Cỏ bên kia đồi luôn xanh
Trong buổi tiệc chia tay để con trai út của tôi cùng bạn bè lên đường du học nhờ học bổng của chính phủ Phần Lan, tôi vui vẻ nói với Peter – nhà tỷ phú bảo trợ chương trình: “Tôi trao con trai chúng tôi, tài sản lớn nhất của gia đình, cho đất nước bạn. Bạn sẽ biết ơn vì điều này”.
Một vài phụ huynh không giấu nổi ngạc nhiên, vì sự hàm ơn thông thường chỉ có một chiều từ phía người nhận học bổng. Học bổng này là một phần của chương trình “10.000 nhân tài” được tài trợ bởi chính phủ trung ương và chính quyền các địa phương, cấp cho học sinh quốc tế. Nhờ đó, các bé được hưởng nền giáo dục hàng đầu thế giới của Phần Lan, và được chu cấp toàn bộ học phí, các bữa ăn trưa tại trường và nhiều quyền lợi khác giống như học sinh bản địa. Trong tương lai, các bé sẽ được tiếp tục miễn phí đại học, mở rộng cơ hội kiếm tìm công việc hay khởi nghiệp tại đất nước hạnh phúc nhất thế giới.
Dành ra hơn 10 năm nay nghiên cứu về nền giáo dục của các quốc gia phát triển, để cùng con tìm cơ hội du học, tôi biết ơn sự hào phóng hiếm có của chính phủ cùng người đóng thuế Phần Lan. Tôi cũng biết nỗ lực không mệt mỏi của Peter nhiều năm qua, để có được sự đồng thuận trong chương trình học bổng sáng giá này. Anh phải chứng minh được hiệu quả của những đồng tiền đầu tư hôm nay để có một tương lai tốt hơn cho đất nước. Mà, tương lai vốn bất định và mơ hồ, còn chi phí thì rất thật và không hề nhỏ.
Tôi ghi nhận và biết ơn về những điều tốt đẹp đến với con. Nhưng là người cha, tôi cũng hiểu được giá trị của con trai mình, và những gì cháu có thể làm để đáp ứng kỳ vọng từ Peter cũng như đất nước Phần Lan. Hơn 16 năm có con trên đời để làm bạn, tôi hiểu được những nỗ lực của con mỗi ngày trên giảng đường, những giọt mồ hôi rơi trên sân bóng.
“Cám ơn bạn, tôi rất biết ơn vì món quà đặc biệt này”, Peter trả lời tôi, trong sự ngỡ ngàng của đông đảo phụ huynh. Tôi biết đó là lời cám ơn chân thành.
Cũng giống như các quốc gia phát triển khác, nhân lực và tài năng sẽ trở thành vấn đề quan trọng nhất cho tương lai, cho nền kinh tế tri thức. Theo Viện nghiên cứu Korn Ferry, tới năm 2030 – thời điểm con tôi dự kiến tốt nghiệp đại học, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 85,2 triệu chuyên gia, dẫn tới mất 8.500 tỷ USD cho nền kinh tế. Riêng ngành công nghệ thông tin, vốn là nền kinh tế mũi nhọn của Phần Lan, con số tương ứng là 4,3 triệu người và 445 tỷ USD trên toàn cầu. Theo chiều ngược lại, những công nhân có trình độ thấp sẽ trở nên dư thừa khi công việc chân tay dần được thay thế bởi robot. Giải pháp tối ưu khuyến nghị cho mọi chính phủ và doanh nghiệp, theo Korn Ferry, không có gì khác ngoài việc thu hút, đào tạo, và giữ chân nhân tài từ hôm nay.
Là doanh nhân thành đạt được biết tới như người đứng sau thành công của games Angry Bird cũng như nhà đầu tư của dự án đường hầm dưới biển trị giá 25 tỷ USD, nối liền Phần Lan và Estonia, với tham vọng thu hút nhân tài khắp nơi, tạo ra Silicon valley trong lòng châu Âu, hơn ai hết Peter hiểu được giá trị của nguồn nhân lực hiện tại và tương lai. Từ chính nhu cầu của doanh nghiệp, cộng với sức ảnh hưởng cá nhân toàn cầu, anh được chính phủ Phần Lan ủy quyền trong chương trình trao tặng học bổng này. Điều đó đủ để anh thực lòng cám ơn những học sinh Việt Nam, trong đó có con tôi, như những hạt giống được ươm mầm.
Có cả hai cậu con trai đều được hưởng tuổi thơ đúng nghĩa, luôn đứng ngoài cuộc đua điểm số và chưa từng là những con “mọt sách”, nhưng đều giành được học bổng du học từ cấp ba, tôi thường được bạn bè tham vấn cách làm bạn cùng con. Tôi thực sự ngạc nhiên về hiệu ứng “con nhà người ta” trong phần đông bậc cha mẹ. Cỏ bên kia đồi luôn xanh, và họ luôn tìm thấy điều tốt đẹp chỉ ở con nhà hàng xóm. Mỗi đứa trẻ, với tôi, đều là duy nhất, và luôn mang trong mình những điểm mạnh vượt trội riêng có. Điểm số hay thành tích học tập tuy đáng quý, nhưng hoàn toàn không phản ánh năng lực hiện thời và khả năng thành công trong tương lai.
Truyền thống khoa bảng của Việt Nam được cộng hưởng với những hiệu ứng của mạng xã hội, của truyền thông vô hình trung đẩy cha mẹ vào một cuộc đua thành tích học tập của con. Cái giá phải trả, là thời gian, sức lực và tuổi thơ của đứa trẻ, còn những tấm huy chương gắn lên ngực cha mẹ. Sự sáng tạo cá nhân luôn được đánh giá cao nhất trong nền kinh tế tri thức lại bị bào mòn bởi sự cưỡng ép theo khuôn mẫu.
Sẽ không có hình mẫu chung nào đảm bảo sự thành công cho một đứa trẻ. Nhưng chắc chắn, để con cái tự tin bước chân ra thế giới, cha mẹ phải là người đầu tiên chấp nhận con mình như nó vốn có, kiếm tìm điểm mạnh để phát huy, và hướng con theo những giá trị mà thế giới hiện đại đang kiếm tìm. Khi đó, mỗi đứa trẻ sẽ trở thành một vốn quý thực sự, và có quyền lựa chọn những cơ hội đang mở ra trước mắt, mà suất học bổng chẳng hạn, chỉ là một bước chân đầu tiên trên con đường dài.
Ngô Trọng Thanh
Nguồn: https://vnexpress.net/co-ben-kia-doi-luon-xanh-4495632.html
Bạn đọc comment
hdthinh2007 Không chỉ nhiều người ở nước ta, mà nhiều người trên thế giới luôn hướng về nước Mỹ và đạt câu hỏi: tại sao nước Mỹ lại giàu có như vậy. Nhiều năm trên đất Mỹ tôi thấy nhiều người Mỹ trong công việc chưa chắc đã nhanh nhẹn tháo vát như người Việt Nam!
Nhưng rồi câu trả lời được khá nhiều người đồng ý rằng: Hệ thống giáo dục Mỹ đã đào tạo và thu phục được rất nhiều người tài năng! Và cơ chế vận hành của xã hội Mỹ đã tạo ra môi trường lý tưởng để họ phát huy tối đa tài năng ấy.
Anh Huỳnh Đồng ý với bạn, với cơ chế hiện nay ở VN ta việc thì tận dụng hết sở trường (chưa nói đến tài năng) đã là 1 khó khăn. Đơn cử như việc chọn lại ngành nghề ở trường đại học, nhiều sinh viên chỉ nhận ra việc chọn ngành nghề của mình là không phù hợp trong 1 hay 2 năm đầu nhưng việc thay đổi thì gian nan. Dường như chúng ta chỉ chú trọng ít kiến thức thời học sinh mà không hề quan tâm đến cái tư duy vốn là cốt lõi của việc học, quá chú trọng đến biểu hiện bên ngoài mà ít quan tâm đến cảm xúc vốn là “chân” mà con người hướng đến. Khi nào chúng ta thật sự “cởi trói” được thì mới hy vọng sự thịnh vượng thật sự.
Nguyen Duy Truong Nhìn nhận của tác giả ở tầm cao hơn nhưng về bản chất thì giống như những gì tôi đang nhìn nhận. Ở một mức độ đơn giản ví dụ 1 đứa trẻ chỉ thích nấu ăn thì chúng ta ngày ngày bắt nó giải toán với làm văn thì nó thành công làm sao được, thế là điểm của nó thấp thì lại ngồi đay nghiến nó.
Hoặc trường hợp cụ thể mà tôi biết là con một người bạn, nó học xong nhất định chỉ đi học nấu ăn, bố mẹ nó còn ngại ngùng mỗi khi có người hỏi đến vì bạn bè toàn học Kế Toán với Quản Trị KD. Đám bạn nó ra trường đang nộp hồ sơ khắp nơi xin việc thì nó đã đi làm được 2-3 năm và được lên bếp phó của khách sạn rồi.
vickytam96 Cũng do nhiều yếu tố thôi. Vậy tại sao cũng môi trường học tập như ở Việt Nam nhưng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, và một số nước Châu Á khác vẫn rất giàu có?
Pizza Berry Người tài Việt Nam, cũng như nước khác, không thiếu. Chỉ có điều, nhân tài ở đúng nơi và có đủ điều kiện phát triển hay chưa???
md.noithat @vickytam96: Bạn qua mấy nước đó sống thử 2 3 tháng rồi thấy, khác nhau nhiều nhé..
CaLe @vickytam96: NBan, HQ, Singapore giàu là vì khác chúng ta chứ giống chỗ nào? Còn TQ thì dân số giàu chiếm bao nhiêu %? Do dân số quá đông nên thấy người giàu nhiều so với dâ số 1 quốc gia khác, chứ tính theo tỉ lệ ở TQ tầm khoảng 5%.
Hải Sơn @vickytam96: Vì cỏ bên kia đồi luôn xanh đó bạn
Tuyen Phan @vickytam96: Môi trường học tập ở Hàn và Nhật sao giống VN?
Nghia Le Trung Có điểm nữa xin được mạo muội chia sẻ vì có thể tôi sai. Ở Mỹ, bạn được quyền sai thoải mái. Được làm, được nói, được chơi, được phá thoải mái miễn không vi phạm pháp luật và không phá của người khác. Ít ai quan tâm bạn làm sai cái gì nếu không liên quan tới người ta. Người ta quan tâm nhiều vào việc bạn làm đúng cái gì hay là làm cái gì mới hay, thích để dùng và/hoặc học theo. Người Việt mình thích ném đá quá, đặc biệt là qua mạng. Mà trước cái mới, kiểu gì chả gây phản ứng.
Songbien @vickytam96: Singapore dân số ít nhưng có trường đại học top đầu thế giới vậy bạn nghĩ sao nói Nhật, Hàn, Singapore học tập giáo dục như VN ?
milanbliss1 Thực tế mà nói đây là một trong những cách thu hút và đào tạo nhân tài mà rất nhiều nước giàu trên thế giới đã làm từ hàng trăm năm nay. Những nước như Mỹ Anh Úc Đức, Phần Lan… là những nước như vậy, và họ hưởng lợi rất nhiều từ những nhân tài ưu tú của các nước khác. Họ chỉ bỏ vốn và tạo môi trường làm việc đủ hấp dẫn, phần còn lại kết quả họ hưởng. Cứ nhìn số quán quân Olympia đi du học Úc mấy ai về VN làm việc là thấy rõ thôi.
Nước chảy chỗ trũng, đất lành chim đậu… luôn đúng ở mọi thời…
L. Buil Có sân cho họ chơi và thì thố tài năng không đã, hay lại chỉ trả họ đồng lương thật bèo và làm việc dưới tay những người không chuyên nghiệp về mọi mặt, thế thì phí lắm.!.!…
myle010118 Mỹ giàu và hùng mạnh cũng nhờ nhân tài của thế giới. HỌ rất trọng dụng người tài, họ trả thù lao rất hậu. và tạo môi trường tốt nhất để người tài phát huy hết giá trị.
hienpham0389 nước họ coi trọng tri thức k cần quan hệ để xin việc thì nước họ phát triển là đúng rồi. nói đi thì cũng biết nói lại, các em đó giỏi nhưng không được trọng dụng và có mức lương tốt thì bản thân các em đó cũng thiệt thòi. đôi bên cùng có lợi chứ nói mỗi nước người ta hưởng lợi thì hơi phiến diện đấy. không có dân nước này thì có dân nước khác, trên thế giới nhiều quốc gia lắm. cạnh tranh để được một suất du học không phải chuyện dễ đâu.
hoaphuonghp95tc Bên đồi ngọn cỏ xanh hơn
Có khi là tại công ơn nước trời.
Mấy khi được bạn sang mời,
Thăm quan học hỏi, đến chơi rồi về.
Đi xa vẫn giữ thói nề,
Ông bà răn dạy chẳng hề sai đâu.
Mẹ cha chắc cũng dặn câu,
Là công dân tốt chẳng cầu gì hơn.
Thuy Do Các nước hiện đang có chính sách thu hút người tài rất nhiều bằng cách trao cơ hội học tập và định cư. Đặc biệt chính sách định cư thật tuyệt vời khi họ thu hút phần lớn người có trình độ thạc sĩ trở lên, không thì cũng dày dặn kinh nghiệm, đầy năng lực. Đổi lại họ gần như không mất gì, vì những người nhập cư này không chỉ giỏi còn nỗ lực làm việc. Tiền thuê họ cũng để tạo ra của cải. Nếu phụ thuộc vào đào tạo người bản địa, có khi chỉ được 10-20% xuất sắc như vậy, trong khi chi phí nuôi dưỡng và đào tạo là hơn 20 năm.
Me Im Cảm ơn Anh đã chia sẻ, rất mong được Anh chia sẻ thêm cách làm bạn với Con, cũng như cách đạt được học bổng du học. Thân.
L. Buil Tôi trao tặng con trai chúng tôi, tài sản lớn nhất của gia đình, cho đất nước bạn. Bạn sẽ biết ơn vì điều này.
Không quá xa hoa thừa thãi đâu anh ạ… Và tôi với anh cùng một bậc cha mẹ có hai con trai, các anh và chúng tôi đã làm y như anh thõ lộ và các con tôi đã ra trường sớm khi mới ngoài đôi mươi, kỷ thuật công nghệ cao…
Chúc anh và gia đình, đặc biệt hai con trai, được hạnh thông như ý nguyện… Mỗi cá nhân là một sinh thể đặc biệt có một không hai và hãy để họ là họ, tôi thích điều này nhất và rất trân trọng…
nguyencuong Chấp nhận con như con người vốn có của cháu,đáng ngạc nhiên,lại là điều ko dễ dàng với nhiều bậc cha mẹ VN.Có một sự ngộ nhận về sự phát triển cho con em mình trong những người làm cha làm mẹ như việc coi con là 1 thực thể duy nhất mà cứ xem sao cháu nó ko được như con nhà người ta.Điều này ko hẳn do lỗi quan niệm của cha mẹ mà nó còn được cộng hưởng từ nhiều điều bên ngoài.Tỉnh táo trong giáo dục để tìm ra con đường cho con mới chỉ là những trường đơn lẻ.Mong rằng giá trị bản thân các cháu sẽ được cha mẹ và xã hội công nhận mạnh mẽ hơn.Điều đó giúp xã hội nhân văn hơn và kinh tế cũng được tốt lên khi công nhận đúng giá trị của con người đóng góp cho xã hội ,một xã hội nhân văn,công bằngĐiều đó nhất định sẽ xảy ra vì xã hội ngày càng tiến lên sẽ phải cần tất cả những nguồn lực từ những con người đặc sắc như chính bản thân họ để xã hội phát triển trong cạnh tranh phát triển của các nước.Sớm hơn hay muộn hơn mà thôi.
Binbin Tôi có con chuẩn bị vào học lớp 1. Suốt những năm mẫu giáo, cháu không thích viết, vẽ, không thích múa hát. Nhưng cháu có khả năng đọc cả tiếng Việt và tiếng Anh từ khi 3 tuổi (hoàn toàn tự nhiên, tôi không hề dạy cháu) và cháu nói tiếng Anh rất tốt. Khi xem Youtube cháu cũng thích xem các video về cơ chế hoạt động của các loại máy móc, về cấu tạo ô tô… chứ không thích xem hoạt hình, xem siêu nhân…Ban đầu tôi nghĩ viết, vẽ gì gì đó con không thích thì không ép, để con tự do phát triển theo năng khiếu của con. Vì vậy, trong khi các bạn nhỏ cùng tuổi cháu đã được bố mẹ cho đi học viết, học làm toán…thì tôi chỉ cho con mình đi học tiếng Anh vì cháu rất mê tiếng Anh, xin đi học tiếng Anh, thời gian còn lại đa số là đi chơi đó đây. Nhưng đến giờ này tôi thực sự lo lắng khi các bạn của cháu đã viết đẹp rồi, làm toán lớp 1 được hết rồi, còn con tôi vẫn chưa biết viết đúng ô ly như quy định. Giáo dục tiểu học của chúng ta rất nặng tính khuôn mẫu, chữ phải đúng ô ly, lời giải bài toán phải đúng câu chữ mẫu…Vì vậy, trong môi trường giáo dục tiểu học đại trà thì những năng khiếu của con tôi chẳng có đất mà dụng võ, thậm chí cháu có thể sẽ bị xếp vào diện học sinh kém nếu không cải thiện được kỹ năng viết. Đôi khi tôi hối hận vì không cho cháu đi học luyện viết từ bé như con nhà người ta.
L. Buil @Binbin: Hai con trai tôi viết chữ còn tệ hơn cua bò, còn tôi, tôi còn không đọc được những gì tôi viết, nhưng bà xã có thể giải mã tất cả, hihihihi…
Rốt cuộc mọi chuyện cũng ổn thôi, hãy tự là chính mình, bớt khuôn phép đi cho đời thêm nhiều hương sắc…
Lý Ánh @Binbin: Bạn ơi, đừng lo lắng như vậy! tại sao người ta quy định 3 tuổi đi nhà trẻ, 6 tuổi học lớp 1 vì đúng tuổi đó con sẽ có thể tiếp thu chữ viết rất dễ dàng. Con mình không biết chữ tí tẹo nào luôn, ở nhà mình dạy cho chữ e, mà nó cứ lộn qua chữ ê, rồi không thuộc được chữ ơ, mình nản quá bỏ cuộc! vậy mà học xong lớp 1 con mình viết chữ rất đẹp, đọc ro ro luôn, mặc dù phải học hết nguyên học kỳ 1 online đó! Chỉ có điều, khi con vào học 2 tháng, mình phát hiện con mình đọc chậm hơn các bạn khác, thì mỗi sáng, mình dành 15 phút để đọc cùng con – mình nhắc lại là mình cùng con đọc lại những chữ/ vần/ câu cô giáo dạy ngày hôm trước, chứ không dạy gì trước cao xa đâu nhé! yên tâm đi bạn! Còn việc con bạn giỏi 1 cái gì đó thì mình chúc mừng bạn, không cần quan tâm là không có đất dụng võ nhé, học là cho chính bản thân của con để con phát triển đường dài, chứ không phải học để thi những cuộc thi trước mắt, lấy thành tích đâu bạn ạ!
Dang Lam Giang @Binbin: Con trai tôi giống như con bạn, trường công kêu ca phàn nàn…, sang lớp 2 chuyển trường tư có khả năng tốt cháu được chọn vào hệ Cambridge của trường … và cháu giúp IT nhà trường vá lỗi bảo mật được hiệu trưởng (người Mỹ) khen … bạn cố gắng có môi trường thích hợp cho cháu vì cháu đừng để nhân tài bị bỏ quên… tìm vườn ươm cho cháu. Thân
Binbin @Dang Lam Giang: Cảm ơn bạn nhiều! Tôi cũng đã đăng ký cho con học ở 1 trường tư, tuy chưa phải là ngôi trường tôi mong muốn nhất vì điều kiện kinh tế có hạn chế, và tôi hướng cho con vào lớp học ngoại khóa mà cháu yêu thích. Cố gắng nhất trong khả năng của gia đình để cháu được phát triển năng khiếu của bản thân.
Binbin @Lý Ánh: Cảm ơn bạn đã chia sẻ! Bạn nói đúng, đến độ tuổi đó là con có thể tiếp thu việc học, nhiều khi mình bị lo lắng thái quá mà quên mất rằng con mình đã lớn, không còn non nớt như khi mẫu giáo nữa rồi.
NMDuny Tôi có một người em họ. Anh ta ép con trai học ĐH ngành tài chính ngân hàng, và cậu bé – mặc dù không thích – vẫn chiều theo ý bố. Sau buổi lễ tốt nghiệp, cậu bé trao tấm bằng cho bố và vừa nói vừa cười: Đây là tấm bằng bố thích, còn bây giờ con sẽ đi học thứ con thích. Rồi cậu bé đi học một chương trình đào tạo đầu bếp, công việc cậu ta mơ ước từ lâu.
Đừng nghĩ rằng cái gì mình cho là tốt thì cũng tốt cho người khác, mà đó chỉ là sự áp đặt, cho dù với động cơ tốt đẹp.
L. Buil Tôi thích cách cư xử của cậu con này, nhưng tiếc thay phải tốn nhiều năm, thay vì cứ thẳng thắn… Hãy để họ là họ vì vậy Mỹ có nhân tài trên mọi lãnh vực mà ít có quốc gia nào dám bì…
md.noithat @L. Buil: Tôi cũng thích cách cư xử của em trai đấy, nó học xã hội học và triết tôi bảo nó học cái đó khó mua đc siêu xe lắm nhé, nó bảo tiền bạc là vật ngoài thây.
HP Cảm ơn anh về bài viết rất có chiều sâu. Dù con em vẫn nhỏ nhưng em cũng như anh chưa bao giờ muốn con cái có một áp lực của sự kỳ vọng nào mà cha mẹ đặt trên vai chúng, em bỏ những công việc không quan trọng để dành thời gian bên con cái, cố gắng để cho con cái có một tuổi thơ đúng nghĩa. Thời gian dành cho gia đình là thứ quý giá nhất trong cuộc đời mà em nghĩ rằng ai cũng nên trân trọng từng phút giây.
Cal Lisce Tôi thì lại thấy lo lắng, vì bọn trẻ dường như đang lười hơn đúng nghĩa. Lười vận động, lười làm việc, lười suy nghĩ.
SuoiHai Đồng quan điểm
LQL Vậy thì phải coi lại cách giáo dục trẻ của người lớn.
quang tran Còn nhớ chục năm trước tôi xin gia đình cho học thiết kế 3D game, nhưng nhà không cho, còn nói những lời lẽ rất năng nề: ” Học cái đó ra làm ở đâu, xung quanh đây có ai học cái đó đâu, ra làm lương 10 triệu không mà đòi học”. Rồi tôi cũng chấp nhận học ngành cơ khí với suy nghĩ là ra trường dễ xin việc, rồi mình sẽ chuyển sang nghề mình thích sau. Mặc dù tôi có tự học 3D song song với học cơ khí, nhưng thời gian khá ít nên chuyên môn chưa đủ để xin việc được. Nên mất thời gian khá lâu để tôi có thể chuyển nghề được. Hiện giờ tôi làm cty game lẫn tự do với mức thu nhập khá cao, cao hơn 10 triệu nhiều. Thực sự là khi con cái muốn làm cái gì thì phụ huynh sẽ không cấm nổi, vì ra ngoài xã hội thì phụ huynh có làm việc thay con được đâu. Cha mẹ cũng lo sợ con mình không có bằng cấp cao thì không xong được việc, nhưnhg học mà không có năng lực thì cái bằng cũng vô giá trị, thế nên mới có chuyện học ĐH xong thất nghiệp cả năm trời.
dinhnhatanh1812 Được sinh ra trong gia đình có cha mẹ thấu hiểu con,luôn yêu thương dạy dỗ con bằng sự bao dung của người làm cha,làm mẹ là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng của những người con…
Nhật Phạm Nếu con của anh không giỏi giang mà ham chơi, lười học thì anh sẽ nghĩ khác đấy!
Dien Mau Khi con của bạn ham chơi lười học, Điều đâu tiên bạn phải nhìn lại bản thân đã dạy con đúng cách chưa, đã quan tâm đủ nhiều đến con cái chưa??? Con hư thì trách nhiệm của người làm cha làm mẹ không ít đâu.
quangminh.hoangha @Dien Mau: Đứa trẻ nào cũng ham muốn học hỏi, ham chơi là vì không được học những cái đúng với sở trường của bé, nên sinh ra lười và chán. Học mà không nhìn thấy được mục tiêu và tương lai cũng là vấn đề làm cho chán nản
md.noithat Cỏ bên đây đồi luôn cháy.
L. Buil Chăm chút và siêng tưới nước cỏ xanh lại ngay ý mà, cỏ không khi nào chết, neither do our dreams…
md.noithat @L. Buil: Đối câu thế thôi, chứ cỏ trước nhà mình luôn xanh tốt mặc dù thời tiết rất nóng. Urban Gems never die
L. Buil @md.noithat: Hahaha, một nhân vật có khiếu hài hước và cách sống thực tiễn, everyday is a precious day.!.!…
md.noithat @L. Buil: Yes it is.
chaudangbao Ối giời ơi, anh có 2 đứa con tuyệt vời thế! Chả bù cho 2 thằng nhà em…
Phạm Thủy vì 2 đứa con nhà tác giả có người bố tuyệt vời
TAl ại con nhà người ta rồi
Nguyen Kim Thanh “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”. Chúc mừng gia đình anh.
Duy Hoang “Cỏ bên kia đồi luôn xanh hơn” – đó là cuộc đua xuyên suốt cả một cuộc đời.
Đọc những dòng chia sẻ về các bạn học sinh đang hoang mang, tôi nhớ lại về quãng đời tuổi thơ của mình, cũng là những cuộc đua “con nhà người ta” và nó kéo dài cho đến tận độ tuổi ngấp nghé 30 của mình.
Lúc nhỏ tôi luôn bị mẹ so sánh với “con người ta” – một nhân vật đôi lúc là 1 học sinh nào đó xuất hiện trên TV vừa đạt được học bổng nước ngoài, đôi lúc là con của 1 vị giám đốc công ty vừa đỗ đại học y dược, đôi lúc là 1 nhân vật ko rõ lai lịch, chỉ biết “con cô chú nào đó”.
Lớn thêm một chút, thời điểm vừa tốt nghiệp đại học, “con nhà người ta” là một người anh em xa cũng vừa ra trường với mức lương mơ ước, có lúc là con của đồng nghiệp đi học bậc thạc sĩ ở nước ngoài sau khi học xong đại học.
Gần đây hơn, “con người ta” là con người bạn vừa lập gia đình, con đàn cháu đống.
Có những lúc tôi cũng nhắc đến “mẹ người ta” – người mẹ có nhiều tiền bạc, nhiều thời gian quan tâm đến con cái, nhiều sự cảm thông và thấu hiểu, đừng can thiệp sâu vào cuộc sống của con cái nhưng cái nhận được là “mẹ mày mà mày chê” – cũng như thái độ của tôi khi mẹ nhắc đến “con nhà người ta.
“Cỏ bên kia đồi sẽ luôn xanh hơn” – luôn là vậy.
txthiep7299 Môi trường phát huy tài năng hạn chế, chế độ ưu đãi thấp, và đặc biệt là phân biệt bối cảnh gia đình đã vô tình loại bỏ các nhân tài đất nước.
motrachvu Cả hai con tui du học Mỹ từ phổ thông, đứa lớn từ 17, đứa nhỏ từ 15. Không mơ ước, mưu cầu, không đòi hỏi các con phải nay nọ, mà chỉ cho con cuộc sống như con đang là. Có vô vàn khó khăn, vô vàn cơ hội ở phía trước, lựa chọn là ở các con. Hãy đứng trên đôi chân của mình, nhưng bố luôn là chỗ dựa khi con cần.
Phạm Sơn Bài viết hay quá! Lâu lắm rồi mới được đọc một bài góc nhìn như vậy
Ngô Trọng Thanh 1. Cách làm bạn với con:
với tôi, trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, và tôi tin rằng các bé luôn có góc nhìn hợp lý (theo suy nghĩ và logic của tuổi các bé). Thật may mắn, tôi có 2 cậu con trai, và để hiểu các bé, tôi luôn tưởng tượng tôi đã suy nghĩ thế nào ở tuổi các cháu (và +một vài tuổi gì đó, vì các cháu giờ trưởng thành hơn thế hệ 6x đời cuối như tôi)
Trên hết, các cháu luôn cần được tôn trọng từ người lớn trong gia đình, điều này là nền tảng của sự tự tin và tự tin sẽ mang lại hạnh phúc thực sự của mỗi người.
Thao Gia đình tôi cũng đã từng không biết định hướng đúng ngành học cho con. Cứ hùa theo số đông mà lựa chọn và muốn con học giỏi và chọn ngành hot mà học. Kết quả là con không có một chút sở thích gì về ngành học kỹ sư cả. Thế là sau 2 năm theo học kĩ sư cháu đã bỏ ngang và theo học nghề đầu bếp vì là sở thích của cháu mà trước đây cháu không dám thổ lộ. Hiện tại cháu đã là đầu bếp khách sạn 5 sao lương khá cao mà đặc biệt là cháu làm được công việc mà cháu yêu thích. Còn các bạn của cháu trước đây học Luật, công nghệ, ngôn ngữ,…. thì nay các cháu đều làm chung một công việc , đó là nhân viên Sale của các công ty , mà lương thì vào khả năng bán hàng của mình hàng tháng. Mong các phụ huynh tìm hiểu sớm sở thích của con và đừng ép buộc con học hay làm theo những gì cha mẹ muốn. Chính là ở các con!
Tu Van Không ít bạn trẻ ngày nay có tư tưởng “trách sao bố mình không là tổng thống, trách sao ông mình không là tổng bí thư”, họ oán trách thế hệ ba mẹ và ông bà không tạo ra địa vị cao cho họ trong xã hội, không để lại tài sản đủ họ dùng vài đời,… Ôi, các thế hệ trước có cơm ăn áo mặc là mừng rồi, giờ thấy buồn lòng vì con cháu tự lập kém quá.
LQL Thứ nhất, sinh con ra thì phải chuẩn bị điều kiện tốt nhất có thể. Có thể ở đây tùy từng người nhưng ko dc thấp hơn mức trung bình xã hội. Sinh ra con mà để nó “nửa bước khó đi”, “vật lộn với đời” thì tốt nhất ko sinh.
Thứ hai, con tự lập kém thì người chịu trách nhiệm đầu tiên là cha mẹ, hay rõ hơn đó chính là cách nuôi dạy con của cha mẹ.
Tóm lại, trách nhiệm của cha mẹ là vô cùng lớn trong việc hình thành nên thế hệ sau và hoàn toàn là ý kiến chủ quan chủ quan của cha mẹ nên con cái hoàn toàn có quyền ý kiến “cha mẹ nhà người ta”.
TAURUS.INTER JSC Cảm ơn a vì những chia sẻ rất đáng giá!!Tôi làm giáo dục ở trình độ cao hơn 10 năm và cũng làm doanh nghiệp từng đó thời gian nên rất đồng cảm với quan điểm của a.
trongdshl2 Cảm ơn anh đã chia sẻ bài viết, tôi không dám nhận xét đúng sai vì mỗi gia đình một lối nghĩ. Nhưng tôi rất vui vì có người đồng hành và không cảm thấy bản thân quá khác biệt trong mối quan hệ với con, cháu của mình.
Maria Sharapova: Nữ hoàng tennis, Công chúa Quả bóng vàng. Thật ra người nào tinh tế. trí thức thì luôn hành động có chuẩn mực. Còn những người “hay nọ” “hay kia” thì bản thân họ vốn đã KHÔNG CÓ những phẩm chất đó thì họ hành động theo bản năng VỐN CÓ của họ thôi.
hatbuinho1201 Chúc mừng tất cả những gì tốt đẹp mà giá đình anh đang có. Nếu nhiều trẻ em VN được đi du học ở nhiều quốc gia và đặc biệt ở những đất nước phát triển thì đó là thành tựu lớn của việc mở mang dân trí cho thế hệ tương lai, có ích cho dân tộc. Rất mong như vậy dù cá nhân tôi cả đời chưa ra khỏi lũy tre làng
VuKhanhAn Tôi thực tế là một người có khả năng tiếp thu bình thường, trong một vài trường hợp thì có lẽ nhanh hơn vài người một chút. Từ bé, tôi cũng bị áp lực về điểm số (do bố mẹ, bạn bè, hay cũng vì chính tôi). Năm đầu tiên tôi thi trượt ĐH, năm thứ 2 tôi tự nộp nguyện vọng vào Nam để học (dù mẹ phản đối rất nhiều). Tôi chọn trường cũng theo cảm tính (vì thực tế tôi không nhận ra được ngành nghề mình yêu thích – vì cũng rất ít thông tin để mình tìm hiểu tham khảo). Sau này ra trường, và sau khi đi làm vài năm tôi cũng nhận ra được điểm yếu và mạnh của bản thân. Đồng thời cũng nhận ra bị kìm kẹp những gì ở tuổi thơ làm bản thân đã không xác định được điều mà bản thân muốn, có khả năng về lĩnh vựa gì.
Và năm nay, con tôi vào lớp 1, tôi đã tìm hiểu về sgk mấy năm trước để chuẩn bị tinh thần cùng con. Giống như tác giả, tôi mong con có tuổi thơ đúng nghĩa. Thế nên tôi cho con về quê chơi 3 tháng hè, và lộ trình sau này sẽ đồng hành cùng con trên con đường học dài phía trước (tôi tự hứa sẽ không áp lực con về điểm số như tuổi thơ tôi đã trải qua), mong muốn con sẽ được hoạt động về mặt xã hội nhiều hơn để sau này con sẽ hiểu được bản thân con muốn gì và lựa chọn con đường mà con cần phải đi. Luôn cố gắng nhìn vào khả năng con có thể làm, không so sánh để ảnh hưởng tâm lý của con. Cảm ơn tác giả, tôi thấy mình cần phải học hỏi nhiều hơn để có thể làm một người bạn cùng nhà của con
TNH Cảm ơn tác giả về bài viết hay. Tiếp thêm động lực để tôi luôn sát cánh cùng con trên bước đường trưởng thành.
Ngô Trọng Thanh 3. đất nước Phần Lan
thực ra, cách đây khoảng 15 năm, khi bé lớn nhà tôi 10 tuổi, tôi đã cố gắng kiếm tìm nơi du học tốt nhất cho cháu, sau đó cháu đã qua New Zealand/ Mỹ/ Canada để học. Còn bé Út, tôi tin rằng Phần Lan luôn là nơi xứng đáng trao gửi tương lai (cháu Út được nhận khá nhiều học bổng và cơ hội để lựa chọn học cấp 3 từ Anh, Mỹ, và Phần Lan).
Phần Lan là đất nước hạnh phúc nhất thế giới 5 năm liền (do UN đánh giá), chất lượng sống tốt nhất thế giới (do CEOworld- tạp chí cho giới siêu giàu Mỹ đánh giá), con người tin nhau nhất thế giới (tôi đặc biệt thích điều này)
Ngô Trọng Thanh 2. hướng nghiệp
tôi luôn tin rằng, với lứa tuổi chúng tôi, sinh ra và lớn lên thời bao cấp (tôi có viết bài ‘đĩa ra quí giá’ về điều này), và vì vậy, kiếm sống và vật chất trở thành 1 động lực mạnh mẽ. Rất nhiều cha mẹ đã trải qua giai đoạn đó, và áp đặt luôn cho con những suy nghĩ này.
Với thời nay, các cháu sẽ có ước mơ lớn hơn manh chiếu hẹp của thế hệ trước, để vươn tới những giá trị cao hơn những nhu cầu cơ bản. Đó không chỉ là lý thuyết Maslow, mà là hiện thực. Vì vậy, đừng shock khi thấy con cái có ước mơ khác mình.
tieuvuhp90 làm bạn vs con chính là cách thấu hiểu con tốt nhất
dungngocphan79 Bài viết rất hay, thật cám ơn Anh, Anh chia sẻ thêm về việc làm sao nhận được được suất học bổng cho con luôn đi ạ! Chúc con Anh thành công trên con đường phía trước
Phạm Hồng Quang Không biết nên vui hay buồn vì nhân tài không được trọng dụng. Và rõ ràng anh là doanh nhân thì không thiếu điều kiện để theo học các trường quốc tế hay du học tự túc.
Ho Huy cảm ơn chia sẻ tuyệt vời của anh, em có hình mẫu để hướng cho cậu con trai của mình rồi
vn.bizcon Bạn là người cha của những đứa con tuyệt vời, có sự định hướng rất tự nhiên và hiểu biết, không viết ra nhưng tôi tin cách gia đình bạn truyền cảm hứng cho lũ trẻ mới tuyệt bởi qua cách viết của bạn, ít nhiều thể hiện có tầm và bản thân chúng có môi trường tốt hơn phần lớn các bạn cùng trang lứa, con đường của chúng phát triển tương đối gợi mở, bên cạnh đó giá đình bạn có cùng nhịp trong lối suỹ nghĩ hướng đến thịnh vượng tự nhiên của tri thức vốn ít nhiều sẵn có trong DNA của bạn và trỗi dậy đúng lúc. Chúc gia đình hạnh phúc!
haxmtc Đối với tôi thì con anh là con nhà người ta đấy.
Nguyễn Thị Diễm Kiều Mọi sự so sánh đều khập khểnh. Tuy nhiên, đọc bài viết tôi thấy nữa đồng ý với doanh nhân, nữa không đồng ý. Sự đồng ý phần lớn bắt nguồn từ bạn chắc có tài kinh doanh, có nhiều tiền, chắc cũng nổi tiếng vì có bạn Tỷ phú USD nên chắc rất thành công ở lĩnh vực nào đó. Còn không đồng ý là vì bất cứ vấn đề gì thì cũng có rất nhiều nhóm, nhiều quan điểm, nhiều kết quả rất khác nhau…Ví dụ trong trường hợp này, các cháu được đi Du học ở Phần Lan có thể gọi đó là cố gắng, là thành tích, là một hướng Giáo dục phù hợp quan điểm một số người nhất là phù hợp với gia đình và Giáo dục Phần Lan. Tuy nhiên, nếu được như các cháu là khó, là thành tích cao, là cách nhìn nhận mới, khôn ngoan về giáo dục con cái thì tôi vẫn chứng kiến rằng với cách dạy học, quan điểm về giáo dục rất xưa, rất ” lỗi thời ” nhưng nhiều Bố, Mẹ cũng rất tự hào về con cái họ vì đạt điểm cao trong khi đi học, vì chạy theo thành tích và đặc biệt vì có huy chương Toán quốc tế điều này theo đa số đều nhận thấy khó khăn, cần phải nỗ lực, thành tích cao hơn rất nhiều, đáng trân trọng hơn rất nhiều khi so sánh với các “suất” được đi du học phần Lan. và sau này họ thành công cũng không kém phần vang dội mà giáo dục Phần Lan chưa hẳn đã có. Cũng có thể bạn sẽ nói đó là do sự thông minh của mỗi người có khác nhau. Tuy nhiên chưa ai chứng minh điều đó !
Trần Văn Quyết Thật là quan ngại cho cách viết phản hồi của bạn. Đọc khá hại não!
NGUYỄN THỊ THÚY “Mà, tương lai vốn bất định và mơ hồ, còn chi phí thì rất thật và không hề nhỏ….. …trong đó có con tôi, như những hạt giống được ươm mầm” Bạn viết đúng lắm. Nhưng bạn nói với Peter:”Bạn sẽ biết ơn vì điều này thì tôi thua bạn rồi(!!!)
LQL Đó là sự khác nhau cơ bản giữa những “cha mẹ nhà người ta”, hihi
Haohao Tựa đề của bài rất hay và tôi không thể đồng ý hơn với ý kiến con cái nên được chấp nhận như bản chất vốn có. Nhưng thiết nghĩ anh nên nói là những sinh viên nhận học bổng sẽ làm nhà bảo trợ tự hào và chương trình sẽ đem lại nhiều điều tốt đẹp cho 2 bên…Chứ không nên nói họ phải cảm ơn anh vì giao những đứa con giỏi giang cho họ. Nếu Peter đơn thuần là một người có thiện tâm muốn tạo điều kiện để sinh viên từ các nước đang phát triển có điều kiện học tập tốt hơn thì anh ấy sẽ thấy bị xúc phạm.
Nếu đây đơn thuần là chương trình thu hút người tài nhập cư của Phần Lan mà sinh viên chúng ta tận dụng cơ hội để được đi học và ở lại thì cũng chẳng có gì để họ cảm ơn vì 2 bên tận dụng lẫn nhau. Chừng nào VN gởi chuyên gia sang đó giúp Phần Lan giải quyết vấn đề của nước họ thì hẵng nói họ cảm ơn.
Ngô Trọng Thanh 5. học bổng Phần Lan
Con trai tôi nộp đơn trực tiếp với Phần Lan. Nhưng theo tôi được biết, hiện tại bên Phần Lan không cho nộp trực tiếp mà thông qua đối tác của họ tại Vietnam.
một số thông tin tới các anh chị, hy vọng nó bổ ích. Xin cám ơn, và chúc các anh chị và các con hạnh phúc!
donganh.bland Hay anh ạ. Anh viết lên đây cũng là để mọi người hiểu hơn. Nhưng làm sao thay đổi được suy nghĩ của đám đông thì thật khó. Con anh chắc được học ở môi trường không có sự xét nét, những lời xì xào miệt thị nên tâm hồn và thể chất không bị ảnh hưởng…
Trung.N.T Cảm ơn bài viết của anh, em vừa được lên chức làm cha được 8 tháng phần nào em cũng đồng cảm được tình yêu dành cho con của anh.
duongkhqd Chúc mừng anh đã tìm đc môi trường tốt cho các con.
Bài viết hay và có ý nghĩa nhân văn
Chien Nguyen Peter nhắc đến trong bài này là Peter Vesterbacka, biệt danh “Đại bàng dũng mãnh” (Mighty Eagle), đã được nêu tên trong Tạp chí TIME năm 2011 với tầm ảnh hưởng đến xã hội. Nếu bạn trẻ du học được Peter hướng cho thực tập trong những dự án quan trọng thì sẽ có những kinh nghiệm rất quý báu, xin chúc mừng anh Thanh.
Carot Khoaitay Cám ơn tác giả rất nhiều. Các bậc cha mẹ nên đọc bài viết này. Rất hay và ý nghĩa.
CHÂU TRẦN cám ơn tác giả vì những nhìn nhận cho tương lai
Lê Văn Tác giả cần nói cụ thể về kinh nghiệm cách thức làm bạn với con như thế nào trong trường hợp cụ thể là hai con trai của tác giả thì có lẽ nhiều người sẽ học tập đc hơn; kể cả cách tìm học bổng của các nước tiên tiến.
Hachi Bụng Bự Việc cha mẹ nên yêu thương con cái vô điều kiện và học thấu hiểu, chấp nhận, không so sánh là đúng. Nhưng việc khuyến khích con cái học hành, phấn đấu, vươn lên, trong đó việc dùng một số tấm gương là nên. Trẻ em thì nên được quan tâm, hướng dẫn sớm, cần ví dụ trực quan để hiểu, cần rèn luyện thói quen từ khi tuổi còn nhỏ và từ những việc nhỏ nhất. Càng rèn luyện nhiều thì lớn lên càng ít bỡ ngỡ, càng giảm khả năng bị áp lực chứ.
Duy Duy Chấp nhận con là bước đầu tiên để bạn nhận ra con cần phương pháp rèn luyện như thế nào cho đúng đắn. Ví dụ con bạn là cá thì không nên nêu gương chim để con noi theo hay tập cho con bay hy vọng nó một ngày nào đó con mình thành chim. Đầu tiên phải chấp nhận sự thật nó là cá, là cá cơm hay cá mập lại sẽ có mục tiêu, phương pháp rèn luyện khác nhau.
quangnam130 Cảm ơn anh đã chia sẽ. Rất mong được anh hướng dẫn cách săn học bổng này. Cũng vì tiền thì rất thật, tương lai lại mơ hồ, Nên vẫn luôn săn tìm cơ hội anh ạ. Mong anh chỉ điểm
Thu Thủy Tôi cũng rất muốn ủng hộ sở thích của các con mà chưa phát hiện ra được khả năng và đam mê vượt trội gì. Con chỉ mê game thì làm sao đây? Tôi đang đau đầu vì con quá ạ.
Haohao bạn có nghĩ là ngay từ đầu không nên mong đợi con có khả năng hoặc đam mê vượt trội gì không? Chấp nhận con mình như nó vốn có có chính là dù nó ngu dốt lười biếng ham chơi cả đời không làm nên trò trống gì … thì vẫn chấp nhận đó là chính con mình và vẫn yêu thương, động viên con dù nó không giỏi hay tốt như bạn mong đợi.
hoahuongduong Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Haohao Tựa đề của bài rất hay và tôi không thể đồng ý hơn với ý kiến con cái nên được chấp nhận như bản chất vốn có. Nhưng thiết nghĩ anh nên nói là những sinh viên nhận học bổng sẽ làm nhà bảo trợ tự hào và chương trình sẽ đem lại nhiều điều tốt đẹp cho 2 bên…Chứ không nên nói họ phải cảm ơn anh vì giao những đứa con giỏi giang cho họ. Nếu Peter đơn thuần là một người có thiện tâm muốn tạo điều kiện để sinh viên từ các nước đang phát triển có điều kiện học tập tốt hơn thì anh ấy sẽ thấy bị xúc phạm.
Nếu đây đơn thuần là chương trình thu hút người tài nhập cư của Phần Lan mà sinh viên chúng ta tận dụng cơ hội để được đi học và ở lại thì cũng chẳng có gì để họ cảm ơn vì 2 bên tận dụng lẫn nhau. Chừng nào VN gởi chuyên gia sang đó giúp Phần Lan giải quyết vấn đề của nước họ thì hẵng nói họ cảm ơn.
Chien Nguyen Peter nhắc đến trong bài này là Peter Vesterbacka, biệt danh “Đại bàng dũng mãnh” (Mighty Eagle), đã được nêu tên trong Tạp chí TIME năm 2011 với tầm ảnh hưởng đến xã hội. Nếu bạn trẻ du học được Peter hướng cho thực tập trong những dự án quan trọng thì sẽ có những kinh nghiệm rất quý báu, xin chúc mừng anh Thanh.
duongkhqdChúc mừng anh đã tìm đc môi trường tốt cho các con.
Bài viết hay và có ý nghĩa nhân văn
vqminh93Bài viết và góc nhìn rất hay. Thanks for pointing the simple fact!