Cửu Phẩm Liên Hoa – Cửu Phẩm Liên Đài
* Ngôi Liên Đài
– Ngôi Liên Đài hay Liên Đài là bệ ngồi, Đạo Quả, quả vị của chư anh linh có phẩm vị linh hồn thuộc hàng Tiên Vị, được gọi là quả vị Trọn Lành.
– Tiên Vị thì có các phẩm cấp linh hồn trong hệ thống Cửu Phẩm Thần Tiên là cấp 7, cấp 8 và cấp 9.
Quả vị Phật cũng thuộc cấp 9 vậy. Ba phẩm này chính là
- Thiên Tiên
- Nhân Tiên
- Địa Tiên
– Quả vị Bồ Tát, A La Hán, Thanh Văn, Duyên Giác, Độc Giác cũng thuộc hàng Tiên Vị này, tùy sự giác ngộ và thiện hành mà có quả khác nhau.
– Trong các quả vị Tiên Hồn, có hàng hà sa số Đạo Quả được phân biệt tùy thuộc vào pháp môn tu tập, phương thức tương tác tạo duyên nghiệp trong Tam Giới, tính chất nghề đặc trưng, thuộc các nhóm chủng tộc, loài chúng sinh khác nhau… chung quy là thệ nguyện và thiện hành khác nhau thì Đạo Quả sẽ khác nhau.
Nói đến chủng tộc tức là khi một anh linh của loài thú, hoặc loài cây cỏ, hoặc loài kim thạch mà có tu dưỡng giác ngộ, có hành thiện nghiệp vĩ đại thì họ cũng có thể đạt quả vị Trọn Lành, đạt đẳng cấp Tiên Hồn 9/9 như loài người vậy thôi, không khác.
– Anh linh muốn có Ngôi Liên Đài thì phải tu hành nghiêm túc, thệ nguyện và thiện hành rõ ràng, trải qua nhiều đời nhiều kiếp, nhiều khổ nạn, chứng đắc từ bi tâm, trí tuệ và công nghiệp rõ ràng với các đợt độ kiếp của bản thân.
* Hình dạng và tính chất đặc trưng
– Ngôi Liên Đài hình thành khi một anh linh đạt quả vị Trọn Lành, từ cấp 7/9 thuộc Tiên Hồn.
Lúc bấy giờ, hễ anh linh ấy di chuyển trong linh giới thì tự nhiên nơi bước chân, dưới lòng bàn chân, nơi vị ấy ngồi, hay nằm, đứng đều sẽ có một hoặc nhiều đóa hoa sen xuất hiện nâng đỡ thân ảnh của vị ấy.
– Ngôi Liên Đài có màu sắc đặc trưng khác nhau tùy theo hạnh nguyện và thiện hành của chư vị ấy.
— Hồng Liên:
Là đóa sen có màu sắc hồng nhạt, có ánh sáng màu hồng và trắng dịu nhẹ.
Tượng trưng cho hạnh từ bi, cứu độ chúng sinh trên phương diện phước thiện, công đức mặt tinh thần, sức lực.
Đức Chuẩn Đề Bồ Tát, Đức Phổ Hiền Bồ Tát, Đức Gia Tô Giáo Chủ ngự trên Hồng Liên Đài này.
— Hỏa Liên:
Là đóa sen có màu sắc đỏ tươi, có hỏa quang màu đỏ, cam hay vàng.
Tượng trưng cho sự nhiệt tình, đức hi sinh, sẵn sàng đối diện với tà ác. Khi ấy, anh linh dụng tâm từ bi phát sinh nộ khí chiến đấu chống lại tà ác, bảo vệ Chánh Pháp và chúng sinh lương thiện hồi hướng tu tập.
Đức Đại Thế Chí Bồ Tát, Kim Cang Bồ Tát, các vị Minh Vương ngự trên Hỏa Liên Đài này.
— Tử Liên:
Là đóa sen có màu tím, tỏa hào quang sắc tím, hồng, xanh đan xen nhau.
Tượng trưng cho từ bi lẫn trí tuệ ưu việt của bậc đã vượt qua mọi thống khổ, thấu suốt sự khổ và hoàn toàn vô nhiễm với nó. Nhưng khi vị ấy nhìn thấy sự khổ của chúng sinh thì khởi lòng từ bi, muốn cứu độ, cứu vớt sinh linh ấy thoát khỏi sự khổ và sẵn sàng lao mình vào khổ nạn ấy.
Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đức Thích Ca Mâu Ni ngự trên Tử Liên Đài này.
— Bạch Liên:
Là đóa sen trắng thuần lương thanh tịnh, tinh khiết trong ngần, tỏa hào quang sáng trắng.
Tượng trưng cho đức tánh vô nhiễm, thuần lương, chí chân, phủi sạch phiền não, phủi sạch nhân duyên vướng bận. Thấu suốt rõ vô thường, khổ não, bồ đề, vô lậu, vô nhiễm và tính không trong vạn vật. Nhìn thấy chúng sinh khổ, khởi tâm cứu độ nhưng lại tùy duyên theo đúng vận hành của lý nhân duyên vậy.
Đức Quan Thế Âm, Đức Thái Bạch Kim Tinh ngự trên Bạch Liên Đài này.
— Kim Liên:
Là đóa sen có màu vàng rực rỡ, ánh sáng hoàng kim lấp lánh.
Tượng trưng cho hạnh bố thí, đức từ bi hỉ xả, ly trần cấu, ly dục, đoạn tuyệt phiền não, không vướng mắc tịnh tài hay sắc tướng vi tế.
Đức A Di Đà, Thái Dương Thiên Tử ngự trên Kim Liên Đài này.
— Thanh Liên:
Là đóa sen có màu xanh dịu mát của bầu trời trong xanh, tỏa ánh sáng xanh dịu nhẹ.
Tượng trưng cho đức hạnh trí tuệ ưu việt, truy cầu áo nghĩa, đặt trạng thái thanh tĩnh tột bậc, thông suốt các lý sự nhân duyên khắp Tam Giới chúng sinh.
Đức Văn Thù Bồ Tát ngự trên Thanh Liên Đài này.
— Cửu Sắc Liên hay Lưu Ly Liên:
Là đóa sen có màu hồng nghê, gồm đủ các sắc cầu vồng và trắng đen thường xuyên luân chuyển.
Tượng trưng cho tất thảy các đức hạnh của hành giả tu Đạo như là thanh tĩnh, trí tuệ, từ bi, vô nhiễm, xả ly, hi sinh, dũng cảm… Đức Di Lặc Vương Phật, Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Phật ngự trên Lưu Ly Liên Đài này.
– Bên trên liệt kê một số chủng loại Liên Đài đặc trưng, chớ còn nhiều hình dạng, màu sắc thanh tĩnh đẹp đẽ lạ thường khác nữa. Chư vị thường thị hiện với các liên đài có màu sắc tương ứng với tâm tình, thệ nguyện của mình. Nhưng có nhiều lúc, chư vị có thể thị hiện màu sắc, hình dáng liên đài của mình hoàn toàn khác biệt với Liên Đài phổ thông mà vị ấy thị hiện. Lúc bấy giờ cũng không có gì đặc biệt, vì chư vị một khi muốn cứu độ chúng sinh, truyền Giáo Pháp thì việc thị hiện thân ảnh Quỷ Vương, hay bất kì thân ảnh gì cũng có thể làm được. Chỉ cần đạt được mục đích là cứu độ chúng sinh giải thoát khỏi sự khổ.
– Số lớp cánh hoa trên Liên Đài tùy thuộc vào số lần độ kiếp của chư vị ấy khi tu Đạo và cứu độ chúng sinh, hoặc là chịu khổ nạn vì chúng sinh mà giác ngộ thành tựu viên mãn.
– Độ kiếp chính là kinh qua, trải qua một kiếp nạn đầy dẫy sự thống khổ, một lần chuyển sinh trong Tam Giới. Mỗi lần độ kiếp như thế, chân hồn ấy sẽ có một lớp khí quang bao bọc mình. Chuyển sinh càng nhiều thì khí quang này càng nhiều lớp. Tu tập có nhiều thành tựu trong các kiếp chuyển sinh thì các lớp khí quang ấy cũng sáng hơn, tự nhiên Đạo Quả Ngôi Liên Đài cũng đẹp đẽ lung linh vi diệu.
– Hiện tại nơi Cực Lạc Thế Giới, dưới Cội Dương Liễu có ngôi Lưu Ly Liên Đài của Đức Phật Di Lặc đang tọa ngự là vi diệu không thể nghĩ bàn. Ánh Đạo Quang của liên đài ấy phát ra có thể soi sáng khắp Đại Vũ Trụ Tam Giới. Có thể tạo nên một lực hút mạnh mẽ khiến chúng sinh khát khao trở về Cội Đạo, khát khao có được Đạo Quả là ngôi liên đài vi diệu như thế. Từ đó mà chư Thánh Tiên khi tự nhìn thấy quả vị của mình còn thấp quá, đức hi sinh, giác ngộ chưa đủ to lơn vĩ đại, chưa viên mãn thì họ sẵn sàng lao mình cứu độ chúng sinh, cũng là đi lập công bồi đức, tu dưỡng thêm cho tâm tánh trí tuệ mình thuần lương, giác ngộ viên mãn.
* Ngôi Liên Đài trong kinh điển
Kinh Tiểu Tường – Cửu Thiên Thập Nhị Kinh
Tịnh niệm phép Nhiên Đăng tưởng tín
Hư Vô Thiên đến thính Phật Điều
Ngọc Hư Đại Hội ngự triều
Thiều quang nhị bá Thiên Kiều để chân
Bồ Đề Dạ dẫn hồn thượng tấn
Cực Lạc Quan đẹp phận Tây Quy
Vào Lôi Âm kiến A Di
Bộ Công Di Lặc Tam Kỳ Độ sinh
Ao Thất Bửu gội mình sạch tục
Ngôi Liên Đài quả phúc Già Lam
Vạn linh trỗi tiếng mừng thầm
Thiên Thơ Phật tạo độ phàm giải căn.
…
* Cửu Phẩm Liên Đài trong Tịnh Độ Tông
– Khi một người thoát xác lúc chết, hồn người ấy sẽ được bái kiến Đức A Di Đà nếu họ nhất tâm nhất niệm Nam mô A Di Đà Phật, và được nhiều người khác trợ niệm để nhắc nhở sự tỉnh thức của tâm thức người đối diện cận tử nghiệp ấy. Lúc bấy giờ, tùy vào tâm thức, ngộ tính, nhân duyên nghiệp quả, công nghiệp của người ấy mà Đức A Di Đà Phật sẽ kết thủ ấn tượng trưng cho Cửu Phẩm Liên Đài để đón tiếp họ về Cực Lạc Thế Giới.
– 9 thủ ấn này tương đương hệ thống Cửu Phẩm Thần Tiên vậy, gồm có:
— Chuyển sinh về Tây Phương Cực Lạc Quốc viên mãn, có thể vào được Lôi Âm Tự nơi Đức Phật A Di Đà tọa ngự là:
9/9 Thượng Phẩm Thượng Sinh
8/9 Thượng Phẩm Trung Sinh
7/9 Thượng Phẩm Hạ Sinh
— Chuyển sinh về khu vực Thượng Giới của cõi Tây Phương Cực Lạc, nhưng chưa vào được bên trong Cực Lạc Quốc và Lôi Âm Tự.
6/9 Trung Phẩm Thượng Sinh
5/9 Trung Phẩm Trung Sinh
4/9 Trung Phẩm Hạ Sinh
— Chuyển sinh về khu vực Trung Giới nơi Tây Phương Thế Giới, chưa vào được Cực Lạc Quốc, cần tịnh tu và tinh tấn thêm nữa.
3/9 Hạ Phẩm Thượng Sinh
2/9 Hạ Phẩm Trung Sinh
1/9 Hạ Phẩm Hạ Sinh
– Duy chỉ có 3 hạng Thượng Phẩm Thượng Sinh, Thượng Phẩm Trung Sinh, Thượng Phẩm Hạ Sinh thì mới có ngôi Liên Đài xuất hiện nâng đỡ thân họ. Còn 6 phẩm Liên Đài khác, chỉ có ánh sáng của Đức Phật A Di Đà bao phủ rồi độ duyên cho họ đến nơi phù hợp với mình. Không có Liên Đài nâng đỡ 6 phẩm còn lại này.
– Nếu người sống ấy không có công phu tu dưỡng, không giữ giới tốt, có niềm tin nhưng không sâu dày. Lúc sống làm nhiều việc bất thiện, khi đối diện cận tử nghiệp thì hoảng loạn không còn Chánh Niệm, khi ấy họ dễ chuyển sinh thành Ngạ Quỷ hoặc các sự tồn tại khác trong Trung Giới mà không có phẩm vị nào trong Cửu Phẩm Liên Đài và không gặp được Đức Phật A Di Đà lúc hồn lìa khỏi xác.