ĐẠI SƯ ẤN QUANG KHAI THỊ VỀ VIỆC PHÓNG SINH
Có người hỏi: “Những người cô độc, những kẻ khốn cùng nghèo đói, ở đâu cũng có, sao không lo chu cấp cứu giúp cho họ, mà chỉ chuyên tâm gấp rút lo cho những loài vật chẳng liên quan gì đến ta, như vậy chẳng phải là đã đảo ngược lấy nhẹ làm nặng, bỏ việc gấp mà làm việc hoãn đó sao?”
Đáp rằng: “Nói như vậy là vì chưa rõ biết được nguyên nhân vì sao đức Như Lai dạy người phải giữ giới không giết hại, thực hành phóng sinh. Người với muôn vật tuy [hình dạng] khác nhau, nhưng tánh Phật vốn đồng như nhau. Những chúng sinh kia do tạo nghiệp xấu ác nên nay phải luân chuyển trong loài cầm thú, chúng ta nhờ có nghiệp lành đã tạo nên may mắn được sinh làm người, nếu không biết khởi lòng lân mẫn xót thương muôn vật, lại buông thả theo thế tục mà ăn nuốt xương thịt chúng sinh, thì một mai khi phước lành đã hết, nghiệp ác của những chúng sinh [bị ta ăn thịt] cũng hết, ắt khó lòng tránh khỏi phải đối mặt đền trả, chịu giết hại và bị ăn nuốt lại.
“Nên biết, nạn binh đao tai kiếp vốn đều do nghiệp giết hại [của chúng sinh] chiêu cảm mà có. Nếu không có nghiệp giết hại, cho dù tự thân có gặp phải bọn giặc cướp, ắt chúng cũng khởi tâm lành mà không giết hại ta. Hơn nữa, những nạn khổ như ôn dịch, lũ lụt, lửa cháy hoặc những tai nạn bất ngờ đều rất ít xảy ra với những người giữ giới không giết hại, thực hành phóng sinh. Cho nên biết rằng, việc bảo vệ sự sống của chúng sinh vốn cũng là bảo vệ chính mình. Người giữ giới không giết hại thì bản thân không bị chư thiên giết hại, không bị quỷ thần giết hại, không bị giặc cướp giết hại, cũng không bị giết hại bởi sự báo oán qua lại trong tương lai.
“Những người cô độc, những kẻ khốn cùng, nghèo đói, tất nhiên cũng nên tùy sức mình mà chu cấp, giúp đỡ, có lẽ nào những người giữ giới không giết hại, thực hành phóng sinh thì lại không làm những việc tạo công đức như thế hay sao? Nhưng cho dù những người cô độc đơn chiếc thật hết sức đáng thương, họ cũng chưa đến nỗi bị dồn vào chỗ chết. Còn những con vật kia nếu không có người bỏ tiền cứu gấp, ắt phải lập tức chịu lên dao thớt, bị nấu nướng đưa vào bụng người.”
Lại hỏi rằng: “Số lượng vật loại không thể tính đếm, liệu khả năng chúng ta cứu được bao nhiêu?”
Đáp: “Nên biết rằng, việc phóng sinh đó là để làm phát khởi nơi những người đồng cảm với ta cái thiện tâm tối thắng, biết bảo vệ sinh mạng muôn loài, mong cho mọi người nhận hiểu được ý nghĩa sâu xa của việc phóng sinh mà ta đang thực hiện, thì trong lòng họ mới khởi sinh sự thương xót trắc ẩn, không nỡ ăn thịt muôn loài nữa. Người ăn thịt đã thôi không ăn, người đánh bắt vật mạng ắt cũng phải tự nhiên chấm dứt. Mong rằng khi ấy thì muôn loài dưới nước trên cạn, cho đến giữa không trung, hết thảy đều được yên ổn tự do bơi lội bay nhảy trong môi trường của chúng. Như vậy thì không cần làm việc phóng sinh nữa, mà đã là phóng sinh ở khắp mọi nơi, chẳng phải cả thiên hạ này đều trở thành một ao phóng sinh lớn rồi sao?
“Nhưng ví như không thể làm cho tất cả mọi người đều được như vậy, thì chỉ cần một người không nỡ ăn thịt, cũng đã có vô số con vật trên cạn dưới nước được thoát chết, huống chi nào phải chỉ có một người? Hơn nữa, khuyến khích phóng sinh chính là vì hết thảy những người quanh ta trong hiện tại cũng như tương lai mà dứt trừ nhân xấu dẫn đến sự cô độc, khốn cùng, nghèo khó, hoạn nạn, lại tạo duyên lành để được sống lâu không bệnh tật, được giàu sang phú quý, được sống an vui, cha con, chồng vợ sum họp dài lâu cho đến tuổi già. Đó mới chính là sự chuẩn bị chu cấp cứu giúp lâu dài, khiến cho mọi người trong tương lai đời đời kiếp kiếp sẽ vĩnh viễn không bao giờ gặp phải những nỗi khổ cô độc, khốn cùng, nghèo đói… lại được thọ hưởng dài lâu những niềm vui của sự sống thọ, giàu sang… Đó chẳng phải là giúp cho trong khắp bờ cõi đều được hưởng nhờ ơn phước đó sao? Việc [tốt đẹp lớn lao] như thế, há có thể xem thường mà bác bỏ được sao?
“Hãy suy xét cho kỹ, việc giữ giới không giết hại, thực hành phóng sinh, xét cho cùng chính là chuyên tâm gấp rút lo cho muôn người, đâu chỉ là chuyên tâm gấp rút lo cho loài vật, sao lại cho rằng đó là đảo ngược lấy nhẹ làm nặng, bỏ việc gấp mà làm việc hoãn?”
Trích sách Cẩm Nang Phóng Sinh