Giấc mơ có liên quan gì đến cuộc đời?
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh – Trong Suốt (Hà Nội, 04/2018)
Một bạn: Em chào Thầy ạ. Em là Kim, 30 tuổi. Hôm nay em đến vì em có một muốn hỏi Thầy. Một năm trước, em có bầu, được khoảng 36 tuần thì con em mất. Thì trước hôm mà cháu mất ấy, em có nằm mơ sinh ra một đứa trẻ, nhưng mà nó rất là yếu, em cố gắng cho nó ti, nhưng mà nó không ti. Xong đến ngày hôm sau, đúng cái ngày cháu mất ấy, thì em cũng lại mơ thấy có một cái thai nhi, nó đã mất rồi, em nhìn thấy nó đắp cái khăn trắng ấy. Trong giấc mơ ấy có một người đàn ông bảo em là: “Về lo cho cháu đi!”. Em cũng không cờ bạc, đánh đề gì đâu ạ, thì họ có bảo là đánh con 83, thế em cũng… (Mọi người cười) em cũng không quan tâm lắm. Xong em đi khám thì biết là cháu mất.
Thì em muốn hỏi Thầy là cái giấc mơ ấy có liên quan đến cuộc sống của em bao nhiêu phần trăm? Và, thêm một câu hỏi nữa là, những người mất rồi thì không hiểu là sẽ đi đâu, về đâu ấy ạ? Em muốn biết con mình đi đâu về đâu?
Thầy Trong Suốt: Rồi, hai câu hỏi khác nhau đấy, đúng không? Mơ giống đời bao nhiêu phần trăm, đúng không? Nếu thầy trả lời em một cách thành thực ấy, hay là em muốn nghe cách không thành thực? (Mọi người cười)
Bạn đó: Em đến đây là vì một cái gì đấy rất là thật. Mong Thầy trả lời em một cách rất thật ạ. (Mọi người cười)
Thầy Trong Suốt: Thật nhé!
Bạn đó: Thật luôn ạ. (Bạn đó cười)
Thầy Trong Suốt: Thật thì đối với thầy ấy, với thầy thì đời và mơ là bằng nhau, 100%. Đời và mơ là như nhau luôn, 100%. Chẳng hạn, đời cũng chính là mơ, không khác gì nhau. Cuộc đời này đúng là giấc mơ. Thầy đang ở trong các giấc mơ, thầy không cảm giác là thầy đang thực sự đối diện với cái gì hết. Đây là trong một giấc mơ, trong đấy có một nhân vật là Trong Suốt và những nhân vật khác đang chơi trò chơi gọi là Trà đàm. Đấy! 100% đời và mơ là như nhau. Thế thôi, 100%. Không phải là 99, 88, 77, 66. 100% là như nhau.
Em buổi tối về kiểm tra mà xem, trong mơ của em cũng thật hết mà. Khi em ở trong mơ thì đời này – đó là mơ, đúng không? Khi ở trong một giấc mơ ấy, chứ đời này có ai nhớ đâu, thậm chí là, nó có thật nữa đâu, mà cái giấc mơ mới thật chứ. Khi ở trong mơ, giấc mơ thật hơn hay đời thật hơn? Cái nào thật hơn, đúng không? Em là hoàng tử, công chúa đâu đấy chứ, đúng không? Cái đời này có là cái gì đâu. Trong đấy em làm cái gì cũng thật chứ. Em sờ cái bàn nó cứng thật, đúng không?
Như vậy là trong mơ thì đời – đời này này – là mơ, còn trong mơ là thật. Ở trong đời mình đang ngồi đây với nhau, mình nói chuyện thì mình phải thấy đời thật hơn. Còn tối, mơ là giả, đúng không? Bây giờ mình ngồi nói chuyện với nhau, mình thấy thật quá, thì tối là giả. Tối về mình trong mơ, mình thấy thật quá, thì đời này là giả. Như vậy thì cái nào giả, cái nào thật? Đời và giấc mơ, thật giả như nhau. Nếu thật thì thật như nhau, mà giả thì giả như nhau. Tất cả đều là mơ mà thôi. Chính vì mình không biết điều ấy, chính vì một số người không biết điều ấy nên là cuộc đời mới gây đau khổ. Còn nếu biết đây là mơ thì không có đau khổ.
Cái chuyện em mất đứa con, nó giống như một giấc mơ, thật đấy! Nó không khác gì một giấc mơ, nó luôn luôn đến với tối qua của em ấy, khi mà em nghĩ về nó mà xem, khác gì giấc mơ đêm qua. Em nghĩ về việc em mất đứa con cách đây mấy tháng? Một năm? Một năm, đúng không? Thì khác gì giấc mơ đêm qua của em? Nghĩ mà xem. Cũng là nhớ nhớ một cái gì đó, kể ra, đúng chưa? Thử mà xem, mọi người thử nghĩ xem. Cái chuyện xảy ra với em 3, 4 năm trước với cả giấc mơ đêm qua, giống nhau không? Giống nhau. Cũng nhớ một cái gì đó, cũng kể ra thôi.
Mình ngồi đây, có cái gì chạy ra đâu? Mình ngồi đây thì làm gì có chuyện đấy. Nhưng mình nhớ lại, mình kể lại cho người ta về các giấc mơ đêm qua. Tất cả những chuyện ở quá khứ của em ấy giống hệt giấc mơ đêm qua, đều là trí nhớ mình nó kể lại hết. Đấy, nếu em đến trình độ đấy thì em không còn vấn đề gì nữa. Mất với còn đứa con, nó bằng nhau ở góc độ trong giấc mơ. Chuyện đấy của em hệt như một giấc mơ thôi. Em, thường hay nghe câu “Đời giống như một giấc mộng” đấy, giống hệt giấc mộng mà.
Đấy! Đấy là thầy đang nói thật nhất. Thật nhất bây giờ, hiểu chưa? Nếu mà nói từ kinh nghiệm ra thì là thật nhất. Theo đúng lý thuyết, lý thuyết cũng thật. Trong kinh nghiệm của thầy thì đây là một giấc mơ rõ ràng 100%. Và tối nay mơ thì cũng là một giấc mơ 100%. Đấy là lý do mà cần tu hành, vì nếu không tu hành thì làm sao nhận ra nổi điều ấy? Em thấy cái này thật, cái kia thật, cùng đứa con mà em mất là rất thật, thì sao nỗi buồn hết được, đúng không?
Rồi đấy là trả lời 100%. Còn trả lời 99%, nghe không? (Mọi người cười)
99% là như thế này. Vì mình chưa chứng ngộ, các em ấy, chưa chứng ngộ được đây là mơ, vẫn cho là thật, đúng không? Nên phải tập cách để giải quyết cái thật đấy. Tập cách để giải quyết cái thật. Ví dụ: Người ta chửi mình, mắng mình,
- nếu mình chứng ngộ đây là mơ rồi, thì cứ để người ta mắng thoải mái.
- Nhưng nếu mình chưa chứng ngộ đây là mơ và mình khó chịu với người ta, thì tập cái gì?
=> Tập cách sửa bên trong để hết khó chịu hay là đánh nhau với người ta để hết khó chịu?
=> Sửa bên trong.
Em cũng như vậy thôi. Vì em quá tin vào cái chuyện đứa con mất là thật, đúng không? Nên là phải tập cách sửa bên trong, để em không còn sự hối tiếc – tập được.
Khi em hiểu rằng là gì? Đứa con đến hay đi là nhân quả, là duyên, nó có duyên với mình mình mới sinh ra được, không đủ duyên, nó không ra khỏi cái cuộc đời này luôn. Đứa con ấy không đủ duyên để hiện ra cuộc đời này, thì nó không ra khỏi cuộc đời này.
Không phải lỗi của ai hết. Không phải do cái ông gì, 83 à? (Mọi người cười) Không phải do em. Không phải do ông 83, mà do không đủ duyên để hiện ra trong đời này. Nó không đủ duyên với thế giới này. Nó đủ duyên để chui vào bụng em nhé, nhưng không đủ duyên để đi ra sống cuộc sống này, thế thôi.
Đủ duyên thì đến, hết duyên thì đi. Đúng chưa? Bây giờ nó đủ duyên thì đến rồi, còn hết duyên mất rồi, thì đi mất. Không phải do lỗi của ai hết. Không phải lỗi của nó, không phải lỗi của em, không phải lỗi của cái ông nói là đánh đề số 83. Hoàn toàn là do duyên, không đủ duyên.
Tất cả chúng ta ấy, yêu ai, cưới ai là do mình giỏi hay mình có duyên với người đấy. Theo các bạn thì sao? Có phải do mình rất giỏi, mình đã cưa cẩm giỏi, thành công, mình cưới được không?
Mọi người: Không ạ.
Thầy Trong Suốt: Hay là có duyên thì cưới? Theo con thì sao? Có duyên thì cưới thôi. Người ta nói có câu rất hay là:
“Mình sẽ không cưới người mình yêu nhất,
mình cũng chả cưới người yêu mình nhất,
mà mình cưới người đến đúng thời điểm nhất”.
Cuộc đời nó thế đấy! Mình không cưới người yêu mình nhất nhé, mình không cưới người mình yêu họ nhất, mà mình sẽ cưới người xuất hiện đúng thời điểm nhất. Đúng lúc đang cần cưới, hiện ra, thế là cưới. (Mọi người cười) Đấy! Sự thật làthế!
Ở đây có ai chứng ngộ được cái điều thầy nói thì giơ tay nào! Đấy, nhiều, khá nhiều đấy đúng không? Mình sẽ cưới được người mình yêu nhất là khó rồi, mà cưới người yêu mình nhất cũng chưa nói được, nhưng mà sẽ cưới người đến đúng thời điểm nhất. Đấy gọi là duyên đấy! Cái đấy là cái người ta quan sát được người ta nói lên, hay nhà Phật gọi là duyên. Mình sẽ cưới người có duyên với mình nhất. Hết! Được chưa? Cái duyên cái số…
Mọi người: …nó vồ lấy nhau.
Thầy Trong Suốt: …nó vồ lấy nhau mà thôi. Bản chất là thế thôi.
Thế thì trong trường hợp của em là gì? Con của em, nó có duyên đến với em, nhưng mà không có duyên đến với cuộc đời này. Đấy thôi, nó đi mất. Thầy không thấy có gì là phải đau khổ ở đây cả. Không đủ duyên mà thôi.
Thế còn câu hỏi thứ hai của em là đi đâu đúng không? Đi đâu thì là do nhân quả của nó quyết định. Có khả năng rất cao là nếu nó có duyên với em, nó sẽ tìm cách đến với em một lần nữa. Có nhiều người có bầu một lần mất, xong rồi lại có bầu một lần nữa và đẻ ra được đúng đứa con đấy luôn. Nó rất muốn chui vào nhà em, nó có duyên với em mà, nhưng nó không có duyên để được đẻ vào cái năm đấy, thì nó sẽ đến, xong nó đậu, xong nó đi tiếp. Xong rồi khi nào em có bầu lần thứ hai, nó lại đến làm con của em. Đấy là người có duyên rất là mạnh đấy, thì như thế. Còn nếu duyên mà nhẹ, thì có thể nó sẽ đi tìm người mẹ khác, một cõi khác để sống, thì tùy cái nhân quả của đứa bé mà thôi. Đúng chưa? Đơn giản thế thôi. Nó đi về đâu là do duyên của nó, đấy, chứ còn không thể kiểm soát được.
Đấy! Cái chính và quan trọng nhất là gì? Nó đi đâu thì đi, đúng không? Có thể đến, quay lại một lần nữa, có thể không, đúng không? Nhưng nếu nó đã có duyên với mình, thì mình hãy làm điều tốt nhất cho nó, như là mình có thể cầu nguyện cho nó, chúc thầm cho nó, hồi hướng công đức cho nó. Làm điều mà tốt nhất mình có thể làm với người có duyên với mình.
Giống như là em có đi phóng sinh bao giờ không? Thì tối thiểu, phóng sinh là hồi hướng công đức cho những người thân, họ hàng đấy, đấy chính là điều mình làm tốt nhất cho họ. Em có thể là buổi tối hàng ngày hồi hướng công đức cho nó cũng được, rất tốt. Để nó dễ dàng có một cái chỗ mới hạnh phúc.
Đấy! Hồi hướng ở cõi người có thể không cảm thấy gì, nhưng mà những cõi khác cảm thấy ngay lập tức, cảm thấy hạnh phúc ngay lập tức khi em hồi hướng cho họ. Hoặc là có những người mà, nếu em thực hành Phật Pháp thì có thể có những người họ đang gặp khổ sở, em hồi hướng cái họ vui vẻ ngay, hạnh phúc ngay. Đấy là do cái sức tu hành của em.
Vì thế em càng phải tu hành. Em có hai lý do để tu hành liền:
- Một là để giải quyết cái hối tiếc của em, đúng không? Cảm xúc tiêu cực của em khi mà em nhớ lại chuyện đấy. Tu hành giải quyết được hết.
- Thứ hai là,em có sức mạnh để em hồi hướng công đức và làm điều tốt cho những người có duyên với em, trong đấy có đứa bé, đúng không?
Đấy thế thôi. Có hai điều rất cụ thể để làm.
Thứ ba là, sau đánh thử 83 xem! (Mọi người cười) Biết đâu! Đúng không? Lần sau, có khi cứ đánh thử số 83. (Thầy cười) Nói đùa thôi! 83 hay 93 thì cũng không hết khổ đâu, chỉ có tu hành mới hết khổ thôi. Chỉ có sửa, sửa bên trong đấy! Gọi là tu hành nghe hơi quá. Ở đây thầy nói tu hành, nhưng ý thầy: Tu là sửa, hành là làm. Khi thầy nói tu hành không phải là đọc kinh, niệm Phật hay là làm gì đâu. Tu là sửa, trung tu, đại tu đấy. Hành là làm. Hành động đấy! Tu hành là hãy làm những việc sửa mình thì gọi là tu hành. Đấy! Chứ còn không khuyên mọi người lên chùa, rồi đọc kinh đâu. Em hãy sửa mình đi! Đấy là hành động thiết thực nhất, hơn số 83 rất nhiều. (Thầy cười) Thế thôi! (Mọi người vỗ tay)
Đây, nhiều cánh tay quá nhỉ? Có vẻ lịch càng ngày càng hấp dẫn hơn hả? (Thầy cười)
(lịch ở đây là lịch Trong Suốt )
Tham khảo: Cách hồi hướng công đức