DÂNG SAO CÓ GIẢI ĐƯỢC HẠN HAY KHÔNG?
CÂU CHUYỆN VỀ: CHÚ TIỂU SADI CỨU SỐNG ĐÀN KIẾN
Có một chú tiểu nọ theo học với một vị thầy rất sáng suốt, thông tuệ, chưa từng dự đoán sai về tương lai.
Xem tướng của học trò, biết chú sẽ chết trong vòng 7 ngày tới nên Thầy khuyên chú về thăm cha mẹ để được an táng trên quê hương mình. Đến ngày thứ 8, chú quay lại chùa khiến Thầy rất ngạc nhiên.
Khi nhập định, Thầy biết rõ sự việc trên đường về chú đã dùng khúc gỗ cứu sống đàn kiến sắp bị chết đuối. Nhờ việc cứu sống đàn kiến này mà chú đã tự cải thiện được vận mệnh đời mình. Cùng với sự tinh tấn tu hành, sau này chú đã có một tương lai rất huy hoàng và giúp được rất nhiều người đến với Phật Pháp.
Ngày nay, cứ vào Tháng Giêng hàng năm, mọi người sốt sắng lên chùa, đền, phủ để dâng sao, giải hạn. Liệu chúng ta có bao giờ tự hỏi, nếu dâng sao mà giải được hạn thì tại sao hàng năm xã hội vẫn nhiều tai nạn, thiên tai bão lũ đến thế? Có gia đình giàu có đầu tư đến hàng trăm triệu để cúng giải hạn mà vẫn gặp chuyện rủi ro như thường? Dâng sao có thực sự giúp chúng ta giảm được chuyện xấu không xảy ra?
Ngược lại, chú Sadi trong câu chuyện ở trên không được Thầy mình cúng dâng sao cho mà vẫn thoát được cái chết! Vậy việc giải hạn thực sự nằm ở đâu?
PHẬT KHÔNG DẠY DÂNG SAO GIẢI HẠN
Theo truyền thống của nhà Phật, dâng sao giải hạn không có trong bất kỳ kinh điển giáo lý nào. Hơn thế, Đức Phật dạy rằng: “Dù lên núi cao hay xuống vực thẳm cũng không tránh được nghiệp quả. Muốn biết thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang lãnh. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại”. Vì thế việc dâng sao giải hạn, chẳng những không có ích lợi nào, tốn tiền bạc, tâm huyết lại đi ngược với Chánh Pháp.
KHÔNG NHẦM LẪN VỚI CẦU AN VÀ CẦU SIÊU
Việc dâng sao giải hạn đầu năm có nguồn gốc từ Lão giáo và trong dân gian. Tuy nhiên, sau đó các thầy đã đưa dịp này vào nhà chùa như một “phương tiện khéo léo” để giúp cho những người đến chùa đầu năm mong muốn “giải hạn” được kết duyên lành với Chánh Pháp nhờ lễ Phật, nghe pháp, sám hối, cúng dường Tam Bảo.
Nhờ các việc thiện này, họ được tăng trưởng công đức một cách tự nhiên làm cho bức tường nghiệp tốt trở nên cao hơn che chắn được phần nào tác hại của nghiệp xấu khi trổ quả.
Ngược lại, nếu người đến chùa chỉ cầu xin và chỉ mong sao dùng tiền bạc, đồ lễ thật nhiều để “thoát nạn” trong khi tâm không muốn hướng thiện, làm các điều lành thì chẳng thể nào giải được hạn.
Chính vì thế các khái niệm “cầu an” và “cầu siêu” đã được đưa vào trong giới Phật giáo Việt Nam gần đây.
- Cầu an có nghĩa là: Cầu cho một người nào đó được khỏe mạnh và an lạc.
- Cầu siêu có nghĩa là: Cầu cho người chết được siêu độ, được sanh về cõi Tịnh độ của chư Phật.
Việc cầu an, cầu siêu với tâm nguyện vị tha mong cho người khác, chúng sanh khác được điều lợi ích, an lạc và hạnh phúc sẽ mang lại kết quả tốt đẹp hơn rất nhiều mong muốn vị kỷ chỉ cầu mong điều tốt đẹp cho mình, gia đình mình, người thân mình.
LÀM SAO ĐỂ “GIẢI HẠN” THỰC SỰ?
Theo luật Nhân quả, gieo nhân tốt sẽ có quả tốt, gieo nhân xấu sẽ có quả xấu. Các hành vi thiện ác của mỗi người trùng trùng điệp điệp được thực hiện ở những đời khác nhau. Chính vì thế, khi các điều kiện hội tụ đủ, quả tốt hay xấu sẽ trổ đến bất ngờ ở ngay chính đời này hay đời khác.
Việc duy nhất chúng ta có thể làm được là liên tục gieo những nhân tốt bằng việc làm, lời nói, suy nghĩ thiện lành. Đức Phật đã dạy rằng Thập Thiện Nghiệp (Mười điều lành) là cội gốc của tất cả pháp lành thế gian và xuất thế gian.
Mười điều lành gồm những gì và thực hiện như thế nào?
- 1. Không sát sinh. Hơn thế, phải cứu sinh mạng bằng cách trả tự do cho những con vật hay con người bị giam cầm;
- 2. Không trộm cắp. Hơn thế, phải hành bố thí;
- 3. Không tà dâm. Hơn thế, phải giữ mình trong sạch;
- 4. Không nói dối. Hơn thế, phải nói sự thật;
- 5. Không nói lời thêu dệt, không phù hợp, hay nói lời vô nghĩa. Hơn thế, phải nói lời ngay thẳng;
- 6. Không nói lời gây chia rẽ. Hơn thế, nói lời mang lại sự bình yên và hòa hợp giữa mọi người;
- 7. Không nói lời thô lỗ, ác nghiệt. Hơn thế, nói lời hòa nhã;
- 8. Không tham dục. Hơn thế, thực hành thiền định về sự ghê tởm của thân thể và các đối tượng thế gian;
- 9. Không sân hận. Hơn thế, thực hành thiền định về lòng tốt và lòng bi;
- 10. Không u mê. Hơn thế, thực hành thiền định về thập nhị nhân duyên – điều tạo ra chuỗi những sự nảy sinh mang tính điều kiện.
Chăm chỉ thực hành các điều này, thường xuyên ăn năn sám hối và quyết tâm không mắc lại lỗi lầm trong quá khứ, hơn thế quay về nương tựa Tam Bảo và học theo Chánh Pháp, chúng ta có thể tự giải hạn và hóa chuyển vận mệnh cho chính mình.
“Không làm các điều ác
Làm tất cả điều lành
Tịnh hóa tâm ý mình
Là lời chư Phật dạy”.
– Yoni –
*
Ai cũng có thể tu tập để an lạc và hạnh phúc ngay giữa đời thường.
Để hiểu rõ hơn cách thực hành như thế nào, hãy
>>> Tìm hiểu thêm ở: https://xn—hay-uqa.vn/tam-linh/tu-hoc-moi-ngay/