Đi chùa cầu nguyện thế nào cho đúng?
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh Trong Suốt-Đà Nẵng- 2/2018
Một bạn nữ: Dạ, con chào Thầy. Con là Loan, con mới học lớp 12. Con thấy có nhiều người đi chùa, người ta thường cầu nguyện cho mình tiền tài, cầu địa vị, cầu thăng tiến. Con cảm thấy như vậy là tham lam. Con nghĩ nếu mà cầu như vậy thì mong muốn của mình sẽ không thành thật, mà người ta vẫn tin. Thậm chí đồn đoán là chùa này linh nghiệm hơn chùa kia. Con thấy rất là vô lý.
Con muốn hỏi là khi đi chùa, chúng ta có nên cầu những thứ đó không? Và kể cả khi chúng ta thắp hương ở nhà, thì chúng ta có nên cầu như vậy không? Nếu không, chúng ta nên cầu nguyện như thế nào cho đúng? Con cảm ơn!
Thầy Trong Suốt: Chính câu hỏi của con nên thầy và một số bạn trong nhóm soạn ra một quyển gọi là Văn khấn Trong Suốt. Văn khấn có nghĩa là chiểu theo truyền thống của ông cha mình, mình soạn quyển văn khấn, trong đấy nếu đọc thì thấy toàn nói nhân quả, nói về lẽ sống tốt ấy. Mình hiểu là, mình có cầu bao nhiêu thì cầu mà mình gieo nhân xấu thì có nhận quả tốt được không?
Mọi người: Không ạ.
Thầy Trong Suốt: Không bao giờ có cả. Cầu nguyện là một cách để biến đổi tâm thức của mình.
Có ba loại cầu nguyện:
- Một là, cầu nguyện cao thượng. Cầu nguyện cao thượng là cầu nguyện những điều tốt đẹp cho mọi người. Cao thượng là gì? Ví dụ như cầu cho quốc thái dân an, cầu tất cả mọi người giác ngộ, cầu cho chúng sinh hạnh phúc – là cao thượng.
- Hai là, cầu nguyện thấp hèn. Cầu nguyện thấp hèn là cầu nguyện những điều xấu cho mọi người. Cầu cho thằng đối thủ của tôi bị bệnh tật, khổ đau.
- Ba là, cầu nguyện tầm thường, loại ở giữa. Cầu cho tôi hạnh phúc, tôi có tiền, cầu có sức khoẻ.
Tốt nhất, nếu mình là người đã hiểu, thì nên cầu nguyện cao thượng. Ví dụ thế này:
“Cầu cho tất cả những người trong căn phòng này sẽ sớm gặp được duyên lành dẫn đến hạnh phúc thực sự và giác ngộ” – đấy là cao thượng.
Tất nhiên không ai cấm những câu là:
“Cầu cho tất cả những người trong căn phòng này được điều đó và cầu cho tôi cũng được như vậy”, không ai cấm cả. Vì tất cả những người trong căn phòng này cũng có tôi mà.
Thì đấy là cầu nguyện cao thượng, vì độ quan tâm của nó hướng đến tất cả mọi người. Thay vì có thể nói “cầu cho bố mẹ tôi khoẻ mạnh” thì “cầu cho tất cả mọi người trong thế giới này khoẻ mạnh, trong đó có bố mẹ tôi” – Đấy là cao thượng. Cầu nguyện như vậy sẽ làm cho tâm mình thay đổi. Thay vì nghĩ ích kỷ, chỉ quan tâm đến người thân của mình thôi, thì quan tâm đến hạnh phúc của tất cả mọi người.
Mọi người nên tập thói quen cầu nguyện cao thượng như vậy, vì nó là nhân lành. Nhân lành gieo vào trong tâm hồn mình để hướng mình đến hành động cao cả vì người khác. Đấy là cách tốt nhất, cao thượng – bao gồm tất cả mọi người.
Đừng chỉ cầu nguyện cho mỗi đất nước của tôi, gia đình của tôi… Đất nước của tôi vẫn rất là hẹp, thế Trung Quốc thì sao, mình không cầu à? Cầu chứ, đúng không? Người Trung Quốc cũng cần hạnh phúc mà. Đấy, cầu nguyện cho cả thế giới hạnh phúc, trong đó có có gia đình nhỏ bé của tôi.
Thay vì cầu cho mỗi tôi thì cầu cho cả thế giới trong đó có tôi. Đúng không? Cả thế giới được như tôi, trong đấy có gia đình của tôi. Mình cầu lấy được chồng tử tế, cầu cho tất cả phụ nữ trên thế giới lấy được chồng tử tế, trong đó có tôi. Đấy, nhớ tập cách cầu nguyện cao thượng. Được chưa?
Tránh cầu nguyện thấp hèn, nghĩa là gì? Cầu cho người khác khổ, tránh những câu cầu nguyện đó! Vì nó là cái nghiệp xấu gây ra đau khổ cho mình trong tương lai.
Còn cầu nguyện tầm thường ấy, ông bà mình hay cầu nguyện tầm thường vì không biết những điều thầy vừa nói. Nhưng nếu biết rồi thì mình chẳng tầm thường. Cầu nguyện tầm thường là chỉ cầu nguyện cho mình mình; hoặc chỉ cho người thân của mình thôi. Nó tầm thường bởi suy cho cùng ở dưới nó là cái tôi, ở dưới đó là quy ngã, làm mọi thứ vì tôi, mà cái kiểu suy nghĩ ấy thì sớm muộn gì cũng khổ.
“Cầu cho tôi trúng số độc đắc, chỉ cho tôi trúng thôi” – thì rồi sẽ khổ cho mà xem. “Cầu cho mỗi tôi được thăng chức” thôi, rồi sẽ khổ vào một ngày nào đó không thăng chức được. Vì cứ trạng thái nào mà chỉ quy về tôi thôi, suốt ngày chỉ nghĩ cho tôi, thì trạng thái đấy chắc chắn sẽ dẫn đến đau khổ. Cầu cho tôi được mạnh khỏe, sớm muộn rồi cũng khổ vì bệnh tật.
Đấy, nên những lời cầu nguyện tầm thường thì các con đừng cầu. Mình chuyển từ tầm thường sang cao thượng. “Cầu cho tôi khỏe mạnh và cả thế giới này khỏe mạnh. Cầu cho tôi sống lâu, cả thế giới này sống lâu” – Mình nên cầu nguyện những lời cầu nguyện như vậy. Đấy là cách cầu nguyện, hiểu không?
Cầu nguyện tầm thường: ở dưới nó là cái tôi, là quy ngã, làm mọi thứ vì tôi, kiểu suy nghĩ ấy sớm muộn gì cũng khổ.
Tránh cầu nguyện thấp hèn, vì nó là nghiệp xấu gây đau khổ cho mình trong tương lai.
BÍ KÍP CẦU NGUYỆN
Một bác hỏi: Hiện nay có nhiều người lên chùa cầu may vào ngày rằm, mùng một và tin rằng cầu vị này hay vị khác thì sẽ đạt được kết quả không ngờ. Tôi xin hỏi là việc cầu may đó có trái với lời Phật dạy hay không? Tôi nhớ trong Kinh có nói một lần Phật nói với đức Ca Diếp rằng: “Cái cầu đó không thể được, mà muốn qua sông phải có thuyền, bè, phải lội.” Vậy xin Thầy giải thích rõ ý nghĩa của việc cầu may và việc tu tập!
Thầy Trong Suốt: Câu hỏi của bác kèm câu trả lời rồi! Cầu mong là phát ra một ước nguyện. Mình ước nguyện điều gì thì tâm mình hướng về điều đấy. Ý nghĩa đầu tiên của cầu nguyện là hướng tâm vào chỗ người ta cầu nguyện, nên có tác dụng về tâm lý. Nếu cầu những điều tốt đẹp, bình an, thì tâm mình tốt đẹp, bình an. Nếu cầu việc xấu xa, đau khổ thì tâm hướng về chỗ xấu xa, đau khổ.
Cầu nguyện có ba loại: thấp kém, trung tính, và cao thượng.
- Thấp kém là những lời cầu nguyện đem đến đau khổ cho mình và người khác: Tôi cầu ăn trộm thành công, kẻ thù của tôi gặp tai nạn…
- Trung bình là cầu nguyện cho tôi, hạnh phúc cho tôi. Trung bình vì nó không hại ai, ví dụ hãy ban cho con sức khỏe, tiền bạc… Tuy nhiên, nhà Phật không khuyến khich cầu nguyện kiểu này vì nó có động cơ vị kỷ. Nhà Phật hướng tới vị tha, vì những lời cầu nguyện đó củng cố cái tôi và cái của tôi.
- Cao thượng là những lời cầu nguyện cho tất cả mọi người, không có tinh thần vị kỷ, ví dụ tôi cầu cho tất cả mọi người giác ngộ, bình an, hạnh phúc, và luôn gieo trồng những nhân lành để dẫn tới bình an và hanh phúc. Đó là cách chúng ta nên cầu nguyện.
Bí kíp cầu nguyện là hướng tới vô ngã, vị tha và tránh xa những lời cầu nguyện đem lại đau khổ cho người khác.
Còn cầu nguyện có được hay không là nhân quả.
Khi ấy cầu nguyện nhưng không bám chấp vào kết quả, nghĩa là cầu nguyện xong nhưng không buộc nó phải xảy ra. Ví dụ vừa cầu khỏe mạnh xong mai ốm, thì cũng hiểu rằng đó là nhân quả. Cầu nguyện có bám chấp thì kiểu gì cũng khổ. Không xảy ra là khổ, mà có xảy ra thì lần sau cầu cũng muốn phải được, lại lo lắng hồi hộp, thì chắc chắn là đau khổ.
Như vậy động cơ của cầu nguyện nên vô ngã, vị tha, hạn chế chỉ vì mình. Nếu cầu xin cho con thi đỗ, thì nên cầu rằng tất cả mọi người thi đỗ. Thứ hai là hiểu mọi thứ là nhân quả, và không bám chấp vào kết quả.
Trích trà đàm: “Nhập thế – lạc mà không lạc” – Sài Gòn 5/2017.
Nguyện cầu một ngày mới
Mọi chúng sinh bình an
Trước sóng gió vững vàng
Sớm nhận ra sự thật.
-Sagara-
LÀM SAO ĐỂ CẦU NGUYỆN LINH ỨNG?
Hỏi: “Mỗi sáng em cầu nguyện đọc bài Tám đấng cát tường liệu có phù hợp với em hay không?”
Thầy Trong Suốt:
“Bài đấy viết trong Kinh điển là tốt. Những cái gì trong kinh thì miễn đọc hiểu là được, không bị cấm thực hành, đọc và hiểu, cầu nguyện là ích lợi v.v…
Đấy là Bài cầu nguyện các vị Phật, nhưng mình hiểu là mình cầu nguyện đến Chư Phật không phải cho mình sướng mà để cho mình tu hành tốt để cứu độ người khác. Với tinh thần đấy thì tất cả các bài cầu nguyện sẽ rất là linh ứng.”
Trích: Trà đàm “Nhân quả và Sức khỏe”, HN-2013.
Mấu chốt của cầu nguyện:
“Lòng tin, sự thành tâm của người cầu nguyện quan trọng hơn là cầu nguyện đến ai, đối tượng cầu nguyện vĩ đại hay không vĩ đại.
Tin rằng lời cầu nguyện sẽ thành hiện thực thì nó sẽ thành hiện thực.”
– Trong Suốt –
(Trích buổi nói chuyện “Sức mạnh của lời cầu nguyện”, 7/2016)
Bạn đọc comment:
Le Anh Chau thật là duyên lành khi em được đọc bài chia sẻ của thầy Trong suốt về nhân quả và sức khỏe! Cám ơn Trà đàm, chúc mọi người luôn tinh tấn tu tập.
Son Nguyen Tùy vào lời cầu nguyện, nếu ai đó chỉ suốt ngày cầu nguyện để thỏa mãn nhu cầu vật chất của ban thân và muốn ơn trên trở thành người phục vụ cho mình thì làm sao trở thành hiện thực? 🙂
Minh Thien Hoang Thân không bịnh tật sinh nhiều kiêu sa, kinh nào nói đây ta?
Noi Loan Meditation Im lặng… sẽ biết cầu nguyện là gì.
Nhung Tran Luôn cầu nguyện cho mọi người sống trong thế giới hòa bình, an lạc, hạnh phúc, được che chở dưới ánh hào quan của Bồ Quan Âm Bồ Tát.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam Mô Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát.