Con mình khôn ngoan quá thì có sao không?
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh Trong Suốt-Đà Nẵng- 2/2018
Một bạn nữ: Dạ, em chào Thầy ạ. Em đang thắc mắc là trong con người có “năm uẩn”, những cái tham lam, sân hận thì người lớn rất khó để buông bỏ. Vậy làm cách nào để có thể hỗ trợ con của mình, để nó không vướng phải những cái như vậy ạ.
Ví dụ con của em, bé rất là nhanh. Khi học lớp một, thì có một hôm bé đi học muộn, bé nói với anh cờ đỏ là: “Anh cờ đỏ ơi, anh tha cho em lần này, nhà em ở xa”. Thế là, hôm sau mẹ gọi dậy sớm để đi học thì bé bảo là: “Mẹ ơi, con có xin với anh cờ đỏ là nhà mình ở xa rồi, nên mình không cần phải đi học sớm nữa, cứ từ từ đi cũng được”. Hoặc với cô giáo chủ nhiệm cũng thế, ví dụ cô giáo đánh cả lớp chẳng hạn, vì bé lanh nên bé lên xin lỗi trước là: “Thưa cô tha cho em, lần sau em sẽ cẩn thận hơn”. Ví dụ thế…
Thầy Trong Suốt: Thế thì sao? Chưa thấy bé sai ở đâu cả.
Bạn đó: Em thấy là bé học nhanh quá. (cười)
Thầy Trong Suốt: Chưa thấy sai ở đâu cả. Một đứa bé khôn ngoan như vậy có gì sai? Nó có nói dối không? Nó có nói dối đâu mà sai.
Bạn đó: Nhưng đáng lẽ nó phải dậy sớm đi học thì lại “mình đã xin rồi, đi học từ từ…”
Thầy Trong Suốt: Không. Nhầm, nhầm rồi. Đấy là mẹ nó sai. Thầy không nghĩ là cứ phải dậy sớm đi học sớm là đúng. Nói như em thì cái gì chẳng phải đúng. Cách dạy của em là phải dậy sớm đi học đúng này, cô giáo đánh thì để cho cô đánh này, cô mắng phải cho cô mắng này… Em tạo ra con robot là chắc, quá nhiều khuôn khổ. Thầy nếu mà có một đứa con như thế, thầy sẽ rất vui vẻ. Nó khôn ngoan thế mình phải vui chứ, đúng không? Nó khôn ngoan mình sẽ rất là vui.
Nhưng vì em có quá nhiều khuôn mẫu là con mình phải thế này này, đúng chuẩn của mình này. Đấy là vấn đề! Đấy, đấy là vấn đề của em chứ không phải vấn đề của nó. Em mới là người phải sửa trong câu chuyện này. Em phải sửa cái gì? Em phải sửa những khuôn mẫu là con phải thế này, thế kia. Đó, em phải sửa cái đó đi – Có quá nhiều khuôn mẫu, con phải thế này thế kia – Sửa đi! Tốt nhất, hãy bao dung với con. Trong trường hợp vừa xong ấy, thầy chẳng thấy nó sai ở đâu, sao mình lại nghĩ là nó có vấn đề? Thấy đâu tham lam, sân hận gì đâu?
Còn em mới có vấn đề, ở sợ hãi. Em mới là người có ngũ độc ở trong câu chuyện này. Không phải ngũ uẩn, mà là ngũ độc. Em bị sợ hãi, em phải sửa cái sợ hãi đó đi. Phải chấp nhận rằng mình có đứa con có tính cách khác mình, có cách sống khác kiểu của mình. Mà cái đấy vẫn OK, không việc gì phải sợ. Đấy! Bố mẹ phải chấp nhận rằng con cái mình khác mình, và không việc gì phải sợ điều đấy cả. Con mình khác mình không có nghĩa nó xấu. Bố mẹ có thể rất khuôn khổ, nhưng mà con cái có thể rất là phá cách. Bố mẹ rất hiền lành, nhưng con cái nghịch như quỷ sứ. Bố mẹ học rất giỏi, nhưng con học dốt như là… (Thầy và mọi người cười) là rất bình thường. Đấy là bình thường, rất bình thường. Em phải thấy nó bình thường.
Vì em muốn nó phải giống mình nó mới bình thường, đúng không? Bố mẹ nào chẳng nghĩ “con tôi phải giống tôi, nó mới bình thường” – vậy nhầm to! Con thầy, có một đứa chẳng giống thầy tí nào luôn. Thằng vừa nãy đâu rồi ấy nhỉ? (Mọi người nói) Hả? Ngủ mất rồi. Chẳng giống thầy, nó rất là lầy lội. (Mọi người cười)
Thầy từ bé đã tự giác, trách nhiệm đủ thứ rồi, nhưng mà nó thì hầu như không thế. Nó rất lầy lội, bảo làm mấy lần mới làm, có khi chẳng làm, không thích nó cũng chẳng làm, bảo chào mà không thích nó cũng chẳng chào… Tóm lại, nó lầy lội lắm. Nhưng mà có gì đâu, thầy bảo, mỗi người mỗi thế giới mỗi kiểu, không làm điều đấy không có nghĩa nó là đứa bé không tốt, nó chỉ là đứa bé khác mình mà thôi. Mà mình thì kiểu nào cũng chơi. Con kiểu nào mình cũng vui vẻ hết. Đấy, con nó lầy lội, mình sẽ dạy nó theo kiểu của đứa bé lầy lội.
Học trò của thầy này, mấy mươi đứa nhỉ? 70 đứa – 70 đứa con lầy lội, học kiểu khác nhau. Đúng không? Làm gì có đứa nào hoàn hảo đâu! Có đứa nào giống mình không? Thầy chưa thấy có đứa con nào, đứa học trò nào giống mình hết. Nhưng có vấn đề gì đâu? Mỗi đứa có một kiểu của nó mà, nó đẹp theo kiểu của nó.
Giống như trong một vườn hoa ấy, có 70 loại khác nhau thì vui hơn hay là bông nào cũng phải rực rỡ như hoa hồng? Theo con thì sao? Bông nào cũng phải giống hoa hồng thì bông đấy mới đẹp, còn đứa thì thài lài, đứa thì cứt chó, (mọi người cười) đứa thì thược dược, bông nào đẹp hơn? Đúng không? Thế tại sao phải dạy con theo hướng mình?
Con có hai đứa con thì cứ chấp nhận hai đứa khác tôi đi, mỗi đứa một kiểu. Và tôi học cách để sửa mình, để tôi đừng gây vấn đề cho nó. Tôi sẽ truyền cho đứa con những ảnh hưởng tốt từ cách sống của tôi, chứ không phải tôi ngồi lo làm thế nào để nó giống tôi.
Trong câu chuyện của con, thầy chẳng thấy có cái gì sai về phía đứa bé cả. Tại sao con bảo nó sai? Thầy không hiểu lý do gì mà con bảo nó sai? Tại sao cứ phải chính xác chuẩn từng phút một làm gì? Thầy đây này, ngay thầy còn đi làm muộn nữa là, đi giảng muộn, đủ thứ muộn, có sao đâu? Thật mà! Đừng có làm hại người khác thôi. Nguyên tắc căn bản là thế thôi, đừng có làm hại người khác. Nếu đi học muộn làm hại người khác thì đừng đi học muộn. Còn đi học muộn chẳng làm hại ai hết, thì đi học muộn có sao đâu?
Bạn đó: Tại ngày nào cũng đi học muộn và thầy cô thì không cho, mà bé cứ bảo là đã xin rồi, không cần phải ghi sổ đầu bài…
Thầy Trong Suốt: Tóm lại có sao không? Bị đuổi học không?
Bạn đó: Dạ có chứ ạ.
Thầy Trong Suốt: Đuổi học chưa?
Bạn đó: Dạ, chuẩn bị đuổi học. (cười)
Thầy Trong Suốt: À rồi, nếu chuẩn bị đuổi học thì sẽ phải có phương án (bạn đó cười). Nhưng không thể gọi là tính xấu của nó được. Cái con nói là gì? Là mỗi người có năm độc. Con, ngay đầu tiên, đã kết tội nó rồi, bảo nó là một đứa bé xấu có năm độc. Đấy, đấy là cái vấn đề của con.
Bạn đó: Vậy giờ con phải…, ý là phải nhờ cô.
Thầy Trong Suốt: Đấy là vấn đề của con. Con bắt đầu bằng một sự kết tội, ngay lập tức khi con phát biểu đó. Đúng không? Con vào đề đã buộc tội đứa con của mình. Thầy chẳng thấy có tội gì hết. Nó vô tội, con mới có tội. Cái tội của con là kết tội người khác. Còn nếu hoàn cảnh như thế thì không phải là “phải sửa”, không phải nó có tội, nên sửa tội cho nó. Mà hoàn cảnh thế thì con tìm cách mà phản ứng cho phù hợp.
Thế nên câu hỏi của con là sai bét rồi. Nó chẳng có tội gì hết, nó không sai luôn. Mà bây giờ con bất lực không biết làm gì cả, thì sửa đi, sửa cái bất lực đi. Mình dậy sớm, kéo nó đi thôi. Có gì đâu? Dễ không ấy mà. Có gì đâu? Mẹ gì mà kém thế, bất lực. (Bạn đó cười)
Dậy sớm, kéo nó đi học. Xong. Cô không đuổi được gì hết. Chứ không phải kết tội nó là xấu được. Đấy là cái thầy muốn nói đấy! Nếu vấn đề của con là đi muộn, chỉ cần dậy sớm rồi kéo nó đi thôi, tại sao cứ phải kết tội nó là đứa bé xấu? Cả lớp bị cô đánh mà nó xin thì có vấn đề gì đâu, sao phải kết tội nó là đứa bé xấu? Có ngũ độc? Buồn cười quá còn gì nữa.
Điều đấy là rất bình thường, không việc gì phải sợ.
Làm sao cho con tránh được 5 độc?
Bạn đó: Dạ, ý của em hỏi là người lớn thường như vậy, còn các bé nhỏ thì làm sao nuôi dạy cho bé tránh được những cái đấy?
Thầy Trong Suốt: Không tránh được, người lớn thế nào trẻ con như thế. Người lớn sống thế nào, trẻ con sống như thế. Em muốn cho đứa bé tránh ngũ độc thì đúng là không tưởng. Cách duy nhất để tránh ngũ độc là làm cho nó giác ngộ. Nếu nó giác ngộ, thì nó tránh được ngũ độc. Đấy là lý do thầy dạy đứa con của mình. Nadhi, vào đây.
Thầy cũng muốn chữa ngũ độc cho con của mình, giống như các con ấy. Nhưng mà cách thầy chữa ngũ độc cho con thầy khác với các con. Thầy không yêu cầu nó phải đi học sớm, không yêu cầu nó phải ngoan ngoãn vâng lời cô giáo… Tất cả những cái đấy thầy đều không yêu cầu.
Nadhi vào đây, sau này muốn làm gì, nói cho ba nghe nào?
Nadhi: Giác ngộ ạ.
Thầy Trong Suốt: Vì sao con muốn giác ngộ?
Nadhi: Để cứu độ chúng sinh.
Thầy Trong Suốt: Đấy, dạy cho cách nghĩ, cách sống khác. Thế thôi! Nó không ý thức được quá nhiều những gì nó nói đâu. Nhưng ít nhất là nó không vướng vào thói quen đời nữa. Thầy không dạy lớn lên hãy thành một công dân tốt này, hãy làm nhiều điều tốt cho xã hội này, hãy làm người đàn ông trách nhiệm này, có vợ con gia đình đầy đủ này, nối dõi tông đường này? Đây, Nadhi muốn lấy vợ không?
Nadhi: Dạ, không. (Mọi người cười)
Thầy Trong Suốt: Tại sao lại phải lấy vợ? Lấy vợ làm gì? Thầy không dạy những thứ đấy vào đầu nó. Thế thôi, cách đơn giản thế thôi. Dạy nó tìm con đường giác ngộ giải thoát, cứu độ người khác, cứu độ chúng sinh và quan tâm đến người khác. Hiểu không? Đấy là cách giúp trẻ con duy nhất. Muốn giúp đứa bé tránh ngũ độc, chỉ giúp nó giác ngộ, chứ không thể dùng cách dạy thông thường của thế gian – cách dạy do ngũ độc sinh ra – để làm đứa bé hết ngũ độc được. Không có đâu, con hiểu không?
Bạn đó: Dạ.
Thầy Trong Suốt: Cách mà người ta đang dạy trẻ con bây giờ, ở trường của con con ấy, nó chỉ làm cho đứa bé bình thường thôi, nó không thể nào làm đứa bé hết ngũ độc được đâu. Con muốn giúp người hết ngũ độc, cách tốt nhất là con giác ngộ để cứu họ, hết. Giác ngộ thì hết ngũ độc. Còn nếu con có ngũ độc, con tìm ông thầy dạy nó giác ngộ, được. Cách duy nhất để một đứa bé lớn lên hạnh phúc, và không bị ngũ độc ảnh hưởng, là gì? Hai chữ thôi, là gì?
Mọi người: Giác ngộ.
Thầy Trong Suốt: Là “giác ngộ”. Khi con xác quyết được điều đấy trong lòng con thì con sẽ dạy con con một kiểu khác. Còn nếu con chưa xác quyết được, con vẫn dạy con con theo kiểu là phải nối dõi tông đường, phải đừng làm gì xấu hổ bố mẹ… Ấy, con vẫn dạy theo kiểu thế gian. Đấy, (Thầy cười) hiểu không?
Dạy con tìm con đường giác ngộ giải thoát, cứu độ người khác, cứu độ chúng sinh và quan tâm đến người khác
là cách giúp con duy nhất.
Xem thêm:
- NHÀO NẶN con hay GIÚP con nên người?
- Nuôi dạy con để có một đứa trẻ trí tuệ, hạnh phúc
- Đánh thức những phẩm chất bên trong con bạn