Cúng sao giải hạn, xem ngày đẹp… nên hay không?
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh – Trong Suốt – Nha Trang T5/2018
Bạn Cần: Con xin phép hỏi Thầy. Mình khai trương quán, hoặc làm việc gì đó đầu tư lớn, thường thường sau khi chuẩn bị mọi thứ rồi thì mình lại vướng một chút về tâm linh, tức là khai móng thì phải cúng động thổ, hoặc khai trương thì phải coi ngày thì dính vào đó rất nhiều, và thường thường bị các ông thầy lợi dụng.
Giống như mình mua một bộ thần tài sau khi đi coi thì họ hướng dẫn là phải luyện, luyện mấy ngày thì mất mấy triệu. Mà khi đã nhờ thì chưa hỏi giá, đến khi trả tiền thì lấy rất là nhiều, em cũng hơi vướng về vấn đề đó một chút, đôi lúc cũng bực mình. Thì em muốn hỏi Thầy về thế giới vô hình, cái mà mình không nhìn thấy, nó tác động đến cuộc sống và tâm của mình như thế nào? Và cái đó nó ảnh hưởng đến quá trình sống của mình. Thế giới vô hình nó thực sự có có hay không?
Thầy Trong Suốt: Thầy cũng là dân kinh doanh thôi, thầy cũng giống em thôi. Cũng làm đủ các chuyện trên đời, nhưng mà chưa bao giờ xem ngày với cúng cái gì. Đấy nói cho em hình dung, chẳng xem ngày bao giờ, hôm nào hợp thì làm, chẳng cúng hôm nào hết, chẳng cúng Thần này Thần kia. Và doanh nghiệp vẫn phát triển mạnh mẽ. Như vậy không phải do cúng với cả do Thần mà làm cho mình hạnh phúc được, làm cho mình kinh doanh thành công được đâu.
Đây, cuộc sống của thầy đây là ví dụ này. Khai trương, động thổ, mở tất cả các loại chẳng bao giờ cúng cả. Chẳng xem ngày luôn, chẳng ngày đẹp ngày xấu, cứ thế mà làm thôi. Ở Tây là thế, Tây họ còn chẳng xem gì cả, cũng chẳng cúng ai, họ vẫn thành công rực rỡ hơn cả Việt Nam. Chính Việt Nam mình mê tín dị đoan mới không thành công. Đúng không? Nếu mà nói về kinh doanh thì nước ngoài thành công rất nhiều, chẳng cúng gì hết, chẳng xem ngày gì cả.
Như vậy, hệ thống cúng và xem ngày là hệ thống mê tín dị đoan, chứ không phải hệ thống đúng đắn. Đấy, mình hiểu điều đấy, còn kinh nghiệm sống của thầy thế này: chẳng cần như thế thầy vẫn sống bình thường, công việc vẫn tốt.
Em phải hiểu điều đấy, nó là hệ thống, nó đến từ đâu, đến từ nỗi sợ bóng sợ gió của con người. Con người quá sợ, nhất là người Việt Nam, cái gì cũng sợ, cực kỳ dễ sợ luôn, cái cây mà sống lâu năm mình cũng sợ nó luôn. Thật đấy, bảo là cây lâu năm, không ai dám làm điều xấu với nó cả. Đấy, kiêng. Hay là ví dụ như hình một ông Thần nào đấy, mình sợ lắm, đi qua là mình không dám chổng mông vào. Đấy là sợ bóng sợ gió rất nguy hiểm, không tốt.
Muốn không sợ bóng sợ gió thì phải có trí tuệ. Phải hiểu rằng mọi việc trên đời vận hành theo nhân quả, không theo ý của Thần Thánh nào khác. Lúc nãy thầy vừa nói với bạn Khải đấy, chẳng Thần Thánh nào quyết định được. Thần Thánh còn không quyết định được nổi mệnh của Thần Thánh. Phật vẫn chảy máu, đau đầu. Tất cả Thần Thánh và Phật không ai chi phối được nhân quả, mà đấy là luật chung.
Nên mình phải lo gieo nhân tốt, chứ không phải mình lo cúng với xem ngày. Thầy không cúng, xem ngày. Đấy, quan điểm thầy rõ ràng luôn, không cúng, không xem ngày. Mà cái đấy chỉ có hệ thống Việt Nam với Tàu thôi, học của mấy ông Tàu ra.
Mấy ông Tàu thì lại nặng nề bởi tư tưởng là khống chế, kiểm soát người khác, nên ông ấy sinh ra đủ các loại hệ thống để khống chế, kiểm soát cho dễ. Con người càng sợ thì càng dễ bị kiểm soát và khống chế. Họ sinh ra một đống các loại mê tín dị đoan và các lý thuyết nào đó để người ta sợ nhiều, để cho dễ kiểm soát khống chế. Mình lại chui vào hệ thống đấy, mình đang yên đang lành, đúng không? Đang bình thường định làm việc này, tự nhiên lại chui vào hệ thống là bị khống chế bởi ngày đẹp. Khổ không?
Đấy, ngày xưa thầy nhớ là hồi bé, mẹ còn không cho mình đi ngày 7: “Chớ đi ngày 7, chớ về ngày 3”, mùng 7 không dám đi công tác. Nhưng lớn lên mình toàn đi ngày 7, về ngày 3, chẳng thấy vấn đề gì cả. Dần dần rồi mẹ mình thấy: Ờ thôi, không sao.
Đấy, tất cả chúng ta ngồi đây đều lớn lên trong môi trường Việt Nam, sợ bóng sợ gió và bị những tư tưởng kiểm soát chi phối. Mình phải mạnh mẽ, dùng trí tuệ để thoát ra, bằng cách hiểu nhân quả, mọi thứ là theo duyên. Gieo nhân tốt thì gặt quả tốt, gieo nhân xấu thì gặt quả xấu, chứ không phải Thần Thánh, Thần Thánh cũng là nạn nhân của nhân quả mà thôi. Không ai có quyền điều khiển, chi phối cuộc sống con người. Mà đặc biệt, những người lấy tiền để luyện này luyện kia, những người đấy chắc chắn là ma quỷ, chứ không phải Thần Thánh đâu, những người đó là tay sai của ma quỷ, ngạ quỷ đấy.
Thần Thánh không bao giờ đòi những thứ đấy cả, mình sống tốt ấy, Thần Thánh không phù hộ cho mình cũng không nổi luôn, vì như thế Thần Thánh làm điều xấu. Thần Thánh đúng là có hệ thống, Thành hoàng, Thổ địa, v.v… có chứ không phải không có, nhưng mà họ là những người có nhiệm vụ bảo vệ dân lành. Thần Thánh họ gọi là những người như là quản lý vùng đất này, quản lý con sông này, bảo vệ dân lành này. Đấy là Thần Thánh tốt là như thế. Những người đấy họ có nhiệm vụ bảo vệ người tốt.
Nếu chúng ta là người tốt, họ sẽ bảo vệ, còn chúng ta là người xấu họ không bảo vệ nữa. Thế thôi, nên mình cứ sống tử tế đi, Thần Thánh giống như là… chủ tịch huyện, chủ tịch quận, công an giao thông, cảnh sát, v.v… thế thôi. Thần thánh chỉ thế thôi, họ có hệ thống của họ, mình có hệ thống của mình, mình sống tử tế và tốt đẹp với một cái tâm tử tế và có trí tuệ, thậm chí họ còn ủng hộ mình, bảo vệ mình luôn, họ sẽ chủ động đến để bảo vệ những người tu hành.
Trong chuyện nhà Phật thì Thần Thánh tới bảo vệ những người tu hành rất nhiều. Thần Thánh họ hiểu, nhận thức rằng bảo vệ giúp đỡ những người tu hành là tích phước cho chính họ và giúp đỡ cho thế giới này tốt lên. Nên là mình chỉ cần sống tốt và tu hành tốt thì Thần Thánh đến bảo vệ mình, không sợ ma quỷ gì cả.
Đấy, ngược lại, tâm mình không sáng, mình lúc nào cũng lo lắng thì ma quỷ đến lợi dụng mình. Thần Thánh thì không bảo vệ mình vì mình không tử tế, còn ma quỷ thì thấy: “À, thằng này này tối quá, phải lợi dụng thôi”, nó lợi dụng mình. Nên là phải tránh những chuyện đấy ra và sống có trí tuệ vào. Đấy, thế thôi.
Một bạn nữ: Em biết theo triết lí Phật giáo thì trong Đạo Phật, nhân quả dựa trên nền tảng của Phật giáo. Vậy Thầy nghĩ như thế nào về quan điểm Phật giáo Thầy nói đó. Em thấy là cúng sao giải hạn, cầu an cầu siêu rất là nhiều tiền, không phải ít những nơi chùa, Thầy nghĩ như thế nào về các vị thầy ở chùa như vậy?
Thầy Trong Suốt: Rồi, phải nói gì bây giờ.
Đấy, nhìn Tây đi, không cúng sao không giải hạn, không cầu an, không cầu siêu, thành công rực rỡ không? Câu đấy đủ cho em biết là hệ thống đấy nó đem lại an tâm cho người ta, chứ nó không đem đến một số phận tốt hơn. Nếu nói là có giá trị, nếu phải nói là có thì nó có giá trị tâm lý. Ừ, tôi đã cúng rồi, yên tâm.
Đấy, thế mày đã cúng chưa, ốm đau thế này đã cúng chưa? Cúng rồi, năm triệu rồi yên tâm, sẽ khoẻ. Đấy là giá trị tâm lý chứ nó không có giá trị vật lý. Nếu em trả tiền để có một giá trị tâm lý thì cũng được, đừng có đắt quá là được đúng không? Chùa nào thu ít tiền thì làm, chùa nào thu nhiều tiền thì thôi, thực dụng mà.
Cái đấy thực dụng đấy, giá trị tâm lý mà, ít tiền thì làm, nhiều tiền thì thôi. Đấy nếu em thế thì OK, còn nếu em lại nghĩ là càng nhiều tiền thì càng an, hỏng rồi! Lễ ba trăm triệu thì phải an gấp mười lần lễ ba mươi triệu và gấp trăm lần lễ ba triệu thì đứt rồi. (Thầy cười) Tây nó còn không có triệu nào sao nó an thế!
Thế thì mình sống trong văn hoá nào thì mình phải gọi là nhập gia tuỳ tục. Thầy cũng ở trong văn hoá Việt Nam, thầy không thể bảo là: “Ông sư ơi đừng có làm nữa.” Họ có nhu cầu riêng của họ và họ có một động cơ, có những ông sư động cơ ông ấy là động cơ giải toả tâm lý thì thường ông ấy không lấy tiền.
Ông sư tốt ấy, ông sẽ làm cái đấy và không lấy tiền. Còn ông sư nào mà cứ làm lấy tiền thì thầy cho rằng không đúng lời Phật dạy và đấy là nghiệp xấu mà ông ấy sẽ phải chịu. Đấy, còn nếu em trả tiền để đổi tâm lý thì tốt. Nhưng theo thầy thì cũng chẳng cần. Em tu tốt thì tâm em tốt tại sao cứ phải trả tiền để đổi mấy lễ tốt làm gì? Em sống tử tế với động cơ tốt đẹp, lương thiện thì đời em tốt, chứ làm sao mà một lễ này, lễ kia giải quyết được vấn đề.
Xem thêm: Hỏi đáp về thờ cúng – Thầy Trong Suốt