Chắc hẳn bạn đã nhiều lần thắc mắc, tại sao những người giàu ngày càng giàu có trong khi những người nghèo cứ mãi sống trong cảnh thiếu thốn. Lời giải thích nằm ở sự khác biệt về cách gây dựng và quản lý tài sản của 2 nhóm người.
Xem bài :
Lý do 1 người không có thành tựu
Nhiều người tin rằng, nếu muốn giàu có bạn phải có cha mẹ có điều kiện, theo học những ngôi trường chất lượng cao, có những mối quan hệ với người giàu và có công việc kiếm được nhiều tiền hay phải tự mở công ty kinh doanh… Nhưng đó không phải là tất cả. Có rất nhiều cá nhân lớn lên trong sự nghèo khó nhưng lại có thể làm nên cả cơ nghiệp. Và cũng có nhiều người lựa chọn chấp nhận tình cảnh của bản thân và chẳng màng đến việc thay đổi nó.
Mỗi ngày, các bạn đọc các câu chuyện về những doanh nhân thành công từng sống trong những căn kí túc xá chật hẹp, thu nhập tính từng ngày và làm việc không ngừng trong nhiều năm, bền bỉ vượt qua mọi thách thức để đạt được ước mơ.
Tony Buổi Sáng
Chia sẻ từ 1 Admin page Tony Buổi Sáng
“Mình là cựu học sinh trong một trường chuyên, học lớp thường. Mình giỏi đều các môn cho đến khi một ngày cuối học kỳ 1 lớp 10, mình nhận ra là việc giỏi đều như vậy, không có gì hay. Vua không biết mặt, chúa chẳng biết tên nếu chỉ làng nhàng giỏi, phải có dấu ấn cái gì đó xuất sắc. Thế là mình lên kế hoạch tấn công 3 môn Toán, Văn, Anh Văn để vượt qua nhóm lớp chuyên kia, vốn là những bạn từng đoạt học sinh giỏi này nọ. Coi như thử thách đầu đời của mình, mình vốn thích nhất chữ tiếng Anh “challenge”.
Mình ngồi đọc môn toán cho học kỳ 2 năm lớp 10 bằng cách ngồi mày mò đọc hết sách giáo khoa Toán cho cả lớp 11 và lớp 12, cái nào không biết thì đánh dấu lại, không hiểu mới đi hỏi mấy anh chị lớp trên. Và lên mạng ngồi đọc các bài toán bằng tiếng Anh, các tạp chí toán học, các trang web diễn đàn về toán. Mình chấp nhận mấy môn khác đều rơi xuống dưới 7.0 hết để đầu tư môn Toán. Thời gian dành cho nó vô cùng nhiều, chỉ sau học trên trường, đi ngủ và đá bóng. Đầu năm lớp 11, mình thi thử vào lớp chuyên Toán và bất ngờ là đạt điểm cao nhất, cao hơn các bạn lớp toán cũ (cứ cuối năm là trường mình bắt thi lại, ai lớp chuyên mà điểm thấp bị đẩy ra lớp thường, vài cá nhân xuất sắc lớp thường sẽ vô lớp chuyên) nhưng mình không học vì lý do cá nhân trước sự ngạc nhiên của bao người. Họ càng ngạc nhiên vì mình chỉ tự học chứ không đến nhà thầy học thêm như các bạn khác. Thật ra là lớp 11, mình chuyển hướng sự tập trung khác là làm chủ tiếng Anh, để khác biệt, xưng hùng xưng bá.
Mình lên kế hoạch học tiếng Anh tới 10h/ngày, bắt đầu lại từ cuốn Anh văn lớp 6. Không sót 1 câu, 1 chữ trong đó, rồi tiếp tục mày mò học không sót bài nào đến cuốn Anh văn lớp 12. Xong thì mới lên youtube nghe các bài giảng của thầy cô nước ngoài trên đó. Rồi mình xin tiền mẹ bỏ 399 ngàn học 1 khoá tiếng Anh online trên mạng, để mấy thầy nước ngoài sửa mình phát âm. Đi đâu mình cũng đeo headphone để nghe. Môn viết là môn khó nhất, mình viết và gửi lên một diễn đàn, có mấy anh chị sửa, rồi mình học lại cách sửa. Một thời gian thì mình hiểu, muốn viết tốt thì đọc nhiều, học thuộc cấu trúc câu, cách người ta diễn đạt. Đúng 1 năm, mình đã chinh phục tiếng Anh đến mức chính bản thân mình cũng ngạc nhiên, vì lần đầu tiên ngồi xem phim Mỹ, không nhìn phụ đề vẫn hiểu. Cuối năm 11, mình đăng ký thi học sinh giỏi môn tiếng Anh và đoạt giải nhì toàn quốc, trong khi các bạn lớp chuyên Anh phần lớn chỉ đậu giải khuyến khích. Mình chưa 1 ngày được học với 2 ông thầy giỏi nhất đang dạy lớp chuyên, tất cả đều do mình tự học. Mấy cô bạn lớp Anh thấy mình vừa học giỏi vừa đẹp trai, cái say mê mình quá, mà mình cũng chảnh chảnh không chịu vì sợ dính vô yêu đương, tốn thời gian cho năm quan trọng cuối cấp, không làm được việc lớn. Để chuyện yêu đương ở ĐH.
Lớp 12 thì mình qua học Văn để mục tiêu là thủ khoa ĐH khối D1 năm đó, và mình cũng kịp đoạt giải nhất văn cấp tỉnh, thi cho vui thôi mà đoạt giải vì không có gì để áp lực cả. Năm đó, mục tiêu thủ khoa ĐH không thành vì bỗng dưng xuất hiện mấy “ngọn núi” 1 tỉnh Tây Bắc xa xôi, họ “giỏi” quá mình giỏi không lại nên chỉ dừng ở tốp 10 người có điểm thi cao nhất toàn quốc”.
Và mình đã thành công, mình MUỐN LÀ ĐƯỢC vì khả năng tập trung và tự học của mình. Khả năng tiếng Anh của mình đã giúp mình tìm được 1 suất học bổng toàn phần ở ĐH nước ngoài, tiếng Anh tốt giúp mình học ngôn ngữ khác nhanh chóng. Và trình độ Toán đã giúp mình rất nhiều trong việc học ở bên này vì mình đang học ĐH về kỹ thuật công nghệ. Còn kỹ năng viết của mình, hiện là mình là 1 trong 7 admin của một fanpage lớn.
Và thời học sinh, ngoài giờ học, mình vận động nhiều, ăn nhiều (dù bạn bè trường chuyên mình phần lớn lười vận động nên bạn nào cũng nhỏ xíu, đeo cặp kính cận nặng trịch) nên mình rất cao to dù cha mẹ mình tầm vóc bình thường. Giờ sống bên Tây, mình bắt tay bạn bè quốc tế không có nhón người lên. Tất cả đều là do mình tự nghĩ ra và tự đầu tư cho bản thân mình lúc bé.
Qua câu chuyện vừa bịa như thật, thật như bịa trên (vài tâm hồn đồng điệu trên mạng hay vài bạn học sinh trường cũ sẽ nhớ mình là ai), hy vọng sẽ phần nào giúp các bạn hiểu rõ bài báo rất hay dưới đây. Đây là 6 đặc điểm vừa là tố chất, vừa là rèn luyện (cho người có ý chí đạt MAX) để có thể làm nên nghiệp lớn. Mọi học sinh phổ thông mà học giỏi hay sinh viên ĐH ở Đức (nước mình đang theo học) đều được nói rõ 6 cái này, bạn nào làm được thì bật lên thành vĩ đại. Dân tộc nào càng nhiều công dân có 6 đặc tính này thì đó là 1 dân tộc lớn.
Các ông chủ lớn cũng biết 6 đặc điểm này mà nhận dạng tinh hoa, tuyển dụng để làm hạt giống lãnh đạo về sau. Cho nên bài này, theo mình nghĩ là các bạn nên lưu lại để dành đọc dần, ngẫm nghĩ tới lui và bắt tay vào hành động để bản thân mình có được 6 tố chất đó.
Nếu bạn thấy ai giỏi mà không có thành tựu gì, thì chắc chắn họ đã thiếu 1 vài đặc tính trong đó. Ai có 6 cái này, đều rực rỡ cả. Họ muốn, là đủ năng lực để làm. Họ muốn, là dám làm. Mà đã làm, thì đầu tư thời gian và kiên trì bất chấp mọi thứ. Mình thấy học giỏi nhất là người tự học.
Hàm số f(có cái mình muốn) = năng lực + dám triển khai + kiên trì làm + sống tử tế.
Admin 7
6 đặc điểm của người làm nên sự nghiệp lớn
Không phân biệt bạn xuất phát từ đâu, những người tạo ra sự giàu có là bậc thầy trong lĩnh vực của họ. Họ tin vào bản thân và sứ mạng của mình. Họ có ý thức chọn lựa cách áp dụng tư duy tăng trưởng và cam kết thực hiện mọi thứ để biến giấc mơ thành hiện thực: Một doanh nhân thành công, một ngôi sao ca nhạc, diễn giả nổi tiếng hay tác giả sách bán chạy…
“Trở nên giàu có không chỉ là vấn đề bạn kiếm được bao nhiều tiên, bạn là con của ai hay bạn làm gì. Đó còn là cách bạn quản lý tài sản của mình”, Noel Whittaker.
Người thành công, giàu có chọn cách tạo ra của cải của họ và cam kết quản lý tiền bạc của họ một cách hiệu quả trong khi người nghèo lại phá hủy tài sản của họ mọi lúc bằng cách lựa chọn sự hài lòng tức thì, chấp nhận sự nghèo khó như số phận và không có kỹ năng quản lý tài sản. Để xác định bản thân thuộc nhóm người có khả năng làm giàu hay mãi chấp nhận phận nghèo, hãy tự trả lời 3 câu hỏi dưới đây:
- Cách bạn lựa chọn trò chơi: trọng tâm là chiến thuật hay thời gian trò chơi?
- Bạn có tư duy tăng trưởng hay cố định?
- Thói quen chi tiêu hàng ngày của bạn đang xây dựng hay phá hủy sự giàu có của bạn?
Dưới đây là những đặc điểm của người có thể làm nên sự nghiệp lớn theo thống kê của các nhà XH học, hãy tự xem xét xem bạn có thuộc nhóm này không:
1. Phấn đấu trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của họ
Giá trị số 1 trong cuộc sống của những người giàu là sự đảm bảo về tài chính. Những có khả năng làm giàu hiểu rằng, nếu họ có thể hi sinh những thú vui, sự hài lòng nhất thời để xây dựng nền tảng tài chính vững chắc thì đến cuối cùng, họ sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, tự do tài chính hơn. Người giàu bắt tiền làm việc cho họ và từ chối sống một cuộc sống bình thường, đơn giản.
2. Tập trung cao độ vào mục tiêu
Người giàu biết chính xác những gì họ muốn và có một kế hoạch cụ thể để đạt được điều đó. Họ đặt toàn bộ niềm tin vào công việc. Họ đặt ra những tiêu chuẩn cao cho bản thân, đồng thời cũng mong đợi mọi người xung quanh tuân thủ tiêu chuẩn đó. Họ sẽ không ngần ngại bộc lộ sự thất vọng hay cảm giác không vừa ý bởi các hành vi không đúng trong cuộc trò chuyện.
3. Quả quyết
Người biết làm giàu là những người rất quả quyết. Họ tự tin vào khả năng và trực giác của bản thân khi đầu tư và gây dựng tài sản. Đó là những kỹ năng được rèn luyện thông qua việc học tập, kết nối và nghiên cứu những người thành công khác.
4. Hành động có chủ đích
Những người thành công luôn hành động có chủ đích và cam kết rõ ràng trong kinh doanh, đầu tư hay ngay cả tại một hội nghị. Họ không chấp nhận các lí do như về sức khỏe, kẹt xe, thiếu thời gian… để biện minh cho các lỗi lầm.
Để thành công, họ luôn hành động gấp 10 lần người khác và không ngại những thách thức. Với tốc độ làm việc đó, họ có thể đạt được kết quả công việc trong 1 ngày cao gấp nhiều lần hầu hết những người khác làm trong thời gian dài.
Như “bà trùm tài chính” Suze Orman từng nói: “Cách bạn lựa chọn để làm với tiền của mình thể hiện con người bạn có sức mạnh hay không”.
5. Chấp nhận mạo hiểm
Những người thành công dám chấp nhận các thử thách mà số đông sợ hãi như vay món tiền lớn để đầu tư, đầu tư vào một thương vụ mạo hiểm hay mua một mảnh đất lớn để phát triển sản phẩm còn chưa tồn tại…
6. Sự hào phóng
Những người giàu hiểu rằng cuộc sống là một con đường 2 chiều, vì thế cho đi và nhận lại rất quan trọng. Thông thường, những người thành công rất hay tham gia các tổ chức từ thiện. Họ không chỉ hào phóng về tiền bạc mà còn sẵn sàng dành thời gian, công sức để hỗ trợ các tổ chức từ thiện.
Hãy quyết định ngay hôm nay xem bạn muốn trở thành người như thế nào, sống ra sao, giấc mơ của bạn là gì? Bạn muốn tác động đến bao nhiêu người? Bạn đã xây dựng một đội ngũ tài năng yêu thích những công việc họ làm bằng cách nào? Điều gì truyền cảm hứng cho bạn mỗi sáng? Bạn muốn sống mỗi ngày như thế nào?
Điểm mấu chốt là bạn phải hành động để thay đổi cuộc sống của mình và quyết tâm trở thành một “chiến binh”, gây dựng sử đảm bảo tài chính cho mình bằng cách xác định được mục tiêu dài hạn, lập kế hoạch và có chiến lược dài hạn cho một cuộc sống táo bạo.
Theo Doanh nhân Sài gòn