Người chiến thắng sẽ tìm được giải pháp cho mọi vấn đề. Còn người thất bại sẽ tìm ra vấn đề trong mọi giải pháp.
Cách tuyển sinh của trường Đại Học Fulbright Việt Nam – FUV khá tốt, tức họ đi 1 vòng các trường chuyên ở các tỉnh, phỏng vấn từng bạn, mời vô học thậm chí có nhiều bạn đang lớp 11 thôi, nhưng đã đậu ĐH, chờ tốt nghiệp tú tài xong là nhập học. Đây là cách tuyển sinh rất tốt của ĐH tinh hoa, không phải đại trà. FUV cùng với 1 số ĐH lớn như Việt Đức, Duy Tân, Hoa Sen, FPT, RMIT….đang theo triết lý của giáo dục khai phóng, dù chưa trọn vẹn nhưng rất đáng khen ngợi. Các Đại học công lập khác vẫn còn kiểu cũ, vẫn thầy nói trò chép và đồng phục tư duy, do đào tạo đại trà nên rất khó mà khai phóng tiềm năng của từng cá nhân được.
Tuy nhiên để có tầm nhìn vài trăm năm thì FUV nên đặt ở một thành phố giáo dục nào đó, ví dụ Đà Lạt hay Huế hay Quy Nhơn chứ không nén vô trung tâm kinh tế như Sài Gòn. Sài Gòn giống New York, chỉ là nơi các toà nhà tài chính, chứng khoán, thương mại….không phù hợp cho việc học hành, nghiên cứu. Mục tiêu còn là sinh viên quốc tế tới học chứ không phải chỉ trong nước.
Các mô hình lớn Đại học trăm năm như Harvard hay Stanford đều đặt ở những thành phố nhỏ (Harvard đặt ở Boston, sau này trở thành trung tâm giáo dục của Hoa Kỳ) và Stanford thì đặt ở ngoại ô San Jose, lúc đặt trường thì là một nơi vô cùng hoang vu. Nhưng sau này trở thành thung lũng Silicon của Mỹ, nơi các ông to của kinh tế tri thức như Facebook, Google, …đặt bản doanh.
Sẽ có người nói “nếu xây ở nơi xa, thầy cô ở đâu, tiền ở đâu mà xây,…” đại loại sẽ đưa ra “problem” (cái khó, hòng giải thích việc làm không được để có cái đổ lỗi) cho sự việc. Còn người thông minh, người chiến thắng sẽ tìm được “solution”, tức giải pháp. Cái gì cũng đã có sẵn giải pháp trong đó rồi, chỉ là người giỏi thì tìm ra được, người dở thì không.
Câu nói khá hay trong bài, được cho là ngạn ngữ của người Do Thái chứ không phải ông nào nói hết “The winner has a solution for every problem, and the loser has a problem for every solution”. Ví dụ mình muốn body đẹp chẳng hạn, thì người tào lao sẽ nói “không có phòng gym, không có thời gian, không có huấn luyện viên”, còn người thông minh sẽ tự tìm ra chỗ chạy bộ, thậm chí chạy tại chỗ trong nhà, tự hít đất, tự đưa ra giáo án để mình tự tập, kiên quyết trong bao nhiêu phút/ngày. Hoặc học ngoại ngữ chẳng hạn, người dở sẽ nói “không có thầy, thầy dở, trường kém, điều kiện không có” còn người giỏi là “tự mình nghe, tự mình nói, tự mình thu âm, tự mình đóng vai, rồi đi tìm người nói cùng ngôn ngữ đó mà học tập, giao lưu, tự mày mò đọc sách”. Họ luôn tìm ra giải pháp chứ không phải “hễ nói tới cái gì thì họ liền nói khó khăn trở ngại” như mấy người đầu óc kém cỏi.
Bài viết hay, những người hiểu được chữ LEGACY nên đọc. Đời người thế thôi, tổng giám đốc ngân hàng Citibank thì cũng sẽ vô danh 100 năm, 1000 năm sau, nhưng nếu đào tạo ra một thế hệ người trẻ tài giỏi cho đất nước, thì sẽ mãi mãi lưu danh.
P.S: FUV là Đại học do các bạn trẻ tự năng lực mà vào, không có nằm ở chỗ “được cha mẹ cho vô học” hay “cha mẹ muốn con vô đây học”, hoàn toàn không có những chú gà ở đó.