Con chim có muốn ở trong lồng? Con cá có muốn bơi trong bể?
Đọc để hiểu thêm về những người sống quanh mình, những tâm tư tình cảm của họ mà không thể đo đếm bằng vật chất như nhiều người nghĩ.
Với người có tâm hồn, việc nhốt họ trong những bức tường ngột ngạt ở đô thị, dù nó sang trọng cỡ nào đi nữa, thì cũng như con chim ở trong lồng sơn son thiếp vàng ngày xưa, cũng như con cá bơi trong bể vàng chậu ngọc, nhưng con chim ấy, con cá ấy nào có hạnh phúc gì. Cái con chim cần là về với trời xanh, cái con cá cần là bơi ra sông ra suối, dù ở đó có đục có trong, có ngày no ngày đói….
Một bài viết nhẹ nhàng cho ngày cuối tuần.
Tony Buổi Sáng
Tâm sự của một cô trên báo Nông nghiệp Việt Nam, tờ báo mà mình hay đọc.
“Kính gửi chị Dạ Hương,
Em từng có công việc ở huyện nhà và đã về hưu mấy năm nay, đồng lương hưu không đến nỗi. Em có hai con gái, ăn học đến nơi đến chốn và đã có gia đình riêng ở thành phố. Em góa chồng năm chồng em 53 còn em 49 chị ạ. Không tin tâm linh cũng không được. Em đã nuôi con một mình và vẫn một mình từ khi gả cưới các con đến giờ. Nhà em ở xa huyện thị, hồi ấy, em vẫn đi xe máy mỗi ngày để đến cơ quan.
Khi chồng mất, các con khi ấy đứa thì còn đại học, đứa đã đi làm và đang có người yêu, em vẫn sống với căn nhà nhỏ giữa khu vườn nhỏ này. Chồng em bị tai nạn chết bất đắc kỳ tử, không để lại gì ngoài căn nhà kỷ niệm chị ạ.
Xóm thôn vẫn yên bình và có khá dần lên. Mười năm nhìn lại thấy rõ, từ ngày góa năm 49 tuổi, giờ em đã 59 rồi. Vấn đề là chung quanh nhiều nhà có lực họ xây lên hai ba tầng rất hoành tráng. Các con em cứ bảo, mẹ ơi, bán nhà bán đất theo con đi mẹ. Nhưng em nghĩ khác. Nhà ở xã nhưng đã thành mặt tiền huyện lộ, bê tông khang trang, ô tô nườm nượp. Em thấy vận hội mà sao các con vẫn không thấy?
Là vì chị ạ, chúng nó là con gái, chồng con của chúng là cuộc sống và cuộc đời của nó, em không phải người thừa nhưng em thấy ở đây là thần tiên mà. Lương hưu đều đều, sống chẳng tốn mấy, nhà của mình vườn của mình, sao em lại phải theo con, đúng không chị? Khi mẹ già yếu thì sao, chúng chất vấn. Em nói cứng, thì cứ như thế này, hàng xóm, bà con, họ hàng, bên bố bên mẹ, muốn thuê người nhờ người đâu có khó.
Thế đấy chị. Mười năm nữa sẽ xấp xỉ 70, khi ấy hẵng tính, chị nhỉ?
Trả lời:
Bắt đầu có một khuynh hướng di dân ngược em ạ. Là sao? Là dân thành thị đổ về thôn quê. Thế giới đã có hiện tượng đó. Để sống chậm. Và đại dịch COVID đang thức tỉnh con người khắp năm châu, rằng hình như chúng ta, lũ người xưng danh là động vật cấp cao chúa tể muôn loài đã phá hoại trái đất quá thể.
Tôi có người bà con bên chồng mới đây kể rằng cô ấy rất sướng khi ở gần huyện lỵ. Ngày xưa điện đóm lôm côm, đường sá lổn nhổn, nay thì nhà nào cũng có máy lạnh phòng khi quá nóng, ti-vi các phòng, Internet và wifi khắp nơi. Muốn ăn gì cũng sạch, ngon, rẻ.
Mừng là các bạn trẻ đã nghĩ đến việc cầm tấm bằng đại học xong là quay về, nhất là nam kỹ sư, nam cử nhân. Họ cảm thấy nghẹt thở với đô thị, vậy thì sao không về để sống với sinh thái, với lành mạnh, với tự nhiên? Chắc chắn sẽ còn nhiều người nghĩ như vậy và đó là niềm vui lớn không chỉ cho thôn quê.
Tôi cũng nghĩ như em nếu tôi là em, góa, nuôi con xong, xoa tay hoàn thành sứ mệnh cao cả và giờ, tự do độc lập ở cái nơi biết bao kỷ niệm của chính mình.
Vì sao phải ra thành phố? Các con chúng thường nghĩ cho mình, tiện, tâm lý trẻ, thích hào nhoáng đô thị, siêu thị, giải trí, ô tô, vi vu, restaurant cuối tuần, picnic…
Chúng ta là thế hệ trước, lão thực, an phận, đời đang tàn, sống an nhiên ở một nơi cũ kỹ mà vẫn là thiên đường, vâng, chỉ chúng ta biết trái trong vườn, quả chanh, hoa bưởi, cái bắp chuối hột…tươi ròng, than sạch, làm sao có thể đem tiền của hay vật chất ra mà tính được?
Con gái, nhà chồng và chồng con của nó, đúng, tôi nghĩ như em, hãy thả lỏng sợi dây với con dài ra đi, cho hai bên thoải mái. Lẳng lặng thu xếp tuổi già, nhớ, nhớ thể dục đều đặn để thi gan với thời gian nhé.
Và cứ sau 75 tuổi đi đã, khi ấy, nghe cơ thể, nghe bệnh tật, rồi tính tiếp. Luôn luôn có khoản tiết kiệm cho khi đau ốm, chủ động, biết điều để có sự tôn trọng ở các con.
Và làm vườn, trồng hoa, chăm cây, nghe chim nghe gió nghe mưa, đời thật đáng sống khi vào lục tuần mà vẫn thong dong và mạnh khỏe em ạ”.
Theo cô Dạ Hương, báo Nông Nghiệp Việt Nam