Có thần thông-năng lực Tâm linh mà thiếu Trí tuệ thì điều gì xảy ra?
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh-Trong Suốt (Đà Nẵng 7/2018)
Một bạn: Em xin phép hỏi là Thầy có cái nhìn thế nào về năng lực siêu nhiên? Em có một người bạn, hình như bạn ấy cũng ảo tưởng về năng lực của mình. Bạn ấy luôn nghĩ mình… phi thường. Chẳng hạn bạn ấy làm cái gì mà ai mà nộ bạn ấy thì nhất định sẽ có chuyện xảy ra, đến mức nhiều người nói “Thôi, đừng nên nói chuyện với nó”.
Thầy Trong Suốt: Bạn ấy có đến đây không?
Bạn đó: Dạ… dạ không.
Thầy Trong Suốt: Ừ! Nói cho người không cần nghe phải nghe. Nói đùa thôi! Nếu cần thì cứ nói. Những người đấy cần nghe, người bạn của em cần nghe cái đoạn lúc nãy.
Xem: Có phải thiền để tôn cái tôi của mình lên hay không?
Ngồi thiền đã củng cố cái tôi rồi. Vậy có một số thần thông thì có củng cố không? (Mọi người cười)
Hay là không củng cố? Ngồi thiền một chút, 7 ngày, mà đã gì? Cái tôi tâm linh của mình đã hơn hẳn người bên cạnh rồi, có một chút khả năng tâm linh thì sao?
Một bạn: Càng to.
Thầy Trong Suốt: To đùng. Nổ là chắc. Sớm muộn bạn ấy sẽ nổ. Mình có một cái bong bóng, vỏ mỏng dính thế này, mà ngày nào cũng bơm vào thì sao? Nó căng ra và cuối cùng là gì?
Một bạn: Nổ.
Thầy Trong Suốt: Bảo bạn là: “Có ông thầy Trong Suốt, ông ấy chẳng sợ bạn làm gì hết. Ông bảo là bạn sớm muộn sẽ nổ, nếu bạn tiếp tục như thế. Bản ngã của bạn sẽ nổ nếu tiếp tục như vậy”.
Càng có năng lực thì càng phải có trí tuệ. Càng nhiều năng lực mà lại thiếu trí tuệ giống như là đứa bé 3 tuổi đưa cho khẩu súng, thì sao? Điều gì xảy ra? Bắn chết mình, chết người. Đúng chưa?
18 tuổi, thậm chí là hai mấy tuổi học tập có trí tuệ, cầm súng bảo vệ Tổ quốc thì OK. Còn chẳng biết dùng súng làm gì, xong đưa cho khẩu súng, chắc chắn là chết người, không chết cũng bị thương. Thì những người có năng lực tâm linh cũng thế thôi, nếu không có trí tuệ phù hợp, không sát thương mình thì sát thương người. Không sát thương người thì sao? Sát thương mình. Mà nhiều khi là bắn cả hai luôn.
Còn việc có năng lực tâm linh là chuyện bình thường. Bình thường! Những người tập phương pháp thiền định ở đời trước nhiều ấy, thì đời này phần nghiệp lực của họ vẫn tiếp tục chạy và làm họ có năng lực tâm linh nhất định. Điều đấy không có gì là bất thường cả. Cái bất thường là ở chỗ họ không có trí tuệ. Cái năng lực đấy làm cho cái tôi to lên. Dùng nó, ví dụ là có ác ý thì hại người, mình giận ai đấy thì hại người. Và hại người thì kết quả của nó là sao?
Một bạn: Hại mình.
Thầy Trong Suốt: Hại mình. Bạn ấy đang ở một hoàn cảnh rất nguy hiểm, năng lực không đi kèm với Trí tuệ. Bạn ấy cần gì? Bạn ấy cần phải nhanh chóng có trí tuệ. Tìm một người thầy, một con đường đúng thực hành theo. Đấy! Và buông xả những cái năng lực đấy đi vì chỉ có mang tính hại, tăng trưởng bản ngã. Tối thiểu tăng trưởng bản ngã, nặng hơn nữa là hại mình, hại người. Không nên!
Ở thời Đức Phật có một ông là Mục Kiền Liên, thần thông đệ nhất, đúng không? Ông ấy là người học trò được chính Đức Phật công nhận là có thần thông số một. Điều đấy chứng tỏ là thần thông không phải là không có thật. Có!
Mọi người biết ông chết kiểu gì không? Ông bị hai tên cướp tầm thường đập chết. Thế là mọi người hỏi Phật: “Tại sao thần thông đệ nhất mà không bay lên trời, không chui xuống đất hay là không hóa phép ra, để hai tên cướp đánh chết?”. Thì Phật nói là: “Hai tên cướp đấy là ai? Là bố mẹ đời trước. Trong một đời khi ông này chưa tu hành, bố mẹ ông ấy rất là giàu, và ông ấy muốn nhanh chóng có tài sản. Thế thì vợ mới bày mưu: rất là dễ, cho côn đồ đánh bố mẹ bị thương, bố mẹ không kinh doanh được nữa, phải gì?
Một bạn: Phải nhường tài sản.
Thầy Trong Suốt: Nhường tài sản cho mình. Thế là ông ấy sai côn đồ đánh bố mẹ, mạnh tay quá làm mù lòa luôn. Nhân quả của việc đấy là đời này ông bị hai người đánh chết. Đấy là một ví dụ việc thần thông không thắng nổi nghiệp lực. Có thần thông gì đi nữa thì không ai, kể cả Phật cũng thế, tránh được nhân quả. Không chư thiên, không Phật, không ai tránh được nhân quả.
Thần thông để làm gì? Một lần Đức Phật qua sông có một người ngoại đạo bảo là: “Ông nổi tiếng là giáo chủ của Phật giáo. Tôi có phương pháp này qua sông siêu hay, ông có làm nổi không?”. Phật bảo: “Ông làm đi!”. Thế là ông kia đọc mấy câu thần chú, lầm rầm, rồi tự nhiên người bay lên trên không, bay thẳng qua bờ sông bên kia. Ghê không?
Mọi người: Ghê!
Thầy Trong Suốt: Đức Phật bảo:
– “Ông luyện bao nhiêu năm mới ra thần thông này?”.
– “Tôi kiên trì nhẫn nại luyện 30 năm”.
– “Được rồi! Tôi cho ông xem thần thông của tôi”.
Phật vẫy tay lái đò sang, cầm đồng 2 xu (Mọi người cười) đưa cho ông lái đò, thế là gì?
Mọi người: Chở qua sông.
Thầy Trong Suốt: Sang sông luôn. (Mọi người cười)
Ông biết tôi luyện bao lâu ra thần thông này không? (Mọi người cười) Chỉ có 2 phút thôi.
Đấy! Bây giờ thần thông để làm gì? Thần thông có giá trị duy nhất là để cứu độ chúng sinh. Đấy là thần thông của những bậc Giác ngộ. Còn trước đó, dưới trình độ Giác ngộ, thần thông không cứu ai được, mà chẳng giữ được cho mình khỏi những cái hại của vô minh đem lại. Hiểu không? Một đồng 2 xu còn hơn là luyện 30 năm! Thế thì luyện 30 năm để làm gì? Đúng không?
Một câu chuyện khác: Một lần Đức Phật cũng qua sông, Đức Phật cầm hòn đá lên, chỉ to bằng bàn tay này, hỏi học trò:
“Tự hòn đá này có thể đi qua sông được không?”.
Học trò bảo là: “Làm sao qua được”.
Quả nhiên Đức Phật ném phát thì sao? Nó gì? Chìm hay nổi?
Mọi người: Chìm.
Thầy Trong Suốt: Chìm là chắc. Học trò:
“Ôi! Đức Phật dạy thế này thì thường quá. Ai chẳng biết là đá chìm”.
Đức Phật mới bảo: “Nhầm, các con đã nhầm rồi! Có hòn đá chiều dài 2 mét, chiều ngang nửa mét, đi qua sông dễ dàng mà không ướt một chút nào. Con muốn xem thần thông đấy không?”.
Xong học trò thi nhau bảo: “Có, có, có!”.
Đức Phật lại gọi người lái đò. (Thầy và mọi người cười).
Lại đưa hòn đá để vào cái lòng thuyền, cho ông ấy 2 xu thế là… lại sang bên kia. (Mọi người cười) Không ướt một chút nào.
Học trò bảo: “Thưa Phật! Đức Phật lại muốn dạy con cái gì?”.
Đức Phật mới bảo là: “Tất cả là do ăn ở”. (Mọi người cười)
Đấy! Có phước đức thì sao? Thì lái đò chở sang bên kia, còn không đủ phước đức thì sao?
Một bạn: Bị chìm.
Thầy Trong Suốt: Chìm ngay. Như vậy là do phước đức hay do thần thông? Một hòn đá rơi xuống ngay, một hòn đá thì được chở sang bên kia. Vậy là do phước đức chứ! Đâu phải do thần thông gì đâu. Đúng chưa? Như vậy, trong cả hai trường hợp thấy thần thông vô nghĩa không?
Một bạn: Vô nghĩa.
Thầy Trong Suốt: Tất cả chỉ là nhân quả, nghiệp lực mà thôi. Mục Kiền Liên không thắng được nhân quả. Đức Phật không thắng được.
Có một lần Đức Phật đau đầu, học trò hỏi: “Tại sao Phật lại đau đầu?”. Đức Phật bảo:
“Vì ngày xưa ta là một đứa bé ở làng chài, ta không trực tiếp đánh bắt,nhưng người ta đánh bắt được, vứt cá còn sống cho ta, ta xiên cá trên lửa nướng. Nghiệp xấu đấy đến mức mà sau này ta tạo ra vô số nghiệp tốt, thì bức tường nghiệp tốt ấy nó vẫn không ngăn được hết và ta vẫn lên cơn đau đầu”.
Đấy! Thấy là gì? Tu nhân tích đức, sửa chữa tâm mình mới là quan trọng. Còn thần thông, năng lực không thắng nổi nhân quả, không thắng nổi nghiệp lực. Vậy thì ham cầu cái ấy làm gì, đúng chưa? Còn khi mình giác ngộ, thần thông sẽ tự xuất hiện, cũng chẳng cần tham cầu.
Như vậy, trong cả hai trường hợp đều không tham cầu. Khi chưa giác ngộ mà ham thần thông thì rất là dễ đọa địa ngục vì làm điều xấu. Vô minh thì cái tôi rất là to, dễ dàng làm điều xấu, xuống địa ngục. Khi giác ngộ rồi thần thông tự đến.
Như vậy trong cả hai trường hợp chẳng cần mong cầu gì hết. Hiểu không? Đấy! Sáng sủa hơn chưa? Đây là câu hỏi rất nhiều người hỏi, nên hôm nay nói một thể luôn.
Nói thêm chút, từ thế kỷ thứ 7 đến thứ 10 ở Ấn Độ có 84 vị Đại thành tựu giả. Đại thành tựu giả là những bậc Giác ngộ và có những năng lực tâm linh. Đấy! Các vị đã giác ngộ thì không ai muốn đua với nhau hết, thua hay thắng không quan trọng. Nhưng học trò các vị thì sao? Muốn thầy mình oách hơn, đúng không? Thầy tôi, dòng phái của tôi là nhất. Thầy các bạn chỉ hạng hai thôi.
Học trò mới bảo với các thầy là: “Thôi, hôm nào thầy phô diễn cho chúng con và nhóm học trò bên cạnh một ít để tăng thêm niềm tin vào Phật Pháp”. Lý do nghe rất là có lý, đúng không? (Mọi người cười) Cuối cùng, cũng có nhiều vị thầy chấp nhận. 84 vị Đại thành tựu giả quyết định là hẹn nhau ở một vùng nghĩa địa để biểu diễn thần thông.
Nhưng mà trong 84 vị, chỉ có 83 vị đến, 1 vị không đến. Biết là ai không? Một bậc Giác ngộ tên là Padampa Sangye. Ông ấy sống 500 tuổi và khi ông sang Trung Quốc được gọi là Bồ Đề Đạt Ma, ở Ấn Độ thì gọi là Padampa Sangye.
Đấy, ông ấy không đến. Ông là người rất giỏi, mọi người biết Bồ Đề Đạt Ma chưa? Cực giỏi luôn, sáng lập ra toàn bộ dòng phái Thiếu Lâm. Ông ấy, khi chết hỏa thiêu xong rồi chôn xuống đất, sau một thời gian một người thấy ông ấy vác một cái giày qua biên giới đi về. Nên mình hay có bức tranh ngài Bồ Đề Đạt Ma cầm một chiếc giày, cưỡi giày qua sông đấy. Thì ông kia mới về báo cáo với Đức Vua là: “Chính tôi thấy ông Bồ Đề Đạt Ma, ông ấy về nước, về Tây Trúc”. Vua mới sai người lên đào cái mộ lên, thì trong đấy có gì? Một đôi giày. Nghĩa là đấy là một bậc có thần thông.
Thế nhưng mà ông ấy lại không đến, học trò ông bảo: “Thầy, sao thầy lại làm chúng con xấu mặt thế? Rõ ràng là tất cả các bậc Giác ngộ khác biểu diễn, mà thầy chẳng biểu diễn gì cả? Thầy thì không sao, thầy giác ngộ thì không sao, nhưng phải thương bọn con chứ!”. (Mọi người cười) Đúng không? Mang tiếng là học trò Bồ Đề Đạt Ma mà Thầy lại không dám đến biểu diễn. Thế là ông mới bảo:
“Ta chỉ có một thứ thần thông duy nhất thôi. Đó là chuyển tâm một người từ vô minh về giác ngộ, còn lại chẳng có thần thông nào đáng để bàn đến”.
Đấy! Nếu ở đây ai chuyển tâm mình từ vô minh về giác ngộ, chuyển tâm người khác thì càng tốt, đấy là thần thông xịn. (Mọi người cười) Còn ai chưa đến đoạn đấy thì chưa, chẳng đạt được cái gì cả. Được chưa? Sáng sủa hơn chưa? Rồi!