Giáo pháp Phật Pháp rộng lớn uyên tâm, tùy duyên tùy theo căn cơ mỗi người mà tiếp thụ, tìm hiểu, tu học được ít nhiều. Cho nên, việc bao quát toàn bộ Giáo pháp Phật Pháp là điều không hề đơn giản. Chỉ có thể dần dần tìm hiểu và trải nghiệm theo căn cơ, nhân duyên của mỗi người mà thôi.
Đặc Tính Của Chánh Pháp
Người nào đem tâm tranh cãi, đem tâm lý luận, đem tâm suy luận mà đến với đạo Phật, người ấy không bao giờ gặp được đạo Phật. Bởi vì tất cả những gì Đức Phật nói ra, đã trình bày cho mọi người, đó là những gì Ngài đã thực nghiệm, đã chứng ngộ. Bởi vậy, bất cứ ai chỉ tìm hiểu đạo Phật, mà không thực hành pháp của Phật, người ấy sẽ không bao giờ hiểu được đạo Phật là gì.
Chánh pháp do Đức Phật giảng dạy có những đặc tính như sau:
Hiện kiến
Pháp do Đức Phật thuyết giảng, pháp ấy có thể thực hành và có thể chứng nghiệm ngay trong giây phút hiện tại. Chẳng hạn, sau khi quán chiếu, Đức Phật đã thấy rõ pháp Mười hai duyên khởi theo lưu chuyển là thấy ngay gốc rễ của sinh tử. Và Ngài quán chiếu pháp Mười hai duyên khởi theo hoàn diệt là thấy rõ ngay sự có mặt của giải thoát và giác ngộ.
Lại nữa, trong khi quán chiếu pháp Mười hai duyên khởi theo lưu chuyển, thì trong đó Ngài đã thấy rõ ngay Khổ đế và Tập đế. Và trong khi quán chiếu pháp Mười hai duyên khởi theo hoàn diệt thì ngay ở giây phút ấy, Ngài thấy rõ Diệt đế và Đạo đế. Do tu tập và thấy rõ pháp một cách thường xuyên như vậy, nên thực hành pháp của Phật, hành giả có thể chứng nghiệm đời sống giải thoát và an lạc trong từng giây phút của sự sống, nghĩa là có chứng ngộ và sự giải thoát ngay trong cuộc sống này.
Vô nhiệt
Pháp của Phật có hiệu năng làm tươi mát tâm hồn của những ai thực hành nó. Vì pháp ấy đối trị phiền não, mà phiền não là trạng thái làm cho thân tâm nóng bức, khó chịu và khổ đau. Một khi thân đã có những cảm giác khó chịu, thì nó sẽ tác động lên tâm và ngược lại tâm có những cảm giác khó chịu thì nó cũng tác động lên thân, cả thân lẫn tâm đều phát sinh ra những cảm giác khó chịu, và bệnh hoạn cũng có thể phát sinh ra từ những sự bực bội này.
Do đó, một hành giả thực hành pháp của Phật là để trừ bỏ bệnh hoạn của thân và tâm. Lại nữa, bệnh của thân phát sinh là do bốn đại chủng sinh hoạt mâu thuẫn nhau, tạo nên những cảm giác nóng lạnh bất thường, tạo nên những chuyển động của các cơ năng không đều đặn và từ đó chúng có thể phát sinh vô số bệnh lý. Nhưng tất cả những bệnh lý ấy đều bị tác động và ảnh hưởng bởi một tâm hồn bệnh hoạn như lo âu, sợ hãi, khiếp đảm, sầu muộn, sân hận, bất mãn, tham ái, ngu tối mà ra.
Bởi vậy, muốn loại trừ tất cả những bệnh hoạn của thân và tâm, thì hành giả phải thực hành pháp của Phật. Vì chính pháp của Phật là pháp đối trị bệnh hoạn của thân và tâm. Một khi thân và tâm của bất cứ ai không còn bệnh hoạn, thì người ấy có hạnh phúc, có an lạc, người ấy có đời sống của Niết-bàn ngay đây và bây giờ.
Thật vậy, con người chỉ có hạnh phúc và an lạc khi nào con người thật sự có được một thân tâm không tật bệnh, không phiền não. Nhưng, muốn có được một thân tâm như vậy, thì con người cần phải thực hành pháp của Phật. Vì pháp ấy có hiệu năng làm lắng đọng và tiêu tan tất cả những sự sầu muộn, lo âu, sợ hãi, bất mãn, tham ái, sân hận và u tối của tâm hồn.
Tóm lại, pháp của Phật có tính chất làm tiêu tan tất cả những bệnh hoạn, phiền não và đem lại sự tươi mát, an lạc cho những ai thực hành nó.
Ứng thời
Pháp do Đức Phật thuyết giảng, pháp ấy không bị hạn chế bởi không gian và thời gian. Bởi do sự không bị hạn chế này, nên pháp của Phật thích ứng với tất cả mọi không gian và thời gian. Chẳng hạn, trong quá khứ các pháp do duyên mà khởi, trong hiện tại các pháp do duyên mà khởi và trong vị lai các pháp cũng do duyên mà khởi. Vậy, pháp Duyên khởi là pháp do Đức Phật đã giảng dạy, pháp ấy luôn luôn có mặt và thích hợp trong mọi thời gian của thế gian này.
Pháp Duyên khởi do Đức Phật đã giảng dạy, không những ở nơi này các pháp cần có duyên mới sinh khởi, mà ở nơi kia, các pháp cũng cần phải có duyên mới sinh khởi. Vậy, pháp Duyên khởi là pháp Đức Phật đã giảng dạy, pháp ấy luôn luôn có mặt và thích ứng với mọi không gian của thế gian này.
Lại nữa, mọi chúng sanh sinh ra trong quá khứ đều bị những hình thái khổ đau như khổ khổ, hoại khổ, hành khổ, như sanh, già, bệnh, chết, cầu mong mà không được là khổ đau phát sinh… Những chúng sanh sinh ra trong hiện tại, hay trong vị lai cũng như bất cứ ở đâu trong cõi đời này cũng đều bị chi phối như vậy cả.
Do đó, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào trên thế gian này, Đức Phật đều nêu rõ Khổ đế. Và Khổ đế là một sự thật hiển nhiên của các chúng sanh ở thế gian này.
Lại nữa, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào trong thế gian này, sau khi Đức Phật đã nêu rõ ra Khổ đế, Ngài lại tiếp tục chỉ rõ những nguyên nhân phát sinh khổ đau, đó là Tập đế.
Như vậy, Đức Phật nói về Khổ đế và Tập đế là nói về nhân duyên, nhân quả làm sinh khởi sự khổ đau của thế gian. Bởi pháp mà Đức Phật đã nêu rõ như vậy, pháp ấy không bị hạn chế bởi bất cứ thời gian nào và không gian nào của thế gian này vậy.
Lại nữa, sau khi Đức Phật đã nêu rõ những nhân duyên, nhân quả tạo nên sự khổ đau của thế gian, Ngài lại tiếp tục nêu rõ nhân duyên, nhân quả xuất thế gian, đó là Diệt đế và Đạo đế. Diệt đế là kết quả tất yếu do sự tu tập Đạo đế mà thành tựu. Khổ đế và Tập đế đã được Đức Phật thuyết giảng, nhằm nêu rõ lý do mà thế gian bị trói buộc trong sự khổ đau. Đạo đế và Diệt đế được Đức Phật thuyết giảng nhằm nêu rõ con đường và hướng dẫn cách thoát ly sự khổ đau cho chúng sanh để đến nơi hạnh phúc an lạc. Bởi, pháp mà Đức Phật đã chỉ rõ con đường thoát ly sự khổ đau như vậy, pháp ấy không bị giới hạn bởi bất cứ thời gian và không gian nào.
Vì sao như vậy? Vì trong quá khứ, tất cả chúng sanh đã bị khổ đau và tất cả đều có khát vọng giải thoát. Trong hiện tại, tất cả chúng sanh đang bị khổ đau và tất cả đều đang có khát vọng giải thoát. Trong vị lai, tất cả chúng sanh sẽ bị khổ đau và tất cả đều sẽ có khát vọng giải thoát. Và không những chúng sanh ở nơi đây mà bất cứ ở đâu trên thế gian này cũng đều như vậy cả. Do tất cả chúng sanh hiện hành trong không gian và thời gian trên thế gian này đều bị khổ đau và đều có khát vọng giải thoát khổ đau, nên pháp của Phật nói ra, pháp ấy có tính thích hợp với mọi không gian và mọi thời đại của tất cả chúng sanh vậy. Do pháp của Phật có tính như vậy, nên gọi là ứng thời.
Dẫn đạo
Pháp do Đức Phật thuyết giảng, pháp ấy có tính cách hướng đạo, dẫn đạo, đưa đường, cụ thể và thực tiễn không mơ hồ.
Thật vậy, trước khi Đức Phật sắp nhập Niết-bàn, có những đệ tử lậu hoặc chưa hết, liền thương tiếc khóc lóc, nhưng Ngài đã bình thản dạy bảo rằng: “Các con hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Như Lai chỉ là người dẫn đường”. Như Lai tự khẳng định sự hiện hữu của Ngài là người dẫn đường cho chúng sanh về nơi giác ngộ, và giáo pháp Ngài dạy hẳn nhiên cũng phải mang đầy những tính chất như vậy. Nghĩa là giáo pháp của Phật do Ngài chứng nghiệm mà nói ra, pháp ấy có tính dẫn đạo, có tính khơi mở, chỉ bày, thực dụng để giác ngộ và hội nhập.
Bởi vậy, trong kinh Đức Phật đã dặn đi, dặn lại nhiều lần với các đệ tử của Ngài rằng: “Các con hãy nương tựa pháp, hãy lấy pháp làm bậc Đạo sư của chính mình”.
Như vậy, trong lời dạy của Đức Phật, chúng ta thấy rằng, pháp với Ngài là một, pháp hiện hữu là Ngài hiện hữu, và Ngài hiện hữu là pháp hiện hữu. Nên, Ngài hiện hữu như một bậc Đạo sư, thì pháp của Ngài hiện hữu cũng hàm ngụ những tính chất ấy.
Vậy, pháp của Phật hiện hữu là để hướng dẫn cho những ai muốn đi đến đời sống giải thoát và giác ngộ; muốn đi đến cuộc sống có trí tuệ và tình thương.
Nói gọn lại, pháp của Phật có tính chất hướng dẫn thực nghiệm, để đi đến đời sống an lạc, giải thoát cho đời này và đời sau, cho bất cứ ai muốn thực hành nó.
Cận quán
Pháp do Đức Phật thuyết giảng, pháp ấy không phải để tranh cãi, không phải để lý luận, không phải để suy luận. Vì trong kinh Thánh Cầu (Trung Bộ I), Đức Phật dạy: “Pháp do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ có Người trí mới thấu hiểu…”.
Như vậy, người nào đem tâm tranh cãi, đem tâm lý luận, đem tâm suy luận mà đến với đạo Phật, người ấy không bao giờ gặp được đạo Phật. Bởi vì tất cả những gì Đức Phật nói ra, đã trình bày cho mọi người, đó là những gì Ngài đã thực nghiệm, đã chứng ngộ. Bởi vậy, bất cứ ai chỉ tìm hiểu đạo Phật, mà không thực hành pháp của Phật, người ấy sẽ không bao giờ hiểu được đạo Phật là gì.
Trong kinh Trung Bộ, Đức Phật đã dạy: “Pháp của Ta giảng dạy là để thực hành, chứ không phải để nói”. Vậy, những ai đến với đạo Phật là để thực hành pháp của Phật, chứ không phải đến với đạo Phật để mà nói về đạo Phật. Nếu một người chuyên nói về đạo Phật, mà không thực hành đạo Phật, người ấy có thể là con vẹt, là cuốn băng, là tủ đựng sách… người ấy hiển nhiên không phải là nguồn sinh lực của đạo Phật, nên sự an lạc, giải thoát và giác ngộ không bao giờ có mặt nơi họ và người ấy vẫn bị triền miên với những khổ đau mà thôi.
Do đó, pháp của Phật có tính cách cận quán, nghĩa là pháp ấy có tính thực hành, chiêm nghiệm và để an trú vào đời sống giải thoát.
Trí giả nội chứng
Như trong kinh Thánh Cầu, Đức Phật nói: “Pháp do Ngài chứng đạt, pháp ấy chỉ có kẻ trí mới thấu hiểu”. Thật vậy, kẻ ngu si thì tham ái dục, tham danh lợi, chấp ngã sâu nặng, khó mà nhận thức rõ được chân lý, và rất khó mà từ bỏ được tính chấp thủ của họ.
Bởi vậy, trên thực tế, kẻ có trí tuệ thì hết tâm thương yêu và xây dựng cuộc đời, thường đem lại hạnh phúc an ổn cho đời. Trái lại, kẻ ngu si thường đem tâm nhiễu hại cuộc đời, họ không những đem lại sự đau khổ và bất an cho chính họ, mà còn đem lại sự đau khổ và bất an cho kẻ khác.
Lại nữa, người có trí tuệ thì luôn luôn khai mở để cho mọi người thấy rõ chân lý. Trái lại, kẻ ngu si thì thường làm cho chân lý khuất lấp và hay phỉ báng những điều hay lẽ phải.
Do đó, đối với giáo pháp cao thượng, kẻ ngu si không dễ gì tiếp cận, huống nữa là thực hành để có được sự nội chứng. Trái lại, người có trí tuệ thì đối với pháp của Phật, họ sẽ tiếp cận một cách dễ dàng, khi nghe Đức Phật nêu rõ chân lý một cách minh thị. Họ không còn nghi ngờ gì nữa, khi nghe Đức Phật dạy rằng: Đây là Khổ, đây là Tập, đây là Diệt, đây là Đạo. Hoặc nói rằng, khát ái, vô minh, chấp thủ năm uẩn là tự ngã… đó là những tác nhân, tác duyên của mọi sự khổ đau.
Và họ cũng không nghi ngờ gì nữa, khi nghe Đức Phật dạy rằng, các pháp do duyên sinh thì không có tự tính, chúng sinh động, vô thường và không thực hữu. Chúng chỉ tồn tại trong sự tác động qua lại hỗ tương, và chúng hiện hữu trong vòng nhân duyên, nhân quả vô tận. Và họ không còn nghi ngờ gì nữa về pháp Bát chánh đạo, là con đường dẫn đến hạnh phúc, an lạc Niết-bàn.
Bởi, đời sống của trí tuệ là như vậy, nên pháp của Phật đã được người trí tiếp cận và thực hành bằng đời sống nội quán của chính họ.
Pháp hay Dharma còn có nghĩa là trí tuệ, nên người nào chứng nghiệm được pháp, người ấy được mệnh danh là có trí tuệ.
Bởi vậy, Đức Phật là người đầu tiên trong cõi đời này chứng ngộ được pháp, nên Ngài được mệnh danh là Bậc Trí Tuệ ở trong đời. Và người đầu tiên dẫn dắt mọi người đi trên con đường trí tuệ. Bởi pháp của Phật có tính chất như vậy, nên pháp ấy được chứng ngộ bởi người trí. Và người được gọi là có trí tuệ, khi nào kẻ ấy chứng ngộ được pháp.
Pháp của Phật do có những tính chất đã được đề cập ở trên, nên bất cứ ai thực hành nó, đều có thể phát sinh đời sống trí tuệ và có sự giải thoát ngay trong cuộc đời này.
Thích Thái Hòa
Năm đặc tính của giáo pháp
Giáo pháp của Đức Phật có năm đặc tính quan trọng mà qua đó chúng ta có thể phân biệt với các giáo lý khác của ngoại đạo hoặc do người đời sau soạn thuật ra.
1. Đến để mà thấy
Đến với giáo pháp của Đức Phật để thấy chân lý cùng những giá trị an lạc, hạnh phúc cho mình và người trong hiện tại và tương lai. Đến với giáo pháp của Đức Phật không phải chỉ để tin, nhất là tin những điều chưa thấy biết. Đức Phật dạy chúng ta không nên tin bất cứ điều gì, chỉ vì điều đó do một vị đạo sư nói hay do kinh điển truyền tụng. Chúng ta chỉ tin khi đã dùng lý trí suy xét, đã thấy những điều đó phù hợp với chân lý, những điều đó được người trí khen ngợi và khi tự thân áp dụng thực hành, chúng ta có được an lạc hạnh phúc trong hiện tại và tương lai. Bởi vì niềm tin mù quáng, niềm tin thiếu lý trí, niềm tin không có cơ sở hiểu biết sẽ dẫn chúng ta đi vào chỗ lầm đường lạc lối, chẳng những không đi đến an lạc, giải thoát mà còn gây nguy hại cho bản thân mình. Nếu truyền niềm tin ấy cho người khác sẽ làm hại người khác. Cũng như một người mù dẫn đường cho một đoàn người mù thì kết quả chẳng đi đến đâu hoặc bị sa hầm sụp hố.
2. Thiết thực hiện tại
Đặc tính thứ hai của giáo pháp Đức Phật là thiết thực hiện tại, có nghĩa là mang lại an lạc hạnh phúc ngay trong hiện tại, ngay trên cõi đời này chứ không phải chờ đến kiếp sau, sau khi chết, không phải chờ sinh về một thế giới khác.
Giáo pháp của Đức Phật có nền tảng chân lý, có phương pháp thực tiễn có giá trị, lợi ích thiết thực trong hiện tại. Giáo pháp Đức Phật không hứa hẹn viển vông, mơ hồ, không hướng niềm tin người khác đến những điều hoang đường, không tưởng.
3. Siêu việt thời gian
Giáo pháp của Đức Phật không bị giới hạn bởi thời gian. Trong bất kỳ thời đại nào, giáo pháp của Đức Phật cũng khả dụng, cũng mang lại những giá trị thiết thực cho con người, đó là an lạc hạnh phúc, giải thoát khỏi các phiền não khổ đau. Không có chuyện giáo pháp đó chỉ có giá trị trong thời đại này mà không có giá trị trong thời đại khác.
Như có quan điểm cho rằng giáo lý nguyên thủy của Đức Phật không phù hợp với thời mạt pháp. Đây là một quan điểm vô căn cứ, là quan điểm sai lầm bởi chính Đức Phật đã khẳng định giáo pháp của Ngài có đặc tính siêu việt thời gian (kinh Ba-lê [Pàtika], Trường bộ kinh, số 24).
4. Chỉ người trí mới thâm hiểu
Giáo pháp của Đức Phật dành cho mọi người, mọi thành phần xã hội, không phân biệt người trí kẻ ngu. Tâm đại bi của Đức Phật trải rộng đến tất cả mọi người, mọi loài. Tuy nhiên khi nói chỉ người trí mới có khả năng lãnh hội, chỉ người trí mới thâm hiểu và thực hành được, bởi vì giáo pháp đó là chân lý cao siêu vi diệu trái ngược với nhận thức thông thường (đầy vô minh và tham ái) của phàm phu, và là con đường tu tập chuyển hóa đi ngược lại dòng thế tục.
Ví dụ tham dục, khát ái là nguồn gốc của sinh tử luân hồi, khổ đau, là nền tảng mà thế gian sinh khởi, hiện hữu nhưng giáo pháp của Đức Phật là đoạn tận tham dục, khát ái nên khó thâm hiểu và lãnh hội.
Hoặc quan niệm và nhận thức của thế gian là hữu ngã (có ngã tính, có tự thể, có chủ tể), nhưng giáo pháp của Đức Phật cho biết các pháp hay mọi sự vật hiện tượng đều vô ngã (không tự tính, tự thể, không chủ tể). Chúng sinh thấy thế gian là hữu ngã, là thường, nhưng giáo pháp Đức Phật khẳng định thế gian là vô ngã, vô thường (không thường hằng, bất biến, luôn trong tình trạng thay đổi). Tâm chúng sinh vốn chấp thủ và tham ái cho nên không muốn chấp nhận sự thật vô ngã, vô thường của vạn sự vạn vật. Chỉ người trí mới có thể tiếp nhận, lãnh hội được sự thật (chân lý) của thế gian và con đường tu tập chuyển hóa để siêu phàm nhập Thánh.
Người trí ở đây không phải là người học rộng biết nhiều, có trình độ học vấn cao mà là người có căn cơ trình độ tu tập, có khả năng lãnh hội Phật pháp, có tâm trí nhạy bén, có nhân duyên với Chánh pháp. Nhân duyên của người trí với Chánh pháp là do nhiều đời nhiều kiếp đã tu học, đã gần gũi các bậc đạo sư và các bậc thiện hữu tri thức, đã từng nghiên cứu kinh điển, giáo lý nên hiện đời có thể lãnh hội được ý nghĩa thậm thâm của giáo pháp.
5. Có khả năng hướng thượng, đạt mục đích Thánh
Đây là đặc tính quan trọng nhất của giáo pháp Đức Phật. Giáo pháp Đức Phật có năng lực giúp người tu chuyển hóa thân tâm từ chúng sinh phàm phu trở thành bậc Thánh. Người đệ tử Phật thực hành giáo pháp từng bước trau dồi giới-định-tuệ để thành tựu giác ngộ, giải thoát phiền não khổ đau, chấm dứt sinh tử luân hồi.
Năm đặc tính của giáo pháp Đức Phật có thể xem là tiêu chuẩn, thước đo dùng để thẩm định Chánh pháp. Đồng thời, năm đặc tính này cũng là những tiêu điểm quan trọng để người tu tự xác chứng việc tu tập của mình trong quá trình quy y Pháp, thực hành Pháp.
Phan Minh Đức
Hai đặc tính của Giáo Pháp – CsNH
Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về hai đặc tính quan trọng của giáo pháp.
Nắm rõ hai đặc tính này, Quí Vị sẽ thấy được giáo pháp của Phật quả thật là một kho tàng hết sức quý giá, phải nói là quý giá bậc nhất trên thế gian và xuất thế gian.
Đặc tính thứ nhất của giáo pháp, đó là :
Tính thực tế
Tính thực thế của giáo pháp này ta cũng rất hay nghe trên các phương tiện truyền thông như báo đài, ti vi nói đến như :
Theo đạo, tu đạo là để sống hòa hợp, sống hòa bình, sống tốt đời đẹp đạo, sống đoàn kết, sống lợi ích cho tha nhân,..v…v….
Đây là những đặc tính chúng ta rất dễ nhận ra, rất dễ nhận thấy.
Nhưng một đặc tính tiếp theo của giáo pháp lại ít được nhiều người biết đến. Vì ít được biết đến nên nhiều người đã dễ dàng hay vô tình đánh đồng đạo Phật cũng giống như các tôn giáo khác.
Đây là một quan điểm, một cái nhìn mà tôi cho là sai lầm và chưa đúng lắm.
Vậy phần tiếp theo này chúng ta cùng tìm hiểu về Đặc tính thứ hai của giáo pháp, đó là :
Tính siêu nhiên
Tính siêu nhiên, hay siêu năng lực, siêu nhân là một tính chất có thật trong giáo pháp.
Nó là kết quả đạt được cuối cùng, nó là trái ngon, là quả ngọt, là phần thưởng, là kho báu quý giá được ban tặng cho người tu đạo.
Như một sự đáp lại vì bao nỗ lực, những vất vả khó khăn của người tu đạo đã bỏ ra, đã nhiều năm tháng, nhiều kiếp sống tìm kiếm, tích lũy và tu hành.
Năng lực thứ nhất : Năng lực của thiên nhãn
Với năng lực thiên nhãn này, người tu đạo có thể nhìn thấy được tất cả tam thiên, đại thiên thế giới và các chúng sinh đang sống trong đó giống như là đang nhìn một quả cam trong lòng bàn tay và các hạt của nó. Nhìn thấy rất rõ, cụ thể và chi tiết.
Năng lực thứ hai : Thiên nhĩ thông
Với năng lực thiên nhĩ, người tu đạo có thể nghe được mọi âm thanh của các chúng sinh phát ra trong pháp giới vũ trụ một cách rõ ràng, cụ thể, mà không chút ngăn ngại.
Từ các âm thanh của các loài bé nhỏ như ếch nhái, muỗi mòng, chuột, dế,….
Đến âm thanh của con người trong các cõi, rồi âm thanh của các Chư Thiên sống trong các cõi trời,…v…v…
Tất cả đều được nghe thấy, mà không hề bị ngăn ngại hay gián đoạn.
Năng lực thứ ba : Năng lực như ý thông
Người tu đạt được năng lực này thì có thể phi hành tự tại.
Có thể biến mất ở nơi này mà xuất hiện ở nơi khác.
Ví dụ như người tu ấy đang sống ở Việt Nam, nếu muốn sang Mỹ. Thì Vị ấy sẽ biến mất ở Việt Nam và xuất hiện bên Mỹ, trong một khoảng khắc là một phần triệu giây.
Người này không những đi được trong trái đất mà có thể ra khỏi trái đất, có thể xuất hiện ở bất kì hành tinh nào mà mình muốn đến.
Ngoài ra người này cũng có thể đi xuyên tường, xuyên núi, xuyên vách, xuyên lửa, xuyên nước, bay trên hư không, đi trên nước, biến hóa ra các thân tướng khác nhau, biến ra nhiều vật dụng như ý muốn.
Ví dụ như muốn có quả cam, thì tích tắc trong tay có quả cam, muốn có quyển kinh thì tích tắc trong tay có quyển kinh.
Nói chung là muốn cái gì là có cái đó.
Năng lực thứ tư là : Tha tâm thông
Người tu này có thể biết được tâm người khác một cách rõ ràng như biết được tâm của chính mình.
Năng lực này chúng ta sẽ thấy phổ biến hơn, được các Thầy hay dùng và chúng ta dễ biết (hơn là các năng lực bên trên, thường được các Ngài giấu).
Quí Vị thử hình dung, nếu người đối diện mình mà mình nghĩ gì họ biết hết thì quả thật là ta sẽ vô cùng rụt rè, sợ hãi, bao nhiêu tâm xấu, tâm kín đáo của ta bị bại lộ hết.
Năng lực thứ năm là : Túc mạng thông
Người tu này có khả năng biết được vô lượng các kiếp sống của chính họ và các chúng sinh từ vô lượng kiếp cho đến nay, từ những nét đại cương tổng quát đến những nét chi tiết cụ thể.
Như vào kiếp đó ta sống ở nước nào, là con ai cháu ai, làm nghề gì, cưới vợ ra sao, sống được mấy mươi tuổi rồi chết,….v….v….
Vị ấy sẽ biết rất rõ như thế.
Rồi Vị ấy còn thấy luôn cái kiếp đầu tiên của chúng sinh là thế nào, chúng sinh từ đâu mà xuất hiện, từ đâu mà có mặt.
Năng lực cuối cùng, thứ sáu là : Lậu tận thông
Người tu đạt được năng lực này thì có thể biết được nguồn gốc, nguyên nhân do đâu mà con người và các chúng sinh phải trôi lăn trong luân hồi sinh tử.
Vị ấy thấy rõ sự vận hành của nhân quả, nghiệp báo, thấy rõ từng chúng sinh này gieo nhân này sẽ bị chiêu cảm quả báo này, hay đọa lạc tái sinh về nơi kia.
Thấy rõ, cụ thể giống như một người đang đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã ba đường, và thấy từng chiếc xe đang lưu chuyển và rẽ hướng.
Vị ấy thấy rõ tiến trình vận hành của mười hai nhân duyên (Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc …..v….v….), cả từ chiều thuận và lẫn chiều nghịch.
Năm năng lực đầu thì những người tu luyện ngoài đạo Phật, như các ẩn sĩ vô danh cũng có thể đạt được, nếu họ tu luyện tinh cần tinh tấn.
Tuy nhiên ở năng lực thứ sáu, năng lực lậu tận thông. Thì chỉ có một Bậc A La Hán chánh đẳng chánh giác trong đạo Phật mới có thể đạt được.
Vì khi chứng được cảnh giới này thì Vị ấy đã chứng được Vô Ngã. Lúc đó Vị ấy có thể nhập định mất bản ngã vào sâu trong niết bàn, hoặc nếu bỏ thân lúc đó thì sẽ an trú vào cõi niết bàn, vắng lặng, tịch tịnh, cực lạc.
Do vậy, phải nói gặp được Phật Pháp và tu hành là rất khó và quí hiếm.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày –