Chấp nhận lỗi và kiểm soát lỗi
Gần đây khi tôi tiếp xúc với nhiều Vị tôi nhận thấy nhiều Vị khi họ phạm các sai lầm, lỗi lầm trong cuộc sống hằng ngày.
Và khi tôi đề cập đến các lỗi và sự sai phạm ấy thì nhiều Vị lại cố gắng tránh né, tự bào chữa cho những lỗi sai của mình, mà không dám tự đối diện với sự thật, thiếu sự thành thật với chính mình, không thấy được cái sai.
Tôi cho rằng đây là một sự khuyết lỡ rất lớn về đạo đức của Vị ấy.
Quí Vị biết đấy, một người bình thường nếu muốn trở thành người hoàn hảo về đạo đức thì người ấy phải không ngừng tự hoàn thiện những khiếm khuyết, những sai phạm, những lầm lỗi của chính mình.
Và từ việc khắc phục những lỗi nho nhỏ vậy, dần dần sẽ làm cho người ấy trở nên toàn thiện, thánh thiện hơn.
Đó là tôi đang nói đến người bình thường, không biết đạo lý, chưa biết tu.
Còn với những người tu đạo như chúng ta đây thì phải tăng lên gấp nhiều lần trong việc chấp nhận lỗi, nhìn nhận lỗi, tránh cách lỗi, và tiến dần lên Bậc hoàn thiện.
Một Bậc Thánh thật sự, chính là một Bậc mà chúng ta sẽ không còn tìm thấy bất kì một lỗi nào từ Vị ấy, dù là lỗi lầm rất nhỏ, đạo đức của Vị ấy là tuyệt đối.
Nhiều Vị cứ đinh ninh nghĩ rằng :
« Ôi, tôi làm gì có lỗi chứ. Tôi vẫn sống bình thường, có trộm cướp hay hãm hại ai đâu? ».
Nếu Vị nào nói ra câu đó thì đang chính là một người phàm phu đích thực, đang phạm nhiều lỗi lầm mà không tự biết.
Có hôm một Vị nào đó nhắn tin cho tôi và nói :
« Mô Phật, con chào Thầy ạ.
Con thấy tâm từ bi của Thầy thì thật là rộng lớn, quảng đại và bao la quá Thầy ạ.
Con rất kính phục Thầy. »
Và tôi trả lời lại :
Ôi, ta vẫn còn phạm rất nhiều lỗi lầm và còn nhiều sai phạm lắm con ạ.
Tham sân si của ta vẫn còn dày đặc.
Vị ấy lại nói :
« Ủa, Thầy không tự tin về sự tu của mình hả Thầy ? ».
Đến đây, tôi im lặng, không trả lời.
Quí Vị lưu ý, khi có nhiều câu hỏi mà Quí Vị hỏi mà tôi im lặng.
Thì có nhiều câu trong đó có sai phạm và thậm chí không đúng đạo lý, nên tôi đành im lặng.
Hoặc có khi tôi cũng không có nhiều thời gian để trả lời những câu hỏi quá ngây thơ và nhỏ nhặt, nên tôi cũng im lặng.
Trở lại với người nhắn tin hỏi tôi ở trên.
Có những lúc có ai đó khen Quí Vị, thì Quí Vị cũng đừng vội mừng. Mà hãy nên đối lại bằng những câu hết sức khiêm tốn, đại loại như :
« Ôi, tôi vẫn còn kém dở lắm bạn à. »
Hay « Ôi, tôi có là gì đâu ».
Những câu tự hạ thấp vậy, sẽ làm Quí Vị ngày càng hoàn thiện hơn.
Giống như người nghèo đói hỏi người tỷ phú vậy. Người nghèo đói hỏi :
Ôi, Ngài thật là giàu có. Tiền của Ngài ăn biết khi nào mới hết ?
Người tỷ phú :
Ôi, có là bao đâu, thưa Ông. Chỉ có dư chút đỉnh ấy mà.
Đây chỉ là câu khiêm tốn của người ấy.
Nhưng thực tế nếu so sánh thì một người là đang ở trên trời cao, còn người kia đang ở dưới đất đen.
Trở lại với tựa đề của bài viết.
Một người tu tập chân chính là một người phải tự thấy được các lỗi sai phạm của chính mình từ thô đến vi tế.
Khi người khác thấy mình sai, họ nhắc nhở.
Thì lúc ấy, ta cần nhìn nhận lại, xem mình sai chỗ nào, thiếu xót ở điểm nào.
Chứ không nên tìm cách thối thất hay lãng tránh.
Các lỗi cụ thể trong cuộc sống, trong công việc làm thì rất nhiều.
Ở đây tôi chỉ lấy tạm vài lỗi trong việc tu tập mà bản thân tôi cũng có lúc mắc phải như :
– Khi ăn uống
Khi ăn những món ngon thì tôi ăn háo hức, ăn mạnh mẽ.
Đây là đang kẹt, dính mắc trong tâm tham ăn.
Hoặc khi ăn món dở, thì tôi lại ăn lơ là, ăn yếu ớt.
Đây là đang kẹt tâm chê khen, chấp, nắm bắt vị giác.
Đây chính là lỗi trong tu hành đó Quí Vị à.
– Khi làm việc
Khi Quí Vị đang làm công việc của mình, của Quí Vị thì lúc ấy làm rất chu đáo.
Nhưng nếu phần công việc ấy là của người khác nhờ, thì Quí Vị lại làm lơ là, thiếu trách nhiệm, thiếu chu toàn.
Đây gọi là lỗi kẹt tâm ích kỷ, vì mình.
– Khi nhìn cô gái trẻ đẹp
Trong phút chấp, Quí Vị mất chánh niệm, rồi ngắm nhìn hơi lâu.
Bị hình ảnh cô gái làm chao đảo, tâm tham ái hiện khởi quấy rối.
Đây gọi là mắc lỗi kẹt tham ái. Quên rằng thân xác là bất tịnh, ô uế và bị vô thường thay đổi, chóng tàn và hoại diệt.
– Khi nói năng :
Có những lúc Quí Vị nói lớn tiếng, thô lỗ, quát nạt.
Đây coi chừng là Quí Vị đang khởi tâm sân giận, nóng tính và thậm chí cũng là đang mất từ bi.
Nên người trí, người khôn ngoan là lúc nào cũng luôn quay về chính mình, để tự soi rọi lại chính mình.
Hãy nên học cách đối diện với các lỗi, chấp nhận lỗi, biết ơn người chỉ lỗi.
Và sau đó sám hối, nhận lỗi và thay đổi không tái phạm.
Chứ đừng bao giờ ngụy biện để che đậy các lỗi, hay tránh né, thậm chí giận hờn, tự ái.
Đây là điều Quí Vị không nên.
Vị nào tu được các hạnh đã nói như trên, thì chắc chắc rằng tương lai đạo đức Vị ấy sẽ trở nên rất thuần thiện, hoàn hảo.
Và sự hoàn hảo nếu không ngừng gia tăng thì Quí Vị đang tiến dần vào ngôi nhà của Phật rồi.
Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>> Tìm hiểu thêm : https://xn—hay-uqa.vn/tam-linh/tu-hoc-moi-ngay/
Nguồn FB: Tu học mỗi ngày –
CHẤP NHẬN LỖI VÀ KIỂM SOÁT LỖIGần đây khi tôi tiếp xúc với nhiều Vị tôi nhận thấy nhiều Vị khi họ phạm các sai lầm,…
Người đăng: Tu học mỗi ngày vào Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2020