Căn cơ – căn tu
Thế nào là người có căn cơ nông cạn, căn cơ sâu dày ?
Trích đoạn trong Thất Chân Nhân Quả chia sẻ về căn cơ của đời người
Mã Ngọc nói:
“Học thầy hỏi bạn là chuyện tôi vẫn thích, nhưng người tu Đạo phải có căn tu. Nếu không có căn tu, thì không thành Tiên, cũng chẳng thành Phật.
Cho nên tôi tự xét căn tu mình còn nông cạn, không dám nói hai chữ tu Đạo.”
Tôn Uyên Trinh nói:
“Lời ông sai rồi. Làm người trên đời, ai cũng đều có căn. Nếu không căn sao được làm người. Nhưng căn cơ mỗi người khác nhau.
Người căn cơ nông cạn thì sáu căn không vẹn toàn. Hoặc mắt không sáng, tai không tỏ, tay chân khuyết tật. Hoặc ngây ngô câm điếc. Hoặc không vợ, không chồng, không con, mồ côi. Hoặc nghèo hèn hạ tiện. Đó là người căn cơ nông cạn vậy.
Còn người căn cơ sâu dày thì hoặc quý hiển làm Thiên Tử, giàu có bốn biển. Hoặc ở ngôi cao trọng làm tể tướng cai quản muôn dân. Hoặc làm quan tiếng tăm vinh hoa. Hoặc nhà cửa giàu sang sung túc, vui hưởng ruộng vườn. Sáu căn hoàn chỉnh, tai mắt sáng tỏ, tâm tính thiện lương, khí chất hiền hòa. Đó là người căn cơ sâu dày vậy.
Cái mà đời xem trọng là phú quý. Người phú quý so với người tầm thường, thì căn cơ sâu dày hơn. Nếu họ biết làm chuyện giúp người lợi vật, thì căn cơ còn sâu dày hơn nữa, muốn thành Tiên thành Phật, hay thành Thánh Hiền, đều có thể được.
Do đó phải xem căn cơ là cái tùy thời tăng bổ, không thể xem là một cái bẩm sinh cố định. Nếu căn cơ là cái từ kiếp trước mang tới, sao lại buồn là kiếp sau không mang theo được? Ví như cái núi, càng đắp càng lớn, càng đắp càng cao.
Chớ nói hai ta không có căn cơ. Nếu không có căn cơ, sao hưởng thụ nhà cửa ruộng vườn lớn như thế? Cho đến tôi tớ trong nhà, mình gọi một tiếng, chúng vâng dạ trăm tiếng. Như thế mà xem, mình cũng là người có căn cơ lớn rồi vậy.”
Thiên Tử – con Trời
Người xưa thường dùng chữ Thiên Tử và hiểu rằng đó là con Trời, là chỉ ông vua một quốc gia, lãnh thổ nơi thế gian.
Nhưng mà hiểu đúng từ con Trời, thì chúng sinh trong khắp trời đất, có vật chi mà không phải là Thiên Tử?
Chỉ là, chúng sinh có tự mình nhận thức, tự mình hiểu rằng là Thiên Tử thì cần làm gì ở đây, sống thế nào giữa Thiên, Địa, Nhân…
Vậy nên sự khác biệt giữa Thiên Tử hay Thiên Tử phi Thiên Tử cũng chỉ ở chỗ giác ngộ và chân hành với chính đời mình.
Lại nói ở khía cạnh tu dưỡng, hành giả tu dưỡng tâm thân, dù đại căn hay tiểu căn, dù nguyên nhân hay hóa nhân, quỷ nhân… cũng coi như bắt đầu số 0 như nhau.
Có thể có được các nhân duyên thiện hay bất thiện khác nhau để ra quả đã ấn định số kiếp.
Nhưng vì có tu dưỡng hướng thiện mà quả đó sẽ thay đổi nhân duyên, nên rốt cuộc người ta khác biệt nhau không phải căn cơ mà là ngộ tính, thái độ sống đối với đời khi được trải nghiệm cuộc sống và sự chuyên cần sẽ cho kết quả khác nhau.
Vì nói tâm hướng thiện, muốn tu, ai chẳng có nếu đã là trong cửa Đạo, nhưng tâm rộng bao nhiêu, siêng bao lâu, làm được gì thì lại là chuyện rất khác ở mỗi người.
Có bài thơ rằng:
Thiên Cơ định mà lòng người chẳng định
Sự như nhiên vô thường cũng như nhiên
Nay hoan hỉ, buông lời khi cao hứng
Mai hết rồi, đổ lỗi tại vô thường
Khắp Tam Giới, ai không là Thiên Tử?
Tự mình làm những việc chẳng hợp danh
Vì lẽ đó thuần lương không trọn vẹn
Biết bao giờ Thiên Tử về Cung xưa.
Căn tu, căn duyên kiếp trước có phải luôn là lợi thế cho người tu ở kiếp này không?
Một hành giả có căn lành, căn cơ tốt, có căn tu, phẩm vị tu tập cao trọng nhiều đời kiếp trước, thì có phải là một lợi thế của hành giả đó trên con đường tu tập kiếp này hay không?
Thực ra việc đã từng có căn tu, căn duyên lành hay không thì cũng là chuyện của quá khứ. Một người hành giả tuy có căn duyên lành nhiều đời kiếp trước, nhưng ở kiếp này vì bị cuộc đời đưa đẩy, thì vẫn có thể chưa hết mình, chưa nghiêm túc đi trên con đường tu tập như căn cơ mà người đó đã từng. Nếu không thể giữ ý niệm, hành động đúng mực ở hiện tại, thì cũng uổng một mối căn lành, mối duyên lành gặp Đạo.
Do đó, dù có lợi thế hay không thì điều quan trọng vẫn là việc ở kiếp sinh này, hiện tại này, mình đang sống ra sao hoặc với những lợi thế đó, mình làm đã được gì tốt đẹp cho cuộc đời này hay chưa. Người ta thường sống trong những hoài niệm quá khứ hoặc lo nghĩ về những viễn cảnh ở tương lai, mà quên mất những việc cần làm để giúp mình của hiện tại có thêm sự tinh tấn.
Cho nên, dù cho căn cơ của hành giả tốt, xấu ra sao, chỉ cần ở hiện tại, mình cứ cống hiến hết mình cho mỗi phút giây được sống trở nên ý nghĩa, thì sự tồn tại của mình đã và đang là một điều lành, một căn lành đối với Đạo và đời vậy.
TGTT
Tu nên thượng phẩm chí anh hào
Phải giữ trọn lòng với nguyệt sao
Đức hạnh muôn đời soi ngất ngưỡng
Tầm vào chân Đạo mới thanh tao
Kinh văn mòn mỏi mong cầu lý
Đoạn dục tâm phàm khó lắm sao?
Ma chướng khảo trường chừng mộng ảo
Tâm thần điên đảo rớt ngôi cao.
Đức Từ Phụ
Ý nghĩa:
Thầy dạy về danh vọng nơi thế gian. Người tu Đạo không vì sự tranh giành bằng trí phàm rẻ rúng cái danh hư huyễn của đời. Mà cần tu tập tinh tấn sao cho danh vọng nơi của Đạo lan tỏa ngày thêm rộng rãi trường tồn với Đạo với Đời bằng sự thật, bằng chính đạo đức và những công nghiệp mà một hành giả môn đệ của Thầy đã sống với tâm nguyện độ duyên chúng sinh.
Muốn độ duyên chúng sinh, trước phải tự độ mình.
Độ mình bằng việc không bị lệ thuộc vào bất kì ai, bất kì điều gì, bất kì những tham sân si thế tục ràng buộc mình trong vòng lao tâm nhọc trí.
Độ mình bằng việc tự mình tu dưỡng, tinh tấn, tự mình lo cho được bữa cơm qua ngày, tự mình minh trí, tự mình không thấy cô độc, tự mình nhận thức ý thức rằng chúng ta hạnh phúc vì đã được gặp Đạo, ngộ Đạo, gặp được Thầy Mẫu cùng các Đấng Thiêng Liêng nơi hiện thế.
Người tu hành cần từ bi, trí tuệ minh tâm mẫn tánh, sáng suốt và siêng năng thường hành thiện nghiệp.
Chẳng phải tu hành là phế hết sự đời rồi sống nhờ thiên hạ cung dưỡng bằng việc tự mình khoác cho mình lớp áo mang danh đạo đức, tu tập mà chẳng làm điều chi hữu ích cho thiên hạ muôn sinh. Đó là ám muội mượn danh Đạo tạo danh đời.
Chúng ta tu tập, cầu minh triết, cầu giải thoát, cầu độ dẫn muôn sinh thì trước tiên phải xứng phận làm con người, một người bình thường giữa thế gian hữu tình, trọn phận người thì mới Thành Nhân. Thành Nhân thì mới xứng vào hàng Tam Tài, gọi chung là Thiên Địa Nhân vậy.
Vì có không ít người, mượn bức bình phong tu hành để ham sống đời biếng nhác, diều ấy là cấm tuyệt đối với các tu hành giả chân chính.
Mà danh vọng chân chánh nơi của Đạo lẫn Đời, lại càng không phải là mình lo cháy hết mình với các nghiệp đời mà quên mất mình cần giữ tâm ý thân thanh tịnh. Cần trường trai giới sát và sống đời tỉnh thức, chân thật. Lời
Kinh Sám Hối dạy rõ:
“Lo danh vọng hao mòn thân thể
Ham làm giàu của để bằng non
Một mai nhắm mắt đâu còn
Đem vàng chuộc mạng đổi lòn đặng chăng?”
Chúng ta làm việc tương tác với thế tục đời thường, cũng chỉ cần ngày hai bữa hay ba bữa, đủ ăn đủ mặc cho lành lặn thì tự nhiên việc chúng ta cần sinh hoạt phí tiêu dùng sẽ rất thập rất ít, không cần phải quá vật vã tranh đấu hơn thua danh lợi quyền thế gian hư huyễn.
Rồi khi chúng ta đã thiểu dục tri túc, thì tự nhiên lòng mình an yên thanh tĩnh, lúc đó việc tu dưỡng giữa đời tự nhiên phù hợp lẽ Đạo chân thật.
Đời sống vị tha, bất tư lợi, bất vị kỷ.
Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì miễn sao không gây hại cho muôn sinh vật loại, mà đem niềm an vui hạnh phúc hữu ích cho đời, thì đã có thể được gọi là đúng với lời Thầy dạy, làm được cái chi chi trong ba vạn sáu nghìn ngày trăm năm thế tục.
Danh Thầy, Danh Đạo, nếu chúng ta sống không tỉnh thức, không thực hành đúng lẽ Đạo thì mình có lỗi với Thầy với nhân duyên đã được các Đấng Thiêng Liêng độ dẫn lắm vậy.
Thủy Liên Tử
Xem thêm : Biết kiếp trước của mình để làm gì?
Bạn đọc comment:
Đạo Ngọc Đúng. Căn là có cao thấp nong sâu khác nhau, nhưng ko phải ko thể thay đổi. Còn về cơ, khoan hẳn nói. Cho nên Thích Ca Ngài nói chúng sinh là Phật sẽ thành.
Bằng Lăng Những gì ở kiếp quá khứ ta nên cho qua ko tính nữa, chỉ biết hiện tại tinh tấn tu tập mang những thành quả của công phu tu hành giúp cho chúng sanh những lợi ích tốt đẹp về đời và đạo, tương lại kế tiếp sẽ đạt thành Đạo quả. Thoát khỏi khổ đau, luân hồi lục đạo, giải thoát niết bàn, mới là chủ yếu của kiếp làm người hiện tại.
Đặng Toàn Căn cơ của đời người là do mồm nói ra. Nếu ko ai nói vậy trả ai biết căn cơ ntn và cũng trả biết căn cơ là cái gì
Cá Mola Mola Căn cơ là độ khéo vượt qua khổ nạn, khéo đi đến Giác Ngộ, khéo thành tiên thành Phật.
Khéo, có nghĩa là sự tinh tế trong tâm thức, biết kiểm soát bản thân, biết điều chỉnh tâm lý, biết cách dẫn dắt cái tâm và tư duy mà không làm nó căng thẳng. Gọi là người có căn cơ.
Giàu là phương tiện của hưởng thụ, không phải hạnh phúc. Giàu cũng chỉ là phương tiện để dễ đi đến Giác Ngộ. Và giàu cũng chỉ là một dạng nhân quả.
Kator Thanh Hoài niệm về quá khứ. Ảo tưởng về tương lai. Hiện tại không nắm giữ thì quá khứ xa vời, tương lai mờ mịt
Cơn mưa và sự hấp thu phát triển khác nhau
Với cùng một lượng mưa và thời gian mưa, nhưng những cây với hạt giống cây cổ thụ, đại thụ thì không ngừng phát triển, ngày một to lớn và trở thành bóng cây che mát cho cuộc đời, là nới chim chóc về tụ hội, cung cấp ôxi cho sự sống.
Còn ngược lại những cây với hạt giống cỏ thì mãi nằm dưới thấp, lẹt tẹt dưới thấp, chẳng hề vươn lên cao được. Dù cho có bao nhiêu trận mưa, bao nhiêu cơn mưa, và thời gian dài bao nhiêu đi nữa chúng vẫn là giống cây dưới thấp.
Điều này cho ta ý nghĩa gì ?
Trong giáo pháp Phật, trong hàng những đệ tử tu theo Phật. Có người thì đại căn cơ, có người thì trung căn cơ, và có người thì hạ căn cơ. Với cùng một bài giảng về pháp, những lời Phật dạy về cách thức tu hành., tùy theo căn cơ của từng đệ tử mà sự lĩnh ngộ có khác nhau.
- Những đệ tử đại căn cơ, tu hành qua nhiều kiếp, thì lập tức đại ngộ, chứng Thánh quả.
- Những đệ tử trung căn cơ, thì không ngừng nỗ lực tu tập, và không bao lâu cũng từ từ chứng các bậc Thánh quả, bước vào dòng Thánh, ra khỏi địa vị phàm phu.
- Còn những đệ tử hạ căn cơ, căn tánh chậm lụt, thì vẫn nằm đó, dù có giảng bao nhiêu bài pháp thì họ chẳng thấm vào đâu, chẳng hề tiến bộ, thậm chí hiểu sai ý Phật vì nghiệp xấu, ác khá dày. Tuy trong giáo pháp nhưng họ hiểu tà kiến, sai trái, thích theo thầy tà, thích gần bạn ác, mê tín hơn mê tu, lòng tham thì nhiều mà tu thì ít, xin xỏ bỏ công tu thì ít mà muốn được nhiều, lòng tham, sự ích kỷ thì không đáy, chỉ đam mê hưởng thụ, ham vui…Và dù đã quy y Phật nhưng không lo tu, sau khi thân hoại mạng chung, vì nghiệp ác chi phối họ vẫn bị đọa vào ba đường dữ là địa ngục, ngạ qủy và súc sinh.
Bạn hãy xem lại mình thuộc nhóm căn cơ nào trong giáo pháp Phật. Với cùng một bài giảng pháp, bạn đã hiểu gì, và áp dụng thực hành ra sao.
Khi có thắc măc, hay không hiểu gì, bạn đừng im re cho qua đi. Mà hãy hỏi, hãy nghi ngờ, và tìm kiếm, suy tư câu trả lời, hoặc hỏi người khác, thì kiến thức bạn mới ngày một cải thiện.
Có hiểu rõ, mới thực hành áp dụng tốt được.
Nam Mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Cư Sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày –