Câu chuyện giải trí thú vị tối thứ 7
Các bạn nên follow FB của cô bạn trẻ thú vị này. Bạn đời 8x cuối, dù còn rất trẻ nhưng đã có thành tựu rực rỡ với việc tự thân xây dựng nên xưởng sản xuất các sản phẩm từ tỏi đen (trong đó dung dịch tỏi đen ngâm mật ong rất nổi tiếng trong việc trị ho, hầu như các bà mẹ bỉm sữa nào cũng có trong tủ thuốc gia đình). Bạn Hà cũng là thư ký trong CLB sản xuất TnBS, nếu bạn nào gia nhập CLB thì liên hệ bạn Hà này nhé.
Mỗi người một quan điểm về chọn nơi mình sống. Người thì thích thích sống gần biển để nghe tiếng sóng vỗ mỗi ngày, hít căng ngực gió từ đại dương; người thì thích núi cao, không khí trong vắt và lạnh lạnh hơi sương, mỗi hoàng hôn ngắm mặt trời lặn dần sau dáng uy nghi của núi; người thích sống miền quê cây trái ruộng đồng; người thích sống vội vã nơi náo nhiệt phố xá…
Nhưng bất hạnh thay, vẫn có rất nhiều người thích sống nơi này mà vì mưu sinh, phải sống ở 1 nơi mà trái tim họ không hề thuộc về, mỗi ngày phải chịu đựng, hẹn khi nào có tiền, dư dả, xong nghĩa vụ con cái…thì dứt ra. Nhưng cũng lại bất hạnh nữa, đến lúc đó thì không đủ dũng cảm trong việc chọn nơi mình sống. Vì ai già thì thường đầu óc bảo thủ hơn, ít dám đổi thay, trừ vài người rất cá tính. Họ nhận ra là mình không còn tồn tại lâu trên đời, nên ước mơ sống ở đâu thì bán nhà cũ để dọn tới đó ở (người phương Tây rất trọng cái này, nên các thành phố biển ở miền Nam nước Pháp, nước Ý hay Tây Ban Nha, Hy Lạp, Malta, đảo Síp….rất nhiều người về hưu từ các nước Bắc Âu, Nga đến sinh sống, nhất là trong mùa đông). Nhiều Việt Kiều xưa ra đi vì con cái, làm lụng vất vả và cô đơn nơi xứ người, khi con cái ra trường là khăn gói về lại Việt Nam, sống giữa xóm làng cũ. Như chú Vũ Quang Huy, chủ nhân nhà máy nước khoáng Vital, sở hữu những toà nhà lớn như The Manor ở HN hay toà Bitexco 68 tầng ở Sài Gòn, khi về hưu lại khăn gói về làng Mẹo ở Hưng Hà, Thái Bình, sống cuộc đời điền viên dưa cà bún cá rô như thuở thiếu niên. Hay như thiền sư Thích Nhất Hạnh, một người vô cùng uy tín trong giới Phật giáo thế giới (chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma), cuối đời sư vẫn trở về ngôi chùa giản dị ở Huế. Lá rụng thì về cội, còn trẻ bạn có thể vẫy vùng bốn bể năm châu, nhưng chừa trong tim mình một chốn bình yên để về hưu, nhất định mình sẽ đến đó sống, không có gì ràng buộc mình được hết.
Trưởng thành sớm thì thành tựu sớm, đi khắp trái đất dọc ngang, trải nghiệm thanh xuân rực rỡ, giúp đỡ bao nhiêu người rồi mình về hưu sớm, thưởng thức vẻ đẹp của cuộc sống trái đất này ban tặng mỗi sớm mai.
“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Cùng với anh em tìm đến mọi người
Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát
Để thấy tiếng cười rộn rã bay.
Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim” (TCS).
"Khi tôi 50Khi con 18, thì tôi cũng đã 50 (tôi sinh con vào năm 32 tuổi), 1 đứa con là đủ rồi. Con tôi đã học xong…
Người đăng: Lê Thị Thu Hà vào Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2020
Post lại cho bạn nào không login FB có thể đọc trực tiếp:
Khi tôi 50
Khi con 18, thì tôi cũng đã 50 (tôi sinh con vào năm 32 tuổi), 1 đứa con là đủ rồi. Con tôi đã học xong trung học, muốn chọn nghề gì học thì học, muốn đến sống nơi đâu thì sống, nó có thể mượn tiền của chúng tôi học ĐH, hoặc nó không học ĐH cũng được, đời là của nó, sướng khổ gì nó quyết định. Vợ chồng tôi sẽ bắt đầu cuộc sống mới.
Cả 2 chúng tôi tuổi trẻ vẫy vùng, đi làm sớm. 18 tuổi đã ra đời vừa học vừa làm thêm. Rồi chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể làm, đi tất cả những nơi trong phạm vi tài chính mình cho phép, công việc sự nghiệp đã để lại nhiều thành tựu cho đời, giúp đỡ bao nhiêu người rồi. Để có đỉnh cao của sự nghiệp, chúng tôi mỗi đêm chỉ ngủ 5-6 tiếng, danh vọng mệt nhoài để chứng minh năng lực….vậy là đủ cho tuổi trẻ. 50 tuổi, chúng tôi đã có 32 năm làm việc miệt mài.
Quay lại nhìn thành phố, nơi tuổi trẻ của chúng tôi. Mọi thứ càng ngày càng tệ hơn, bê tông quá nhiều thay thế cây xanh, nhà cửa và nhà cửa xếp lớp, xe cộ nối đuôi nhau trên đường. Hàng triệu triệu máy điều hoà phả hơi nóng và hàng triệu triệu tấm tôn từ những mái nhà, khiến thành phố ngột ngạt bức bối như 1 cái lò khổng lồ. Ấy là chưa kể những thứ mắt thường không nhìn thấy được như bụi siêu mịn hay tiếng ồn. Chúng tôi quá ngán cảnh tượng ra đường là người đông như kiến, đi ra đi vô tù túng với mấy bức tường xi măng 5×20, những con đường trải nhựa tổng hợp loáng nắng trưa, cả tiếng còi hụ của xe cứu thương cứu hoả mỗi ngày, những tin tức giật điện thoại giật giỏ xách trèo tường vào nhà ăn trộm khiến người về hưu rất ngại ra đường. Tôi phải rời xa nó, chắc chắn như vậy, dù phần lớn bạn bè tôi không dứt được vì vẫn còn tham, sân, si hay đu theo con cái, làm phiền chúng nó dưới vỏ bọc tình thương. Tôi chắc chắn sẽ bán tất cả để về quê sống. Phố phường nhộn nhịp xô bồ là thiên đường của vài người trẻ tuổi thích náo động, nhưng là địa ngục của người từ lúc nghỉ hưu. Dù có điều kiện y tế chuyên môn sâu không tốt bằng ở phố lớn, nhưng tôi nghĩ mình đã sống khoẻ mạnh và nếu bị bệnh nan y, thì tôi cũng vui vẻ và thanh thản ra đi, không cố kéo dài sự sống trong tình trạng không khoẻ mạnh.
Vợ chồng tôi sẽ tìm một thị trấn thật nhỏ nào đó mà cả 2 đều thích để an dưỡng, vẫn gần bệnh viện nhưng dân cư thật ít để bớt ồn ào, khói bụi. Tôi sẽ có 1 cái nhà nhỏ khoảng 80m2, một cái vườn khoảng vài ba trăm mét vuông nữa là đủ. Trước nhà trồng hoa, sau nhà trồng rau, bữa cơm nhiều rau tự trồng, nhiều đậu và nấm, trứng, và lâu lâu tôi sẽ ăn những con cá biển nhỏ kho lạt với dứa, tuyệt đối nói không với thịt. Chế độ sống vậy sẽ ít bệnh tật hơn.
Tôi sẽ nuôi một hai con chó, mỗi ngày đạp xe, tản bộ, hầu như không dùng điện thoại di động, không quấy rầy người khác, cũng không lên FB coi người này người kia, quan tâm chi thế thái nhân tình và chuyện xã hội để bức xúc mỏi mệt. Chỉ cần một bữa sáng cà phê, 1 ấm trà chiều, và một người hiểu tôi bên cạnh đi đến cuối đường, vậy là quá đủ. Con cái tôi, chúng nó rảnh rỗi thì về thăm, tôi sẽ không bắt buộc nó có nghĩa vụ này nghĩa vụ nọ với mình. Tôi sinh chúng ra, nuôi dưỡng đến lúc 18 tuổi, và tuỳ nó quyết định nó sẽ sống ra sao sau đó.
Tôi sẽ trồng nhiều hoa và rau quanh vườn, nuôi vài con gà mái để sáng sáng đi nhặt trứng. Buổi sáng dậy sớm, tôi sẽ cắt hoa vào cắm trong bình để trên bàn cà phê ngoài hiên, mỗi ngày 1 chủ đề. Rau củ quả nhiều, tôi sẽ cắt treo trước nhà, ai ăn thì ghé lấy chứ tôi không bán. Tiền hưu và tiền để dành, tôi dùng để sống TỐI GIẢN (HƠN MỨC GIẢN DỊ). Chỉ có vài cái bát, vài cái tô, vài đôi đũa, cái mâm, 2-3 cái nồi. Tôi không sắm sửa vật chất gì thêm để chật chội ngôi nhà. Chỉ có gạo là tôi phải mua, mà vợ chồng tôi cũng sẽ ăn ít cơm. Ngay cả tiền điện cũng không có, tôi cũng thiết kế điện mặt trời để sử dụng, 1-2 tấm pin chục triệu có thể đủ dùng cho nhà 2 người.
Khi tôi 40, tôi sẽ chuẩn bị cho nghỉ hưu. Khi tôi 50, tôi nhất định sẽ gác mọi thứ lại, có lấy thêm cũng không đủ thời gian xài. Tôi sẽ đi đến một nơi như vậy, không xa hoa, không rộng lớn, an dưỡng quỹ thời gian còn lại của cuộc đời, chỉ là 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc 30 năm (nếu tôi thọ 80 tuổi). Tôi sẽ liên hệ với trung tâm an táng, nếu chúng tôi mất đi, thì hoả táng cho sạch sẽ. Đất đai dành cho thế hệ sau, chúng tôi đã đi qua trái đất 1 lần và không lấy thêm gì của trái đất nữa, ai mồ to mả đẹp là có tội với con cháu đời sau vì chết là hết, cớ gì còn dành đất của chúng nó. Cái nhà đó, con tôi nó về lấy cũng được, hoặc nó không lấy thì tôi hiến làm thư viện cho địa phương. Một đời người, với tôi, vậy là quá đẹp. Đẹp ở chỗ đã buông bỏ rất kịp thời để sống an nhàn tâm trí tuổi gió heo may xế chiều”
(bài viết của bạn trong team kiến trúc Trắng mà Hà thấy hay, nay đăng lại cho các bạn đọc).
Nguồn FB: Tony Buổi Sáng