Lớn lên từ văn hoá lúa nước cổ truyền với tâm lý sợ ma và cúng kính cầu xin rất nhiều, nên bản thân mình quen với việc cúng. Làm cái gì cũng cúng. Mua chiếc xe đến khai trương cửa hàng, đi thi đến đi xin việc, cái gì cũng lo lắng, cúng kính cầu xin.
Nhưng có cái thành, cái không thành. Tình cờ mình phát hiện là có những lần mình quên cúng do bận đi làm từ thiện, nhưng mọi thứ đều thành cả. Từ đó, mình đổi nhận thức. Nếu cúng kính mà văn minh phồn thịnh thì các bộ lạc ở châu Phi đã dẫn đầu thế giới. Các nước G7, Bắc Âu không có cúng kính gì mà vẫn như thiên đường đấy thôi. Họ tin nhau, tin vào có sự sắp đặt của vũ trụ, tin vào nhân-quả.
Đức tin bắt đầu từ những suy nghĩ thiện lành về người khác, những cầu mong thật sự cho người khác được tốt đẹp. Và tự dưng, may mắn sẽ quay trở lại với mình, chứ không phải họ cho đi để được may mắn (cho đi không vụ lợi).
Thế hệ trẻ cần phải nghĩ khác, làm khác. Hiến máu, hiến tạng, quyên góp tiền gửi đồng bào vùng sâu, mua bồn nước tặng đồng bào vùng cao, mua hạt giống tặng nhà nông nghèo, mua nông sản gửi các bếp ăn các bệnh viện đa khoa tỉnh, không nói điểm xấu của người khác, không ganh tỵ sân si vì người khác hơn mình, người khác có mà mình không có…. thì bạn đã thực hiện được “là một người tốt” rồi.
Cho đi, đúng người hay không đúng người không quan trọng, quan trọng là mình đã cho đi. Nhớ nhé các bạn, chẳng cần phải cúng sao giải hạn gì đâu, những vị tinh tú trên trời chẳng thể xuống ăn mấy cái thực phẩm của mình và cho mình thoát hạn. Thần thánh ông bà tổ tiên nào đi ăn mấy con vịt quay mấy lon bia nước ngọt của mình. Giả sử những người khuất mặt đó là có thật, thì họ cũng cao quý thanh thoát, đâu thể phàm phu tục tử mà ăn những vật chất có thật của mình bày ra rồi xin xỏ, đại loại “ăn rồi thì phải giúp tôi”, kiểu trả giá đổi chác rất chợ trời. Thay vì đốt nhang quá nhiều tạo khói độc hại ra môi trường, hãy làm những việc thiện. CÚNG VÀ XIN là nhận thức lạc hậu. Mà nhận thức, thì hôm nay khác hôm qua, có sao. Đời là 1 quá trình biến đổi nhận thức theo hướng tốt hơn.
Mọi tôn giáo, cuối cùng cũng giống nhau cả chứ không phải cãi nhau, đó là quan điểm ấu trĩ của loài người. Tôn giáo là đức tin vào chính thiện lương của lòng mình. Mình lương thiện, và người khác cũng thế. Có thể có lúc họ vì cám dỗ vì tiền hay quyền lực hay tình cảm mà cư xử chưa phải, nhưng rồi họ vẫn sẽ nhận ra và thiện lương về sau. Khoan nói người đời, bàn về người khác. Giả sử họ xấu thì họ cũng đã chấp nhận đánh đổi trả giá vận mệnh của họ rồi. Còn họ tốt, thiện thì họ hưởng. Cho đi, đúng người hay không đúng người không quan trọng, quan trọng là mình đã cho đi. Họ nhận xong rồi vứt hay chửi mình thậm tệ cũng được, chẳng sao.
Và đừng có sợ ma. Những tâm lý sợ hãi khiến mình không dám đi đâu xa, không hội nhập được. Giả sử có ma thật, thì họ cũng chẳng giết mình, chưa có tiền lệ ma giết người. Mình có bật đèn, mình có đóng kín cửa thì con ma vẫn bay vào được, mình có làm gì thì nó nằm cạnh mình, có kiểm soát được nó đâu. Nên mình cứ giúp người, có khi ma nó còn quay lại phụ mình 1 tay.
Thay vì bỏ tiền ra cúng sao giải hạn, hãy ghé bệnh viện gửi số tiền đó cho bếp ăn từ thiện. Đừng có sợ người ta ăn chặn, cứ nghĩ tiêu cực vậy rồi nó chặn đứng mọi ý nghĩ thiện trong lòng mình. Chưa gì đã nghĩ ác về người khác sao được. Cứ cho đi. Ai làm sai thì họ tự nhận hậu quả, chứ ngồi đó mà lo lắng thì cuối cùng không làm. Đều đặn 1 năm, “cúng” 1 ít máu của mình cho y học. Máu nhiễm siêu vi B thì ghé hiến tạng, chẳng may qua đời thì y học có cái để giúp người. Hoặc gửi tiền cho trại trẻ mồ côi, rút tiền cho người tàn tật trong xã hội, họ không lành lặn để làm tiền như mình. Thương họ với.
Mình hoàn toàn có thể trở thành những ông Bụt cho chính mình, cho những người xung quanh nếu có lòng HÀO SẢNG (tức mạnh dạn DÁM MẤT, tức bớt cái mình sở hữu, ai không tham thì sẽ có lòng hào sảng). Tự mình phù hộ độ trì cho mình thôi. Còn chuyện thiên tai, cầu mong cúng kính cỡ nào cũng chẳng thay đổi được cường độ cơn bão hay động đất, chi bằng mình ra giải pháp, nhà cửa đường sá đầu tư tốt hơn, lo làm ăn thu nhập tốt để xây nhà đúc thay vì lợp tôn lợp ngói, nâng nền cao.
SỢ HÃI KHÔNG PHẢI LÀ GIẢI PHÁP. CẦU MONG CŨNG KHÔNG BAO GIỜ LÀ GIẢI PHÁP. Do mình không chuẩn bị kỹ mới cầu xin sự may mắn, mới có câu “học tài thi phận”, chứ giả sử thuộc làu làu 600 câu thi bằng lái, thì vô cỡ nào chẳng đánh đúng 100%. Vái ông bà làm chi, ông bà mình có biết lái xe đâu mà vô chỉ mình. Tiếng Anh học chăm chỉ, thì vô được IELTS 8.0 ngay chứ thánh thần nào giúp được, mình cầu thánh thần Việt Nam, họ đâu có rành ngoại ngữ. Phật cũng đâu có tiền hay có nguồn vợ đẹp chồng khôn đâu mà cứ lên chùa là xin tiền cầu duyên, xin không được thì “cạch mặt, lần sau không thèm lên chùa nữa”. Ông Quan Công cũng đâu có biết đánh đề đâu mà cầu xin ổng cho số để đánh. Xin không được như ý thì hằn học, chê bai, ghét, chửi, tỏ thái độ,….thì do mình chưa văn minh thôi.
Có những nơi 1 năm cả chục cơn bão lớn ập vào hay động đất mỗi ngày như Nhật Bản, họ vẫn giàu sụ và văn minh ngời ngời. Tất cả là do tư duy của con người. Thay đổi não trạng thôi các bạn ạ. Vận mệnh mỗi người là do người đó tự tạo ra. Nghĩ thiện, làm thiện thì may mắn, hạnh phúc, phồn thịnh, văn minh, sang trọng.
FB chàng trai thiện lành được chị em phụ nữ cả nước vô cùng yêu mến, anh Hưng Hưng. Bài thơ trong bài rất hay, đáng được share rộng rãi.
Tony Buổi Sáng
Thụ động quá Hưng ơi!
Hôm trước có tin bão trên biển Đông, Hưng Hưng theo thói quen xưa nay buộc miệng nói với ông bà người Nhật là “con mong đừng có bão, mong bão tan ngoài biển, bão đừng có vào” thì ông bà Nhật cười bảo “cái này ngoài năng lực kiểm soát của mình. Mong chờ là tư duy thụ động, con chỉ nên ra giải pháp thôi”. Hưng Hưng vẫn còn thắc mắc thì ông Nhật đã giải thích rõ hơn. “Thiên tai cũng là thiên nhiên, bão là gió mạnh, lốc xoáy mạnh. Động đất là sự sắp xếp lại của vỏ trái đất. Nắng nóng gay gắt vào mùa hè là để tiêu diệt những vi khuẩn vi nấm sinh sôi trong trái đất. Lạnh giá mùa đông là để giữ những tấm băng vĩnh cửu ở 2 đầu trái đất không tan làm nước biển dâng. Trời đất có lúc này lúc nọ, mùa xuân mùa thu thì mình ra ngoài vui chơi nhiều, mùa hè mùa đông thì ra ít lại. Vấn đề là mình ra giải pháp, thay vì cầu xin và mong ước. Nếu không được như ý thì quay ra trách giận thánh thần, tâm lý bực bội khó chịu”.
Hưng Hưng ngồi ngẫm mới thấy đúng. Xưa Hưng Hưng có trồng cây ở một cái farm nọ, lúc xuống giống ai cũng cầu mong đừng có khô hạn, mấy tháng sau không mưa khiến cây chết, ai cũng bực mình. Sang Israel làm, thấy ông boss ông ấy lắp hết hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt khi xuống giống, cứ nắng nóng thì tưới, gió to thì lưới bao lại, kể cả trồng chuối. Có lần Hưng Hưng sấy cá cơm tặng cho bạn Lee Sung, Hưng Hưng mong trời nắng to để phơi cho ngon, nhưng bữa đó trời chẳng đúng ý mình, khiến mình nhăn nhó. Hôm đó, Hưng Hưng qua nhà ông bà Nhật thì thấy ông bà sấy cá liên tục. Cứ thấy nắng thì đem ra khu nhà sấy mặt trời, không có thì đem vô sấy điện, chấp nhận trả tiền điện cao lên chứ tuyệt nhiên không phàn nàn. Hưng Hưng chợt nhớ văn hoá “lập đàn cầu mưa”. Rồi lại “trông trời trông đất trong mây, trông mưa trong nắng trong ngày trông đêm, trông cho chân cứng đá mềm, trời yên biển lặng…”. Mùa này khu vịnh Vân Phong có mưa nhiều, Hưng Hưng thấy ông bà mua hàng trăm cái phuy để trữ nước mưa từ các mái nhà, nói để dành sang năm, khi mùa nắng nóng thì dùng, không chắc nguồn nước ngầm có mãi hoặc không nhiễm mặn. Họ tính trước và ra giải pháp chứ không bị động đối phó.
Từ lúc làm việc với ông bà, Hưng Hưng đã bắt đầu ít phàn nàn hơn về ngoại cảnh, khác hẳn với tư duy từ nhỏ lớn lên của mình, một văn hoá phàn nàn tiêu cực xuyên suốt cả tuổi thơ. Khi ở nông thôn thì Hưng Hưng chê buồn, không có tiện nghi, không có cơ hội, hạ tầng giao thông xấu, không có dịch vụ tốt….và mong ước đổi đời bằng cách lên phố. Khi lên phố thì chê ồn ào, tắc đường ngập nước, ô nhiễm, trộm cướp,…và mong ước nó được trong lành như nông thôn, khi ra ở gần biển thì luôn lo sợ vì bão. Ông bà thấy vậy mới bảo mình, con ngắm biển và hít không khí trong lành từ đại dương 10 tháng rồi, thì con phải thưởng thức luôn 2 tháng cuối năm, chuyện trời đất mà. Vấn đề là con xây dựng nhà cửa chắc chắn để an toàn qua cơn mưa bão, chứ không phải buông lời lẽ cầu xin rồi khó chịu làm chi. Hưng Hưng chợt nhớ câu thơ hồi nhỏ học:
Nếu không có buổi đông tàn
Làm sao có cảnh nắng tràn xuân tươi?
Gian nan trên bước đường đời
Sẽ càng rèn luyện lòng người mà thôi!
P/S: Chai nước mắm Nhật của Hưng Hưng có gắn cái vòi này, các bạn sẽ bỏ nắp cũ, gắn vào trước khi sử dụng, hết thì gỡ ra, gắn sang chai khác. Sẽ không dính tay, không ruồi muỗi, lượng nước mắm không ra quá ít hoặc quá nhiều, rất tiện lợi. Các bạn theo dõi mình nhé, mình được bài học gì hay thì sẽ đăng lên cho các bạn.
Hưng Hưng Vũ
Bạn đọc comment:
Nhan Nguyen Ra giải pháp đi. Ít phàn nàn lại. Bài viết hay quá !
Hà Thị Thúy Hương Thực sự ý nghĩa.
Nguyễn Bá HạnhTranh thủ đọc và ngẫm thôi cả nhà ạ !!
Hồ Thị Kim Hoàn Đọc xong bài viết ck mình lại tấm tắc và kiểu gì lại order chai nước mắm Nhật có vòi này về cho coi.
Hue Chu Thi Ngoc Theo dõi page này đã lâu lắm rồi. Bài nào viết cũng rất hay!
Giang Trần Cái vòi xịt tiện thế mà bao nhiêu năm mình ko biết. Tư duy đưa ra giải pháp cũng thật là tuyệt. Đúng là cái t cần bây giờ
Lê Thị Thúy đâu phải ai cũng tư duy thế đc đâu ????
Giang Trần Lê Thị Thúy mình biết mình chứ quan tâm ng khác làm gì :)).
Thanh Xuân Tư duy tốt thật
Hùng Đức Phạm Những quan điểm rất tiến bộ, đáng để học hỏi!
Huy Ha Không phàn nàn, không khó chịu, không cầu mong
Trần Duy Bảo Ngân Độ tuyệt vời bằng độ dài bài viết của Dượng và double Hưng????
Thu Bina Mỗi sáng được đọc mấy bài viết này thấy lạc quan và có được nhiều ý tưởng hay????????
Bích Hà Mỗi ngày một tư duy mới.
Hiep Dinh Cafe và tư duy.
Võ Hải Thượng Hữu ích và tích cực.
Gái Quê Cũng rất đáng để học hỏi một vài chỗ. ????
Ngọc Phi Anh Quan trọng là giải pháp, gỡ bỏ tâm lý phàn nàn, tiêu cực.
Canh Nguyen Chủ động với hoản cảnh, thuận theo tự nhiên và thôi đổ lỗi cho ông giời ????
Mỹ Hạnh Trần Không sợ đọc nhiều chữ thì sẽ thấy cái hay trong bài.
Nguyễn Thanh Tiếu Nếu sợ thì nhờ điện thọi đọc dùm cũng được mà…. hihi
Mỹ Hạnh Trần Nguyễn Thanh Tiếu đát xì gút ai đia
Tran Thi Minh Trang Tôn giáo là đức tin vào thiện lương của chính mình.
Chàng trai thiện lương đây, đáng cho mình học hỏi
Đồng Nghĩa Quy 1 đời thụ động hay Chủ Động ????
Kiều Nguyễn Bài viết bày tỏ đầy đủ “Quan niệm cúng kiến” của mình luôn á :)))
Ngoài cúng giỗ để kính nhớ ông bà tổ tiên ra nhà ba má mình không có cúng gì khác
Trâm Trâm Rất đáng đọc!
Le Thi Nga Chia sẻ một bài viết hay cũng là một nhiệm vụ đáng phải làm!
Rơm Vn mình công nhận hay phàn nàn than thở. Chắc vì mình bị đè nén mấy nghìn năm nô lệ.
Nguyễn Duy Trung May mắn không tự nhiên mà đến
Phuoc Tran Tư duy tốt không tự nhiên mà có, một cuộc sống tốt đến từ tư duy tốt
Mie Nguyễn Tony vẫn luôn là idol của mình. Nói gì cũng thấy đúng.. ????
Tạ Văn Dương Đồng quan điểm, và nhận ra mình cần phải chủ động hơn về mọi thứ…
Pham Hong Anh Thích cái đoạn mình giúp người, mà là giúp vô tư nhé, cầu thị, ít nhất trong tâm mình muốn thế, và vui, may hay ko may trong đời đến cũng vô thường. Sống tốt cũng cần phải rèn luyện, để nhận thức được tốt, xấu theo nhiều khía cạnh sâu sắc, văn minh hơn.
Nguyễn Tấn Vũ Sáng sớm đọc bài viết mang năng lượng tích cực rồi.
(còn tiếp)