Mục đích tu của bạn là gì?
Sống hay làm gì mà ta không có lý tưởng, không có mục đích, thì cuộc sống ta sẽ lang mang, lòng vòng, và đôi lúc vô vị.
Việc tu hành cũng vậy, ta cũng cần có một sự định hướng, một mục đích rõ ràng, và cách thức để thực hiện chúng.
Và mỗi người đi chùa hay đi tu đều có những mục đích khác nhau.
Có người thì đến chùa để cầu xin bình an, may mắn, hết bệnh, trúng số.
Còn người đi chùa mà tu thì mong kiếp sau giàu sang vinh hiển, người thì tu để cầu vãng sinh về cõi tây phương…
Tùy vào sự nhận thức, căn duyên, nghiệp duyên, và sự hiểu biết của họ về đạo pháp mà họ có các mục đích khác nhau khi đi đến chùa, hay đi tu.
Nếu có người thắc mắc hỏi mình: Vậy cho hỏi anh Bần Sĩ, mục đích tu của anh là gì vậy?
Thì mình sẽ trả lời ngay: Mình có hai mục đích chính.
- Một là, tìm sự giác ngộ ngay trong đời này (nếu đến cuối đời mà chưa ngộ đạo, thì mình sẽ tiếp tục nỗ lực trong những kiếp tới, vì càng ngày mình cảm nhận rất rõ về sự luân hồi là đau khổ).
- Hai là, trên đường tu, nếu thấy ai đang mù mắt mà không biết lối đi, mà họ muốn đi theo mình (mà mình thì sáng mắt hơn) , thì mình sẽ dẫn dắt họ đi, không ngại khó, không ngại nguy hiểm hay gian nan vất vả.
Nếu có người lại hỏi tiếp:
Với mục đích là như vậy, thì anh cần phải làm gì hay tu như thế nào để đạt được sự giác ngộ?
Trong 24h hiện tại của mình, mình đang rất tập trung vào việc tu.
- Một là, mình đang tích lũy phước thế gian để cuộc sống bớt khổ.
- Hai là, mình đang tích lũy phước xuất thế gian, để tạo nhân tiến sâu vào việc tâm linh.
- Ba là, hằng ngày mình rất nghiêm khắc với chính mình trong việc trì giới, phòng hộ sáu căn, giữ gìn ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh.
- Bốn là, duy trì đều đặn các thời khóa thiền định trong ngày.
- Năm là, trong 24 h mình rất cố gắng để duy trì chánh niệm và sự tỉnh giác liên tục, ráng kéo tâm về với thân, không để chúng bay nhảy rời thân.
- Sáu là, 24h tâm không rời giáo pháp, chiêm nghiệm giáo pháp, rảnh giờ nào thì nghe pháp, đọc kinh, tham khảo học hỏi kinh nghiệm của Phật, các Thánh đệ tử, các Tổ đi trước, để tăng thêm kiến thức, đúc kết thêm kinh nghiệm, để con đường tu không lầm lẫn, sai lệch.
- Và một điều cực kì quan trọng nữa là mình phải lạy Phật hằng ngày, cầu chư Phật, chư Long thần hộ pháp, chư Thánh tăng gia hộ, trợ duyên, chứ đôi lúc chỉ với sức phàm phu của mình không sẽ bị bất lực vì nghiệp duyên quá khứ chi phối, hay vì mình chưa đủ trí tuệ, sự sáng suốt để nhận biết mọi điều.
Như vậy đó, bao nhiêu kinh nghiệm mình đúc kết được, mình đều chia sẻ, những ai có duyên với mình đọc qua mà thấy nó cần thiết, hữu ích, và tinh tấn hơn trong việc tu, thì đó là điều rất đáng quý.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
– Cư Sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày
Ngọn lửa tu hành
Tại sao ngọn lửa tu hành trong tôi lại mãnh liệt hừng hực như vậy?
Nhiều người hay chê cười tôi, nói:
- «Ôi! ổng suốt ngày tu tu ».
- « Nó tu như đồ khùng vậy ».
- « Chắc đầu óc nó bị tâm thần hay sao ».
- « Hình như ổng bị thất tình chán đời hay sao ấy »,
- « Mày ngu, sao không ăn chơi hưởng thụ mà tu chi , ép xác cho khổ vậy ».
- « Chuẩn bị xây cho ổng ngôi đền ».
- « Nhìn im im khờ khờ như bị tâm thần ».
- « Tu để kiếp sau giàu hả BA ».
- « Sao không sống như bao người bình thường khác đi cha nội »…..
Vậy đó, người ta nhìn nhận việc tôi đi tu là vậy đó. Lúc đầu khi nghe người khác nói vậy thi thoảng, lòng mình cũng thoáng một chút buồn nhẹ. Nhưng không bao lâu, rồi cũng tan biến đâu mất.
Đến với đạo Phật
Sự thật tôi đến với đạo Phật rất tình cờ, và sự tu hiện tại, cũng như lý tưởng, ngọn lửa đam mê cháy bỏng của sự tu hành trong tôi là ở lý trí, ở sự ngộ ra và sự thấy biết bản chất vô thường của cuộc đời, mà tôi chọn con đường đi tu. Đi theo con đường của Phật và các Thiền sư, các Thánh tăng đắc đạo.
Ngọn lửa tu hành trong tôi
Ngọn lửa tu hành trong tôi, sự thôi thúc, rất mãnh liệt về cầu tìm giác ngộ vì hai lý do chính :
Một là, có sự gia hộ, chỉ bảo của Chư Phật (điều bí mật ).
Thứ hai, tôi đi tu đến nay tính ra cũng gần tròn sáu năm. Và trong hai năm gần đây, tự nhiên trong tôi nhìn thấy sự vô thường và sinh diệt của các chúng sinh ( Sự già đi nhanh chóng của kiếp người , bệnh tật, sự đau khổ và cái chết đến tức thì, mọi vật tồn tại và ra đi trong chớp mắt ), thấy chúng rất rõ ràng, minh bạch, cụ thể. Và nhiều lúc tôi chạnh lòng, im lặng trong suy tư « Sự vô thường thật nhanh quá, nó cuốn trôi tất cả ».
Và những lúc như vậy, tôi cảm nhận mình thật hiền hơn, và sao tôi nhìn ai cũng thấy thương và với một nụ cười nhẹ nhàng, một ánh mắt đầm ấm và một giọng nói nhẹ nhàng, tràn đầy sự chăm lo ( Điều này tôi thấy chúng khởi lên một cách rất tự nhiên ).
Như vậy đó, đôi lúc những cảm xúc, những điều thầm kín, những sự nhận thức thấy biết trong lòng của một người nào đó ta sẽ khó hay không thể nào hiểu được. Mà ta chỉ nhìn bên ngoài sơ sài, rồi đánh giá, nhìn khi không đúng với bản chất thực sự, và chỉ mang tội mà thôi.
Khi nhận thức của con người mà thay đổi thì lối sống của họ cũng thay đổi theo.
…………
Đôi dòng tâm sự, khi cảm xúc như ùa về trong đêm tối tĩnh mịch.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chỉ có Phật mới thật sự thấu hiểu được nỗi lòng của kẻ Bần Sĩ vô danh này.
Cư Sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày –
Vì sao tôi theo Đạo Phật?
Nói về vấn đề người nào theo đạo nào, đạo nào, đây thuộc về nhân duyên trong nhiều kiếp quá khứ rồi, chứ không đơn giản chỉ là kiếp này.
Tôi được sinh ra trong vùng gần nhiều chùa, tôi cho rằng đây là duyên rất may.
Từ nhỏ đến lớn, mặc dù trong lòng rất yêu quý chùa, đặc biệt là tôi thích nghe tiếng chuông, và khi thấy thầy gõ mõ, là trong lòng tôi luôn ao ước được cầm cái dùi và được gõ cốc cốc vậy chắc là sẽ thích lắm đây.
Thế nhưng, những năm tháng tuổi thơ tôi vẫn không có duyên được về chùa để sinh hoạt hay tu tập.
Tôi chỉ có đến chùa vào ngày tết và chỉ đứng ở trước sân và chỉ để chụp hình.
Năm tháng cứ thế êm đềm trôi.
Và vào hai năm trước khi tôi chính thức gặp Sư Phụ để tu.
Trong hai năm đó, tôi có duyên được mấy Bác trong xóm tặng cho 2 cuốn đạo lý được viết lại trong các bài giảng của Quý Thầy, một trong hai cuốn đó, có một cuốn của TT Thích Chân Quang, không hiểu sao lúc đó tự nhiên trong lòng tôi rất quý hai cuốn sách này, và đi đâu cũng bỏ trong cặp, và mang trên người.
Rồi thời điểm trong hai năm đó, mẹ tôi cũng hay đi chùa với các cô trong xóm.
Và khi đi chùa về, mẹ có mang về mấy cái đĩa của Quý Thầy giảng, lúc đó nhiều nhất là của Chùa Hoằng Pháp, rồi Thầy Phước Tiến giảng cũng có.
Đĩa mẹ mang về, nhà không ai xem, nhưng không hiểu sao tôi lại rất thích mở xem, và nghe rất say sưa, chăm chú.
Và vào cuối năm 2010 lúc tôi đang sống ở Nha Trang, tôi có chơi trong nhóm bạn, và có một cô bé thì đang sinh hoạt trong đạo tràng do Sư Phụ tôi quản lý.
Trong một lần ngồi uống nước, cô bé rủ tôi là: đi chùa tu không ?
Tôi trong lòng vốn thích về chùa, lúc đó tôi nói : Đi. Khi nào em đi, rủ anh đi nữa.
Và sang năm mới 2011 khoảng ngày rằm tháng giêng là tôi chính thức vào đạo tràng của Sư Phụ.
Cô gái mà rủ tôi đi chùa chỉ một tháng sau là cô nghỉ sinh hoạt, sau đó tôi cũng mất liên lạc với cô luôn.
Tôi nghĩ thấy cũng lạ thật.
Trong một tháng đầu tiên về sinh hoạt và nghe pháp, tu trong đạo tràng, tối về thường tôi ngủ ít ngon giấc.
Ngủ toàn là mơ thấy người mất không, oan gia cũng có, bị rượt đuổi trong mơ mà chạy mồ hôi ra ướt cả áo sau khi tôi thức dậy.
Rồi xuất hiện những giấc mơ lạ sau vài tháng tiếp theo, rồi một năm, hai năm sau.
Dần dần tôi biết mình là ai, và nên làm gì, tu gì trong thời gian sắp tới.
Đến ngày hôm nay 25/01/2020 cũng gần chín năm từ ngày tôi chính thức gặp Phật Pháp để tu học.
Tôi biết rằng, đây là duyên may rất hiếm có được trong đời, mà mình phải biết nắm lấy để tinh tấn hơn trong việc tu tập, cũng như thiền định.
Hướng đến sự đạt đạo, chấm dứt luân hồi tái sinh đau khổ.
Vào năm mới, tôi như tự hứa với mình sẽ tinh tấn hơn nữa trong các thời khóa công phu, cũng như trong đời sống sinh hoạt thường ngày.
Quý Vị cũng thế.
Nhân dịp đầu xuân, tôi cũng chúc Quý Vị Phật tử xa gần, có quen biết tôi hay vẫn còn xa lạ, một năm mới với nhiều sự tinh tấn hơn trong tu học, và làm được nhiều điều phúc thiện.
Có thế, thì năm mới sẽ là năm thành công, hạnh phúc sẽ tràn đầy với Quý Vị cùng gia đình.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.
Nam Mô Đại Hùng Đại Lực Đại Thế Chí Bồ Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày –
Tu hành cần phải có lập trường
Thực tế trong cuộc sống thì những người có chính kiến, có lập trường vững vàng sẽ dễ thành công trong công việc hơn những người mà chẳng có chính kiến, chẳng có lập trường, cũng chẳng có ý chí nghị lực, hay sự kiên quyết, lòng quyết đoán.
Và tu hành cũng thế, quý vị cũng cần phải có chính kiến, có lập trường, quan điểm thật rõ ràng, vững chắc,….. Theo đường tu hành mới có thể tu tiến bộ được, còn không thì chỉ đi lòng vòng mất thời gian uổng phí…
Giống như câu chuyện ngụ ngôn sau đây vậy, mời quý vị cùng đọc :
Câu chuyện “Đẽo cày giữa đường”
Cũng vậy đấy quý vị ạ !
Quý vị tu hành nhưng đừng để mình giống như bác đẽo cày trong câu chuyện đã kể ở trên nhé.
Không thể khi tu, hôm nay nghe người này nói đọc thần chú này linh thì liền đọc theo, mà không biết ngọn nguồn như thế nào.
Rồi hôm khác, nghe người khác nói đọc thần chú kia linh, thì lại bỏ thần chú hôm trước để theo thần chú mới,….
Hay hôm nay đang niệm vị Phật này, rồi nghe người khác bàn ra là hãy nên niệm vị Phật này vị Phật này,……
Rồi cũng bỏ mà theo….
Rồi hôm khác lại thế, cũng lại nghe những người khác bàn ra theo kiểu tà kiến là không cần niệm Phật nữa,…. Thế rồi cũng nghe theo…..
Nếu như các vị tu mà chẳng có chính kiến gì hết, thì làm sao mà thành tựu được đây.
Do vậy, các vị cần phải xem mình thuộc căn cơ, trình độ nào, rồi chọn pháp tu cho thích hợp.
Rồi kiên quyết với con đường mình đã chọn, nhưng phải chú ý, là con đường đó phải đúng, chứ nếu đi theo con đường sai, mà chấp cứng vào đó thì tu cũng chẳng được kết quả gì, nhiều khi còn bị đọa lạc.
Nên sự kiên quyết, cũng như có lập trường rõ ràng, nhưng phải đặt trên nền tảng của trí tuệ, chứ không phải đặt trên nền tảng của sự vô minh, liều lĩnh và u tối.
Chúc các vị luôn có sự lựa chọn đúng.
Nam Mô Tôn Giả Xá Lợi Phất Bồ Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>>> Đọc thêm : https://xn—hay-uqa.vn/tam-linh/tu-hoc-moi-ngay/
Quy y Phật nào?
Hôm trước có Vị Cư Sĩ lớn tuổi đã hỏi tôi rằng :
Trong tam tự quy, thì tự quy y Phật như sau :
Tự quy y Phật đương nguyện chúng sanh, thể giải đại đạo phát vô thượng tâm.
Vị ấy hỏi là : Quy y Phật trong câu này là Quy y Phật nào?
Trả lời :
Như Quí Vị biết, thì các Chư Phật đã thành trong quá khứ thì nhiều không thể kể xiết hay không thể tính đếm được.
Tôi liệt kê ra một số Phật đã thành trong những kiếp quá khứ như sau :
Phật A Di Đà, Phật Thắng Tuệ, Phật Thiện Thiện Kiến, Phật Công Đức Thông Vương, Phật Tạo Quang Minh Phổ Minh, Phật Kiên Cố Thắng Nghiệp, Phật Nhật Nguyệt Quang, Phật Tỳ Lô Giá Na,…v….v….
Với nhiều Phật như thế, vậy thì ta phải Qui y Phật nào đây?
Câu hỏi có vẻ đơn giản nhưng thật sự rất tinh tế và hay, mà theo tôi quan sát, tôi cũng thấy có rất nhiều Vị cũng bối rối là không biết quy y với Phật nào.
Tuy Phật nhiều như vậy, nhưng được chia ra là Phật đã thành đạo trong kiếp quá khứ, Phật thành đạo ở kiếp hiện tại và Phật sẽ thành ở kiếp tương lai.
Nên về nguyên tắc Quí Vị sẽ quy y với Phật đã thành đạo ở kiếp hiện tại.
Đó chính là Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
Tuy hiện tại Ngài đã nhập niết bàn, nhưng giáo pháp, những lời dạy của Ngài vẫn còn hiện diện ở cõi giới ta bà của chúng ta.
Ngài là con người có thật, Ngài sinh ra ở xứ Ấn Độ, Nepal, khoảng năm 563 đến năm 483 TCN.
Khi chưa xuất gia tu đạo, Ngài là Thái Tử con của vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Da, tên Ngài là Tất Đạt Đa.
Sau khi thành Phật, Ngài có hiệu là Thích Ca Mâu Ni.
Mà ngày nay những Phật tử các nước trên thế giới, vẫn tổ chức các chuyến hành hương sang quê hương của Ngài để chiêm bái các thánh tích như Bồ Đề Đạo Tràng, vườn Lộc Uyển, vườn Lâm Tỳ Ni, rừng Câu Thi Na, hay thăm núi Linh Thứu,….v…..v…..
Do đó, khi làm lễ Qui y chính là Quí Vị đang Qui Y với Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
Nhiều người nói :
Tôi tu theo pháp môn Tịnh Độ của Phật A Di Đà, vậy tôi phải Qui y với Phật A Di Đà chứ?
Lòng kính ngưỡng với tất cả các Phật đều có công đức lớn vô lượng vô biên.
Tuy nhiên, dù Quí Vị có tu theo pháp môn nào đi nữa, thì cũng đều Qui Y với Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni hết.
Điều này cũng giống như khi tôi nói :
Này Quí Vị hãy nên hiếu thảo với cha mẹ nhé !
Vài Vị sẽ hỏi rằng :
Hiếu với cha mẹ nào ạ ?
( Vì trong quá khứ, trong nhiều tiền kiếp chúng ta đã từng có rất nhiều cha mẹ ).
Cha mẹ lúc kiếp ở Mỹ, hay lúc ở Campuchia,….
Do đó, theo đúng lý, là Quí Vị hãy hiếu thảo với cha mẹ hiện tại, tức người đã sinh ra và nuôi lớn Quí Vị ở kiếp hiện tại này, mới đúng lý, mới hợp lý, hợp đạo.
Bài cũng đã dài, thôi tôi chúc Quí Vị nhiều an lạc.
Nếu có thắc mắc gì, thì hãy để lại bình luận bên dưới.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày –
Suy nghiệm bốn đặc tính của thế gian
Bốn tính chất của thế gian đó là Vô Thường, Khổ, Bất Tịnh và Vô Ngã.
* Vô Thường :
Thế nào là vô thường?
Vô thường nghĩa là mọi vật, mọi sự trên thế gian, thậm chí cả những tâm niệm trong tâm ta. Chúng không thường hằng cố định, mà luôn biến động thay đổi.
Ví dụ :
Cái áo ta mới mua tuần trước, về mặc và giặt vài ngày. Giờ đây đã trở nên cũ kĩ hơn, màu sắc không còn mới nữa. Ta thấy cái áo đang bị vô thường chi phối.
Hay một ví dụ khác :
Một đôi trai gái trẻ đang yêu nhau thấm thiết hạnh phúc. Bỗng một sáng nọ, anh bạn đang đi làm và bị tai nạn giao thông mà mất đi. Thế là sự hạnh phúc mới hôm qua, nay vì vô thường của kiếp người, sự mong manh giả tạm. Đã biến thành nỗi đau khổ.
Niềm hạnh phúc không bền, không cố định mà thay vào đó là sự đau khổ.
* Khổ :
Vì vô thường nên có đau khổ. Đây là một tính chất thứ hai của thế gian.
Ví dụ :
Ở trên ta cũng thấy được hai ví dụ :
Chiếc áo ta mới mua hôm nào, ta trân trọng, trân quý, và hay mặc. Vài năm sau, khi chúng cũ kĩ , ta chẳng còn yêu quý nữa, nếu chiếc áo đó mà giá trị đắc tiền. Nếu chúng vô thường mà mất đi, thì ta cũng sẽ đau khổ. Ở đây vì vô thường nên sinh khổ.
Và cũng tương tự như chuyện đôi yêu nhau như trên. Hay một gia đình nào khác đang yên ấm. Nhưng nếu bỗng chốc một thành viên trong gia đình mất đi. Thì niềm hạnh phúc bao lâu nay, sẽ thay thế bằng sự đau khổ.
Ở đây, cũng vì tính chất vô thường thay đổi mà sinh ra đau khổ.
* Bất tịnh :
Bất tịnh là một tính chất thứ ba của thế gian.
Thân ta là vật bất tịnh.
Từ những thành phần cấu tạo nên thân như da, thịt, gân , xương, máu, mũ, tóc, móng, …rồi lại thải ra toàn những thứ hôi thối như phân, nước tiểu, mồ hôi, đàm, nước bọt, gèn,….
Nên thân ta là đồ bất tịnh.
Vậy mà ta cứ cho chúng là đẹp, các trẻ yêu nhau, khen :
Ôi, bạn đẹp quá !
Hay , ôi, em đẹp quá !
Nhưng nếu ta quan sát thật thấu đáo, thì thân thể là đồ dơ dáy và bất tịnh.
Nếu không tin, ta thử đừng tắm trong hai tháng xem sao.
Hay khi thân bị mất, hay chết đi, sự thối rửa xảy ra. Thử hỏi ta có dám gần và còn khen đẹp không.
* Vô Ngã :
Mọi sự mọi vật trên thế gian, chúng không có tự thể cố định. Nghĩa là không có một cái ngã cố định. Mà do duyên hợp của nhiều yếu tố hợp thành.
Ví dụ :
Một căn nhà.
Để hình thành một căn nhà, phải có sắt, đá, đất, nước, xi măng ,…và bàn tay của người thợ xây dựng. Mới có thể làm nên ngôi nhà. Ở đây ngôi nhà chính là duyên hợp của nhiều yếu tố.
Hay ví dụ khác :
Một cuộc vui.
Ta đi dự một buổi tiệc hội ngộ của những người bạn học năm nào. Bao nhiêu năm không gặp, nay hội ngộ. Ôi, vui quá, ta ôn lại kỉ niệm năm nào, hàn huyên tâm sự.
Ta thấy cuộc tâm giao này là duyên hợp của những người bạn. Nếu không có sự tụ hợp, thì cuộc tâm tình không xảy ra.
Ví dụ khác :
Thân tâm ta .
Chúng cũng không có tự thể, mà do duyên hợp của tứ đại và năm uẩn hợp thành.
Và nếu ai suy nghiệm sâu xa , chứng được thân tâm không thực thể, do duyên hợp, không có một cái ngã cố định.
Người này Chứng được cảnh giới A La Hán, giải thoát.
Bốn đặc tính trên đây, nếu ta chiêm nghiệm sâu xa. Sẽ làm cho tâm từ bi phát triển, chân lý dần hiển bày, khoảng cách của ta với sự giác ngộ sẽ gần lại.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Cư Sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày –
Cần làm gì tiếp theo
Có một người huynh đệ hỏi :
Con đã thọ năm giới, có pháp danh, giờ phải làm gì tiếp theo trong lộ trình tu tập?
Đây là câu hỏi mà đọc đi đọc lại tôi thấy hay nên tôi sẽ viết một bài nhằm giúp người huynh đệ này có thêm kiến thức, sự định hướng để tu tập, tiến lên các mục tiêu cao hơn.
Việc chọn cho mình một Vị Thầy để ta Quy Y đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tu tập, cũng như sự tiến bộ của ta trong tâm linh.
Vị Thầy cần phải hội đủ rất nhiều yếu tố như phải là người thực hành tu chuyên sâu, có giới đức, giỏi về kiến thức Phật học, có trí tuệ,….
Nhưng hiện nay để tìm được một Vị như vậy cũng chẳng phải dễ dàng, vì Chân Tu rất khó tìm.
Sau khi quy y với Vị Thầy ta đã chọn xong, tốt nhất ta phải tu với Vị ấy ít nhất năm năm trước khi muốn học pháp với Vị khác.
(Thời gian này cũng không phải ít, do vậy nếu ta chọn không đúng Thầy thì đường tu của ta trở nên mất thời gian, thậm chí có thể nhiễm tà kiến và tu sai đường.
Do vậy, ta thấy các Bậc Tổ thời xưa rất kén khi chọn Thầy là vậy, họ phải đi cầu pháp rất nhiều nơi, nhằm tìm cho mình Bậc Chân Tu là vậy).
Khi tôi mới vào tu, mới gặp Phật Pháp, tôi có duyên may là gặp đúng một Vị duy nhất và tôi rất kính trọng Vị này. Người đã kèm tôi tu liên tục trong 4,5 năm. Trong thời gian này tôi đã học hỏi được rất nhiều.
Và sau này khi không còn duyên tu và làm Phật sự cùng Thầy nhưng tôi đã có vốn tư lương, tự biết mình sẽ đi như thế nào trong thời gian tới.
Nói đến đây cũng dài quá mà tôi chưa đi vào chủ đề chính rồi.
Sau khi có pháp danh, thọ năm giới, nếu Quí Vị không có duyên tu cùng một Vị chân tu nào đó để kèm Quí Vị.
Thì chỉ còn cách là Quí Vị tự tu một mình, nhưng cần xem coi xung quanh nơi mình ở có đạo tràng nào hay đi tụng kinh, lễ Phật, nếu thấy đúng pháp thì ta cũng nên theo cho có tập thể, có bạn đồng tu.
Tiếp đến cần chọn cho mình một pháp môn tu, một phương pháp hành trì, đây là bước rất quan trọng, quyết định sự thành bại của cả một đời tu.
Giới luật Quí Vị phải tuân thủ giữ suốt đời và khi kết hợp với thời khóa công phu cũng vậy, Quí Vị cũng hành trì suốt đời, chỉ có như vậy thì đạo nghiệp mới thăng tiến được.
Nếu Quí Vị chưa biết mình nên tu theo pháp môn nào thì nên hành trì tổng hợp.
Ví dụ mỗi ngày Quí Vị sẽ có thời để tụng kinh, có thời để tọa thiền, có thời để trì danh niệm Phật, có thời để trì chú, còn lễ Phật Quí Vị phải hành cả đời.
Khi hành trì tổng hợp các pháp môn như đã nói trên một thời gian. Quí Vị dần dần sẽ thấy mình có duyên với pháp môn này, rồi chuyên sâu vào pháp môn ấy.
Nhưng dù là pháp môn nào cũng cần nhắm đến mục tiêu là Vô Ngã, là Giác ngộ.
Chúc Quí Vị tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày –
Thời khóa công phu
(Chỉ dành cho người yêu thích việc tu chuyên sâu ).
Thời nay so với thời xưa, ta thấy ngày càng có ít người tu chứng, và nếu có thì số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì sao vậy ? Là vì ngày nay tu học người ta ít chú trọng vào việc giữ giới miên mật, cũng như công phu miên mật.
Sau khi quy y Phật, và nhận lãnh giới luật, phần còn lại hơn nhau ở chỗ hành trì.
Hãy chọn cho mình một pháp môn phù hợp với mình, phổ biến hiện nay có :
Thiền định, Trì danh hiệu Phật, và trì Thần chú.
Hãy xét từng phương pháp xem mình thích hợp với pháp môn nào.
Mục đích chính của các pháp môn trên chính là nhắm vào việc định cái tâm đang lăng xăng của chúng ta, giúp chúng đi vào quy cũ nề nếp, và ta kiểm soát chúng.
Nếu việc hành trì đúng, dần dần ta thấy mình càng sáng suốt, nhạy bén về trí tuệ, độ thông minh tăng lên, các lỗi lầm bị ta phát hiện ra càng lúc càng vi tế, không còn thô như lúc đầu.
Và ta phải đối diện với chúng, một cuộc đối đầu giữa thiện và ác.
Giới luật phải được ta suy xét hằng ngày, ta phải chuyên tâm vào việc giữ giới luật, khá nghiêm khắc với chính mình.
Lưu ý :
Thời khóa công phu phải chia ra nhiều thời trong ngày để duy trì trạng thái chánh niệm tỉnh giác liên tục, và thực hiện đều đặng theo năm tháng. Khi cơ duyên đến chỉ cần nghe một câu nói, một tiếng chuông ngân, tiếng tách trà rơi cũng làm ta khai ngộ.
Và lúc rãnh, hãy đọc thêm kinh điển, nghe giảng pháp, tham khảo những kinh nghiệm của các Bậc chân tu đi trước .
Mô Phật.
Cư Sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày –
TU CÁI Ý NGHĨ
Tu tập cái ý nghĩ là phần khó nhất trong việc tu.
Hôm trước tôi có nói sơ qua về tu thân và tu khẩu, nhưng thân và khẩu đều do cái ý nghĩ dẫn dắt.
Như trong kinh Pháp Cú Phật dạy :
« Ý làm chủ các Pháp »
Tôi không định viết về phần tu cái ý nghĩ này, vì cao quá sợ nhiều Vị tu chưa tới sẽ chán không muốn đọc.
Nhưng tôi lại suy nghĩ, nhưng cũng có nhiều Vị có căn cơ cao, nếu họ có duyên đọc được để ứng dụng vào tu thì cũng có thể họ sẽ tiến đạo rất xa, thậm chí có thể đắc đạo.
Vậy thì tại sao mình lại không viết chứ.
Muốn tu tập, uốn nắn cái ý nghĩ chính mình thì Quí Vị cần phải thấy được các ý nghĩ, thấy được từng ý niệm trong đầu mình đang khởi nghĩ lên.
Có thể là ý niệm vu vơ, vô định hướng, hay cũng có thể là những ý nghĩ do Quí Vị chủ động tác ý tạo ra.
Ví dụ như :
Khi tới giờ ăn trưa, cái bụng Quí Vị đang đói cồn cào, ngay lúc đó cái đầu Quí Vị suy nghĩ :
« Ôi giờ này mà có một phần cơm canh chua ăn thì ngon biết mấy ».
Vậy thì cái ý niệm vừa rồi đã khởi lên, do sự tác động hỗ trợ của cái bụng đói.
Nếu Quí Vị là người có tu chuyên sâu, Quí Vị sẽ phản ứng khác với người không tu.
Phản ứng của người không tu :
Anh ta lập tức thu xếp công việc, rồi vội đi ra chợ mua đồ nấu canh chua về nấu ăn cho sướng cái miệng, cho no cái bụng.
Nhưng ngược lại, phản ứng của người có tu, người có thực tập chánh niệm :
Anh ta nghĩ :
Ủa, hình như ta đang tham ăn ngon, nếu chiều theo là ta đang bị cái ngon dẫn dắt.
Thôi, ta không làm theo ý của ngươi, ngươi thèm ăn canh chua.
Giờ ta ăn cơm chay với đậu hủ kho.
Rõ ràng ta nhận thấy một sự khác biệt rất rõ giữa hai người là một người chiều theo suy nghĩ, không thấy suy nghĩ, còn một người thấy suy nghĩ và không chạy theo suy nghĩ.
Vậy cái sự thấy biết suy nghĩ này do đâu mà hiện diện rõ ở người có tu ?
Đó là do người có tu, họ có sự thực tập tu trong các thời khóa tọa thiền, các thời khóa thực hành chánh niệm.
Khi vào thời khóa, giữa sự tĩnh lặng của không gian, người tu cẩn thận ngồi quan sát thân tâm. Đây là thời khóa rất thù thắng, vì Quí Vị đâu có làm gì để phân tâm, Quí Vị có rất nhiều thời gian để soi gương, để phản quang, nhìn lại chính mình.
(Phần thực hành cụ thể tôi đã viết các bài hôm trước rồi).
Khi sức tĩnh giác của Quí Vị càng cao thì Quí Vị sẽ thấu càng rõ được cái tâm của chính mình.
Nếu đủ duyên, trong giai đoạn theo dõi cái tâm, quán sát cái tâm này mà nhiều Vị có thể khai ngộ chứ không phải không.
Đây là một sự thật mà ít người biết đến.
Khi xưa một Thiền Sư Thái Lan, sau khi học qua cơ bản Phật Học. Tới phần ứng dụng tu, Vị Thiền Sư quyết định vào núi ẩn tu.
Nhưng trước khi đi, Sư Phụ Ngài dặn một câu duy nhất là :
« Con hãy bám sát chặt chẽ cái suy nghĩ của chính mình mà tu ».
Khi vào rừng, Vị Thiền Sư Thái miên mật trong pháp tu quán tâm. Vậy mà Ngài chứng được quả Vị A La Hán luôn trong rừng.
Trở thành Vị Thiền Sư đắc đạo khá nổi tiếng của Thái Lan trong thời hiện đại.
Vậy còn tôi và Quí Vị, tại sao chúng ta không tích cực hành trì, để có thể mong có ngày trúng tuyển vào Ngôi Trường Phật Pháp Pháp Giới.
Tôi tin rằng :« Có đi, đi đúng hướng, đi đúng cách thì sẽ có ngày tới nơi ».
Chúc Quí Vị luôn tinh tấn.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày
Hình thức và nội dung
Hình thức là gì ?
Là cái biểu hiện ra bên ngoài ta dễ nhìn thấy. Với con người, hình thức là thân thể vóc dáng, giọng nói tướng đi, cách ăn mặc,…
Vậy nội dung là gì ?
Nội dung là cái ẩn dấu bên trong, ta khó nhìn thấy hơn. Với con người, nội dung là tâm tư tính cách tình cảm suy nghĩ, tính toán, phân biệt (từ chuyên môn gọi là Thọ, Tưởng, Hành, Thức và cái Biết ).
Tại sao hôm nay mình lại nói đến vấn đề này?
Sáng hôm nay, tình cờ mình có nói chuyện với một anh bạn. Anh này cũng yêu thích việc tu hành, tuy nhiên anh chỉ chú trọng vào cái tâm, cái nội dung tốt tủy bên trong mà anh lại bỏ quên, không quan trọng hình thức bên ngoài.
Ta biết, đạo Phật rất chú trọng ở cái tâm, cái gốc bên trong. Tuy nhiên người khéo thì họ sẽ giữ cả cái gốc là cái tâm tu bên trong và cả cái hình thức biểu hiện ra bên ngoài.
Đây chính là lý trung đạo.
Vì sao vậy?
Vì cái hình thức mà ta giữ gìn khi đang tu như nói năng từ tốn, đi đứng, cử chỉ, việc làm hành động hằng ngày, đăng hình ảnh, đặt ảnh đại diện trang nghiêm, lịch sự, hợp văn hóa người tu. Để một người bất kì họ nhìn vào họ có cảm tình, họ nể phục vì có cảm tình nên người ta mới quý, mới thích theo con đường tu tập, mới học theo và sửa đổi tâm tính họ.
Với một người đạt đạo chứng Thánh, thì các Ngài làm gì, hành tung của các Ngài thì phàm phu như chúng ta sẽ không thể biết được. Như Hòa thượng Tế Công chẳng hạn, tuy bề ngoài Ngài có vẻ ngây ngô, nhưng bên trong Ngài là Vị Thánh tăng A La Hán (Ngài ngây ngô, chỉ để dấu mình, ẩn mình).
Còn với chúng ta, khi ta chưa đạt đạo, thì nhiều khi cái hình thức, cũng phần nào nói lên được phẩm chất đạo đức, tính cách sở thích, và nghiệp của ta như thế nào. Vì cái thể hiện ra bên ngoài là do suy nghĩ bên trong đưa ra.
Do đó, ta cần hết sức khéo léo vừa tu tâm mà cũng vừa tu thân. Kết hợp giữa hình thức và nội dung một cách hài hòa hợp lý, thì đây là điều rất đáng quý.
Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát.
Cư Sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày –
Hai sự tham cầu
Nếu nói đến hai sự tham cầu chính trong việc tu tập, thì theo quý vị đó là hai sự gì?
Theo tôi đó là sự tham cầu phước báu, và sự mong cầu giải thoát.
Phần lớn những người Phật tử tại gia đi chùa đa phần chỉ để tham cầu phước báu cho tự thân và cho những người quyến thuộc của họ.
Còn những người tu hành, mà thật sự mong cầu giải thoát thì rất hiếm, ít có.
Không biết các vị hiện đang đọc bài đây thuộc trường hợp nào?
- Nhiều người sẽ trả lời là : Họ chỉ mong cầu phước báu.
- Còn một số vị khác thì trả lời rằng : Họ không mong cầu phước báu mà chỉ mong cầu giải thoát.
Vậy sự mong cầu nào mới là chính đáng, mới là đầy đủ đây?
Theo tôi thì quý vị nên mong cầu cả hai.
Vì nếu chỉ có phước báu hữu lậu, mà không ráng tu tập để cầu giải thoát, thì dù có được vinh quang như sinh lên cõi trời, hay làm những người giàu có,….. hưởng phước một thời gian thì cũng sẽ hết và rớt xuống trở lại.
Sau đó lại tiếp tục trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi sinh tử, đau khổ.
Nhưng nếu chỉ mong cầu giải thoát, mà không có phước hữu lậu, thì đời tu sẽ vô cùng cực khổ, thiếu thốn đủ bề, rất khó tu, tâm khó an…..
Do vậy người có được cả hai sẽ là hoàn hảo nhất.
Vì khi dồi dào về phước báu hữu lậu, thì tâm sẽ rất an, nếu ta biết lợi dụng để tu tập các pháp môn giải thoát, thì rất dễ tiến đạo, đắc đạo.
Khi tôi đề cập đến vấn đề tu giải thoát, thì một số vị tu Tịnh Độ nói rằng :
Họ chỉ mong cầu về Tây Phương Cực Lạc, chứ không mong cầu giải thoát.
Nói vậy là người ấy không hiểu cõi Cực Lạc rồi.
Về được cõi Cực Lạc cũng chính là đã giải thoát rồi, chứ còn gì nữa.
Vì chưa giải thoát thì làm sao có Cực Lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>>> Tìm hiểu thêm tại: Tu học mỗi ngày trên Ô-Hay.Vn
Nói Hay Im Lặng
“Nói là bản năng, Im lặng là bản lĩnh “
Giữa nói và im lặng đó là cả một nghệ thuật khi giao tiếp cũng trí tuệ của một con người.
Người nói nhiều mà không có trí thì bị gọi là kẻ ba hoa lắm lời.
Lời nói nhiều mà nói chuyện không đâu vào đâu thì lời nói của ta ít được người xem trọng và bị coi thường.
Trong gia đình nếu cha mẹ nói nhiều quá, mà không im lặng thì rất khó dạy con cái.
Vậy người tu hành có nên nói nhiều không?
Câu trả lời là không nên nếu không cần thiết.
Khi ta nói quá nhiều, thì ta rất khó mà kiểm soát được những lời ta thốt ra.
Ông bà ta hay dạy : “Trước khi nói, hãy uốn lưỡi bảy lần” là vậy.
Có những điều khi làm sai rồi ta có thể sửa chữa. Tuy nhiên, lời đã nói ra khó mà hốt lại được.
Do đó ta phải hết sức cân nhắc, thận trọng lời nói.
Vậy người tu hành phải im lặng phải không?
Cũng có lúc phải dùng lời nói như để giảng pháp, hay khuyên lời đạo lý cho ai đó thì ta mới nói nhiều. Còn thường thì ta nên im lặng.
Nhiều Vị Thiền sư có biệt danh là “Người im lặng sấm sét”
Vì sự im lặng của các Ngài vừa trầm vừa hùng dũng mà uy nghiêm, có thể làm người đối diện phải tôn kính và nể phục và quy ngưỡng.
Thật vậy, khi ta im lặng, với một khuôn mặt an tĩnh, an lạc và điềm đạm thì mới thể hiện được biểu tướng của người tu hành.
Hơn nữa , khi ta biết im lặng thì ta mới có thể có nhiều thời gian để lắng nghe người khác nói. Từ việc nghe, ta mới thấu hiểu và thông cảm.
Từ đó các mối quan hệ được duy trì, tránh được sự bất đồng, hay không vừa ý, hay tranh cãi.
Có câu :
Lời nói là bạc, im lặng là vàng.
Do đó, với người tu hành, ta nên tập sự im lặng, im lặng hùng tráng, vừa tránh tạo khẩu nghiệp, cũng vừa giữ được nét trang nghiêm, thanh tịnh.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Cư Sĩ Nhuận Hòa
Ăn mặn trực tiếp và ăn mặn gián tiếp
Bài viết này chỉ dành cho hàng Phật tử đang tu tại gia.
Khi phát tâm tu theo Phật, ai cũng được khuyến khích ăn chay trường. Tuy nhiên không phải ai cũng làm được điều này. Và nghĩa là vẫn còn rất nhiều Phật tử ăn mặn.
Vậy ăn mặn như thế nào để được tính là không phạm giới? Vẫn giữ được giới thứ nhất là «Không sát sinh », trong năm giới của người tu tại nhà.
* Thế nào được gọi là ăn mặn trực tiếp ?
Nghĩa là các con vật như gà, vịt, cá, tôm, cua,…..đang còn sống vậy. Và ta đến và bắt chúng và giết chúng trực tiếp, hoặc bảo người khác giết. Để lấy phần thịt từ những con vật đó để cho ta ăn.
Thì ta ăn con vật đó được tính là ăn mặn trực tiếp và bị phạm giới sát sinh.
* Vậy thế nào được gọi là ăn mặn gián tiếp ?
Ví dụ :
Ta đi ra bờ biển dạo chơi, thấy con cá bị chết ở ngoài khơi trôi vào. Và ta bắt về nấu ăn, vậy ăn con cá này được tính là ăn mặn gián tiếp, vì vật đã chết rồi, nếu không ăn thì cũng phân hủy, ta ăn lại có dinh dưỡng, và ta làm việc tốt.
Lúc này con cá chết lại vô tình bố thí thân mạng. Cá cũng có phước, người ăn làm việc tốt cũng có phước.
Ăn mặn gián tiếp như trường hợp trên ta thấy không bị phạm giới sát sinh. Vì vật đã chết rồi.
Tương tự trường hợp trên, những người tu tại gia còn có thể ăn được những con vật chết rồi mà khuất mắt ta không thấy như sau :
Khi ta vào chợ :
Cá được đánh bắt từ ngoài khơi, đã chết hồi nào. Người Phật tử mua ăn, lúc này vẫn được tính là không phạm giới sát. Nhưng nếu ta tham ăn, mua quá nhiều, ăn cho thả ga thì lại phạm giới tham ăn. Làm tâm từ bị tổn hại, phước có suy tổn.
Và một trường hợp khuất mặt mà ta không được ăn là:
Ta đi lâu xa về, gia đình thấy thương nói: Để Ba mẹ xuống bắt con heo, con gà làm thịt tẩm bổ cho con nha?
Khi nghe vậy, ta nói dạ. Vậy là, con vật chết có sự can thiệt của ta, vì sự có mặt về nhà của ta mà vật bị giết.
Con vật này ta ăn bị tính là phạm giới sát sinh.
Tóm lại :
Ta phải rất khéo léo, quan sát rất kĩ lưỡng trước khi ăn. Đặc biệt là những trường hợp đi ăn hải sản tươi sống, ta rất dễ bị phạm giới.
Ta chỉ được ăn những con vật đã chết rồi, mặn gián tiếp, sẽ không phạm giới.
Tuy nhiên, ăn mặn gián tiếp cũng chỉ là giải pháp tạm thời, chữa cháy. Hằng tháng ta cần tập ăn chay 2 ngày, 4 ngày, 6 ngày, 10 ngày, hay ăn cả tháng với các ngày rằm lớn, ngày đại lễ. Để học hạnh từ bi, thương vật, tập tâm bình đẳng, gieo trồng nhân giải thoát.
Và khi các duyên trong đời sống thuận lợi, việc tu có tiến lên thêm, thì ta nên chuyển sang ăn chay trường hoàn toàn thì sẽ rất tốt. Giúp đạo hạnh ta được thành tựu viên mãn.
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.
Cư Sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày
Học Pháp cần phải tư duy
Tôi thấy có rất nhiều vị hằng ngày cũng hay nghe những bài giảng Phật Pháp, và cũng có đọc những bài pháp mà tôi và một số người khác hay đăng lên Facebook.
Thế nhưng, nhiều vị đọc thì đọc nhưng không có nhớ, cũng không chịu tư duy, không có chiêm nghiệm để rút ra những ý chính hay, trọng tâm của bài pháp.
Đây là một điều thiếu sót rất lớn, mà quý vị cần phải nên rút kinh nghiệm.
Vì khi đọc một bài pháp, mà Quý vị không chịu tư duy, thì sao có thể biết được nó là nói đúng chánh pháp hay không đúng chánh pháp ?
Lỡ người ta viết sai thì sao ?
Do đó mình phải có sự nhìn nhận, có sự phân tích tư duy đánh giá cho kĩ.
Điều này không những giúp quý vị ngày càng sáng tỏ hơn trong việc hiểu lời Phật dạy.
Từ đó áp dụng vào việc thực hành mới có thể chính xác, mới đem lại nhiều lợi ích thiết thực.
Không những thế, nó còn giúp quý vị có con mắt trạch pháp nhãn, có thể tự phân biệt được đâu là điều đúng đâu là điều sai.
Để không bị lầm đường lạc lối, khi nghe những lời dạy không chính xác của ai đó, và ta biết mà tránh né.
Hơn nữa, còn phải chỉ dạy lại những người khác có duyên với mình, nhưng chưa biết tu.
Chứ nếu quý vị còn chưa sáng tỏ, còn hiểu sai thì sao có thể hướng dẫn người khác tu hành đúng pháp được.
Do vậy việc tư duy khi đọc hay nghe những lời Phật dạy, đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giúp quý vị sáng tỏ về Đạo Pháp.
Quý vị đọc 10 bài nhưng chẳng tư duy, không bằng đọc một bài, nhưng đọc thật chậm, nghiên cứu và tư duy cho thật kĩ, điều ấy sẽ có lợi hơn.
Tôi thì thường có thói quen mỗi khi đọc pháp hay nghe giảng, đều lựa nơi vắng vẻ, yên tĩnh để đọc để nghe, rồi khi nghe khi đọc, tôi xem rất chậm và tư duy rất kĩ.
Từ đó mới sáng tỏ được hơn về những đạo lý, mới biết được những người nào đang nói sai hay hiểu sai giáo lý.
Lại còn tự rút ra những kinh nghiệm tu tập riêng phù hợp với căn cơ của mình.
Tóm lại quý vị cần phải nhớ nhé :
” Khi đọc một bài pháp nào đó hay khi nghe giảng pháp cần phải tư duy, phải phân tích, ghi nhớ “.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA NHỮNG NGƯỜI TU
CŨNG ĂN, CŨNG TỤNG, CŨNG NGHE, CŨNG NIỆM
Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu một đề tài mới nghe qua thì có thể sẽ thấy hơi lạ.
Tôi có thể ghi lại đầy đủ như sau :
Tại sao có những người tu, hằng ngày họ cũng ăn chay, cũng tụng kinh, cũng niệm Phật, cũng nghe thuyết pháp,…
Nhưng công đức và phước báu của họ thì hơn người khác.
Những người khác họ cũng ăn chay, cũng tụng, cũng nghe và cũng niệm.
Tại sao lại có sự khác biệt công đức như thế ?
Theo tôi thì,
nguyên nhân tạo nên sự khác biệt này nằm ở chỗ :
Thứ nhất : Về mặt ăn chay
Tôi sẽ so sánh một hình ảnh là con bò ăn cỏ và một người biết tu ăn chay.
Nhiều người cho rằng bò ăn cỏ là ăn chay, nhưng thật ra không phải.
Bò ăn cỏ là vì bò mang nghiệp nên ăn cỏ, sinh ra là chỉ ăn những thứ rơm rạ, cỏ…nhưng phải làm việc nặng….
Hơn nữa, việc ăn cỏ của bò, nó không xuất phát từ trí tuệ, từ lòng từ bi thương chúng sinh mà ăn.
Nên việc ăn cỏ của bò không tính là ăn chay.
Cũng vậy, nếu một người ăn chay mà tâm không phát khởi được tâm từ, không thương yêu những con vật khi phải bị nỗi khổ mất mạng.
Thì việc ăn chay ấy sẽ ít mang lại công đức hơn, sẽ thua một người ăn mà động cơ thúc đẩy họ là tâm từ bi thương yêu chúng sinh.
Thứ hai : Về mặt tụng kinh
Ta có thể so sánh hình ảnh con vẹt đọc theo lời kinh, và Bậc Tu Hành thông đạt nghĩa lý khi tụng kinh.
Cả hai khi cùng tụng, đọc thì người tu sẽ tạo ra công đức, lợi ích nhiều hơn.
Vì người tu hiểu được nghĩa lý, sau đó áp dụng, thực hành để chuyển hoá thân tâm, tạo ra quả lành sau đó.
Trong khi đó, con vẹt chỉ mới gieo duyên với Tam Bảo, vì vẹt đọc nhưng không hiểu gì.
Do đó, có thể nói sự khác biệt giữa hai người tụng kinh, là một người hiểu được sâu sắc ý nghĩa kinh, sau đó áp dụng vào thực hành, trong khi đó người kia thì không thể làm điều ấy.
Đây là lý do tạo nên sự khác biệt giữa hai người cùng tụng kinh.
Hai phần tiếp theo nữa là :
Thứ ba : Cùng nghe pháp
Sự khác biệt nào của hai người khi cùng nghe thuyết pháp ?
Với căn cơ sai khác, trình độ tu, cũng như công đức không đồng.
Người căn cơ cao, khi nghe pháp, tâm như chấn động, ngộ ra rất nhiều điều.
Thậm chí một số Vị nhân duyên giác ngộ đã tới, lúc nghe pháp có thể bừng ngộ, đắc đạo luôn.
Trong khi ấy, người căn cơ, thiện căn thấp hơn, thì nghe không hiểu gì, thậm chí một số nghe mà tâm thấy chán, buồn ngủ, muốn bỏ đi sớm.
Đây chính là sự sai khác của hai người khi cùng nghe thuyết pháp.
Thứ tư là : Cùng niệm Phật
Tôi cũng lấy lại hình ảnh con vẹt niệm Phật và người niệm Phật.
Vẹt đọc danh hiệu Phật mà tâm không hiểu gì, cũng chẳng biết tôn kính Phật, và cũng không biết cách nào để khống chế vọng tưởng, cũng không biết thiết lập chánh niệm, hay duy trì sự tĩnh giác,….
Chỉ đọc một cách máy móc và thiếu sự tư duy….
Niệm như con vẹt thì chỉ gieo duyên lành với Tam Bảo để tái sinh thành người qua những kiếp sau, gặp lại Phật Pháp thì mới có thể tu hành được.
Cũng giống như thế, sự khác biệt giữa hai người cùng niệm Phật.
Một người sau khi mất vãng sinh về cảnh giới cao, trong khi người kia chỉ làm ma bình thường.
Khác biệt ở chỗ, một người biết cách niệm, còn người kia không biết cách, như hình ảnh con vẹt ở trên.
Vấn đề niệm Phật đúng, tôi đã viết trong những bài về cách niệm Phật rồi, nên sẽ không lặp lại đây nữa.
Chúc Quý Vị có một buổi tối nhiều an lạc.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
NGƯỜI CHỈ GIỎI NÓI
Mấy hôm trước tôi có duyên quen biết được một người.
Người này mới nhìn sơ qua bên ngoài tôi cứ nghĩ chắc là tu hành tinh tấn lắm.
Vì tôi thấy Vị ấy mỗi ngày đều đăng bài về Phật Pháp và hay khuyên người tu hành thế này, thế này….
Thế nhưng khi tôi có duyên gặp trực tiếp và nói chuyện,
thì tôi mới nhận ra người này nói thì giỏi nhưng không làm được nhiêu.
Và khi tôi đề cập đến các lỗi tu hiện tại đang mắc phải, thì tôi thấy người này cố lảng tránh, không muốn nghe, …..
Không biết Quý Vị có giống người tôi kể đây không, chứ tu như vậy là sẽ không có kết quả mấy đâu.
Mà Phật hay dùng những ví dụ cho những người tu này như :
Kẻ làm thuê chăn bò cho người, lợi ích không bao nhiêu.
Hay người đếm tiền cho người, tiền thấy thì nhiều nhưng là tiền của khác, còn mình hưởng lợi không là bao.
Hoặc một ví dụ nữa Phật cũng hay dùng, đó là :
Cái muỗng và mùi vị của nước canh.
Muỗng là muỗng, canh là canh, muỗng chẳng thể nào biết được mùi vị của nước canh ra thế nào. Như canh mặn hay ngọt, chua hay không chua, ….muỗng chẳng thể nào biết được.
Điều này nói lên, người tu hành mà không chịu thực hành giáo pháp thì sẽ không hưởng lợi được từ giáo pháp.
Và cũng chẳng thể nào hiểu được mùi vị về sự trải nghiệm trong giáo pháp. Như thế nào là phước báu trổ ra, an lạc là gì, khinh an là gì, nhập định ra sao, ….
Đó là chưa kể những cảnh giới thần thông cao siêu hơn như tha tâm thông, thần túc thông,…..
thì sẽ không thể nào biết được.
Trở lại với người tôi nói ở đầu bài :
Khi tôi hỏi Vị ấy: tu vậy có ăn chay không?
Vị ấy nói: tháng ăn có một ngày.
Tôi hỏi: sao ăn ít thế?
Vị này cho là do người nấu ăn thế này, nọ, không tốt cho sức khoẻ…..
Còn làm phước thì thế nào?
Tôi thấy người này cũng không có làm phước, tiền làm ra để cho nguyên chứ không dám bỏ ra.
Vậy còn công phu tu hành trong các thời khoá như niệm Phật, trì chú hay thiền định thì người này cũng không có hành trì.
Ba pháp tu rất cơ bản vậy mà Quý Vị không hành trì thì sao có thể mang lại kết quả được.
Giống như :
Quý Vị có một mình rồi sống trên một hòn đảo không người.
Lửa, gạo, rau, nồi,….tất cả đều có đủ, mà Quý Vị không chịu nấu thì sao có cơm mà ăn.
Do đó, thực hành trong việc tu rất là quan trọng.
Quý Vị nói một mà làm một còn lợi ích hơn nhiều, so với Quý Vị nói mười mà làm không.
Hãy luôn nhớ điều này.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
SỰ KÍN ĐÁO LÀ ĐIỀU RẤT CẦN THIẾT
Giấu kín việc tu hành là điều rất cần thiết đối với từng cá nhân mỗi người tu.
Hôm trước có nhiều bạn hỏi tôi là
Gia đình con không cho ăn chay, không cho tụng kinh inh ỏi.
Và giờ con nghe theo, con không ăn chay nữa, cũng không tụng kinh nữa.
Nhưng điều đó đã làm con rất khó chịu trong lòng, vậy giờ con phải làm sao?
Tôi cho rằng, bạn này đã không biết khéo léo và uyển chuyển trong tu hành rồi.
Quý Vị nhớ năm xưa khi Ngài Lục Tổ, lúc Ngài còn là cư sĩ, và khi sống trong nhóm người thợ săn, Ngài đã ăn rau bên thịt.
Ăn rau bên thịt là sao?
Nghĩa là người ta chiên nấu, xào, canh,… mà có trộn thịt và rau, thì khi ăn ta cứ gắp rau củ mà ăn, không ăn thịt, mặc dù nước hơi dính mặn chút, nhưng không sao.
Rõ ràng tâm Quý Vị lúc ấy đã ăn chay, đang thanh tịnh, vì mình không tham muốn ăn.
Đây là trường hợp ta áp dụng khi mình bị đặt trong những tình huống mà không có sự lựa chọn nào khác, như ăn để sống tạm qua giai đoạn đó vậy.
Nên quan trọng nhất là cái Tâm lúc đó của Quý Vị như thế nào thôi.
Tôi muốn tu, tâm tôi tu, thì người bên ngoài sao biết được, người khác chỉ cản mình bên ngoài, chứ sao họ có thể cản được trong tâm Quý Vị, những suy nghĩ và quyết định trong tâm thì chỉ mình mới biết, Phật biết, chứ người phàm bên ngoài không thể biết được.
Còn việc tụng kinh thì thế nào?
Cốt yếu của việc tụng kinh chính là để nắm bắt kinh điển, giúp chúng ta ôn luyện lại lời Phật dạy, giúp hiểu nghĩa lý mà không quên.
Ngày nay chúng ta cũng có rất nhiều cách để học kinh Phật, ôn lại hoặc nghe để mở mang thêm kiến thức Phật Pháp.
Như nghe các Quý Thầy giảng, nghe kinh qua người khác đọc….
Chỉ cần một mình, ở một nơi vắng, một chiếc điện thoại mở phát loa ngoài, hoặc đeo dây phone thì ta nghe kinh thoải mái, mà chẳng có ai biết mà làm phiền đến ta.
Còn việc công phu thì thế nào?
Như tu tập để phát triển tâm định, sức định, sự an tĩnh tâm, phát triển trí tuệ,….v…v….
Năm xưa khi Sư Phụ tôi đi du hành cùng một nhóm các Vị Tăng khác.
Khi rãnh, Ngài thường tìm cái góc nào kín kín, và Ngài chui vào ấy ngồi thiền, dụng công.
Hoặc nếu đến nơi nào mà có căn phòng bỏ hoang, nhà kho,… thì Ngài vào ấy mà thiền hành, thiền tọa.
Ngài tu như vậy, cứ âm thầm kín đáo và kiên trì vậy mà tới lúc ngộ đạo luôn.
Đây là một kinh nghiệm tu rất Quý để chúng ta học theo.
Và tôi cũng noi theo gương Thầy tôi như thế, cứ âm thầm, giả ngu, giả điếc mà tu, ai nói gì kệ họ, miễn mình biết cái mình đang làm là chính đáng, là điều tốt, điều hay, là niềm đam mê và lý tưởng,… thì chúng ta cứ vậy mà đi thôi.
Do đó, cái chính không phải tại hoàn cảnh bên ngoài, mà yếu tố quyết định chính là ở Quý Vị, ở khả năng mình kiên trì, chịu khó và cố gắng tới đâu mà thôi Quý Vị ạ.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>>> Xem thêm tại: Tu học mỗi ngày trên Ô-Hay.Vn
FB Tu học mỗi ngày –