Đang tu tiến hay đang tu lùi
Thường thì chúng ta hay nghĩ :
« Chỉ cần đi chùa, rồi học pháp và tu thì có nghĩa là ta đang tu tiến ».
Nhưng thực chất thì chưa hẳn vậy. Qua quan sát thực tế, tôi nhận thấy nhiều Vị :
Có Vị thì đang đứng yên, giẫm chân tại chỗ.
Có Vị thì đang tu thụt lùi.
Và có Vị thì tu đang tiến.
Vậy chúng ta cần phải kiểm nghiệm lại chính mình xem mình thuộc trường hợp nào.
Thế nào là tu mà đang giẫm chân tại chỗ?
Nghĩa là qua thời gian tu khoảng 7 đến 10 năm, ta nhận thấy cuộc đời ta vẫn vậy, chẳng có gì thay đổi.
- Về hoàn cảnh bên ngoài tâm: Môi trường sống của ta vẫn vậy, vẫn sống và làm việc chung với những người xấu như thế, như thế. Cuộc sống vẫn bình bình không có gì khá hơn.
- Còn trong tâm: thì vẫn vậy, vẫn chưa có sự chuyển biến gì, tâm xấu vẫn còn nguyên, nghiệp ác vẫn như cũ, tâm vẫn chưa định tĩnh.
Đây tạm gọi là tu mà đứng một chỗ, không tiến.
Còn trường hợp tiếp theo mới đáng nói : Tu mà đang đi thụt lùi
Thế nào là tu mà đang đi thụt lùi?
Nghĩa là từ ngày bắt đầu tu trở về sau, như tu được 8, 9, 10 năm thì trong tâm và cuộc sống càng ngày càng trở nên tồi tệ.
Trong tâm thì bản ngã không bớt mà ngày một lớn.
Tâm kiêu ngạo, háo thắng, thấy mình hơn người, lòng đầy dục vọng và sự hưởng thụ gia tăng, nên dẫn đến phiền não, bất an cũng tăng theo.
Tính khí ngày càng cộc cằn, thô lỗ, lời nói tuôn ra thì chẳng nhẹ nhàng êm dịu.
Chính vì cái tâm như thế nên các cảnh nương theo cái tâm mà ứng hiện.
Càng ngày sống càng chiêu cảm các người ác tới có thể là môi trường làm việc, rất xáo trộn, bất an, trong gia đình thì con cái bất hiếu, trở nên hư đốn, cuộc sống kinh tế ngày càng khó khăn, đến nỗi thiếu cái ăn.
Đây phải nói là đang tu mà thụt lùi.
Nhưng thường những người như vậy tôi để ý là họ đang thụt lùi mà cứ nghĩ mình tiến, vì trong tâm họ không thấy cái lỗi, không tự thấy mình sai, vì tâm ngã mạn, tâm tăng thượng mạn che lấp cái trí.
Những người này đa phần là tu mà không chịu sửa đổi tâm tính mà chỉ đi học pháp rồi hí luận, tranh hơn tranh thua, biết chút ít rồi cho mình là giỏi rồi kiêu ngạo cho mình hơn người, nhiều người còn tự cho mình là thầy của thiên hạ.
Tất cả những ý niệm như vậy chỉ làm họ bị tổn phước và thoái đọa.
Cuối cùng, thế nào là người tu tiến?
Đây là trường hợp lý tưởng nhất.
Nghĩa là qua thời gian tu ta nhận thấy phiền não cuộc đời mình giảm bớt.
Ngày mới tu ta rất khổ, cũng có thể khổ vật chất lẫn tâm hồn.
Qua thời gian tu, ta thấy vật chất ta dư đầy không thiếu thốn, vì cái phước đang tăng.
Nên ta không khổ về vật chất nữa.
Còn về tâm hồn:
Vì ta tập trung vào việc chuyển các nhân xấu, các nghiệp xấu nên tâm dần trở nên thuần thiện, đậm nét từ bi, tâm luôn hoan hỷ, vui vẻ và an lạc.
Các tập khí xấu như tham sân si, mạn, nghi bị chuyển hóa, tâm dần dần trở nên an định và trong trung đời hay gần cuối đời, những người này nếu tinh tấn có thể đắc các Thánh Quả.
Có thể là Sơ quả Tu Đà Hoàn. Nhị quả Tư Đà Hàm. Tam quả A Na Hàm. Hay Tứ quả A La Hán.
Tất cả đều do các nỗ lực tu không biết mệt mỏi và luôn tinh tấn mà có được.
Đây phải nói là trái ngon, là quả ngọt của một người tu đã trổ.
Là phần thưởng vô giá của người tu đạo.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>> Tìm hiểu thêm ở: https://xn—hay-uqa.vn/tam-linh/tu-hoc-moi-ngay/
FB: Tu học mỗi ngày –
Sự rút lui và ẩn tu
Trong một ngôi chùa nọ có Vị Sư Phụ , Ngài có năm mươi đệ tử.
Một hôm, trong giới quý tộc quyền quý, có một lãnh chúa vừa mới qua đời.
Và Sư Phụ được những người thân của Vị lãnh chúa mời vào. Để cử hành đám mai táng cho lãnh chúa.
Và Sư Phụ cũng đồng ý.
Khi vào nơi giới quý tộc, trước những hào nhoáng, phô trương và sự giàu có. Thì Sư Phụ lại mất bình tĩnh, chưa làm chủ được từng tâm niệm.
Sau đám mai táng, Sư Phụ trở về chùa cùng các đệ tử. Tuy nhiên, Ngài nhận ra và cảm thấy hổ thẹn vì tâm đạo Ngài chưa cao, còn lung lay và yếu đuối.
Ngài cho gọi tất cả các đệ tử, giao lại cho Vị Sư Huynh và Ngài từ chối không làm Thầy nữa. Ngài muốn được đi ẩn tu thời gian.
Câu chuyện tuy chỉ đến đây, nhưng ta nhận thấy, sự ra đi của Sư Phụ là điều rất đáng nể và không phải ai cũng làm được.
Vì trách nhiệm thực sự của Người thầy rất lớn lao.
Là người phải đủ trí tuệ, phải sáng suốt hơn những đệ tử. Thì mới có thể dẫn dắt chúng theo tu được. Ở đây, ta thấy Ngài tự nhận thấy mình còn rất kém cỏi, một sự tự nhận thức rất tốt.
Trước sự giàu có và thịnh vượng của giới quý tộc, nếu ta chưa quen, nếu tâm đạo ta chưa vững vàng. Thì ta sẽ bị choáng ngợp, bị rụt rè, sợ sệt. Đây là sự kiểm nghiệm rất tốt đạo hạnh và định lực của ta tới đâu.
Ngày nay, ta thấy nhiều người tu chưa đến đâu, nhưng họ vội vã muốn được làm Thầy, muốn được người kính trọng. Nhưng bên trong đạo hạnh vẫn chưa có gì, đức hạnh và trí tuệ đều không. Vậy lấy gì để hướng dẫn chúng đệ tử đây.
Đây là vấn đề ta cần nên suy tư, chiêm nghiệm.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư Sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày
Sự ra đi của vài đệ tử người Mỹ
Khi được biết một số Thiền sư tu trong rừng của Thái lan đắc đạo. Một vài thiền sinh người Mỹ đã tìm đến thiền viện trong rừng để tu tập.
Một phần vì hiếu kỳ, một phần để trải nghiệm đời sống tu tập cùng các Thiền sư trong rừng.
Một vài đệ tử trẻ người Mỹ đã đến, và đã gặp Thiền sư, và họ xin Ngài thọ giới để quy y và chính thức tu tập.
Khi mọi nghi thức đã xong, các thiền sinh bước vào đời sống sinh hoạt như các thiền sinh cũ.
Và Sư phụ cũng rất tận tình chỉ dạy, khuyến tấn.
Tuy nhiên, hai ba tháng sau, các thiền sinh người Mỹ đã xin không tu nữa và xin trở về Mỹ. Họ đã thối chí.
Sau khi chào và tiễn các đệ tử, Thiền sư nói:
«Đi đâu để tìm niềm vui bây giờ hả các Con?».
Và các thiền sinh đã ra về.
Ta thấy, thực sự đời sống của một đệ tử Phật chân chính không hề đơn giản tí nào.
Phải chịu đựng rất nhiều những gian nan, những thử thách. Phải sống một đời sống đơn giản, thanh bần, rời xa những ồn náo, nhộn nhịp của phố thị.
Người Mỹ đã quen với lối sống nhiều vật chất và sự hưởng thụ. Với nhiều tập khí thế tục vậy, đây là một sự trở ngại rất lớn, cho việc trải nghiệm đời sống của một Bậc tu hành.
Câu chuyện như nhắc nhở chúng ta, cần phải xác định, cũng như chuẩn bị một ý chí, một nghị lực, một nội tâm kiên định,…
Thì mới có thể vững vàng tiến bước trên con đường tu tập được.
Chẳng có thành quả tốt đẹp nào mà đến dễ dàng cả, phải có một sự đánh đổi tương xứng.
Để có được một mùa xuân ấm áp, thì bắt buộc ta phải trải qua một mùa đông lạnh giá.
Cũng vậy, để thành tựu sự giác ngộ, trước đó phải là một sự nỗ lực không ngừng, một ý chí kiên định, một nội tâm sắt đá trong tu tập.
Thì ta mới có thể thành tựu được.
Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát Ma Ha Tát.
– Cư Sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày