Làm gì khi hay ghen tỵ, so sánh mình với người khác?
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh – Trong Suốt (Hà Nội, 04/2018)
Một bạn: Em chào Thầy ạ, chào các anh chị. Đây là lần thứ hai em tham gia Trà đàm Trong Suốt ạ. Em tên là Hải, kỹ sư xây dựng, em ở Hà Nội ạ.
Em có một câu hỏi là làm thế nào để mình không so sánh mình với người khác ạ? Mặc dù nhiều lúc mình cảm giác là những cái mà người ta có cũng chưa chắc là cái mà mình thực sự muốn. Nhưng mà vẫn có những cái cảm xúc khiến cho mình cảm giác không nguôi được bên trong mình ấy ạ. Vậy làm thế nào để mình cân bằng lại những trạng thái như thế để cho mình có thể vui vẻ hơn ạ?
Thầy Trong Suốt: Em hay ghen tị hả? (Mọi người cười)
Bạn đó: Em cũng không biết ạ. Thật ra là có rất nhiều cái mà…
Thầy Trong Suốt: Hay so sánh và thấy tiêu cực thì có ghen tị, chứ có cái gì đâu? (Mọi người cười) So sánh cộng tiêu cực, người ta gọi là ghen tị.
Bạn đó: Vâng ạ. Thì em muốn hỏi Thầy ạ.
Thầy Trong Suốt: Rồi, em nghe bài Trà đàm về ghen tị chưa? Có hẳn một bài Trà đàm riêng, gõ lại rồi đúng không? Có hẳn một buổi Trà đàm nói chủ đề về ghen tị.
(Tham khảo Trà đàm: Ghen tị – Chìa khóa đến thành công chân thực)
Nhưng mà có thể tóm tắt cho em nghe là như thế này!
- Ghen tị đến từ mình so sánh, khi người ta hơn mình mà mình khó chịu, thì là ghen tị. Đấy!
- Còn kiêu ngạo là gì? So sánh xong rồi mình hơn họ, mình sướng. Đấy!
Thế trong trường hợp của em là ghen tị. Mình so xong, mình thấy mình kém, nên mình khó chịu. Đúng chưa? Thì nhớ mấy cái điều này:
Điều đầu tiên, đúng đấy, cái người ta có chưa chắc là cái mình thích, mình muốn. Nhưng thứ hai là kể cả người ta có được… những cái gọi là duyên của mình. Người ta lấy một anh chồng đẹp trai, tài ba thì do duyên thôi, đúng không?
Mình có duyên là lấy không đẹp trai, nhưng mà lại tu hành giác ngộ. Biết đâu mình lấy thì sao? Đúng không? Đấy! (Mọi người cười)
Em chọn ai? Giữa một anh đẹp trai, tài ba, rất giỏi với cả không đẹp trai, nhưng mà tu hành giác ngộ, em chọn ai?
Một bạn khác: Em chọn tu hành giác ngộ. (Mọi người cười)
Thầy Trong Suốt: Nhưng nếu em được chọn, em chọn ai? (Mọi người cười)
Bạn đó: Em chọn ý thứ hai.
Thầy Trong Suốt: Ý thứ hai hả? Được! Đấy, rất tốt! Đúng không? Đúng chưa? Trông lên thì không bằng ai, cúi xuống thì không thấy ai bằng mình. À nói đùa thế thôi, nhưng mà em phải nhớ rằng này:
Nó chính là nhân quả, duyên hết.
- Người ta có, đấy là duyên của người ta.
- Mình không có là duyên của mình.
Nên là thầy hay nói mọi người là:
Đừng có chỉ biết là hài lòng cái mình có, phải tập cách hài lòng cái mình không có.
Hài lòng cái mình không có khó hơn nhiều. Vì hài lòng cái mình không có chỉ có Trí tuệ mới làm được thôi.
Hài lòng cái mình không có: Mình không lấy một ông chồng đẹp trai, đấy; mình không cao 1m8…, khó hơn nhiều cái mình có. Và muốn làm được thế phải hiểu duyên. Đấy là cái duyên của họ. Giàu là duyên của họ, là nhân quả họ tích tập trong các đời trước của họ, chứ không phải là duyên của mình, không phải là nhân quả của mình. Riêng cái đấy chỉ hiểu thôi, em đã bớt so sánh nhiều hơn trước rồi.
Vì duyên của họ mà, giống như là người ta cao 1m8, mình chỉ cao m6, làm sao bảo mình cao 1m8 được. Đấy là duyên của họ, là nhân quả họ tích tập trong các đời trước. Tất cả mọi thứ đều có nguyên nhân, do nhân quả như vậy. Họ cao 1m8 thì là một cái quả của điều lành, ví dụ làm từ thiện gì đó, trong những đời trước. Đấy! Chứ không là họ không đẹp đẽ đâu. Muốn đẹp đẽ thì phải làm điều tốt trong những đời trước. Thế thì như vậy khi mình hiểu, mình đã cảm giác khá hơn rồi, đúng không?
Thứ hai em nhớ là thế này này:
So sánh thông minh nhất là so với chính mình, mình tiến bộ hơn ngày hôm qua.
Đấy là quan trọng! Còn mình tiến bộ bằng họ không, không quan trọng. Vì có bao giờ mình là họ đâu, mình có cao 1m8 và chạy rất nhanh đâu, làm sao mà nhanh hơn họ được. Nhưng mình tiến bộ hơn chính mình ngày hôm qua mới là quan trọng. Em chỉ cần chuyển cái so sánh sang là gì? So sánh với chính mình ngày hôm qua, thay vì so sánh với họ ngày hôm nay. Mình cố gắng tiến bộ so với mình, thế là vui rồi. Đúng chưa? So với mình ấy, hay hơn chứ, hay hơn là so với họ, vì so với họ mình có làm được đâu. Đấy!
Hãy so với chính mình. Và hãy biến họ, nếu họ toàn người tốt ấy, thì hãy biến họ thành cái gì? Thành cảm hứng cho mình, chứ không phải thành đối tượng để ghen tị. “Tôi thấy ông thầy ngồi đây…”, ngồi ghế to hơn mình đúng không? (Mọi người cười) “…Một ngày nào đó tôi sẽ giảng Pháp hay như thầy (Mọi người cười) để tôi được ngồi ghế to” – ví dụ thế. Hãy biến họ thành cảm hứng. Như vậy so sánh để làm cảm hứng rất tốt, rất tốt.
Như thế là tấm gương, những người vĩ đại để làm cảm hứng cho người khác rất tốt. Nhưng không cần vĩ đại lắm, mà hơn mình chỗ nào đó. Ví dụ cũng sinh ra cùng ngày, cùng tháng, cùng năm với mình, nhưng họ tu hành tiến bộ hơn mình, thế là mình so sánh mình cảm thấy cảm hứng. Như vậy là so sánh để lấy cảm hứng, tốt! Chứ không phải để ghen tị. Cũng so sánh đấy.
Thứ nhất là hiểu nhân quả, hiểu duyên: Người ta có, đấy là duyên của người ta. Mình không có là duyên của mình.
Thứ hai là so với mình mới là quan trọng. So mình với ngày hôm qua của mình, chính mình ấy.
Hôm qua mình không biết tiếng Trung Quốc, bây giờ mình nói được “ni hou, wo ai ni”, thế là hạnh phúc hơn rồi đúng không? (Mọi người cười) Ví dụ thế. Hay hôm qua mình không biết nói tiếng Ả Rập, hôm nay mình nói câu tiếng Ả Rập. Ở đây ai biết tiếng Ả Rập không? (Mọi người cười) Thầy cũng chịu nên không nói ví dụ được. Đấy! Hãy so với chính mình này. Hãy hiểu về nhân duyên này, mọi người có duyên của riêng họ, đúng không?
Thứ ba là
Hãy biến người mình so sánh thành cảm hứng của mình.
Thế thôi! Đơn giản thế thôi, cố lên! (Mọi người vỗ tay)