Game ảo, tiền thật
Sự lao dốc về giá trị của hàng loạt tài sản trong các trò chơi (game) gần đây khiến mô hình hoạt động Play to Earn (P2E) – chơi để kiếm tiền – đứng trước nhiều hoài nghi, trong khi cách đây khoảng một năm, mô hình này không ngừng được tung hô và ngưỡng mộ.
P2E không phải là mô hình kinh doanh mới. Võ lâm Truyền kỳ (một game đình đám mà gần như 8x, 9x nào cũng biết) từng gây chấn động dư luận khi có các vật phẩm quý được giao dịch với nhau trị giá hàng tỷ đồng.
Trong game truyền thống, người chơi phải trả tiền để được tham gia và qua đó nhận lại niềm vui và các hoạt động gắn kết. Nhưng những giá trị ban đầu này từng bước thay đổi, khi các game xây dựng được những cộng đồng lớn, không chỉ trong trò chơi mà ở ngoài đời thực. Bộ sưu tập vật phẩm trong game, ảnh đại diện, trải nghiệm đều đáng giá với người chơi. Việc nhiều người sẵn sàng trả giá cao để có thứ họ cần ngày càng phổ biến.
Nhiều nhà phát hành game sau đó đã hạn chế pay-to-win (trả tiền ngay khi vào game để có cấp độ cao và nhiều vật phẩm xịn), thực tế vẫn có các giao dịch giữa người chơi với nhau thông qua tiền thật. Game thủ có thể chơi cả ngày nhằm, tìm kiếm các vật phẩm với cấp độ cao hơn và bán chúng cho người chơi cấp độ thấp.
Đối với những game trước đây, toàn bộ số lượng vật phẩm, nhân vật trong game đều do nhà phát hành quyết định. Trong mô hình P2E, hầu hết vật phẩm, nhân vật được hình thành dưới dạng NFT do chính người dùng sở hữu và được mua bán, trao đổi bằng các loại token trên nền tảng blockchain, tạo ra mô hình “nền kinh tế sở hữu” mới. Điều này thúc đẩy làn sóng P2E phát triển thần kỳ trong đại dịch; kéo theo một hệ lụy là thay vì mục đích giải trí, các game P2E hình thành mô hình giao dịch, mọi thứ trong game đều có thể trao đổi bằng tiền thật. Kiếm token, chờ tăng giá để bán trở thành lý do chính để chơi game.
Tình trạng này sẽ phát sinh vấn đề lớn khi mọi người chơi chuyển hướng từ giải trí sang kiếm tiền. Tính chất của trò chơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi thay vì mua/ tìm kiếm vật phẩm, nhân vật để có trải nghiệm vui hơn; người tham gia phải nghĩ về việc sẽ phải bán thứ gì đó cho ai để kiếm tiền. Khi thiếu người mua, thị trường chỉ còn lại toàn người bán; không ai còn quan tâm tới việc chơi game nữa. Và nếu không có những người chơi mới, mô hình sẽ sụp đổ.
Công nghệ blockchain và tài sản số đã tạo ra sự thay đổi lớn trong ngành công nghiệp game. Trong game truyền thống, chỉ một số ít giai đoạn trong chuỗi giá trị có thể tạo ra lợi nhuận lớn và hầu hết đều vào túi nhà phát hành (bán game bản quyền, phát hành vật phẩm mới, nhân vật mới…). Với blockchain game và tài sản số, họ có thể tạo lợi nhuận ở bất kỳ giai đoạn nào. Blockchain game thậm chí có thể kiếm lợi nhuận, gây quỹ cộng đồng trước khi game ra đời. Điểm này khiến P2E trở nên thú vị và thu hút sự chú ý.
Người dùng cũng hưởng lợi rất nhiều từ mô hình blockchain game khi nó cho phép họ tham gia với nhiều vai trò: game thủ, người sưu tập, người môi giới và những người kiếm tiền. Người dùng không nhất thiết tham gia trò chơi, vẫn có thể đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau như cá cược, giao dịch, tham gia sự kiện, xem stream, sưu tập…
Tuy nhiên, chính sự khắc nghiệt của thị trường game và sự dễ dãi của người dùng đã đẩy hầu hết game P2E vào thế khó, gần như không có lối thoát.
Để làm ra được một game truyền thống chất lượng, nhà phát hành cần vài tháng thậm chí vài năm với số lượng nhân sự đông đảo hoặc ít nhất cần một sự may mắn nhất định.
Đối với game P2E, nhà phát hành chỉ cần lấy lại một vài game cũ, gắn mô hình kiếm tiền vào là đã có thể gọi vốn vài triệu thậm chí vài chục triệu đô. Người chơi trở thành những “nhà đầu tư bất đắc dĩ”.
Hơn sáu năm trong ngành Fintech và Blockchain, từng tư vấn cho nhiều dự án trong và ngoài nước nhưng phải đến năm 2021, tôi mới được chứng kiến sự “điên rồ” thực sự của thị trường đầu tư cho các dự án blockchain, đặc biệt là GameFi. Các dự án kêu gọi thành công hàng triệu USD chỉ trong vỏn vẹn vài tuần; thậm chí đội ngũ các dự án đấy còn không ra mặt hoặc không có trụ sở ở bất kỳ đâu, nhưng nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra hàng trăm nghìn USD với mong muốn thu về còn số gấp năm gấp mười.
Nhưng khủng hoảng tài chính lan rộng sau đại dịch Covid-19 kéo theo sự điều chỉnh lớn của thị trường tài sản số và các game P2E cũng không ngoại lệ. Nhưng đợt điều chỉnh này như một sự “thanh lọc” giúp người chơi, nhà đầu tư nhận biết được những game chất lượng, tập trung vào trải nghiệm người dùng.
Tôi tin rằng trong thời gian sắp tới với sự phát triển của blockchain và tài sản số, game P2E vẫn còn rất nhiều cơ hội nhưng sẽ phải thay đổi mô hình; tập trung vào “Free-to-play” (Chơi miễn phí) và “Play and Earn” (Chơi và kiếm tiền). Đó mới chính là động lực giúp các game phát triển trong tương lai.
Xa hơn, một thế hệ game mới sẽ ra đời với sự ứng dụng sâu hơn của blockchain, NFT và nền kinh tế sở hữu phi tập trung thay vì chỉ thêm các phương tiện thanh toán bằng tài sản số như hiện tại. Đối với các nhà phát triển game, tôi tin đây vẫn là một “đại dương mở” chờ đón họ khám phá.
Trần Dinh
Nguồn: https://vnexpress.net/game-ao-tien-that-4485057.html
Bạn đọc comment:
David Tèo MIẾNG ngon đã hết từ lâu
PHO kinh quý giá khó vào chùa hoang
MÁT xa ít chỗ đàng hoàng
TRONG hang đâu thể dễ dàng đếm cua
BẪY này quá cũ quá xưa
CHUỘT tham miếng mỡ te tua với mèo.
bmtuan167 Cuộc sống luôn thay đổi, thay đổi để phát triển. Những cái gì mới thì tất nhiên lúc đầu sẽ gặp nhiều ý kiến khen chê trái chiều, nó tốt thì nó sẽ tiếp tục phát triển tạo sự đột phát, xấu nó sẽ tự đào thải. Khi mình chưa biết kết quả thì tốt nhất đứng ngoài quan sát, đừng có a dua theo đám đông.
Nha Truongquang @bmtuan167: Tâm lý chối bỏ cực đoan mà 🙂
nghiatblnbg những người chơi game truyền thống ở mức giải trí (chưa quá nghiện) chấp nhận mỗi tháng bỏ ra 300k, 500k hoặc hơn nữa để nạp tiền cho nhà phát hành, thuê người chơi, mua vật phẩm nhưng đều hiểu rằng tiền đi không trở lại.
những người chơi kiểu game mới này hình như không có kiến thức cơ bản về vật phẩm trong trò chơi.
ĐỌC “Play and Earn” (Chơi và kiếm tiền) không bao giờ bền. Mọi thứ muốn bền thì phải đi vào mục đích chính còn những cái khác là phụ, còn game theo hình thức kiếm tiền thì không bền nổi.
Mua ổ bánh mì là để ăn ổ bánh mì, mua bài nhạc là để giải trí tinh thần, mua vé xem bóng đá để thoải mái đầu óc. Còn giữa quá trình đó không thiếu “phe vé”, mua bán lại để kiếm lời, tuy nhiên đó chỉ là số ít, số người mua để xem/ hưởng thụ vẫn chiếm đại đa số, đó mới là động lực cho một thị trường phát triển.
Võ Lâm Truyền Kỳ rất đông người chơi, người buôn bán chỉ là thiểu số. Và quan trọng người mua cuối cùng cảm thấy thỏa mãn với thứ mình bỏ tiền ra. Người được vui, người được tiền.
Gamefi bây giờ ngay từ đầu đã nhắm đến tiền, không ai yêu thích hay say mê game đó, không có tác dụng giải trí. Ai cũng nhăm nhăm mua để bán lại, vậy khác gì lan đột biến?
Người mua lan không phải để xem hoa mà mua để bán lại, rồi người cuối cùng mua lại bị hớ vì bản thân họ không yêu gì hoa lan, mua để bán mà giờ đu đỉnh rồi chết?
Gamefi nói cho sang chứ đâu khác gì? Nếu không bán lại được ngay lập tức lượng người chơi bằng 0, thị trường tan vỡ!
Vì bản chất không có người mê gamefi, nên động lực thị trường này hoàn toàn giả tạo, chỉ cần giá đồng token giảm thì đảm bảo nhà nhà rút quân ngay!
Lý Nghịch Thế mới nói mấy món đó thực chất giá trị nó còn thua món đồ trong game online.
abcd bản chất game (nếu có hệ thống giao dịch) thì luôn tồn tại cả 2 là P2E và chơi thuần túy. Việc game có thành công và tồn tại hay ko đều dựa vào sự cân bằng giữa 2 nhóm đối tượng này. Nhưng lượng người chơi thuần túy vẫn phải là người chiếm đa số vì đây là những người mang lại nguồn thu cho game. VLTK là 1 huyền thoại rồi, nó cân bằng mọi thứ và ra đúng thời điểm bình minh của game online. Hầu hết các bạn ở đây nếu có game nào là mối tình đầu, thì chính là VLTK. Ở đó người chơi chiếm đá số và những người P2E rất ít (lúc đó còn chưa biết là kiếm tiền đc qua game chứ nói gì khái niệm P2E). Do đó khi game ra thuần túy chỉ để P2E thôi đều sẽ thất bại.
LTV Đồng ý với bác. Cũng là một Lập Trình Viên và cũng là một người đam mê Game. Tôi không tham gia vào lĩnh vực tiền ảo vì biết rằng nó là ảo và dù có kiếm được tiền nhiều nhưng về bản chất vẫn là lòng tham vào tiền của người khác (cái này tôi không thích). Thà kiếm vừa đủ sống thoải mái chứ không cần suốt ngày phải lo lắng canh giá để mua bán.
Còn đối với game thứ tôi tìm kiếm là giải trí vui vẻ và Cốt truyện của game để thỏa mãn trí tò mò. Tôi sẵn sàng bỏ tiền ra mua game bản quyền để được thỏa mãn cái trí tò mò đấy chứ mua game để ngăm nghe bán lại như Lan thì những thứ đó không tạo ra giá trị gì cho cuộc sống cả. Đó là lý do đến giờ tôi vẫn và sẽ không bao giờ tham gia vào thị trường coin.
Jamen_vns Thật ra GameFi chỉ nên là 1 mô hình để giải quyết nhu cầu của người chơi, thay vì định hướng người chơi kiếm tiền từ đó. Về bản chất, nếu ko dính dáng tới thứ gì ‘phi tập trung’ và ‘ có đơn vị quản lý ‘ bằng hệ thống luật lệ cụ thể, thì GameFi không vấn đề: người chơi kinh doanh mong muốn có lãi, thì phải chấp nhận nguy cơ lỗ. Tuy nhiên, điều quan trọng là hệ thống luật pháp để ngăn chặn hành vi đầu cơ trục lợi giống như một mô hình kinh doanh bình thường.. chứ hoàn toàn bình thường trong việc kinh doanh kiếm lời từ môi trường Game.
Kien Nguyen Uhm, thị trường nào rồi cũng phải trải qua giai đoạn tự huỷ rồi mới tái sinh. Game NTF bản chất nó đi lạc đường ngay từ giai đoạn đầu tiên, họ ko nói chơi game, họ nói đầu tư kiếm tiền. Tuy nhiên nó còn tiềm năng, sau cơn mưa trời sẽ sáng, khi các nhà phát triển lớn với phương châm xây dựng đúng nó sẽ tạo ra hệ sinh thái có ý nghĩa. Lúc đó mới đúng là “chơi” game ảo tiền thật đích thực giống World of warcraft
Minh Tâm MrD Tôi mê game VLTK và là P2E từ thời 2006, năm trước dịch bệnh rảnh rỗi tôi lại chơi VLTK mobile 1 để nhớ lại hồi xưa và lần này bỏ tiền chơi cho vui.
rotori Vâng, tôi là người chơi game để giải trí và trải nghiệm, tôi không chơi game có nft gì trong đó. Kiếm tiền thì tôi đi làm.
An nhiên Vừa giải trí vừa kiếm ra tiền tại sao không? Vẫn có nhiều game ko cần bỏ tiền vào . Vẫn kiếm thêm được tiền hằng tháng
ekumino @An nhiên: Rồi những người đó chiếm bao nhiều phần trăm tổng số người chơi hay tất cả đều đâm đầu vào để kiếm tiền như các game NFT.
Trần @An nhiên: Game muốn tồn tại thì cái quan trọng nhất phải là nội dung game hay, rất nhiều game trả phí và miễn phí vẫn tồn tại được trên chục năm vì sự hấp dẫn của có. Đa phần các game P2E đều rất sơ sài về nội dung nhưng chỉ thu hút người chơi bằng các tính năng kiếm tiền. Suy cho cùng cũng là lấy tiền của người đến sau chia cho người đến trước. Một khi không còn thu hút được thêm người mới nữa thì khả năng sinh lời sụt giảm và mô tình tự lụi tàn.
Xuân Hiệp Tất cả các tựa game NTFs hiện nay đều kiếm tiền theo mô hình Ponzi thôi, nghĩa là lấy tiền của người này trả lợi nhuận cho người khác. Nó không bền vững, các dự án scam rất nhiều, mà những người không phải dân công nghệ không thể phân biệt dự án tốt, dự án lừa đảo được.
Tất cả các trend được tạo ra ví dụ defi (gửi coin, token lấy lợi nhuận). Rồi gần đây là gamefi (chơi game kiếm tiền) đều tạo ra với mục đích “lùa” thêm thật nhiều người vào thị trường càng tốt. Hoặc mục đích lấy đi coin, token tốt mà mọi người sở hữu để gửi (stake) lấy lợi nhuận cao hơn ngân hàng. Nhưng lợi nhuận chưa thấy đâu, một ngày đẹp trời bạn thấy thông tin dự án ABC bị hacker tấn công, dự án XYZ scam,… Tất cả đều có một kịch bản như vậy để người tạo ra dự án (dev) có cớ ôm tiền và chuồn.
Tiếp theo sẽ lại là một trend gì đó để nhiều người tham gia và “cảm thấy” blockchain đang làm được nhiều thứ, ví dụ mạng xã hội chẳng hạn. Nhưng những dự án mà bạn thấy hứa hẹn % lợi nhuận cao từ đội sáng lập thì chắc chắn tham gia vào bạn sẽ mất sạch. Chưa kể các dạng gamefi như trò đá gà, đua xe đều bị pháp luật Việt Nam cấm.
Có hơn 19,000 đồng coin và token hiện tại nhưng chỉ có tầm 20-30 dự án là hữu ích, còn lại toàn rác.
quang21bs Bản thân tôi không tin rằng hình thức game P2E có cơ hội tồn tại trong tương lai, bởi vì nó khó có thể tồn tại đủ lâu.
Bản chất của việc kiếm tiền thông qua game blockchain P2E là lấy tiền người chơi mới, trả cho người chơi cũ. Dễ thấy, game P2E không thực sự tạo ra bất kì giá trị nào; cách duy nhất để kiếm tiền là bán các vật phẩm cho người chơi mới. Người chơi mới sử dụng vật phẩm mua được để tăng cấp, kiếm các vật phẩm rồi lại bán cho người chơi mới hơn. Đến một lúc nào đó, hết người chơi mới đồng nghĩa với hết nguồn tiền, game P2E đó sẽ phải đóng cửa.
Ngoài ra, tôi cũng từng thấy một vài mô hình ở nước ngoài, chia sẻ lợi nhuận quảng cáo với người chơi. Thế nhưng rõ ràng là số tiền người chơi thu được là không nhiều.
thanhdq123 Mình thế hệ đầu 9x, đối với mình chơi game để giải trí, Mua bán trong game cũng có nhưng nó dùng để nâng cao thêm tính giải trí của game đang chơi. Vậy để game tồn tại được thì người chơi phải là người chiếm tỉ trọng lớn (trên 90%). Khi tỉ trọng người chơi để giải trí giảm, tỉ trọng người chơi để kiếm tiền tăng thì game đó chắc chắn sụp đổ. Tóm lại, game để giải trí, kiếm tiền thì đi làm.
Viet Vu Mô hình GameFi, Play To Earn là không bền vững
Làm ra game hay đã tốn kém, giờ lại còn mong trả tiền cho người chơi thì lấy đâu ra nguồn cung? Chỉ có cách là đa cấp, lấy của người trước trả cho người sau. Và mô hình này như thế nào thì nhìn Axie Infinity thì rõ: 100 người chơi thì 100 người chỉ vào để kiếm tiền, nội dung game này không giá trị.
Câu chuyện mặt bất cập của Pay to win, nhà phát hành kiểm soát, thiếu minh bạch và thu lợi lớn chỉ xảy ra khi nhà phát hành đạo đức kém, không đáng tin cậy. Tôi cũng không hi vọng các nhà phát hành này có khả năng làm được một sản phẩm game hay ho, và tự họ sẽ phải đào thải.
Hiện giờ không thiếu các game truyền thống chất lượng tuyệt vời, vận hành bền vững, từ các nhà phát hành quan tâm đến chất lượng game và người chơi. Tại sao game thủ phải chơi các game rác từ GameFi?
Game, mục đích cốt lõi nhất là giải trí. Tất cả các mô hình GameFi chỉ thu hút được nhà đầu tư, và người muốn kiếm tiền; không thu hút được người chơi muốn game thực sự. Và chỉ người muốn chơi game để giải trí họ mới chịu bỏ tiền. Cung cầu thế nào nhìn là thấy.
Hữu xạ tự nhiên hương, Game muốn thu hút người chơi thì phải hay. Đừng nghĩ NFT hay blockchain làm cho game hay ho hơn.
thang.bilingo Thực ra mô hình nào cũng vậy, đều bị chi phối bởi quy luật cung cầu. GameFi hiện tại bên cung quá nhiều còn bên cầu gần như không có.
Nguyen Billon2810 Game ảo, tiền cũng ảo. Chỉ có thời gian, công sức, sự mất mát về tài chính là có thật
Các game block chain phần lớn sử dụng tiền số. Axie Infinity là một ví dụ khi game quy định các đồng tiền số như SLP, AXS dùng để trao đổi các vật phẩm. Điều này đã khiến hai đồng coin trở thành một hiện tượng, giá trị của nó tăng phi mã, có lúc lên tận 74.45 USD.
Nhưng cái gì xảy ra càng nhanh thì kết thúc cũng càng nhanh. Xây dựng dựa trên nền tảng “Chơi để kiếm tiền” thì khi thị trường game đã đạt một mức độ bão hòa và đến giới hạn của nó. Những người chơi nhỏ lẻ cảm thấy quá khó khăn để thực hiện các giao dịch khi giá trị của vật phẩm quá cao, họ tự động rút khỏi cuộc chơi này. Do đó Axie Infinity đã phát triển bùng nổ nhưng sau đó cũng đã lụi tàn.
Hơn nữa, Game block chain chưa thực sự chỉn chu. Khi mà những đồng tiền số không thể đảm bảo tính bảo mật của nó. Hacker có thể dễ dàng lấy đi vài triệu USD của hệ thống trong một lần. Và chẳng có cơ quan pháp luật nào đứng ra giải quyết được.
Blockchain-mảnh đất màu mỡ này cũng mảnh đất tai ương nhất. Các nhà phát triển game cũng nên cân nhắc khi tham gia vào thị trường cực kỳ rủi ro và biến động này.
Duy Khanh Nguyen muốn chơi để kiếm tiền thì phải đưa ra các giải đấu như đời thật thì mới có mục đích và có tiền
Hoa Nguyen Ứng dụng của blockchain lại là tiền ảo và game. Không phản đối tiền ảo và game, chỉ phản đối lợi dụng “blockchain có vô số loại ứng dụng khác trong cuộc sống” cho việc kinh doanh. Chính vì sự lợi dụng này mà đến hôm nay rất nhiều người vẫn tưởng ứng dụng của blockchain ngoài game và tiền ảo, còn rất nhiều ứng dụng hữu ích khác. Không, tất cả vẫn chỉ là lý thuyết, chưa có cái nào thực sự hữu dụng
Ben Ngành công nghiệp game từ khi xuất hiện vào những năm 70 đã phát triển qua thời gian một cách mạnh mẽ, các nhà phát triển game luôn tìm cách đổi mới, cải thiện chất lượng cho những đứa con của mình từ cốt truyện, gameplay, đồ hoạ… Đó là những sự cố gắng không ngừng nghỉ của cả cộng đồng game trên toàn thế giới để mang đến sự GIẢI TRÍ toàn diện cả về phần nghe, phần nhìn và đặc biệt là cảm xúc của người chơi.
Đúng vậy, cái cốt lõi mà GAME mang lại hoàn toàn là GIẢI TRÍ.
Những tựa game Play To Earn đến hiện tại mà tôi thấy đều là những tựa game với đồ hoạ chẳng có gì nổi trội (nói thẳng ra là nó sơ sài tới mức những cậu sinh viên học thiết kế 3D vẫn làm được dễ dàng), gameplay thì quá đơn giản và nghèo nàn, cốt truyện thì tôi không bàn tới vì làm gì có mà bàn. Phần lớn chúng được tạo ra để “lùa” người chơi với cái mác là Play To Earn, mà tôi tin chắc 99% người gia nhập vì mục đích Earn chứ chả có Play gì cả.
Tuan Tran Xin hỏi tác giả: giả sử 1 cái game có 10000 người chơi mà ai cũng chơi để kiếm tiền. Vậy tiền ở đâu ra để kiếm ?
Minh B. Tr. Đa phần cộng đồng game thủ không thích NFT trong game và rất vui mừng trước sự đi xuống của xu hướng này. Chúng tôi chơi để trải nghiệm những câu chuyện và sự sáng tạo, có khoảng thời gian vui vẻ, hoặc là một mình, hoặc là với bạn bè,.. chính sự xuất hiện của NFT trong game đã làm biến chất rất nhiều ngành công nghiệp game, vì game không còn là game nữa; nhiều nhà phát hành, nhà phát triển đưa các yếu tố tiền ảo, NFT vào game, những cái mà chẳng gamer nào yêu cầu, chẳng gamer nào muốn, thay vì thực sự quan tâm trau chuốt các tựa game “thực sự” của họ và làm ra các sản phẩm để đời.
Hien Vuvinh Tôi nghĩ nên cấm game online ăn tiền trên mạng, thế hệ trẻ bây giờ vùi đầu vào game từ sáng tới tối không học tập hoặc làm việc được
huynhtienphat1996001 những thứ to earn hiện tại thực sự không bền vì không đủ tầm khiến người chơi trở nên say mê mà chỉ có mục đích là để kiếm tiền. Move-to-earn ra đời vì mục đích tốt, nhưng không đủ tầm cũng đang biến tướng thành trò chơi kiếm tiền rồi. Không biết sau này những trend mới ra như listen-to-earn hay sleep-to-earn ra sao, nhưng chắc chắn chỉ có work-to-earn là bền vững nhất.
Khoa Hoa Play to earn hay người sau trả tiền nhiều hơn người đi trước. Tôi không hiểu mà không muốn vào 1 game mà ban đầu mình phải bỏ ra tới hàng chục triệu chỉ để tham gia game như 1 quân tốt. Rồi khi thị trường đi xuống thì có thể 80 usd đó trở thành 10-15 usd và thậm chí còn sâu hơn. Vài nhà đầu tư thì tặc lưỡi ừ thôi có chơi có chịu, mất có vài chục, vài trăm usd thôi mà. Nhưng với số lượng lớn người chơi, những người oằn mình chơi mà vẫn mất tiền thì đó ko phải là vài trăm usd, là hàng chục triệu, hàng trăm triệu usd đã bị sang tay.
Phan Thanh Long Chơi game cơ bản là vui. Còn nếu “chơi hay” và được thưởng đồ xịn mà lại bán đi thì mất sức mạnh, lỗ nhiều hơn lời! Chưa nói trong game bị lạm phát vì những game thủ do nhà phát hành tạo ra. Muốn làm giàu thì phải xem giá trị mang lại cho người khác là gì! Game chơi vài năm, thậm chí vài tháng là chán, vứt đi! Vì quá nhiều game khác được tạo ra, người ta muốn thử mà thời gian lại có hạn!
viet nguyen Thật ra trước đây mình từng nghĩ 1 ngày đó game NFT sẽ thay thế hết game trên toàn bộ thị trường, và nghĩ rằng game kiếm tiền là ảo vớ vẫn , cho tới khi mình chơi thử và “mất tiền thật” thay vì kiếm được tiền , nhận ra rằng suy nghĩ của mình đã sai hoàn toàn , Game NFT lúc đầu ok nhưng sau không có người mới sẽ lạm phát và hầu hết sẽ rơi vào “vòng lặp chết” và sẽ đi vào quá khứ .
Pham Lai Giá trị của game là ở giải trí, nếu ai cũng chơi vì mục đích Earn thì cái rõ là cái Play không được ai chú ý rồi. Game VLTK xưa vì lượng người chơi vì mục đích Play là lớn, những item quý hiếm có thể dùng để Earn, nhưng không phải ai chơi cũng có lãi. Thời đó game online còn quá mới mẻ, ít tựa game, lượng người chơi cực đông, bây giờ bão hòa hết rồi
trungth Bản chất của game là giải trí, những người sẵn sàng chi tiền mua vật phẩm game cũng chỉ nên dừng lại ở mục đích giải trí, giá trị của món đồ phụ thuộc vào game có còn hấp dẫn, thu hút nhiều người chơi nữa hay không. Khi mục đích chuyển thành đầu cơ thì nó đã mất đi mục đích ban đầu dẫn đến những việc như thổi giá, cũng giống như lan đột biến vậy.
Hòa Ngọc NFT không giải quyết được bất kỳ bài toán nào trong game cả thậm chí nó còn kéo thụt lùi công nghệ game hiện tại.
coinigya3 P2E vẫn còn quá mới và còn nhiều tiềm năng phát triển. Điều tiên quyết để các game trở nên bền vững là phải có luồng tiền mới liên tục, ở đây là các khoản tài trợ, quảng cáo, người chơi mới…. Khoảng thời gian chơi STEPN là khoảng thời gian mà tôi vận động chăm chỉ nhất từ trước tới giờ.
quang tran Cách đây hơn chục năm đã có hình thức kiếm tiền từ game online, nhưng nó chỉ trong 1 cộng đồng nhỏ thôi. Và tôi thấy nó rất phù hợp với những người chơi game giỏi và am hiểu hết vè cái game đó. Tuy nhiên hiện nay game NFT đa số là game kiểu đa cấp, vì tự dưng tiền ở đâu ra mà thu được như thế.
Hung Minh Nguyen Có bao nhiêu người kiếm được tiền?
fecumg cái “đại dương mở” ấy sẽ là viễn cảnh của ít nhất 20 năm nữa. Ở hiện tại, đã có nhiều game và nhà phát hành truyền thống bị chỉ trích, phản ứng khi chỉ mới hé răng thăm dò ý kiến game thủ về ý định tích hợp NFT vào game. Còn các nhà phát hành thuần gamefi thì (nói giảm nói tránh) chưa có nổi 1 con game chất lượng.
Sơn Lê Chơi game để kiếm tiền thì thời nào cũng có nhé. Ngày xưa hồi còn là học sinh sinh viên những năm 2000s tôi cũng đi khắp các hàng game ở Hà Nội để đá PES ăn tiền.
nhuongtran3008 Tui cũng chơi game chủ yếu để kiếm tiền, nhất là đợt dịch bị phong tỏa ở TP. HCM. Sau khi hết lệnh phong tỏa tui bán account ngay và luôn vì lúc đó người chơi dần ít lại vì phải đi làm làm việc này chủ yếu là việc phụ kiếm thêm, chứ đi làm vẫn ổn định hơn
tien Đã gọi là “game” thì nó vốn dĩ là ảo rồi mà. Có cái gì gọi là game trên đời mà lại là “thật” không vậy? Mà game ko miễn phí thì phải dùng tiền “thật” để chơi là đúng rồi
hoangnguyengio Phải hiểu được “yield từ đâu tới nếu không bạn sẽ là “yeild ” mô hình nào cũng thời gian rồi sập thôi nhất là các dự án game vn