Chiêu tập hồn thi bước Đạo dìu
Xem bài trước: Khởi duyên xây bàn cầu cơ
Duyên gặp cô Đoàn Ngọc Quế – Thất Nương Diêu Trì Cung tá danh.
Cả ngày hôm sau là Chúa nhựt, nghỉ làm ở Sở, các Ông vẫn bàn tán mãi, đến khi mệt nằm ngủ vùi. Lật bật đến gần tối, quí Ông lo tắm rửa và cơm nước, xong cùng tựu lại nhà Ông Cao hoài Sang lúc 8 giờ tối để tiếp tục xây bàn nữa.
Kỳ nầy mấy ông sắp đặt coi bộ chỉnh tề hơn, có một bàn nhỏ kế bên đặt hương, đăng, hoa, trà, quả.
Đúng 9 giờ tối, cuộc xây bàn bắt đầu. Bốn ông: Diêu, Cư, Tắc, Sang và 2 người con của ông Diêu là Đức và Thân cũng ngồi vào đặt 2 bàn tay úp xuống mặt bàn như đêm xây bàn vừa rồi.
Tịnh thần một lát thì bàn lay chuyển một cách uyển chuyển nhẹ nhàng, bàn liền gõ, ráp lại thành mấy chữ:
“T H A C V I T I N H”
Nghe “thác vì tình” thì ai nấy đều rỡn óc hết.
Ông Cư hỏi:
“Đàn ông hay đàn bà?”
Bàn gõ trả lời:
“Đoàn Ngọc Quế, con gái.”
Ông Cư bèn xin một bài thi tự thuật. Vong liền gõ bàn cho bài thi như vầy:
“Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai?
Mạng bạc còn xuân uổng sắc tài.
Những ngỡ trao duyên vào ngọc các,
Nào dè phủi nợ xuống tuyền đài.
Dưỡng sinh cam lỗi tình sông núi,
Tơ tóc thôi rồi nghĩa trúc mai.
Dồn dập tương tư oằn một gánh,
Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai?”
Sau khi tiếp được bài thi Đường luật như vậy thì mấy ông rất phục thi tài của người gõ bàn, nhưng nghe có điều gì đó bí ẩn. Không lẽ một vong linh bình thường mà làm được bài thi kiệt tác như vậy sao? Nghĩ vậy nên ông Cư hỏi:
“Cô bị bịnh gì mà thác?”
Bàn gõ trả lời:
“Sanh trưởng tại Chợ Lớn, con một, thác vì tình năm 19 tuổi.”
Ông Cư thấy cô làm thi hay quá nên mời cô thường đến để xướng họa thi văn. Cô Quế gõ bàn trả lời bằng lòng và sau đó xuất khỏi bàn. Buổi xây bàn nầy kết quả rất tốt đẹp. Mấy ông hết nghi ngờ và tin tưởng rõ rệt là có các linh hồn nơi thế giới vô hình.
Bài thi của cô Quế quá hay, mấy ông cứ trầm trồ mãi rồi mấy ông đem đờn ra, một ông ngâm bài thi, mấy ông còn lại hòa đờn theo rồi cùng nhau mượn chung rượu đầy vơi trong lúc tàn canh để gợi niềm hoài cảm.
Mấy ông có họa lại bài thi của cô Quế như vầy:
Bài họa của ông Tắc:
“Ngẩn bút hòa thi tủi phận ai,
Trời xanh vội lấp nữ anh tài.
Tình thâm một gánh còn dương thế,
Oan nặng ngàn thu xuống dạ đài.
Để thảm xuân đường như ác xế,
Gieo thương lữ khách ngóng tin mai.
Hiềm gì chưa rõ đầu đuôi thế,
Ngẩn bút hòa thi tủi phận ai.”
Bài họa của ông Cư:
“Rằng liễu khóc oanh có mấy ai,
Mộ người quốc sắc đấng thiên tài.
Nhìn văn độ phẩm hàng khuê các,
Xót bạn tri âm cõi dạ đài.
Ngàn dặm hoa trôi sầu cụm nước,
Một mồ cỏ loáng ủ nhành mai.
Cửu tuyền hồn Quế linh xin chứng,
Rằng liễu khóc oanh có mấy ai.”
Bài họa vận của ông Sang:
“Nửa chừng xuân gãy tủi phận ai,
Nông nổi nghĩ thôi tiếc bấy tài.
Ngọc thốt dám bì trang tuấn kiệt,
Vàng rơi riêng chạnh khách Chương đài.
Những ngờ duyên thắm trao phòng Bích,
Hay nỗi xương tàn xủ giậu mai.
Một dải đồng tâm bao thuở nối,
Nửa chừng xuân gãy tủi phận ai.”
….………………..
Vào tối thứ bảy ngày 19.06 Ất Sửu (08.08.1925)
3 Ông Cư, Tắc, Sang hiệp nhau xây bàn, Ông Diêu bận việc nên vắng mặt. Cô Đoàn ngọc Quế giáng bàn, nói chuyện một hồi, rồi 3 Ông xin kết nghĩa anh em với Cô.
Cô bằng lòng, gọi :
- . Ông Cao quỳnh Cư là Trưởng Ca (Anh cả),
- . Ông Phạm công Tắc là Nhị Ca (Anh hai),
- . Ông Cao hoài Sang là Tam Ca (Anh ba),
- Phần Cô là Tứ Muội (Em gái thứ tư).
Rồi Cô chỉ rõ mồ mả của Cô ở trong nghĩa trang Bà Lớn tại Ngã Bảy. (Bà Lớn là Bà Tổng Đốc Phương, đó là Bà Ngoại của Cô).
- Cô tên thật là Vương Thị Lễ, còn tên Đoàn Ngọc Quế là tá danh.
- Cô là con gái của Ông Đốc phủ Vương Quan Trân, Cô kêu Ông Vương Quan Kỳ bằng Chú ruột.
- Cô là Nữ Tiên Thất Nương ở Cung Diêu Trì.
- Cô có nhiệm vụ dùng văn chương thi phú dẫn dắt quí Ông vào đường đạo đức.
“Chiêu tập hồn thi bước Đạo dìu”.
Quí Ông mê say việc xây bàn để tìm hiểu về thế giới Vô hình. Đêm nào cũng thức xây bàn đến khuya, sáng lại đi làm việc ở Sở cho đến chiều mà không cảm thấy mệt mỏi.
Rất nhiều Đấng Vô hình giáng bàn cho thi, để lần lần dẫn dắt quí Ông vào đường Đạo.
Ngoài Cô Vương thị Lễ (Đức Thất Nương), còn có : Cô Hớn Liên Bạch (Đức Bát Nương), Cô Lục Nương, Thi sĩ Huỳnh Thiên Kiều hiệu là Quí Cao, Đức Nhàn Âm Đạo Trưởng, Đức Thanh Sơn Đạo sĩ (Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm), Đức Đại Tiên Lê văn Duyệt, vv . . . .
Quí Ông xây bàn lúc nầy phân làm 2 nhóm nhỏ:
- Ông Diêu và Ông Sang xây bàn mỗi đêm tại nhà Ông Sang ở phố hàng dừa.
- Ông Cư và Ông Tắc thì xây bàn tại nhà Ông Cư ở đường Bourdais.
….
Đạo sử tổng hợp biên khảo từ các bản khác nhau:
- Tiểu sử Đức Cao Thượng Phẩm
- Đạo Sử – Đức Nữ Đầu Sư Hương Hiếu
- Chuyện kể về Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc
- Đạo Sử xây bàn Đạo Cao Đài

Tam Giới Toàn Thư – 1807907719401789