CHỈ LÀ Ở SỰ NỖ LỰC CỐ GẮNG
Hỏi: Kính thưa Sư phụ! Có những người họ Xuất gia để tu, nhưng cũng có người vì hoàn cảnh gia đình nên không thể xuất gia được mà phải tu trong hoàn cảnh tại gia.
Họ vẫn tụng kinh, niệm Phật và tâm luôn hướng thiện, luôn làm những việc lành thì những người này có được chứng quả hay không?
Đáp:
Có những người không có điều kiện thuận tiện để tu trong hoàn cảnh xuất gia tu sĩ mà phải tu trong hoàn cảnh tại gia cư sĩ do còn bổn phận đối với cha mẹ, đối với vợ con, họ hàng, v.v…thì việc tu của người này có được chứng quả hay không, trước hết ta nói đến những giai đoạn:
a. Nếu đây là một người cư sĩ biết đạo. Họ thường tụng kinh, niệm Phật, ăn chay, phóng sanh, trì giới, bố thí, làm những việc lành, v.v…Thì chưa nói đến những quả cao mà chỉ nói trước hết người này được phước báu rất nhiều. Với phước này khi họ tái sinh qua đời sau thì được vô vàn hạnh phúc.
Có thể họ sinh vào nhà quyền quý, giàu có, sang trọng. Họ là người thông minh, học giỏi. Lớn lên, khi làm việc gì cũng dễ thành công. Không những vậy, họ còn là người biết đạo để tiếp tục tu nữa. Đó là kết quả thứ nhất.
Được biết, ở Long An, có gia đình đó ông bà thân của họ đã mất. Hồi còn sống hai ông bà sống suốt một đời thánh thiện, thường dạy con mình từng chút lễ nghĩa đạo đức. Khi con bước ra khỏi nhà là bỏ theo một ít tiền lẻ để tập cho con bố thí.
Mỗi năm xuất ra cả thiên lúa để cho con bố thí cho người nghèo. Hàng năm cứ đến mùa an cư kiết hạ, lúc đó các chùa chưa tổ chức được thì ông bà mời Chư Tăng về an cư kiết hạ tại nơi gia đình mình suốt ba tháng. Chăm lo đầy đủ để chư Tăng tu học. Rồi sau ba tháng hạ chư Tăng mới trở về nơi trú xứ của mình.
Ông bà sống vô cùng thánh thiện, đạo đức trong từng hành vi nhỏ nhặt. Đến lúc phải mất, ông không có bệnh. Lúc đó ông muốn mất nhưng thấy con cháu chưa về đủ nên ông nói thôi để qua ngày mai, ông nán lại qua hôm sau khi con cháu về đủ thì lên giường nằm hắt hơi ra đi, tự tại như một Thiền sư.
Còn bà cũng vậy, không bệnh mà chỉ hơi yếu trong người, đêm đó không cho con cháu ngủ chung. Cái đêm bà ra đi thì người con gái của bà đang ngồi soạn bài thì thấy Phật Bà hiện ra giữa nhà, cả nhà sáng rực và tỏa ngát mùi thơm, nhưng cô ta không hiểu đó là chuyện gì. Sáng hôm sau, khi đứa cháu vào kêu bà thì mới hay bà đã mất.
Bước vào thì thấy người còn mềm mại, đầu còn nóng nhưng đã ra đi. Ngay sau lúc đó, tự nhiên tất cả những người thân nơi xa xôi, không ai biết chuyện gì mà như có cái gì thúc đẩy buộc họ phải về hết. Và ngày hôm đó tang lễ cử hành.
Qua những hiện tượng lúc mất như vậy, chúng ta biết chắc rằng hai ông bà này sinh qua đời sau phải là người vô cùng đặc biệt. Chưa nói tới họ được sinh lên cõi trời, chỉ nói nếu họ trở lại cõi người thì là những con người hết sức là sang trọng, quyền thế mà cũng rất là đạo đức.
b. Ngoài đời sống đạo đức như vậy, mà nếu người cư sĩ này còn biết thực hành Thiền định. Trong những lúc rảnh rỗi biết bắt chân ngồi thiền, nhiếp tâm cho thanh tịnh (được một vị thầy nào đó hướng dẫn kĩ lưỡng).
Và chẳng những mình tu mà còn hướng dẫn cho người thân trong gia đình hay người chung quanh cùng tu thiền. Với công đức tích lũy như thế, nếu cuối đời người này không ngộ đạo, thì chắc chắn qua đời sau khi sinh trở lên, họ sẽ ngộ đạo.
Cho nên, chúng ta thấy đạo đức làm nền tảng. Mà đạo đức làm nền tảng thì nó không riêng gì là chuyện của người cư sĩ tại gia. Chính người xuất gia cũng phải rèn luyện đạo đức của mình càng lúc càng thánh thiện, tuyệt vời như vậy.
c. Giai đoạn tu thiền, người tu sĩ xuất gia muốn đắc đạo cũng phải tu thiền. Và người cư sĩ tại gia, nếu có điều kiện tu thiền thì cũng sẽ ngộ đạo khi đã có nền tảng đạo đức vững chắc. Cho nên đối với việc tu hành, tuy là hai hoàn cảnh khác nhau.
Người xuất gia có vẻ thuận tiện hơn nhưng việc tu đều giống nhau hết. Những người nào làm đúng công việc đó đều có thể ngộ đạo.
Chúng ta thấy người xuất gia đâu phải không có bổn phận, người xuất gia cũng có bổn phận đối với huynh đệ mình, đối với thầy Tổ, đối với chùa chiền. Và người tại gia cũng có bổn phận đối với cha mẹ, vợ con, anh em, họ hàng láng giềng, bạn bè, công việc tại cơ quan, v.v…Nên ai cũng ràng buộc trong bổn phận.
Tuy nhiên, người nào giữa những bổn phận chằng chịt đó mà sắp xếp được thì giờ để tu tập. Đồng thời giữa những mối liên hệ phức tạp đó mà mình rèn luyện được đạo đức để luôn luôn đem lại tình thương yêu cho mọi người thì đạo quả là điều chắc chắn phải đến, không luận người xuất gia hay tại gia.
Nguồn: Thiền Tôn Phật Quang
Cư sĩ Nhuận Hòa
>> Đọc thêm : https://xn—hay-uqa.vn/tam-linh/tu-hoc-moi-ngay/
FB: Tu học mỗi ngày –