Corona và tình hình kinh tế Việt Nam 2020
CORONA WATCH Apr 8 2020 – Nguyen Duc Hung Linh
Có lẽ chưa bao giờ Việt nam lại phải chịu combo “tam tai” như năm nay. Ngoài dịch bệnh là nguyên nhân chính thì còn có 2 nguyên nhân khác cũng kéo tụt tăng trưởng là khô hạn mặn tại ĐBSCL và giá dầu. GDP quý 1 có một chút may mắn nên tăng được 3.82%, sang quý 2, nếu còn tiếp tục may mắn thì sẽ giữ được ~1%, còn không thì sẽ âm.
Dưới đây là tóm tắt 6 ngành lớn nhất, chiếm 57% GDP để thấy vì sao quý 2 hoàn toàn có thể âm.
1. Công nghiệp chế biến chế tạo (19% GDP). Quý 1 may mắn đến với ngành này khi Điện tử (+14.3%) là ngành được hưởng lợi do các nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa. Tuy vậy khi các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc được nối lại cùng với đại dịch bùng phát toàn cầu, sản lượng điện tử tại Việt nam gần như chắc chắn sẽ giảm. Trong quý 1/2009, ngành Công nghiệp chế biến chế tạo giảm -0.3% do suy thoái kinh tế trong khi quý 1/2020, ngành này vẫn còn tăng +7.12% nhờ Điện tử có tỷ trọng cao.
2. Nông nghiệp (10% GDP) sẽ rất khó khăn vì khô hạn mặn. Diện tích lúa Đông Xuân vụ 2020 cả nước đã giảm -3%. Xuất khẩu nông thủy sản quý 1 (gồm thủy sản, rau quả, gạo, hạt tiêu, chè, cà phê, hạt điều, sắn) đã giảm -48%, từ 9.5 tỷ USD xuống còn 4.9 tỷ USD. Tình trạng xâm nhập mặn và giảm cầu kéo dài và vì vậy tăng trưởng của quý 2 cũng sẽ âm.
3. Bán buôn bán lẻ (9.8% GDP) khả năng cao là rất thấp hoặc âm. Chỉ số bán lẻ trong tháng 3 đã giảm xuống 1.6% từ mức 7.2% của tháng 1. Với việc áp dụng cách ly toàn xã hội trong tháng 4, chỉ số bán lẻ chắc chắn sẽ giảm âm trong một vài tháng của quý 2. Trong quý 1, ngành này tăng +5.69%, mức thấp nhất 6 năm.
4. Xây dựng (6.55% GDP) trong quý 1 chỉ tăng +4.37%, thấp hơn cả thời gian xảy ra khủng hoảng tài chính 2009. Nguyên nhân là do vốn đầu tư toàn xã hội và thị trường bất động sản chậm chạp. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý 1 chỉ tăng +2.2% (cùng kỳ tăng +8.8%) còn thị trường bất động sản đang chịu sức ép ở cả phía cung và phía cầu. Cần lưu ý rằng trong tổng đầu tư toàn xã hộ có đầu tư công. Thực tế đầu tư công tăng rất cao (16.4%) nhưng vì khoản mục lớn nhất là vốn tư nhân chỉ tăng 4.2%, còn FDI giảm -5.4% nên tổng thể lại thành thấp. Quý 2 thì tổng vốn đầu tư rất có thể sẽ giảm âm.
5. Tài chính ngân hàng bảo hiểm (5.9% GDP) sẽ bị giảm tốc do các hoạt động kinh tế chậm lại. Khá bất thường khi Quý 1 ngành này còn tăng tới 7.2%. Dẫu sao thì năm nay chính sách tiền tệ phải rất tích cực (+vất vả) để hỗ trợ kinh tế nên thực sự cũng rất mong ngành này dù chậm lại nhưng cũng không quá chậm.
6. Khai khoáng (5.6% GDP) sẽ rất khó khăn vì giá dầu. Sản lượng khai thác dầu thô tháng 3 giảm -16% và tính chung quý 1 giảm -11%. Với giá dầu giảm nhanh về chỉ còn 1/3 trung bình năm 2019 thì việc khai thác dầu tại Việt nam sẽ rất khó có lãi, việc tiếp tục giảm sản lượng là đương nhiên.
Như vậy 6 ngành lớn nhất trong GDP sẽ giảm tốc hoặc tăng trưởng âm. Nông nghiệp, Khai khoáng, Lưu trú ăn uống và Vận tải kho bãi gần như chắc chắn sẽ âm trong quý 2.
Quý 2 năm nay có lẽ sẽ là quý đầu tiên trong hàng chục năm Việt nam tăng trưởng âm, điều mà trong khủng hoảng 2009 và 2012 đều chưa từng xảy ra (quý thấp nhất trong giai đoạn đó là quý 1/2009 tăng 3.1%).
Điểm tích cực là nếu so với thời gian 2009 hay 2012, Việt nam lại đang có nhiều lợi thế hơn để ổn định vĩ mô, thậm chí còn đủ nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng.
Thuận lợi số 1, quan trọng nhất là dư địa tài khóa và tiền tệ (hiểu nôm na là đang rủng rỉnh tiền bạc hơn)
Trước khi nổ ra dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế của thế giới và Việt nam đều đang trên đà tốt. Các chính sách điều hành kinh tế lớn của Việt nam đa phần đều đi đúng hướng. Điều này rất khác so với giai đoạn 2009 và 2012 khi những sai lầm trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa thời gian trước đó đã dẫn đến khủng hoảng và hao tổn rất nhiều nguồn lực.
Trong 5 năm trở lại đây, cùng với sự vươn lên của khối FDI và tư nhân, Việt nam đã liên tục xuất siêu với giá trị xuất siêu tăng dần. Xuất siêu mang đến một lượng lớn ngoại tệ, giúp gia tăng cung tiền và ổn định thanh khoản hệ thống ngân hàng. Nhờ xuất siêu mà dự trữ ngoại hối hiện tại đã đạt 85 tỷ USD, bằng 4 tháng nhập khẩu, trong khi vào cuối năm 2008 và 2012, dự trữ ngoại hối là 24 tỷ và 26 tỷ USD, tương đương 3.6 và 2.7 tháng nhập khẩu.
Vốn đầu tư công giải ngân chậm trong năm 2018 và 2019 vô hình chung đã để lại số dư tiền lớn trong ngân sách, ước tính xấp xỉ 500 nghìn tỷ, bằng 8% GDP. Với lượng tiền này, dù thu ngân sách 2020 có giảm mạnh, nguồn vốn cho hệ thống y tế cũng như các dự án hạ tầng trọng điểm sẽ không bị ảnh hưởng.
Thuận lợi thứ 2 là lạm phát thấp
CPI quý 1 so với cuối năm 2019 (YTD) tăng +0.34%, là quý 1 có chỉ số CPI (YTD) thấp nhất 5 năm. Ngoài giá dầu đã giảm rất sâu, giá thịt lợn nhiều khả năng cũng sẽ giảm nhờ dịch tả lợn Châu Phi đã được khống chế và quyết tâm của Chính phủ (dù thực tế ở siêu thị giá thịt lợn lại tăng). Thực phẩm và nhiên liệu là 2 nhóm hàng hóa có tác động lớn đến CPI nên CPI năm 2020 chắc chắn sẽ tăng thấp.
Lạm phát thấp là tiền đề quan trọng để giảm lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa năm nay với 2009 và 2012.
Chính sách tiền tệ trong 2 nhiệm kỳ qua có thể nói là đã hiệu quả hơn nhiều so với thời gian trước đó. Năm 2008 và 2011 lạm phát phi mã có nguyên nhân chính từ sai lầm của chính sách tiền tệ (kích tín dụng tăng quá mạnh và thiếu định hướng).
Thuận lợi thứ 3 là động lực tăng trưởng đã chuyển sang FDI và tư nhân, hai thành phần có sự năng động nhất.
Năm 2009, xuất khẩu của khối FDI chiếm 55% tổng xuất khẩu, năm 2019, tỷ lệ này là 68%. Kể từ năm 2017 (năm của Nghị quyết 10) kinh tế tư nhân đã vươn lên nhanh chóng. Tổng vốn đầu tư của khối tư nhân trong giai đoạn 2017-2019 đã tăng trung bình 18%/năm, cao hơn nhiều giai đoạn 2014-2016 là 12%. Ngược lại, khối doanh nghiệp nhà nước giảm từ 12%/năm xuống -2%/năm.
Có thuận lợi thì cũng sẽ có khó khăn, khó khăn lớn nhất là độ mở của kinh tế. Năm 2019 kim ngạch xuất nhâp khẩu của Việt nam bằng 2 lần GDP, năm 2009 tỷ lệ này mới là 1.2 lần. Những cú sốc từ bên ngoài sẽ có ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với năm 2009.
Với những thuận lợi và khó khăn như trên, việc ứng phó với dịch bệnh trong năm 2020 sẽ rất khác với 2 đợt khủng hoảng 2009 và 2012. Việt nam không cần đặt ưu tiên ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát mà hoàn toàn đủ khả năng thực hiện cả 2 mục tiêu chiến lược là thúc đẩy tăng trưởng và ổn định vĩ mô, trong đó thúc đẩy tăng trưởng được ưu tiên cao hơn.
Câu hỏi là làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng khi dịch bệnh hoành hành. Câu trả lời là trong quý 2 năm nay thì dù có làm gì cũng không thể kéo được tăng trưởng. Nhưng những gì làm được trong quý 2 sẽ giúp hồi phục nhanh hơn trong nửa cuối năm và tăng tốc những năm tiếp theo.
Một số việc có thể làm đó là
- i. Thúc đẩy đầu tư công, tập trung các dự án hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa cao, nhất là trong khu vực phía nam.
- ii. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý các ngân hàng yếu kém để chặn đua lãi suất, đây là tiền đề cho giảm lãi suất một cách lâu dài.
- iii. Phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ các tập đoàn tư nhân có sức cạnh tranh mạnh, tạo dựng 30 “con sếu lớn” làm đầu tàu kéo tăng trưởng.
- iv. Sửa đổi luật đất đai, dỡ bỏ hạn điền, giải phóng hoàn toàn ngành nông nghiệp.
- v. Bảo hộ sản xuất trong nước, khuyến khích tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ trong nước, trong đó đặc biệt chú ý nhập siêu từ ASEAN. (trong quý 1 người Việt nam vẫn chi 1.4 tỷ USD cho du lịch quốc tế, chỉ giảm -2.9% trong khi xuất khẩu du lịch giảm -18.6%, đây là lý do khiến nhập siêu dịch vụ tăng gấp 3).
Những việc trên không hề tốn kém, nhưng để làm được thì cần có sự tỉnh táo và quyết tâm rất lớn.
P/s 1: hiện tại có quá nhiều yêu cầu hỗ trợ, kể cả các doanh nghiệp lớn, những ngành siêu lợi nhuận như BĐS. Có lẽ họ không biết xấu hổ. Sự hỗ trợ cần hướng đến nhóm dễ bị tổn thương như người nông dân mất mùa vì hạn mặn, người nghèo, người lao động phổ thông mất việc đang lo ăn từng bữa. Số người sống tại nông thôn Việt nam hiện chiếm 65% tổng dân số.
P/s 2: có ý kiến cho rằng số tiền ngân sách còn dư nên ưu tiên cho cứu trợ, không nên cho đầu tư công. Có lẽ đây cũng là một ý kiên sai lầm (nhưng lại có tính dân tuý rất cao).
Xây dựng đường xá, công trình thủy lợi, dân sinh… sẽ tạo ra nhiều việc làm trực tiếp (thợ xây) và giàn tiếp (công nhân sản xuất vật liệu xây dựng), sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa gần như hoàn toàn và tài sản hình thành sẽ mang lại giá trị lâu dài.
Nếu cứu trợ sẽ có thể kích được sức cầu trước mắt nhưng “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Khi thu nhập giảm thì cần thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi tiêu để dành tiền đầu tư, chỉ cứu trợ những trường hợp thật cần thiết. Điều kiện tiên quyết là phải minh bạch, chống thất thoát triệt để trong đầu tư công.
P/s 3: post này lại dài vì thêm chart kinh tế Việt Nam, mọi người kiên nhẫn nghiền ngẫm nhé
HAPPY SOCIAL DISTANCING!
GOD BLESS YOU ALL!
FB: – https://www.facebook.com/431081617726615/posts/646551556179619
CORONA WATCH Apr 8 2020Có lẽ chưa bao giờ Việt nam lại phải chịu combo “tam tai” như năm nay. Ngoài dịch bệnh là…
Người đăng: Nguyen Duc Hung Linh vào Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020
Tran Hai Linh So sánh chỉ số bán lẻ T3 vs T1 không hợp lý lắm, vì T1 là tháng cận Tết, sức mua tăng là quy luật rồi a – em nghĩ nên so sánh cùng kỳ với năm ngoái thì sẽ làm nổi bật được sự khác biệt.
Nguyen Duc Hung Linh Tran Hai Linh so với cùng kỳ hết đó
Tran Hai Linh Ok, thanks anh nhé
Bong Hong Den Buồn nhg hy vọng. Đồng ý với em là chỉ hỗ trợ ng yếu thế, loại ngay bọn BĐS ra khỏi danh sách. Cho nó giảm luôn đi cũng đc vì cứ PT nhờ xây dựng mãi sao?! Trg khi cầu nhà xh mới thiếu chứ nhà cao cấp thừa mứa ra rồi. Hazzz
Nguyen Duc Hung Linh Bong Hong Den yeap chị, xd phải dựa vào đầu tư và thu nhập, bđs cũng phải dựa vào thu nhập, ko thể nói dùng bđs để cứu xây dựng đc
Thanh Duong Tks. Quá dài so với thói quen đọc tút nhưng quá ngắn so với topic.
Nguyen Duc Hung Linh Thanh Duong chính xác!
Thanh Duong Nguyen Duc Hung Linh Yêu cầu ông viết dài hơn nữa thì phải trả phí cho ông mất tiêu rồi. kkk. Nhưng chừng này khá đủ cho cái nhìn toàn cảnh về kinh tế vĩ mô cũng như dự đoán chính sách của Chính phủ.
Tung Tuhu Mục p/s 2 em nghĩ nếu ko đi kèm chế tài và thật công tâm của người thực hiện, nếu ko sẽ nảy sinh lợi ích nhóm rất lớn và khó kiểm soát trong khi ngân sách ko dư giả để có cơ hội vực dậy kinh tế sau covid.
Nguyen Duc Hung Linh Tung Tuhu hoàn toàn nhất trí với cậu, cái này mình cũng lo nhất, nên cũng nói thường xuyên, độ răn đe hiện giờ là rất cao
Tung Tuhu Nguyen Duc Hung Linh khó anh nhỉ, cơ hội rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam nếu được dẫn lối chỉ đường đúng đắn!
Long Phạm Còn tác động của 2 yếu tố nữa là thu ngân sách và kiều hối . Dự kiến sẽ sao Linh
Nguyen Duc Hung Linh Long Phạm 2 cái đó chắc chắn là giảm nhiều
Hoang Minh Chung Bài viết hay và chuẩn. Mọi cái đã được dự báo theo sóng elliott khớp với bài pt này chờ kiểm chứng
Huan Nguyen Quý 2 còn tháng 5; 6. Chưa biết dc, Lùi 1 để tiến 3,4!
Luong Xuan Cảm ơn anh về bài phân tích rất chi tiết, dễ hiểu và ý kiến riêng rất rõ ràng, thẳng thắn. Em thích cả quan điểm về giải pháp, tiền vào nhà khó, như gió vào nhà trống.
Thực ra, lúc này, căn bản nhất là đủ ăn, mà thực ra với điều kiện khí hậu thời tiết của Việt Nam hiện nay, sông, biển, rừng, đồng ruộng. Thực sự chưa thiếu đói trong 2 tháng tới.
Vậy nên em thích giải pháp của anh!
Cao Nam Hai Trong các nhóm giải pháp có nên cân nhắc hạ tỷ giá VND/ÚD để thúc đẩy xuất khẩu? Đồng tiền của các nc đang phát triển khác mất giá khá nhiều
Nguyen Duc Hung Linh Cao Nam Hai ytd vnd mat gia 2% roi, no nn cua vn cao nen mat gia nh ko tot
Lã Giang Trung Cái p/s 1 của anh có khi lại dễ xảy ra nhất, nguồn lực lại đi hỗ trợ cho những nhóm không xứng đáng được hỗ trợ, ko tạo ra sự thúc đẩy kinh tế.
Tài Talento “Có lẽ họ không biết xấu hổ”.😂 Nghe thật chí lý. Chân thành cảm ơn anh ạ!
Hieu Vu nhành dệt may anh ko đưa vào sao?
Nguyen Duc Hung Linh Hieu Vu ngành nhỏ, kể ko hết đc
Vu Tien Dat Cảm ơn tác giả có cái nhìn toàn cảnh !
Ngoc Quang Do Đúng là chuyên gia thống kê
Nguyễn Trung Thành Chuyên gia cho biết sự khác nhau của kinh tế trong 3 kịch bản lockdown: (1) Đến 30/4, (2) Đến 30/5 và (3) Đến 30/6
Nguyen Duc Hung Linh Nguyễn Trung Thành no idea 🙂 chuyen gia Thanh chi giao giup voi
MinhTung Nguyen đồng ý kiến với tác giả. ps1 là cái các dn đang ngồi ngóng bất kể tình trạng thế nào, ko đói cũng phải gào lên. —> người nghèo có đến lượt ko. ps2 việc cứu trợ cho người nghèo phải tính toán rất kĩ vì có quá nhiều bài học rồi. việc giải ngân đầu tư công là điều cần làm, bánh xe nền kinh tế cần 1 cú hích để kéo lại đà chuyển động
Hoa Trinh Linh ơi, thông tin như thế này có xuất bản trong bản tin hay báo cáo nào để có thể dẫn nguồn nhỉ?
Nguyen Duc Hung Linh Hoa Trinh nếu ko có thi có trích dc ko? View cá nhân chẳng hạn, hay wb là cứ phải trích tổ chức cho ngầu 🙂
Như Thiên Một năm khó khăn cho đất nước chúng ta, và toàn thế giới. Chúc bình an đến mọi người, mọi nhà.
Nhiem Cong Pham Tiền tung ra nhìu thế sao không thấy nói nguy cơ lạm phát nhỉ
Nguyen Duc Hung Linh Nhiem Cong Pham tin dung ko tang sao noi tung tien ra nhieu
Trung Hieu Tran Bài phân tích hay quá, những giải pháp đề xuất rất đơn giản và hữu hiệu. Mong các Nhà làm chính sách có quyết sách đúng đắn và điều hành quyết liệt hiệu quả như chống Covid, thì Việt Nam! sau dịch sẽ có cơ hội lớn.
Lê ĐứcAnh A nói linh tinh quá. May mắn ???. Cựu học sinh ams ít người dùng từ may mắn lắm. Khó khăn là khó khăn chung. Vs lại nhiều ngành nông nghiệp của Việt Nam đc lợi. Giá trị giáo tăng. Giá trị nông sản tăng. Nên kinh tế VN vẫn dựa chủ yếu vào Nông nghiệp cái này là lợi thế. Thêm một điều nữa VN đang cm cho thế giới biết đến một quốc gia có hệ thống Y tế tốt nhất thế giới. Một quốc gia có những chính sách trong dịch tốt nhất thế giới. Cái này cho dù GDP âm Việt Nam vẫn có lợi. Và nói thẳng ra là VN chả bao giờ tăng trưởng âm đc hết. Nhu cầu sau dịch rất lớn đó là cơ hội cho các nhà đầu tư, nó cũng là phép thử giữ các tập đoàn công ty. Anh nói linh tinh chả có gì đặc sắc ấn tượng nhất là từ may mắn haizzz
Nguyen Duc Hung Linh Lê ĐứcAnh cảm ơn cậu, may mắn ở cái khác ko phải cái cậu nghĩ
Duong Diep Lê ĐứcAnh chỉ bất đồng quan điểm về 1 từ “may mắn” sao quy chụp tất cả là linh tinh vậy? Sự cực đoan là linh tinh nhất đó.
Huy Hùng Em góp ý 1 chút là lạm phát yoy không hề thấp, ˜4.87% nhớ có giá dầu giảm mạnh, để hỗ trợ cuối năm nới TTTD em nghĩ còn cần kiểm soát được lạm phát tốt nữa.
Nguyen Duc Hung Linh Huy Hùng yoy bị chám vào mấy tháng cuối 2019 nên cao, lúc đấy giá thịt lợn vọt lên, nếu nhìn cho cả năm 2020 thì a nhìn ytd để bỏ đi những cái đã xảy ra trong 2019
Huy Hùng Nguyen Duc Hung Linh vâng ạ. Nhưng em vẫn nghĩ là nên nhìn cả 2, và cuối năm 2020 thì cũng nên nhìn số yoy, không phải average như 2019. Theo số liệu của trang dưới em thấy core inflation của VN cũng tăng đáng kể (loại volatile components) chứ không còn thấp nữa.
https://tradingeconomics.com/vietnam/core-inflation-rate
Nguyen Duc Hung Linh Huy Hùng đúng rồi em
Nguyễn Xuân Hoàng Nếu làm được điều này thì kinh tế sẽ thay đổi nhiều: iv. Sửa đổi luật đất đai, dỡ bỏ hạn điền, giải phóng hoàn toàn ngành nông nghiệp. Linh nghĩ có thay đổi trong năm 2021?
Nguyen Duc Hung Linh Nguyễn Xuân Hoàng qh thang 5 nay bat dau ban ve viec nay, con co 1 so yk khac nhau anh ah
Duong Diep Nguyễn Xuân Hoàng chỉ cần thay đổi được yếu tố này thì có thể tính 2020 là bản lề thật sự đấy ạ.
Khuc Chi Bao Minh Khôi bds mà xin hỗ trợ thì quá là….thôi k bàn
Riêng 2018 và 2019 tăng trưởng cực lớn về doanh thu
Ho Quoc Tuan Nguyen Duc Hung Linh Cám ơn anh. Chuỗi bài Corona watch rất là chất lượng.
Do Hoang Hai Sẽ có những trường hợp “Đóng cửa đi ăn xin”, Một mũi tên trúng hai đích (vừa xù được nợ, vừa xin được cứu trợ). Cần lắm sự minh bạch, cứu đúng chỗ và ko phải là xin cho
Pham Ngoc Toan Rất hay ah, là nguồn thông tin quan trọng để mô phỏng tác động đến xã hội
Lê Bình Rất hay, chuẩn xác với thực tế, nhà đầu tư cần nắm các điểm này. Tôi rất đồng tình với quan điểm không dùng quá nhiều tiền cứu trợ mà phải đưa dòng vốn vào đầu tư mới bền vững. Tuyệt đối không cứu bds, vì lĩnh vực này quá ngốn vốn và lợi ích xã hội rất thấp, đây cũng là cơ hội cho các anh tay không bắt giặt phải đào thải, để TT bds ngày càng chuyên nghiệp và người dân được hưởng lợi từ giá trị họ cubgf tạo ra.