Có nên thiền hay không?
Có phải thiền để tôn cái tôi của mình lên hay không?
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh-Trong Suốt (Đà Nẵng 7/2018)
Một bạn: Con thì không biết về Trà đàm Trong Suốt, chỉ là có duyên gặp một vài người ở đây. Sau khi theo dõi các bài viết trên Facebook, rồi tiếp xúc trực tiếp thì mình cảm thấy ngưỡng mộ.
Nói về thiền thì kiến thức của con còn ít lắm, nhưng con cũng có duyên thiền định. Con đến đây hôm naycó hai mục tiêu rất là rõ:
- Thứ nhất là để mình có thể trau dồi hơn.
- Thứ hai là, con muốn mình không phán xét đội nhóm và câu lạc bộ của mình.
Thời gian gần đây những khóa học về thiền rất là nhiều. Bản thân con cũng đăng kí Vipassana ở Củ Chi. Con chỉ đơn giản thấy mình học hỏi được thì mình chọn thôi. Nhưng mà các bạn trong câu lạc bộ của con thì hay nói về chuyện thiền và tu, kiểu: “Chị ơi! Cuối tuần này em đi tu; cuối tuần sau em đi tu; chị làm giúp em việc này vì em phải đi tu; em đi thiền khóa này”. (Thầy cười)
Nhiều đến mức mà con cũng hỏi các bạn “Có nên thiền hay không?”. Vì thực tế khi các bạn đi thiền về thì con cảm thấy không ổn lắm. Và con bắt đầu suy nghĩ, có phải thiền để mình tôn cái tôi của mình lên hay không?
Thầy Trong Suốt: Ừ! Đúng rồi!
Bạn đó: Nhiều bạn đi thiền về cảm thấy tự hào là mình có thiền, còn người khác không có thiền. Thì con mong Thầy cho lời khuyên có nên tiếp tục với thiền hay không?
Thầy Trong Suốt: Đội con có ai đến đây không? Những người ấy có ai đến đây không?
Bạn đó: Dạ, con rủ nhưng không có đi.
Thầy Trong Suốt: Không ai dám đi à? (Thầy và mọi người cười)
Bạn đó: Tất cả các bạn trong câu lạc bộ đọc sách của con đăng ký đi tu rất nhiều. Con thấy lo sợ vì bản thân mình có suy nghĩ phán xét, dù rõ ràng là không đúng không sai.
Thầy Trong Suốt: Đúng là bây giờ đang rộ lên phong trào thiền. Nó là mốt của thời đại. (Mọi người cười)
Câu lạc bộ phải quàng thêm chữ “Thiền” vào để cho nó dễ tồn tại. (Mọi người cười)
Thật đấy! Không nói đùa đâu! Cho nó dễ tồn tại. Thầy nói thật là thầy không dạy thiền luôn. Nói đúng hơn là thầy dạy một loại thiền là thiền nhập thế – thiền mà không ngồi thiền. Đấy! Thầy cũng là người ngồi thiền mà thầy thấy nó vô ích, không ích lợi cho người hiện đại, nên thầy chọn loại thiền-mà-không-ngồi-thiền.
Tại sao thầy nói thiền vô ích? Nó có ích chứ không phải là vô ích. Nhưng nó vô ích ở góc độ dài hạn, ngắn hạn thì có ích, kiểu như là đi thiền về thì trong lòng mình thanh tịnh hơn, thanh thản hơn. Đúng không? Có! Cái đấy là có ích! Bớt sân si trong thời gian vài ngày sau khi về, xong rồi lại cãi nhau với bạn một lúc thì sao? Sân si như cũ. (Mọi người cười) Không có hiệu quả dài hạn, vì sao lại thế? Tại vì thiền không bằng 1/20 của tu hành luôn.
Tu là sửa– chữ “tu” ấy, tu là tu sửa. Trung tu, đại tu, là phải quay vào bên trong và sửa cái nhầm bên trong. Đấy! Còn ngồi thiền 7 ngày thì có sửa cái gì đâu? Sửa một tí, nói không sửa thì không đúng, sửa một tí. Đi về bớt sân si hơn nhưng mà lại gì? Nuôi cái bản ngã to hơn. Cái tôi là người biết ngồi thiền tăng hơn, cái tôi tâm linh của người tu hành tăng trưởng khi ngồi thiền.
Những người ngồi thiền về ai cũng nghĩ là mình đã hơn ngày xưa rồi, cái tôi mình nó to hơn. “Ngày xưa mình chẳng biết gì về tâm linh, bây giờ mình hơn con bạn bên cạnh, suốt ngày chỉ có làm, làm, làm. Hai mấy tuổi đầu không biết gì ngoài làm cả, còn mình biết thêm một thứ gọi là thiền”. (Mọi người cười)
Thấy chưa? Như vậy là nuôi cái tôi tu hành tăng lên, mà lại không thực sự giải quyết cái tôi. Nên học trò của thầy, thầy không yêu cầu ngồi thiền là vì thế.
Thiền không sai, thiền rất tốt, nhưng phải đến trình độ trí tuệ nhất định thì thiền mới kết quả.
Đấy! Thiền chỉ là phần rất nhỏ của tu hành mà thôi. Vì thế nên những người nào không có hiểu biết đúng đắn mà đã ngồi thiền thì chỉ có nuôi cái tôi tâm linh mình to lên, không có gì hay ho cả. Thiền chỉ có giá trị với những người đã có Chánh kiến, trí tuệ đúng đắn về việc tu tập. Thường thì phải mất 3 năm liền để có Chánh kiến đấy. Học trò của thầy chuẩn bị khoảng 3 năm để có Chánh kiến.
Chánh kiến là gì? Chánh kiến là những hiểu biết căn bản về Phật Pháp. Ví dụ như là khổ, vô thường, nhân quả, vô ngã… Tất cả chánh kiến đã được trang bị trước, rồi mới có thể ngồi thiền.
Mà lúc đấy động cơ ngồi thiền không phải để an lạc, để tĩnh tâm… Tất cả động cơ đấy đều sai lầm. Động cơ an lạc, tĩnh tâm chỉ nuôi cái tôi to lên thôi.
- An lạc cho ai? Cho tôi.
- Tĩnh tâm cho ai? Cho tôi.
- Ai là người ngồi thiền? Tôi.
Tất cả những cái thứ đấy chỉ làm bản ngã lớn lên thôi. Nên trước khi có trí tuệ về vô ngã thì không nên ngồi thiền. Thế thôi! Đấy là quan điểm của thầy.
Tất cả những người trước khi đến vô ngã mà đã ngồi thiền thì chỉ nuôi một bản ngã to hơn, cái bản ngã của người tu hành tăng lên, cuối cùng cũng chẳng đi đâu về đâu cả. Có nhiều người ngồi thiền xong thì nóng giận hơn, tại vì ngồi thiền yên tĩnh mà. Bây giờ có người khác đến quấy rối, lại nghĩ rằng tôi bị bực mình là do người khác, không nhận ra bực mình là do vô minh bên trong mình. Mà lại do lúc ngồi thiền thì an lạc, vui vẻ thế mà sao chồng đến quấy rối? Suy ra, bực mình là do chồng. Thôi rồi! Bực mình là do vô minh, do ngã chấp, do nhầm lẫn chứ không phải do chồng. Đấy! Như vậy là gì? Càng tập thiền càng sai, càng tập thiền bản ngã càng to.
Nên lời khuyên cho các bạn:
Trước khi có trí tuệ, hiểu biết đúng đắn căn bản:
Khổ, vô thường, vô ngã, tối thiểu ba cái đấy,
thì đừng ngồi thiền vội.
Đấy, con cứ bảo các bạn thế, là: “Tớ thấy các bạn tu kiểu gì xong cái tôi nó còn to lên, chẳng thấy giảm đi gì cả. Như vậy, tu đấy là tu để tăng trưởng bản ngã và đấy là trái với Phật dạy”. Đấy, thế thôi! Con nói thế xem bạn nào ngộ. Sáng thì ngộ ra, bạn nào không sáng thì bỏ, “hít-le” luôn: “Không chơi với mày nữa, mày đúng là cái đứa không biết gì về thiền”. Thế thôi chịu rồi, những người đấy thì không giúp được. Hiểu chưa? Rồi! Thế thôi!
Xem thêm: Thiền trong đời sống hàng ngày
Tìm kiếm có liên quan Ngồi thiền
- Ngồi thiền là gì? như thế nào?
- Ngồi thiền tiếng anh là gì? – Meditate
- Hướng dẫn cách ngồi thiền đúng cách tại nhà
- Ngồi thiền đúng cách, hướng nào, tư thế (bán già/kiết già..)
- Cách hít thở khi ngồi thiền
- Khi ngồi thiền nên nghĩ gì? có nên niệm Phật? nhập định? ..
- Tác dụng của thiền với sức khỏe, ngồi thiền có lợi ích gì
- Ngồi thiền nhiều có tốt không? bao lâu là đủ? 1 tiếng?
- Cách ngồi thiền được lâu
- Cách ngồi thiền thẳng lưng-tốt cho sức khỏe-chữa bệnh
- Vì sao ngồi thiền bị đau lưng, tê chân
- Cách ngồi thiền Yoga-giảm cân