Cách làm lễ cúng ông Công ông Táo như thế nào cho đúng?
Tết ông Công, ông Táo hay còn gọi là Tết ông Táo (23 tháng Chạp) mặc dù là một phong tục truyền thống nhưng với các Phật tử tại gia, tục lệ này vẫn đang được duy trì hàng năm. Để có được một dịp Tết ông Táo mang lại sự may mắn và phước lộc nhiều nhất, chúng ta cần phải làm sao cho đúng?
Sự tích Táo Quân được truyền lại ở Việt Nam như thế nào?
Theo truyền thuyết có hai vợ chồng Thị Nhi Trọng Cao, ăn ở với nhau đã lâu mà không có con nên sinh ra buồn phiền hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá nên đánh đuổi vợ. Thị Nhi bỏ nhà đi, sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao nguôi giận, chàng nghĩ lại thấy mình cũng có lỗi bèn đi tìm vợ.
Vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin. Đến khi đến ăn xin nhà Thị Nhi thì nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người hàn huyên, Thị Nhi đã trót lấy Phạm Lang làm chồng nên không biết tính sao, sợ Phạm Lang trở về nhà bắt gặp Trọng Cao thì khó giải thích nên nàng bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang vô tình đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.
Ngọc Hoàng cảm động trước mối chân tình của cả ba người và cũng cảm thương cái chết trong lửa nóng của họ, Ngài cho phép họ được ở bên nhau mãi mãi bằng cách cho ba người hóa thành chiếc kiềng ba chân ở nơi nhà bếp của người Việt ngày xưa.
Từ đó, ba người họ được phong chức Táo Quân, trông coi và giữ lửa cho mọi gia đình. Đồng thời có nhiệm vụ trông nom mọi việc lành dữ, phẩm hạnh của con người. Táo Quân hay còn gọi là Táo Công được dân gian tin là vị thần bảo vệ cho cuộc sống gia đình, thường được thờ ở nơi nhà bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp.
Theo tín ngưỡng cổ truyền, ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Quân lên trời báo cáo Ngọc Hoàng Thượng đế những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian. Đó là những hành vi, việc làm tốt, xấu của các thành viên trong gia đình trong năm một cách khách quan, trung thực.
Hiểu chuyện Táo Quân chầu trời theo quan điểm của nhân quả
Luật nhân quả là định luật tự nhiên của cả vũ trụ vì thế tất cả những hành vi thiện, ác của mỗi người đều là những nhân dẫn đến những quả tốt hay xấu. Nói theo cách dân gian là “đều được ghi nhận”. Hình ảnh Táo Quân lên chầu Trời chính là ẩn dụ cho việc ghi nhận khách quan này, để cứ hàng năm nhắc nhở mỗi gia đình, cá nhân ôn lại tất cả những hành vi thiện, ác của mình trong cả năm qua. Càng làm được nhiều việc tốt (gồm cả hành động, lời nói, suy nghĩ) thì phước đức của chúng ta càng tăng trưởng; càng làm nhiều việc không tốt (sát sinh, trộm cắp, tổn hại đến sức khoẻ và tinh thần chúng sinh khác,…) thì phước đức của chúng ta càng giảm và quả xấu có thể trổ ra bất kỳ lúc nào.
Làm gì trong ngày tết ông Táo để có nhiều may mắn và phước lộc?
Để có nhiều may mắn và tăng trưởng Phước lộc trong ngày Tết ông Táo, chúng ta cần có hiểu biết đúng đắn, làm được thật nhiều điều lành và không làm những điều xấu ác:
Mâm cỗ cúng ông táo:
Chỉ cần một mâm đơn giản mấu chốt là ở tâm thành kính biết ơn. Tuyệt đối không sát sinh hoặc bảo người khác sát sinh (có thể mua đồ sẵn ở chợ về chế biến) hoặc làm đồ chay. Không cần đốt vàng mã vì ông Công ông Táo là thần không dùng vàng mã của con người! Ngoài ra, đốt vàng mã chỉ làm ô nhiễm môi trường, lãng phí tiền bạc, chặt cây phá rừng!
Phóng sinh để tăng trưởng công đức:
Đây là một dịp rất tốt để tích tập công đức cho cả gia đình, vì thế chúng ta rất nên thực hiện nghi lễ phóng sinh. Cách thức thực hiện nghi lễ phóng sinh, Quý Phật tử có thể tham khảo tại đây: Nghi lễ phóng sinh
Khấn ông Công ông Táo sao cho đúng:
Quý Phật tử có thể tham khảo bài văn Khấn được lựa chọn như dưới đây:
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát
Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát
Con kính lạy Chư Phật mười phương, chư Thần, chư Thánh, chư Thành Hoàng Thổ Địa, chư Táo Quân
Con là:……
Ngụ tại địa chỉ:…………
Hôm nay ngày 23 tháng Chạp, con thành tâm có chút lễ mọn để bày tỏ lòng thành kính biết ơn sự bảo vệ và giúp đỡ của các Ngài trong năm vừa qua.
Con xin sám hối tất cả những điều xấu con đã gây ra từ trước đến nay do vô tình hoặc cố ý. Con quyết tâm sẽ hạn chế và giải trừ chúng.
Cầu mong Chư Phật mười phương, chư Thần, chư Thánh, chư Thành Hoàng Thổ Địa, chư Táo Quân phù hộ cho con, gia đình và tất cả mọi người một năm mới hạnh phúc bình an, tai qua nạn khỏi, sức khoẻ dồi dào, trí tuệ và phước đức tăng trưởng viên mãn. (Lặp lại 3 lần)
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát
Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát
Cúng xong thì hồi hướng công đức như sau:
Con xin hồi hướng tất cả các công đức con đã tích tập được trong ngày hôm nay, trong cuộc đời này, trong vô số đời quá khứ và tương lai cho sự hạnh phúc và giác ngộ của tất cả chúng sinh. Trong đó có … (ví dụ mẹ con là Phan Thị X, sinh năm 1950, không nhất thiết phải nhớ được tên và năm sinh của người được hồi hướng mà chỉ cần nghĩ đến họ được là đủ. Ví dụ: cô bán cá đầu ngõ, nạn nhân bị chết cháy ở Nha Trang…)
A Di Đà Phật!
Lưu ý: muốn việc cầu khấn dễ thành tựu thì nên phóng sinh cùng ngày hoặc trước/ sau một ngày và hồi hướng công đức cho việc đó được thuận lợi.
Tham khảo thêm: Văn khấn cúng tất niên
Minh triết Việt và sự tôn trọng dinh dưỡng.
Việc dành một dịp riêng trong năm để tôn vinh Táo Quân có ý nghĩa tâm linh sâu xa, coi trọng việc chế biến thực phẩm đối với đời sống loài người.
Hình ảnh hai ông một bà, hai Dương một Âm là tượng quẻ Ly thuộc hỏa trong kinh Dịch – có hỏa lửa thì mới chế biến mễ cốc thành bổ dưỡng. Việc cúng bằng biểu tượng cá có ý nghĩa chứ không vô tình. Con cá chép vừa gần gũi với người Việt vừa thuộc hành thủy là tượng của quẻ Khảm. Tam vị Táo Quân cưỡi cá chép là biểu tượng Hỏa Thủy Vị Tế, quẻ cuối cùng kết thúc chu kỳ 64 quái, chuyển sang một chu kỳ mới và mọi việc vẫn tiếp tục là tinh thần của Vị Tế.
Nếu hiểu, chúng ta trân trọng các giá trị ẩn tàng chứ không sa vào mê tín đốt giấy, phóng sinh cá cảnh nhân giống ra môi tường tự nhiên gây ô nhiễm. Gây ô nhiễm thì mặc nhiên xâm hại giá trị tâm linh của việc cúng Táo Quân.

Bạn đọc comment: