Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
1- Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là gì ?
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (chữ Hán: 大 道 三 期 普 度) tức là Phổ Độ nền Đại Đạo lần thứ ba, dùng để chỉ quan điểm dung hợp các tôn giáo trong tôn giáo Cao Đài. Theo đó, sự hình thành các tôn giáo trên thế giới ở 2 thời kỳ theo trình tự thời gian cuối cùng cũng sẽ hợp nhất ở thời kỳ thứ 3 với một tôn giáo duy nhất là đạo Cao Đài dưới quyền truyền đạo trực tiếp của Thượng đế.
Chính vì vậy, các tín đồ Cao Đài còn gọi tôn giáo của mình là Đại đạo Tam kỳ Phổ độ, là một nền Đạo lớn mở ra vào Thời Kỳ Thứ Ba để cứu giúp (phổ độ) toàn cả chúng sanh nơi cõi trần thoát khỏi khổ cảnh luân hồi mà trở về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.
Nói đến Phổ Độ lần thứ ba tức là đã có Phổ Độ lần thứ nhất và lần thứ hai.
Nhất Kỳ Phổ Độ
Là thời kỳ hình thành nên các tôn giáo trên thế giới. Các tín đồ Cao Đài tin rằng Thượng đế là Đấng sáng lập ra vũ trụ và hình thành nên các tôn giáo để phổ độ chúng sanh. Tùy theo đặc điểm địa phương, Thượng đế đã hình thành các tôn giáo khác nhau để phù hợp với đặc điểm đó và đã mặc khải cho các đệ tử đầu tiên thay mặt Thượng đế để truyền đạo:
Vào thời kỳ đầu này có các vị Thánh Nhân sau đây giáng phàm cứu thế:
- – Nhân đạo và Thần Đạo: Đức Phục Hy bên Trung Hoa
- – Thánh Đạo: Moses ở Âu Châu,
- – Tiên Đạo: Đức Thái Thượng Đạo Quân.
- – Phật Đạo: Đức Nhiên Đăng Cổ Phật.
(Nguồn khác:
- Cổ Phật Nhiên Đăng, Phật Ca Diếp, Phật Câu Na Hàm, Phật Câu Lưu Tôn mở Phật giáo ở Ấn Độ.
- Trấn Vũ, Đế Thích mở Tiên giáo ở Trung Hoa.
- Ngũ Long, Hữu Sào, Toại Nhân, Phục Hy, Thần Nông mở Nho giáo ở Trung Hoa.
- Brahma, Vishnu, Shiva mở Ấn Độ giáo ở Ấn Độ.
- Moses, Abraham mở Do Thái giáo ở nước Do Thái.)
Nhị Kỳ Phổ Độ
Là thời kỳ chấn hưng các nền tôn giáo trên thế giới. Các tín đồ Cao Đài cho rằng sau một thời gian phổ độ, các giáo lý được Thượng đế truyền dạy theo thời gian đã bị các tín đồ diễn giải sai lạc, không còn mang đúng giáo lý nguyên thủy của Ngài. Vì vậy, Thượng đế một lần nữa đã truyền dạy cho các đệ tử của mình ở các nơi trên thế giới, thực hiện hiện nhiệm vụ chấn hưng nền Đạo.
Trong thời kỳ này các vị Thánh Nhân sau đây giáng phàm:
- – Nhân Đạo: Đức Khổng Tử ở Trung Hoa,
- – Thần Đạo: Đức Khương Thái Công ở Trung Hoa.
- – Thánh Đạo: Jesus Christ và Mohammed ở Âu Châu,
- – Tiên Đạo: Đức Lão Tử ở Trung Hoa.
- – Phật Đạo: Đức Thích Ca Mâu Ni hay là Sakya Muni ở Ấn Độ.)
(Nguồn khác:
- Phật Thích Ca giáng sinh ở Ấn Độ, mở ra Phật giáo để chấn hưng phật giáo.
- Đại Anh Hùng giáng sinh ở Ấn Độ, mở ra Kỳ Na giáo để chấn hưng Ấn Độ giáo.
- Lão Tử giáng sinh ở Trung Hoa, mở ra Lão giáo để chấn hưng Tiên giáo.
- Khổng Tử giáng sinh ở Trung Hoa, mở ra Khổng giáo để chấn hưng Nho giáo.
- Jesus giáng sinh ở Do Thái, mở ra Cơ Đốc giáo để chấn hưng Do Thái Giáo.
- Muhamad giáng sinh ở Ả Rập, mở ra Hồi giáo để chấn hưng Do Thái giáo.)
Tam Kỳ Phổ Độ
Với sự phát triển, xu hướng tất cả các tôn giáo đều hợp thành một tôn giáo duy nhất dưới quyền cai quản Thượng đế, được Thượng đế điều hành, truyền giảng trực tiếp cho các tín đồ thông qua hình thức cơ bút. Đó chính là đạo Cao Đài.
Theo quan niệm của các tín đồ Cao Đài, tôn giáo của họ là sự chân truyền duy nhất vì được nhận sự truyền dạy trực tiếp từ Thượng đế chứ không qua trung gian như các tôn giáo khác. Chính vì điều này, nhiều tín đồ để tỏ lòng tôn kính, thường gọi tôn giáo mình là đạo Thầy, hàm ý nền đạo của mình được người Thầy duy nhất là Thượng đế trực tiếp truyền dạy. Thời kỳ ngũ chi hợp nhất tam giáo quy nguyên tức là hợp nhất với thượng đế nhận sự che chở và bảo vệ của ngài. Thời kỳ này ngoài Cao Đài thì còn có Bửu Sơn Kỳ Hương, Đạo Dừa, Đạo Nhỏ, Phật Giáo Hòa Hảo,….
Các vị sáng lập những tôn giáo đó là:
- Phật thầy Tây An giáng sinh mở ra Bửu sơn Kỳ Hương.
- Huỳnh Phú Sổ giáng sinh mở ra Phật giáo Hòa Hảo.
- Phạm Công Tắc giáng sinh mở ra Cao Đài giáo.
Giải thích sự ra đời của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
Nay là đến thời Tam Kỳ Phổ Độ ứng với vận hội cuối Hạ ngươn Tam Chuyển bước qua Thượng ngươn Tứ Chuyển, Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế không mở ra nhiều Đạo như hai thời kỳ phổ độ trước nữa; vì ngày nay Càn Khôn dĩ tận thức, Năm châu chung chợ, Bốn biển chung nhà, nên Đức Chí Tôn chỉ mở ra một nền Đại Đạo tại nước Việt Nam bao gồm hết thảy Tam giáo và Ngũ chi, thống nhứt thành một mối, để nhơn loại không còn bị chia rẽ nhau vì khác Tôn giáo, hầu tiến đến một xã hội Đại Đồng.
Kỳ nầy Đức Thượng Đế dùng cơ bút lập đạo gom Ngũ Chi Đại Đạo làm một và không giao quyền giáo chủ cho người phàm nữa. Tại sao? Vì trước kia, năm châu bốn biển thiếu phương tiện giao thông, nhân loại sống lẻ loi, riêng biệt, Đức Thượng Đế phái những vị giáo chủ giáng phàm tại mỗi nơi khác nhau, tùy theo phong tục mở đạo độ đời.
Ngày nay, thế giới đại đồng, trình độ văn minh của loài người đã đến chỗ siêu việt, và loài người lại sanh nghịch lẫn nhau vì nhiều mối đạo khác nhau. Vì vậy, chúng sanh cần phải có một tôn giáo duy nhất để thích hợp với hoàn cảnh hiện tại và để cho chúng sanh thấy rằng Mọi tôn giáo đều có cùng một nguyên lý và không còn kỳ thị lẫn nhau, mà phải thương yêu nhau chư anh em cùng một cha.
“Trước, Thầy lại giao Chánh giáo cho tay phàm, càng ngày lại càng xa Thánh giáo mà làm ra Phàm giáo.
Thầy lấy làm đau đớn hằng thấy gần trót mười ngàn năm, nhơn loại phải sa vào nơi tội lỗi, mạt kiếp chốn A Tỳ.
Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh giáo cho tay phàm nữa. Nhưng mà buộc phải lập Chánh thể, có lớn nhỏ đặng dễ thế cho các con dìu dắt lẫn nhau, anh trước em sau mà đến nơi Bồng đảo.”
(Đức Thượng Đế giáng cơ ngày 13-3-Bính Dần – Dl: 24-4-1926)
Đức Chí Tôn cho biết đây là kỳ Phổ Độ chót, trước khi có Đại Hội Long Hoa là có cuộc Phán Xét Cuối Cùng, để tận độ toàn cả chúng sanh, cứu giúp không để sót một ai.
Đức Chí Tôn khẳng định:
“Gặp Tam Kỳ Phổ Độ nầy mà không TU thì không còn trông mong siêu rỗi.”
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chánh thức mở ra vào ngày Rằm Hạ ngươn năm Bính Dần (DL 19-11-1926) và Đức Chí Tôn chọn dân tộc Việt-Nam, đất nước Việt-Nam để Khai Đạo, dùng Tây-Ninh làm Thánh Địa xây dựng các cơ quan trung ương để từ nơi đây truyền bá khắp hoàn cầu.
2- Tại sao có Tam giáo rồi mà Đức Chí Tôn còn mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ?
Đức Hộ Pháp thuyết Đạo tại Đền Thánh đêm 22-6-Mậu Dần (1938) như sau:
“Do Tam giáo thất chơn truyền: Nho-Thích-Đạo hiện nay đã trở nên phàm giáo. Chư Đệ tử trong ba nhà Đạo không giữ y luật pháp qui điều, lại canh cải chơn truyền, bày ra các điều giả cuộc làm cho Tam Giáo biến thành dị đoan.
- – Đệ tử nhà Đạo chẳng tùng giáo pháp của Đức Thái Thượng Lão Quân, tuy ở trong nhà Đạo mà dị đoan mê tín.
- – Đệ tử nhà Thích không thuận theo lời giảng dạy của Đức Phật Thích Ca thì đệ tử nhà Thích dị đoan mê tín.
- – Đệ tử nhà Nho chẳng thật hành điều mục của Đức Văn Tuyên Khổng Thánh thì đệ tử nhà Nho dị đoan bất chánh.
Tóm lại, hai chữ dị đoan nghĩa là đồ theo không trúng kiểu cái qui giới thể lệ chơn truyền của Tam giáo:
- * Tiên Giáo: Đức Thái Thượng dạy Tam bửu Ngũ Hành, tu tâm luyện tánh, thủ cảm ứng công bình.
- * Phật Giáo: Đức Thích Ca dạy Tam qui Ngũ giới, minh tâm kiến tánh, thật hành Bác ái Từ bi.
- * Nho Giáo: Đức Khổng Tử dạy Tam cang Ngũ thường, tồn tâm dưỡng tánh, giữ theo hai chữ Trung Hiếu mà làm tiêu chuẩn cho mọi hành vi.
Cả luật pháp khuôn viên điều mục của ba nhà Tôn giáo từ buổi sơ khai có đủ phương diện quyền năng dìu đời thống khổ, nhơn sanh trong thời kỳ Thượng cổ còn Thánh đức, biết giữ chơn truyền, chuẩn thằng, qui củ của ba nhà Nho-Thích-Đạo: làm lành lánh dữ, dưỡng tánh tu tâm, nên mới chung hưởng đời thái bình, an cư lạc nghiệp.
Nay đến đời Hạ ngươn cuối cùng, thế Đạo suy vi, nhơn tâm bất cổ, đạo đức đổi dời, lòng người chẳng giống như xưa, luật Tam Cang chẳng giữ, phép Ngũ Thường không noi, Tam giáo thất chơn truyền, nhơn tâm biến đổi, bỏ phép công bình, tranh danh trục lợi, cướp giựt hiếp đáp, giết hại lẫn nhau, thành ra một trường náo nhiệt, nên gọi là đời mạt kiếp.
Các vì Giáo Chủ ngày xưa tiên tri rằng: Buổi sau nầy, Tam giáo phải qui phàm, nên có để lời trong Sấm truyền:
- – Như trong Phật Tông Nguyên Lý, Đức Thích Ca có nói: “Lục vạn dư niên Thiên khai Huỳnh Đạo”.
- – Còn Nho giáo, Đức Khổng Tử nói: “Mạt hậu Tam Kỳ Thiên khai Huỳnh Đạo”.
- – Đức Chúa Jésus khi bị đóng đinh trên cây Thánh giá có nói tiên tri với các Môn đồ rằng: Trong 2000 năm Tận thế, Ta sẽ đến Phán Xét cho nhơn loại một lần nữa và Ngài nói: Còn nhiều chuồng chiên, sau Đức Chúa Cha sẽ qui về một mối.
Nay Đức Chí Tôn khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là đúng theo lời Sấm truyền của các vị Giáo chủ ngày xưa. Chỉ có phương diện là do nơi Tam giáo thất chơn truyền, chính mình Đức Chí Tôn giáng cơ lập Đạo đặng Qui Nguyên Phục Nhứt, gọi là chấn hưng Tam Giáo lại cho hoàn toàn, lập Luật Pháp khuôn viên cho phù hạp theo dân trí buổi nầy, mới tìm phương độ rỗi nhơn sanh. Hiệp cả tinh thần của các dân tộc biết nhìn nhau một CHA Chung, mà thuận hòa cùng nhau, thật hành chủ nghĩa thương yêu, chung thờ một nền Tôn Giáo Đại Đồng, thì nhơn loại mới đặng gội nhuần ân huệ và đời tranh đấu tự diệt sẽ trở nên đời mỹ tục thuần phong, thì vạn loại mới chung hưởng hòa bình, phục lại đời thượng cổ, là do nơi Thiên Thơ tiền định, buổi Hạ ngươn chuyển thế hoán cựu nghinh tân.
Tóm lại, Đức Chí Tôn khai Đạo kỳ ba nầy là “thuận theo lẽ tuần hoàn, châu nhi phục thủy.”
3- Từ ngữ ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ do Đấng nào giáng cơ vào ngày nào? Nơi Đàn cơ nào?
Theo Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển I trang 14, chúng ta nhận thấy Đức Phật Thích Ca giáng dạy về “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ” lần đầu tiên vào ngày 26-2-Bính Dần- DL 8-4-1926 tại Đàn cơ nơi Vĩnh Nguyên Tự (Cần Giuộc).
Bài Thánh ngôn như vầy:
Đức Thích Ca Mâu Ni Phật giáng cơ:
THÍCH CA MÂU NI PHẬT
– Chuyển Phật Đạo,
– Chuyển Phật Pháp,
– Chuyển Phật Tăng,
Qui nguyên Đại Đạo.
Tri hồ chư chúng sanh?
Khánh hỷ! Khánh hỷ! Hội đắc Tam Kỳ Phổ Độ.
Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đại hỷ phát đại tiếu.
Ngã vô lự tam đồ chi khổ.
Khả tùng giáo Ngọc Đế viết Cao Đài Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.”
Lịch! Con nghe Phật Như Lai nói chưa?
Tam Kỳ Phổ Ðộ là gì?
– Là Phổ Ðộ lần thứ ba.
Sao gọi là Phổ Ðộ? Phổ Ðộ nghĩa là gì?
– Phổ là bày ra.
Ðộ là gì?
– Là cứu chúng sanh.
Muốn trọn hai chữ Phổ Ðộ, phải làm thế nào? Chúng sanh là gì?
– Chúng sanh là toàn cả nhơn loại chớ không phải lựa chọn một phần người, như ý phàm tục các con tính rối. Muốn trọn hai chữ Phổ Ðộ, phải làm thế nào? Thầy hỏi?
– Phải bày Bửu pháp chớ không đặng giấu nữa.!
Vậy, kể từ giờ phút này Thầy chính thức “Qui nguyên Đại Đạo” tức nhiên đem các Tôn giáo về một gốc là nền Đại Đạo.
- Tri hồ chư chúng sanh? Hỏi vậy chư chúng sanh có biết không?
- Khánh hỷ Hội đắc Tam Kỳ Phổ Độ là một sự vui mừng hiệp được vào Tam Kỳ Phổ Độ. Đại hỷ phát đại tiếu là một sự vui quá lớn, phát lên tiếng cười to.
- Ngã vô lự tam đồ chi khổ là Ta không còn lo (cho chúng sanh) về sự khổ của ba đường luân hồi đày đọa. kiếp người
- Khả tùng giáo Ngọc Đế tức nhiên phải khá nghe theo lời dạy của Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Đồng thời Ngài cũng cho biết rõ tại: Vĩnh Nguyên Tự, 7-4-1926 (ÂL 25-2-Bính Dần)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
giáo đạo Nam phương
– Nhiên Ðăng Cổ Phật thị Ngã,
– Thích Ca Mâu Ni thị Ngã,
– Thái Thượng Ngươn Thỉ thị Ngã,
Kim viết Cao Ðài.
Vào thời tiền khai Đại Đạo Đức Chí-Tôn thường giáng Đàn nơi các Chùa chiền với lý do:
- – Thứ nhứt là buổi đầu chưa có cơ sở: Thánh Thất.
- – Thứ hai với mục đích là để độ các vị Hòa Thượng, Đại Đức, chân tu lần ra đến nhơn sanh cho có đủ đức tin.
Vĩnh-Nguyên-Tự đây là điển hình của một ngôi chùa ở xã Tân An, quận Cần Giuộc, do Thái Lão Sư Lê Văn Tiểng, pháp danh Lê Ðạo Long tu theo Minh Ðường (một trong Ngũ Chi Minh Ðạo) lập nên. Trước khi Ngài Lê Ðạo Long đăng Tiên, Ngài có lời tiên tri:
“Nơi đây là Thập Nhị Khai Thiên, cơ quan của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ hoằng khai chánh giáo chơn truyền”
Ngài dạy các Môn sinh của Ngài phải tùng Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ. Ông Lê Văn Lịch là con ruột của Ngài, được Ðức Chí Tôn phong là Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt.
Thái Lão Sư Trần Văn Thụ, pháp danh Trần Ðạo Minh, là môn đệ lớn nhất của Ngài, nhập Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, Ðức Chí Tôn ân phong là Ngọc Chưởng Pháp.
Từ đó, Vĩnh Nguyên Tự trở thành một trong những Thánh Thất đầu tiên của Ðạo Cao Ðài.
4- Thầy dạy rõ về danh xưng của Đấng Giáo Chủ Kỳ ba
Dầu rằng trước kia thì:
- – Đức Nhiên Ðăng Cổ Phật là Giáo chủ Phật giáo thời Nhứt Kỳ Phổ Ðộ.
- – Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni là Giáo chủ Phật giáo thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ.
- – Ðức Thái Thượng Ðạo Tổ và Ðức Ngươn Thỉ Thiên Tôn là Giáo chủ Tiên giáo vào hai thời: Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Ðộ.
Trong tập PHỔ CÁO CHÚNG SANH, đề ngày 13-10-1926, nơi trang 4, bài Thánh Ngôn trên có thêm một câu là: “Gia Tô Giáo Chủ thị Ngã” tức nhiên là:
– Nhiên Ðăng Cổ Phật thị Ngã.
– Thích Ca Mâu Ni Phật thị Ngã.
– Thái Thượng Ngươn Thỉ thị Ngã.
– Gia Tô Giáo Chủ thị Ngã.
Kim viết Cao Ðài Đại-Bồ-Tát Ma-Ha-Tát.
Bấy nhiêu đó cũng đủ cho nhân loại thấy rằng, trải qua hai thời kỳ Phổ Độ, Đức Chí-Tôn đã cho các con cái của Ngài đến mở Đạo khắp cùng Thế giới, dạy cho nhân loại ý thức hai chữ “TU HÀNH” quan trọng như thế nào.
Đúng ngày giờ này chính Đức Thượng Đế đến với nhân loại, khởi điểm là đất nước Việt Nam.
5- Ngài đến Việt Nam hẳn có duyên cớ?
– Về phần Thiên thời:
Thánh ngôn (7-10 Bính Dần -11-1926) Thầy dạy:
“Thời kỳ mạt pháp nầy, khiến mới có Tam Kỳ Phổ Ðộ các sự hữu hình phải hủy phá tiêu diệt. Thầy đến chuyển Ðạo, lập lại vô vi, các con coi thử bên nào chánh lý: Hữu hình thì bị diệt đặng, chớ vô vi, chẳng thế nào diệt đặng”
Thầy vì đức háo sanh nên chẳng kể bực Chí Tôn cầm quyền thế giái, đến lập Ðại Ðạo Tam Kỳ trong lúc Hạ ngươn nầy mà vớt sanh linh khỏi vòng khổ hải. Ai biết Ðạo tức là có duyên phần, ai vô Ðạo tức là số chịu hình khổ luân hồi; phải mau chơn, bằng luyến ái sự thế, thì sau ăn năn rất muộn. Than ôi! Thầy đã là Ðấng lập khổ hình, chiếu theo phép công bình của Tạo hóa, nhưng thấy nhơn sanh càng ngày càng bước vào con đường hắc ám, để đem số phận buộc vào đó thì Thầy cũng bắt đau lòng, nhưng chẳng lẽ bỏ phép công vì sanh chúng. Ấy vậy Ðại Ðạo Tam Kỳ chẳng khác chi một trường thi công quả; nếu biết ăn năn trở bước lại nơi đường sáng sủa, giồi tâm, trau đức, đặng đến hội diện cùng Thầy, thì mới đạt đặng địa vị thanh cao trong buổi chung qui cho. Chúng sanh khá nghe và xét mình cho lắm.
– Ðại Ðạo Tam Kỳ hoằng khai tại cõi Nam, đã chiếu theo Thiên Thơ hội Tam Giáo mà vớt chúng sanh thoát vòng ly khổ, thiệt thiệt hư hư, một mảy chi cũng chẳng qua là máy Thiên Cơ mà thôi.
– Ðạo Trời mở ra cho một nước, tất là ách nạn của nước ấy hầu mãn, phải giồi lòng trong sạch, lấy sự nhẫn nhịn làm gương, soi mình hằng bữa. Phải thương yêu nhau giúp đỡ nhau dường như con một nhà, rồi cái thương yêu, sự giúp lẫn ấy sẽ dìu chung các con vào tận chốn Cực Lạc thiêng liêng, để tránh khỏi nơi khổ cùng tiều tụy, khá biết lấy. (Ngày 4-11-Bính Dần (8-12-1926))
– Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ chiếu theo luật Thiên Ðình Hội Tam Giáo, mở rộng mối Ðạo Trời, ấy cốt để dìu dắt nhơn sanh bước lên con đường Cực Lạc, tránh khỏi đọa luân hồi và dụng Thánh tâm mà dẫn dân sanh, làm cho hoàn toàn trách nhậm nặng nề của đứng làm người, về bực nhơn phẩm ở cõi trần ai khốn đốn nầy.
– Vấn đề Địa lợi:
– Việt Nam là Thánh Địa của Thế giới, mà Tây Ninh là Thánh Địa của Việt Nam. Do đó Đền Thánh là nơi Thầy ngự. Thầy có dạy “Chi chi cũng tại Tây Ninh mà thôi”. Tòa-Thánh được khởi công xây dựng từ năm Tân Mùi (1931) hoàn thành vào năm Đinh-Hợi (1947) và được Khánh-Thành vào dịp Đại-Lễ Đức Chí-Tôn ngày mùng 9 tháng giêng năm Ất-Mùi (DL 1-2-1955)
– Thầy cũng nói: “Tòa-Thánh là quê Cha đất Tổ, nhao rún cội nguồn. Nghĩa là dầu cho bực chí Thánh đi nữa cũng thọ sanh nơi Thầy. Muốn đến đường Thánh-Đạo phải theo sau Thầy. Cái xác trần tiêu-diệt, hôi thúi, chớ tánh Thánh chẳng hề tiêu diệt, hôi thúi.”
– Lão cắt nghĩa vì sao cuộc đất ấy là Thánh địa?
Sâu hơn 300 thước, như con sông, giữa trung tim đất giáp lại trúng giữa sáu nguồn, làm như 6 con rồng đoanh nhau. Nguồn nước ấy trúng ngay đỉnh núi, gọi là LỤC LONG PHÒ ẤN. Ngay miếng đất đó đặng 3 đầu: Một đầu ra giếng mạch Ao hồ, hai đầu nữa bên cụm rừng bên kia.
Người Lang sa chỉ đòi 20 ngàn, nói rồi trả đúng có 15 ngàn, Lão dặn thì thành trả 17 ngàn, 18 ngàn thì đặng vậy. Còn xin khai khẩn miếng đất rừng bên kia nữa mới trọn. Đất nay còn rẻ, miếng đất chung quanh Thánh địa ngày sau hóa vàng. Chư Hiền hữu biết lo lập, ngày sau rất quí báu.” THĂNG. (Đạo-Sử. II/. 225).
– Vấn đề Nhơn hòa:
Đức Thượng Phẩm nói:
“Bần đạo cũng vui lòng và có đôi lời chỉ dạy:
Mặt đời sắp nghiêng ngửa thì cơ Đạo gặp hồi bành trướng, lý thuyết cao siêu của Đạo để cho nhơn sanh lãnh hội hầu qui nhơn tâm về một mối, có như vậy mới giúp cho họ gầy thân ái với nhau, đặng chấm dứt nạn chiến tranh vô lối, do nhơn loại hiện nay đang dung ruổi trên con đường tận diệt.
Khi Đức Chí Tôn mới lập Đạo thì có dạy rằng: Đạo khai trễ một ngày thì hại cho nhơn sanh một ngày. Lời tiên tri ấy hôm nay mới thấy rõ.
Nơi dải đất Việt Nam chúng ta, đã tám mươi mấy năm khổ nạn, dân sanh sống dưới quyền lệ thuộc, hầu hết đã gần quên tinh thần cổ truyền của Tổ phụ để lại. May thay cho nòi giống Lạc Hồng là không đến nỗi phải chịu mất tinh thần cố hữu ấy, nên được Đức Chí Tôn dùng dải đất nầy làm Thánh Địa và định cho dân tộc Việt Thường được hưởng hồng ân của Ngài trước nhứt, rồi mới cho nhơn loại trên mặt địa cầu nầy hưởng sau.
– Theo Thánh ý của Đức Chí Tôn là muốn dùng dân tộc Việt Nam làm gương mẫu cho toàn cầu, là chỗ mà thiên hạ cho là thấp hèn, bạc nhược, lại được Đức Chí Tôn đem lên ngang hàng cùng vạn bang mà còn cho trổi hơn mặt tinh thần, do đó mới kêu là QUỐC ÐẠO.
– Đời hiện nay đã gây cho nhơn loại một tai nạn lớn lao là xúi giục cho nhơn sanh đi đến hố tử thần, thì Đạo mới sớm trương cây cờ cứu khổ của Đức Chí Tôn cho nhơn loại hưởng nhờ, bởi lẽ ấy mà phận sự của chúng ta phải nặng nề. Mỗi Thiên mạng từ đây nên dâng trọn tâm linh cho Đức Chí Tôn sử dụng để giúp Đời và giúp Đạo, cần nhứt phải có một tâm hồn cao thượng trọn tâm lo tròn sứ mạng của bề trên giao phó và phải thực hành cho đúng nghĩa câu “Xá thân cầu Đạo”.
– Nếu được như vậy thì mới trọn tâm trong sự dâng mảnh thân phàm cho Đức Chí Tôn dùng trong việc cứu vãn tình thế nguy nan của nhơn loại đó. Bần đạo xin khuyên các Em ráng lưu tâm những lời chỉ giáo của Bần Đạo mà tự nâng cao tinh thần của mình hầu làm gương cho nhơn sanh- Nói về triết lý của Đạo Cao Đài thì mỗi phẩm tước càng cao lại càng phải gồng gánh phận sự nhiều hơn, phải liệu lượng sức tài của mình và hành động coi có xứng với phẩm tước mà mình đang mang nơi mình chăng? Nếu nhận thấy xong phận thì là điều nên và phải cố gắng thêm nữa, thoảng như nhận thấy mình chưa xong phận thì phải làm cho xứng phận, mới khỏi hổ một kiếp sanh gặp Đạo sớm và cũng khỏi hổ với phẩm tước của mình đã mang. Phẩm vị thiêng liêng cũng do nơi đó mà có. Các Em nên làm cho khác với thế tình là vẹn phận. Bần Đạo cũng mừng cho các Em.”
(Báo Ân Từ, 1-10-Canh Dần –DL 10-11-1950)