Chia sẻ lợi nhuận giữa
người sáng lập và cộng sự công ty
như thế nào?
Hỏi đáp Trong Suốt (Hà Nội, 04/2018)
Một bạn nam: Em xin hỏi thêm một chút, câu hỏi hơi kỹ thuật là: Trong các mối quan hệ, ví dụ như ông chủ với nhân viên; hoặc là đối tác thì khá rõ ràng. Nhưng mối quan hệ giữa những người đồng sáng lập, chẳng hạn, thì làm sao để rành mạch về quyền lợi và đánh giá về sự đóng góp của mỗi người trong một nhóm đồng sáng lập.
Thầy Trong Suốt: Em có một trường hợp cụ thể không? Thầy muốn nghe những câu chuyện cụ thể.
Một bạn nam: Vâng. Em từng tham gia một số nhóm, nếu em là một co – founder (đồng sáng lập), nhưng em vào sau, thì em cũng khá thoải mái trong việc mọi người chia như thế nào. Nhưng ví dụ em là founder (người sáng lập) và em có các cộng sự khác. Và em là người đầu tiên quyết định là mọi người sẽ đóng góp bao nhiêu phần trăm và sẽ được chia bao nhiêu phần trăm ấy, thì em lại cảm thấy rất là khó xử về việc này. Ví dụ mình bảo người này sẽ đóng 40%, nhưng nếu mình chỉ chia cho người ta 40%, thì mình cảm giác là mình sẽ chiếm phần hơn và sợ người ta nghĩ như vậy. Và mình sẽ không có được mối quan hệ tốt. Thì em không biết nên làm như thế nào để cho nhóm…
Thầy Trong Suốt: Nghĩa là em đã ở trong mối quan hệ đấy rồi, đúng không? Em ở trong mối quan hệ mà em là người sáng lập công ty và có những người vào sau nữa chứ gì?
Bạn nam: Vâng, có hai người. Em và một bạn nữa ạ.
Thầy Trong Suốt: Và em không biết nên chia họ bao nhiêu phần trăm bây giờ? Đúng không? Có phải vấn đề thế không?
Bạn đó: Ví dụ thế, dạ vâng.
Thầy Trong Suốt: Nếu mình chia họ ít, thì mình áy náy.
Bạn đó: Dạ không phải ít mà là ít hơn mình thôi…
Thầy Trong Suốt: Ít hơn mình nên áy náy, đúng không? Ví dụ họ, mình 6 họ 4 thì mình áy náy chứ gì?
Bạn đó: Dạ vâng!
Thầy Trong Suốt: Vậy công sức của 2 người bỏ ra như thế nào?
Bạn đó: Cũng khó đánh giá vì nếu mà đánh giá về…
Thầy Trong Suốt: Chủ quan đi! Chủ quan thì thế nào?
Bạn đó: Thời gian thì em bỏ nhiều hơn, về mặt kết quả thì em nghĩ là cũng nhiều hơn.
Thầy Trong Suốt: Em nhiều hơn ấy hả? Thời gian bỏ ra nhiều hơn, kết quả cũng tạo ra nhiều hơn?
Bạn đó: Dạ vâng!
Thầy Trong Suốt: Họ lại vào sau. Nhưng em lại cảm thấy mình 6 – họ 4 là không xứng đáng, không thỏa đáng cho họ?
Bạn đó: Dạ, em không biết là người ta sẽ nghĩ như nào ạ?
Thầy Trong Suốt: À, em sợ họ nghĩ em không tốt?
Bạn đó: Dạ vâng!
Thầy Trong Suốt: Rồi! Đấy,tình huống rõ ràng chưa? Mình mở doanh nghiệp nhé, sức mình bỏ ra nhiều hơn và thời gian bỏ ra nhiều hơn. Họ vào sau, cũng là đồng sáng lập với mình, nhưng họ vào sau. Mình cảm thấy rằng, mình chia mình 6 – họ 4, thì không biết họ nghĩ thế nào? Có thỏa đáng không? Đúng chưa? Nên em phải kiểm tra cái động cơ khi chia cho họ là gì?
Đầu tiên khi mình làm cái gì, nguyên tắc – nếu em thi vào nhóm, gọi là Con đường Trong Suốt này – thì em nhớ điều quan trọng nhất để quyết định mình làm một việc đúng hay sai, hay đi về đâu ấy:
Không phải là mình làm cái gì, mà mình làm với động cơ nào?
- Động cơ đúng thì có sai mình cũng sửa được.
- Động cơ sai dù có làm đúng rồi cũng hỏng.
Đấy! Nhớ thế! Động cơ đúng thì mình có sai tí, xong hôm sau mình vẫn sửa được. Động cơ sai ấy, thì dù có làm đúng 100% đi nữa… ví dụ:
- Hai người rủ nhau đi ăn cắp, thì rủ là động cơ sai bét rồi, đúng không? Dù đi ăn cắp giỏi 100% đi nữa, lấy đúng cái nhà mình muốn, đúng cái xe mình muốn, thì vẫn là hỏng, đúng chưa? Cái động cơ ăn cắp mình rơi vào chỉ có làm mình hỏng hết, ăn cắp thành công đến mấy còn hỏng nhiều hơn. Như vậy là động cơ sai mà làm đúng thì hỏng.
- Thế động cơ đúng, làm sai thì là gì? Động cơ đúng là đi giúp người, không phải ăn cắp mà giúp, hai người rủ nhau giúp người. Mình giúp không thành công, nhưng động cơ của mình rất là vì người ta, thì hôm sau mình đến giúp lại, thế lại thành công.
Nên là bây giờ, nếu em định nghe này, đi vào hiểu nhóm này, thì đầu tiên là câu hỏi: “Tôi làm vì động cơ gì?”,
“Tôi chia vì động cơ gì?
Tôi chia để họ được quyền lợi công bằng hay tôi chia để họ đừng bỏ tôi mà đi?”.
Em sợ họ nghĩ gì về mình mà, đúng không? Như vậy em kiểm tra lại xem
- mình chia để họ, để mình đạt được cái gì công bằng thì hãy chia – tốt đẹp;
- hay là vì mình sợ người ta sẽ chê ít, xong người ta bỏ đi mất,
thì 2 động cơ khác hẳn nhau. Vì một động cơ ấy,
- động cơ đầu tiên ấy, là động cơ đến từ việc là muốn làm cái tốt đẹp cho đời,
- động cơ số hai là đến từ một nỗi sợ.
Cái gì đến từ nỗi sợ, thầy đã nói rất nhiều lần rồi, mình sợ cái này thì sẽ sợ tiếp, sẽ là cái sợ tiếp theo.
- Mình làm điều A vì sợ thì dẫn đến việc mình phải làm điều B vì sợ, mình phải làm điều C vì sợ.
- Cả đời mình sẽ làm trong nỗi sợ, cho đến ngày mình quyết không làm điều mình sợ nữa thì thôi.
Nên là ví dụ của em là vì điều tốt, muốn làm điều tốt, làm điều sợ, nên thế em làm việc mình sợ.
Việc của em là phải giải quyết xong sợ đã rồi hãy làm. Vì nhớ là sợ A thì sẽ sợ B.
Em cứ cho là em chia họ 6, em 4 đi, đúng không? Không phải em 4 – họ 6, mà họ 6 – em 4. Một thời gian sau nhìn mặt lại sợ, không biết ông này có bỏ công ty mình hay không? Có khi ông ấy giỏi quá rồi, ông ấy làm được việc hay quá rồi, có khi ông ấy bỏ đi thì sao?
Thế là mình sẽ phải làm gì bây giờ? Thôi mình lại xuống 3:7, hay là phải nịnh họ, nịnh bợ họ ở lại. Có phải từ cái sợ A sang cái sợ B không? Sau họ bảo là: “Tớ không muốn làm cho cậu đâu, trừ khi cậu đưa hết cổ phiếu cho tớ”. Thế là mình lại sợ, mình lại làm theo.
Nên là mình không thể nào hành động vì nỗi sợ được, vì nỗi sợ A làm xong dẫn đến nỗi sợ B. Em hãy bắt đầu bằng việc là gì? Có chia gì thì chia, không phải chia vì sợ. Có chia gì thì chia, là chia vì điều tốt, điều đúng, chứ không chia vì sợ luôn. Nếu sợ đừng chia vội, tập đã, thực hành Pháp. Đấy, cái em cần làm đấy. Không sợ luôn! Em chia xong người ta bỏ đi thì thôi, thì đấy gọi là hết, không sợ. Còn vừa chia vừa run, chắc chắn là hôm sau lại run tiếp, đúng không? Hôm sau họ hắt hơi cái, bảo là: “Tớ muốn tăng lương” nên lại phải tăng lương.
Thầy cảm nhận được là em đang chia vì sợ mất rồi. Không được, đừng, đừng chia vội. Bảo:
“Tớ quyết định là lùi, hoãn việc chia này vô thời hạn”. (Mọi người cười)
Đấy! “Tớ sẽ đi theo ông thầy Trong Suốt đã”. (Mọi người cười)
“Thầy bảo thực hành 6 tháng hết sợ. 6 tháng nữa tớ sẽ chia cho cậu. Mà cậu đồng ý thì đồng ý, không thì đi”.
Thế là xong, thế là vui vẻ, đúng không? Em cần thực hành theo, đi theo cái thầy nói, 2-3 tháng thôi, không cần 6 tháng, là em sẽ không sợ. Sợ gì?!
Đã không có duyên với nhau thì em có chia họ 100% tài sản, họ cũng bỏ đi mất. Em phải đi theo con đường mới hiểu được. Mọi thứ vận hành theo duyên. Đủ duyên thì đến, hết duyên thì đi. Anh bạn ấy có duyên làm với mình thì anh ấy sẽ ở lại, cho dù chia kiểu gì thì anh ấy cũng sẽ ở lại. Chia 6:4 hay 4:6 cũng ở lại.
Ngược lại, đã không có duyên, sớm muộn gì cũng có chỗ hấp dẫn hơn, ông đi mất. Mình rất tự tin. Đấy! Mình tự tin khi chia. Mình chia xong rồi, không đủ duyên đi mất, chả sao hết. Lúc chia, mình sẽ cố gắng công bằng nhất, đấy là chia vì công bằng chứ không phải chia vì sợ nữa. Đấy, cố gắng chia một cách công bằng nhất cho họ.
Ví dụ như trong trường hợp của em 6:4 thì cơ bản rất công bằng. Còn nếu ông không có duyên với mình mà đi mất, thì thôi, chấp nhận luôn. Đấy, ví dụ cuộc đời khác hẳn, đúng không? Và em không làm vì sợ, nên khả năng ông đi là thấp. Còn chính vì em làm vì sợ, lúc nào nhìn mặt ông ấy cũng nghĩ đến chuyện ông đi mất, thế mới khổ. Đấy!
Ví dụ nhé, thầy có doanh nghiệp của thầy, đúng không? Thầy cũng phải chia, thầy cũng trải qua chuyện đấy rồi. Mình chưa bao giờ chia vì sợ cả, chưa bao giờ. Nhưng mà cuối cùng đến ngày hôm nay, tất cả những người mà gọi là trọng yếu của công ty, chả ai đi. 60 người chỉ 2, 3 người đi, không đáng kể. Vì mình không sợ họ đi mất, họ không đi mất. Còn mình cứ sợ xem, rồi sẽ gặp chuyện. Được chưa? (Mọi người vỗ tay)