuyển qua lái xe có vẻ hơi phi lý. Theo tôi bạn làm văn phòng hợp lý hơn.
thanh722799 @Tiepsmartphone Bui: Đâu phải bạn lái xe liên tục ngày 12 tiếng không ngừng nghỉ đâu bạn. Sẽ có những lúc chờ khách nên cũng có thời gian nghỉ ngơi
roselc2009 @Tôi thích nói thật: Đúng vậy
Connie Nguyen Rất hiểu những chia sẻ của anh. Với cách viết và từ ngữ sử dụng tôi biết anh là người có trình độ. Chúc anh được nhiều sức khỏe, bình an và may mắn trong cuộc sống, chúc anh sống vui với sự lựa chọn của mình.
Nguyen Billon2810 Grab vẫn lấy chiết khấu trên khoản phụ phí nắng nóng cũng là một điều dễ hiểu. Đó là một cái mánh nhỏ giúp Grab tăng doanh thu. Việc kinh doanh ế ẩm sau đại dịch khiến Grab cũng lao đao. Và bây giờ là lúc họ phải hành động để bù lỗ. Cho nên họ sinh ra cái phí đó.
“Tuần trăng mật” của Grab với thị trường Việt Nam xem như đã kết thúc từ lâu. Grab không còn ưu ái, yêu thương “cô vợ” này như những ngày đầu gặp nhau nữa-những ngày mà “anh” Grab luôn tìm cách để chiếm trọn trái tim “cô”. Nhưng sau khi chinh phục được “cô nàng”, anh ấy đã trở nên lạnh lùng, vô cảm, trở về đúng bản chất của anh ấy: Một doanh nghiệp cần tăng trưởng doanh thu.
Doctor X Tui thấy lỗ vận hành thì chắc là không rồi, chỉ có giảm lợi nhuận. Ngay cả dịch thì Grab vẫn hoạt động (còn lời lỗ thế nào nhạy cảm khó nói).
Đồng ý với anh về quan điểm sau khi chiếm được thị trường rồi thì nó sẽ khác như lúc đầu. Bao giờ cũng vậy, độc quyền về lâu dài rất khó có lợi cho người tiêu dùng. Một vài chiêu nhè nhẹ ném đá dò đường thui. Chứ đáng ra để chia sẻ với tài xế thì Grab nên giảm % nhận được từ tài xế là được. Dĩ nhiên bản chất cuối cùng vẫn là lợi nhuận.
FunnyGame @Doctor X: “bản chất cuối cùng vẫn là lợi nhuận” -> rất đồng tình với bạn. Một doanh nghiệp muốn sống được phải có lợi nhuận đã, về lâu dài thì chi phí nó cứ tiếp tục tăng lên thôi.
weteamtester1 @Doctor X: Làm sao mà bạn biết được họ không bị lỗ vận hành. Đâu phải làm phép tính cộng trừ chỗ người dùng mà biết được bạn. Doanh nghiệp logictics còn rất nhiều chi phí, cần phải đọc báo cáo tài chính minh bạch mới rõ được lỗ lãi.
Theo tôi việc tăng giảm phí là do doanh nghiệp và người dùng họ quyết. Nếu họ tăng mức cao mất cân bằng thì người dùng sẽ chọn cách khác để di chuyển, hoặc ít di chuyển hơn. Thị trường đang phẳng và sẽ tự cân bằng.
myle010118 Mình xóa app grab vì giá cước quá cao- lại thêm phí mưa nắng lễ tết ban đêm. mình chỉ để app gojek và Be. mấy hôm trc nhỏ em đặt grab phí 71K, mình thử check Be thì 28k. Nói chung mình đơn giãn, không hài lòng về dịch vụ thì say bye, chứ k thèm phàn nàn gì về mọi mánh lới móc túi khách hàng.chúng ta, người tiêu dùng quyết định.
Doctor X @weteamtester1: Cái này thì đúng là chuyện không thể nói rõ được, quan điểm cá nhân của tui theo cái mình biết thui à.
Đúng là thị trường sẽ quyết nếu nó không bị độc quyền. Và cũng cần thời gian để điều chỉnh. Cũng có thời điểm khi Grab thống trị thì cũng lo và mong có ít nhiều hãng khác vào để thị trường cân bằng hơn
Riêng cái lý do nắng nóng thì rõ là không thuyết phục như xăng tăng giá. Họ đẻ ra phụ phí và đánh vào lòng thông cảm để khỏa lấp đi cái ý định ở trên.
Thang Pham Dinh @weteamtester1: Mình đồng ý với bạn này, vì thực tế câu chuyện giá bán không thể tách khỏi cung và cầu. Chi phí cho các doanh nghiệp công nghệ, logistic càng ngày càng lớn, họ càng phải cân đối chứ không hẳn muốn tăng là tăng. Họ sẽ phải tính toán để bảo toàn và cân đối lợi ích của rất nhiều bên, nên trong nền kinh tế hiện đại, để tự điều tiết thôi.
Trong một diễn biến khác, trong thời trăng mật, Grab đã góp phần tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ mà lúc đó còn được gọi là kiếm cơm của các hàng truyền thống đó thôi :v
hongdv.facom Rồi, thế người dùng thì không lao đao bạn ơi.
peiying meng Đúng ạ. Tài xế còng lưng phơi nắng chạy ngoài đường, lẽ ra 5k phí đó phải hoàn toàn là của tài xế, chứ không phải 1 phần trong túi của Grab. Không chỉ Grab, mà nhưng sàn thương mại điện tử cũng đang dùng cách để ” móc túi ” người mua & người bán một cách vô lý, khi xảy ra vấn đề thì phủi tay chối bỏ vì câu : Quyết định cuối cùng là quyết định của sàn đó. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì thôi, quay lại theo cách truyền thống cho đỡ lằng nhằng vụ tiền bạc, hàng hoá, khiếu nại . Vì có khiếu nại thì người thiệt thòi vẫn là khách hàng .
Bách Đắt rẻ do mình lựa chọn quan trọng là biết được chi phí thực trước khi sử dụng. Tôi đã từng gặp tình huống ra ngõ thấy bạn mặc áo grab nói chạy xe đến điểm mình cần đến hỏi bao tiền liền được chào cái giá trên trời đắt hơn cả taxi đành lấy điện thoại vào ứng dụng để gọi xe.
Huy Ha Khách hàng ngồi xe phơi nắng ngoài đường thì sao hả bạn? Tài xế thì luôn có áo khoác, còn khách hàng thì nhiều khi chẳng có áo khoác để mặc đó bạn. Đừng có viện cớ đủ thứ để rồi thu phí một cách bất chấp, hệ lụy dài lâu…
Johny Nguyen 1 phần cũng phải triết khấu lại do thuế GTGT trên doanh thu phát sinh, hay là thuế TNCN của lái xe trên lợi nhuận thu được, nếu họ chỉ chiết khấu tỉ lệ đủ với 2 khoản này thì t thấy là hợp lý, còn nếu cao hơn 2 khoản này là Doanh nghiệp đang tận thu
Huy Nguyen Cá nhân tôi thì nghĩ khác, họ thu thêm từ khách, chia phần cho các bác thì các bác lại đòi “ăn cả”. Vậy họ không thu phí “nắng nóng”, các bác đình công hết cả? không ai chạy nữa? Họ thu bao nhiêu, chia bao nhiêu là quyền của họ, và người quyết định trực tiếp là khách hàng. Còn nói họ ngồi điều hoà cũng được hưởng phụ phí nắng nóng là không công bằng? nghe thì có vẻ đúng đấy, nhưng phân tích ra lại thấy sai. Bởi vốn đây chẳng phải là mô hình làm công ăn lương, mà là làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít. Bác cũng không thể thời tiết mát mẻ thì tắt app, đợi nắng nóng mới chạy để hưởng thêm, đúng không? Như tôi đã nói ở trên đó, thay đổi thế nào thì thay đổi, cuối cùng vẫn là phụ thuộc vào khách hàng.
nhanbkbd @Huy Ha: ủa, ko có áo khoác mặc là do bạn chứ đổ thừa ai. ko chịu mặc trước khi ra đường còn nói
Huy Ha @nhanbkbd: KHách hàng không phải ai cũng có điều kiện mua áo khoác đâu bạn. CÒn tài xế thì lúc nào cũng có sẵn áo khoác rồi. Do đó nếu nói phơi ngoài nắng thì không biết ai bị nhiều hơn ai ak
Hoang Anh Grap đang độc bá thị trường và họ đưa ra những phụ phí rất vô lý. Tại thời điểm mới vào, người ta ủng hộ ứng dụng này vì nó nhanh tiện và rẻ hơn so với xe ôm truyền thống. Đặc biệt là việc báo cước luôn k bị ép giá k phải mặc cả với xe ôm. Nhưng nay đã khác. Thực tế, giá chạy grap thời điểm này bị đội cước dịch vụ, phụ thu phí rất nhiều và giá không hề rẻ. Người dân có quyền lựa chọn đi tiếp với ứng dụng này hoặc là không. Nhưng xăng cao, giá cước cao thêm phụ thu thì khách hàng sẽ là người thiệt thòi nhất. Grap nếu muốn tiếp tục kd tại VN thì cần cân đối nếu k muốn một ngày nào đó sẽ bị đào thải bởi chính khách hàng.
Hoang Hai Ho Có thêm 1 dịch vụ công nữa, do nhà nước vận hành, nhà nước đặt giá sao cho ít nhất thu nhập vừa đủ để vận hành dịch vụ, nó là giá tiêu chuẩn để các ct tư nhân dựa vào đó vận hành, tránh tình trạng độc quyền hoặc cạnh tranh không lành mạnh.
thangnguyentran75 Phụ thu các kiểu nhưng giờ cao điểm, trời mưa, ngày lễ thì đặt xe k có.
phunghoang1060 Khi một doanh nghiệp thống lĩnh thị trường,không còn sự cạnh tranh thì đương nhiên khách hàng sẽ là người chịu thiệt.Hoàn toàn đồng ý với đề xuất của tác giả bài viết này.
Huy Nguyen Nói gì thì nói, trách phải trách chính chúng ta trước. Rõ ràng là sân nhà, nhà nước cũng ưu tiên doanh nghiệp nội địa. Hàng loạt mô hình thương hiệu Việt tương tự grab mọc lên, nhưng rồi thì sao? tất cả đều làm ăn chộp giật, nghĩ ngắn cắn dài để rồi chết yểu.
chisanghn Tôi nghĩ khác bạn và tác giả, tại sao lại phải quá tập trung tác động vào giá dịch vụ xe công nghệ trong môi trường cạnh tranh và nhiều ứng dựng loại hình tương đương cơ chứ. Bàn tay vô hình và quy luật cung cầu của thị trường sẽ đièu chỉnh họ, chúng ta chẳng thể dùng mệnh lệnh kiểu hành chính tùy tiện trong nền kinh tế thị trường được..
Cau Có Không Quạu @chisanghn: Tác giả chỉ nghĩ 1 chiều, khi họ vào thị trường họ cũng bỏ tiền ra thật nhiều để chiếm lĩnh, cũng là tiền cả chứ bộ, giờ họ thành công rồi thì họ có thể điều chỉnh theo yêu cầu của họ. Nhưng dịch vụ của họ đâu phải hàng hóa thiết yếu đâu, ko đi Grab thì đi cái khác. Tác giả lo lắng người chạy xe ôm và khách phải nai ra nuôi nhà điều hành nhưng hoàn toàn có thể thay thế bằng cái khác mà. Với tài xế thì không chạy cho anh này thì chạy cho anh khác, hoặc quay về chạy cho mình như ngày trước, miễn sao tính toán lại thấy đừng thiệt là được, còn bây giờ vẫn chạy cho người ta mà còn chê ngta làm gì? Với khách thì không đi hãng này đi hãng khác hay thấy hãng này vẫn rẻ hơn nên vẫn đi, mà vẫn bấm bụng mắng mỏ họ? Còn ko đi xe ôm thì đi xe máy, đi xe bus… Tóm lại là đừng chơi “tiêu chuẩn kép”, thị trường vốn dĩ rất công bằng.
thanhdong18121978 Phí nắng nóng( mùa hè) nay mai mua đông có phí rét mướt!
phamminhtuan1401 Cảm ơn bài tác giả đã nói thay người tiêu dùng VN.
Cũng cần nói thêm, doanh thu đến tay tài xế đã bị trừ ít nhất là 4 khoản: Thuế VAT, bảo hiểm hành khách, phí sử dụng ứng dụng, thuế thu nhập cá nhân. Vậy căn cứ nào để giám sát các khoản thuế, phí mà nhà cung cấp ứng dụng thu từ tx để nộp ngân sách? Khi nền tảng công nghệ phát triển, chỉ cần 1 cú click chuột là có ngay báo cáo theo ý đồ nhà cung cấp.
123longhuynh71 Vấn đề phụ thu không phải là chính (giá xăng cao ngất ngưỡng), chỉ do tên gọi và hình thức Grab có phần (1.500 đồng) trong 5000 đồng phụ thu là không hợp lí. Vì thế quản lí phải có sự giám sát riêng để đảm bảo Grab không lợi dụng để trục lợi.
kwonlylee1996 Mình thấy phí nắng nóng cho những dịch vụ như GrabFood, GrabMart là hợp lý vì những tài xế họ phải ra đường khi thời tiết khắc nghiệt nhưng điều tiên quyết là phí này phải đến được hết cho tài xé. Nhưng với GrabBike thì chính những người sử dụng dịch vụ cùng chịu nắng nóng mà.
lknghia phụ phí nắng nóng, người trong phòng máy lạnh hưởng.
Thanh Cần lắm người làm chính sách nhà nước bảo vệ người tiêu dùng, nhưng người tiêu dùng đâu có gì để ưu ái cho nhà làm chính sách mà chỉ có người cung cấp dịch vụ ưu ái cho họ thôi, nên thiệt thòi vẫn chính là người tiêu dùng phải trả phí cao. chấm hết
Trần Nam Tại sao nước mình không tạo 1 cái app cho tài xế, vừa an sinh xã hội vừa để tiền khỏi chảy vào túi các công ty công nghệ nước ngoài.?
nhatle.event Lúc họ bỏ cả tỷ đô ra để khuyến mại cho Khách hàng và nuôi các tài xế với thu nhập rất cao, cao đến nỗi người ta phải bỏ cả các công việc hiện tại để chạy đua làm “Đối tác của Grab và Uber” thì ko thấy ai kêu hay phàn nàn cả.
quocnamth84 Từ ngày Grap tăng phí và thu thêm phụ thu,tôi toàn box grap để xem giá rồi thương lượng và đi xe ôm truyền thống,vừa ngay và luôn không phải chờ đợi,vừa đỡ bực mình vì phải chi các khoản không muốn…
Hòa Thuận Nguyễn Các bạn có thể cân nhắc dùng dịch vụ của những nhà cung cấp nhỏ hơn như Gojek, Be… để cân bằng thị trường
Bui Thanh Phuong Bạn có hay dùng taxi công nghệ ko ạ? Bạn có biết gọi xe những hãng nhỏ bất tiện là gì ko? là ít xe, nên gọi xong chờ lâu (vì xe ở xa tới đón), còn thường xuyên ko có xe. Vậy bạn có đủ kiên nhẫn dùng và chấp nhận muộn h để cân bằng thị trường ko?
cuonghrec Bạn nói đúng 1 phần. Nhưng bạn hãy tự hỏi 1 câu:”Ai là người tạo ra sân chơi cho cánh tài xế công nghệ?”.
Hãng họ đầu tư ko nhỏ đâu. Ban đầu họ chấp nhận lỗ để làm thị trường. Sau họ thu cũng là điều dễ hiểu.
Nhìn cần ở mức tổng thể, nếu chỉ nhìn từ 1 phía thì bạn có thể bỏ hãng, ra ngoài tự chạy xe ôm như cũ. Không ai bắt bạn phải theo cả.
Hoahong Dù Grab có tăng giá hay thu thêm phụ phí thì tôi vẫn book để đi, đơn giản là những lúc trời mưa, giờ cao điểm các hãng xe truyền thống từ chối không chạy. Đặc biệt là tại sân bay TSN và Ga Sài Gòn, nhà tôi ở trung tâm quận 3 nên thấy taxi đỗ sẵn nhưng khi nói địa chỉ họ nhất định không chịu chở vì họ thấy gần, chở 100k không bõ công.
hothaibao1690 Việc mình quan tâm là gần chục năm rồi mà Việt Nam vẫn chưa có cái app tương tự Grab để tránh dòng tiền chảy ra nước ngoài được.Quá lạ lùng.
tusardeva Thời đầu người VN chưa quen với taxi công nghệ nên Grab bù lỗ rất nhiều. Bây giờ thói quen tiêu dùng thay đổi, họ thu lại phần lỗ trước cũng là hợp lý. Dù sao cũng phải cám ơn họ đã đưa công nghệ mới vào VN. Trong tương lai, mình cũng ko sợ họ độc quyền. Cái gì chứ thị trường taxi VN năng động và nhiều nhà cung cấp lắm. Ngoài các hãng taxi truyền thống, còn có các group trên mạng, nhiều dân nghiệp dư tham gia.
trinhkien2211 thế thì lại quay ra dùng taxi truyền thống thôi.
Nguyễn Đức Trung Đúng là thời đại công nghệ, kiếm tiền bằng công nghệ vẫn là giàu nhanh nhất.
Nam “Cái giá” của sự phát triển công nghệ, tiêu chí đánh giá sự phát triển của một doanh nghiệp công nghệ đầu tiên luôn là tiền, họ càng phát triển càng đòi hỏi nhiều tiền từ khách hàng, phải chăng đây là thế giới tương lai con người hằng mong ước?
Lê Minh Châu Chuẩn rồi, phần phụ đó nên được trừ ra và cho shiper hưởng hoàn toàn dưới hình thức tip thay vì đưa vào hợp đồng doanh thu rồi lấy chiết khấu. Mình thì không đặt xe công nghệ bao giờ do vẫn dùng xe ôm truyền thống (mối quen) nhưng đôi khi đặt đồ ăn trên 1 app thì thấy có mục tip ghi là khoản bạn muốn gởi thêm cho tài xế. Mục này Grap nên xây dựng thay phụ phí, và tip mặc định số tiền tối thiểu cho tài xế, còn khách muốn tăng thêm thì tự thay đổi giá tiền thêm. Gọi là đối tác mà chạy không đủ chỉ tiêu thì cắt giảm này nọ, có đối tác nào ăn 1 chiều như vậy không, đã gọi là đối tác thì phải có lợi ích song phương công bằng 1 chút chứ. Mình không ủng hộ trào lưu bỏ các ngành nghề, thậm chí HSSV bỏ học đi chạy xe công nghệ, nhưng mình vẫn quan tâm và mong giành thêm nhiều quyền lợi hơn cho các tài xế.
CuiMia Theo mình, phí này phải là do người dùng tự nguyện chi trả thêm cho tài xế chứ không thể là 1 khoản bắt buộc được.
Grab đã chiếm thị phần lớn ở VN, người dùng có thể tự giúp nình bằng cách thay đổi thói quen, đặt xe qua các ứng dụng khác. Mỗi người thay đổi, Grab mất thị phần sẽ thay đổi cách ứng xử với khách hàng.
Mình đã bỏ không đi Grab mấy ngày nay mà chuyển sang dùng các dịch vụ khác. Và thấy giá rẻ hơn khá nhiều (kể cả là đi taxi), đặc biệt là mỗi lần grab tính giá giờ cao điểm.
phammaihuong2020 Thu phí nắng nóng thì người dùng chuyển qua app khác, kinh tế thị trường tự động đào thải. Hiện nay tài xế và người dùng có nhiều app để lựa chọn
HJH Trước kia tôi hay đi Uber, và sau đó là Grab. Từ ngày Uber rút lui, tôi đi Grab.
Nhưng gần đây bắt đầu chia sẻ giữa Be và Grab.
Nói chung tiện thì đi thôi, nếu ở thời điểm và địa điểm mà cả 2 cùng có dịch vụ, giá tốt hơn thì mình chọn.
Họ thu phí gì thực ra cũng không quan tâm, họ ăn chia với tài xế thế nào mình càng không biết.
Le Phuong Phụ thu nắng nó?ng nhưng thế nào là nắng nóng để phụ thu hay là thích thì thu ? Điều này cần làm rõ để bảo vệ người tiêu dùng? Khi nào được gọi là nắng nóng? Phụ thu này dành cho người chịu nắng nóng chứ không phải dành cho những người ngồi trong máy lạnh. Nên phần thu của nhà điều hành Grab nên tự bỏ đi vì nó không hợp theo dạng ăn theo…
khoinguyen.galaxy Thử đặt 1 góc nhìn khác trung dung hơn, cả nhà tham khảo nhé.
Đội ngũ vận hành nền tảng Grab lên đến hàng ngàn người và là nhân sự có chuyên môn cao, đồng nghĩa với quỹ lương của Grab là rất lớn. Và mọi chi phí được tạo ra cho thời điểm “BÌNH THƯỜNG”
Khi thời tiết bị biến đổi ngoài tầm kiểm soát, khách hàng giảm, tài xế giảm do tắt app, nhưng doanh nghiệp vẫn phải chi trả đều cho khối backofffice => thời tiết nắng nóng nghe thì không ảnh hưởng nhưng thực ra ở tầm của Grab, nếu không có ngân sách bù lấp, Grab sẽ vỡ cơ cấu tài chính. Hãy hiểu rằng, grab cũng là 1 doanh nghiệp làm ăn kiếm tiền và tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người, một sự xáo trộn chưa đến 1% quỹ tài chính cũng có thể làm sập 1 doanh nghiệp, nên đừng lấy câu chuyện buôn đứt bán đoạn manh múng ra để áp vào 1 doanh nghiệp Global.
Ben Ciro 3 cuộc gọi xe gần đây tôi đều chọn hãng khác Grab, dù theo quán tính tôi vẫn mở Grab ra trước vì đã gắn bó với hãng rất lâu rồi, nhưng sực nhớ ra là dù có rẻ hơn 1 ít tôi vẫn bỏ
Dung Pham Nghe nhiều bạn nói và phàn nàn giá cước phí cao nhưng đối với cánh tx công nghệ như tôi thì ngược lại.giá cước phí cao nhưng mức triết khấu và cả thuế (xe ôm cũng bị đóng thuế) thì sau khi trừ xăng và hao mòn xe thì trả còn lại bao nhiêu.(đấy là chưa tính phần công sức)
thittau Khách hàng và nông dân vẫn là những người chịu .Trăm thứ phí kể chi cho hết
Kong Tat Nếu tăng phụ phí cũng được nhưng người lái xe phải được hưởng phụ phí đó chứ k phải là hãng xe công nghệ
HA TRUONG VAN Hãy sống an nhiên bạn nhé. Chúc bạn thành công trong cuộc sống
Viet Vu Đến lúc cơ quan chức năng vào cuộc mạnh tay hơn rồi.
nqtung79 Trời nóng là nóng nực chung của mọi người trong cả 1 khu vực chứ đâu chỉ có tài xế mới nóng. Cách của Grab khác nào bà bán rau, chị bán thịt, cô bán kẹo… cũng lấy lí do nóng nên phải trưa phải tăng giá, đến chiều mát trời lại về giá cũ; hay bà bán phở, anh bán nước mía, cô bán bánh cuốn cũng vậy… Cái lí của kẻ độc quyền thôi.
datna.sd705 Đặc biệt tôi vẫn thích đi taxi truyền thống hơn!
tuandoananh893 Lẽ ra điều này những nhà quản lý phải biết và phải có chế tài hợp lý để chống độc quyền, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và chống thất thu
buitienphong8888 Không thể chấp nhận được Grab!!
Đỗ Châu Kể ra thì thời tiết ảnh hưởng đến toàn xã hôi chứ chẳng riêng gì cac anh chị xe ôm. Nếu có thêm phí thì cũng phải xem xét cho các thành phần khác.
Dung Dù thế nào thì khách hàng vẫn phải bỏ ra ít tiền hơn so với taxi truyền thống và xe ôm truyền thống.
ngockhanhbia Vấn đề phụ thu phí năng nóng. tắc đường … tất cả đều tính vào giá mà người dùng phải trả, nếu giá quá cao thì người dùng tự khắc chọn phương tiện khác, vì đã thống nhất với nhau trước khi sủ dụng dịch vụ mà; Nên có nhiều hãng taxi công nghệ để người dùng lựa chọn.
khiemdn8x Lúc đầu hãng đầu tư chịu lỗ bao nhiêu thì tài xế có chia sẻ với hãng không. Giờ người ta thu lại thành quả đầu tư đó bắt chịu lỗ mãi sao được.
a ty số tiền phụ phí grab phải đẩy hết về cho tài xế thì mới đúng, vì tài xế chịu trực tiếp nắng mưa vất vả chạy trên đường
nguyenhung21065 Người dùng quyết định sự tồn vong của công ty. Dùng mà không minh thì ráng chịu thôi !
tranhien2616 hãy để quy luật của thị trường tự do tự điều tiết.
thietbiyte4sao Trời nắng quá , một phần nta làm biếng đi ra ngoài nên mới gọi grap. Giờ thêm đủ thứ phụ phí thì tự mình chạy luôn .
hungsam.vnpt Tác giả tìm hiểu thêm khoản 2.000 đồng phí bảo hiểm do các hãng công nghệ bắt buộc khách hàng đóng cho mỗi cuốc xe, ko ai kiểm tra giám sát được việc thực thi mua bảo hiểm theo từng chuyến đi do hãng xe đặt ra được cả!
ngocaovan1959 Cứ tăng luôn vào giá chứ phụ phí thấy lằng nhằng quá, phụ phí nắng nóng rồi phụ phí gió lạnh, phụ phí mưa ướt, phụ phí đường đôngmà bản thân các hãng xe công nghệ đã rất linh hoạt về giá rồi còn gì
hienposco20 Có nhiều lựa chọn mà, sao nhất thiết phải grab?
Tinh nguyen van Làm nghề nào cũng có cái khổ của nghề đó, không thể lấy lý do thời tiết để bắt khách phải chịu phụ thu, người dùng nên tẩy chay các hãng xe công nghệ áp đặt phụ thu vô lý.
Đừng hỏi tên tôi , làm ơn Ở một số nước xem việc chạy xe ôm công nghệ như một nghề lao động , bên sử dụng lao động như Brab phải đảm bảo mọi yêu cầu trong hợp đồng lao động như bao nghề khác .
quangdp Grab hay bất cứ doanh nghiệp nào, khi đã chiếm thế độc quyền thì phải chịu sự giám sát đặc biệt của nhà nước là đúng rồi. Bởi sự giám sát của nhà nước không chỉ đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ hay bảo vệ người làm thuê cho doanh nghiệp đó mà còn đảm bảo các hãng start-up không bị doanh nghiệp độc quyền vùi dập, có thế mới khuyến khích sáng tạo, phát triển được