ĐẠO LÝ VỀ ĐỜI NGƯỜI
Nếu nói về đạo lý của đời người thì tôi chợt nhớ đến mấy câu kệ của một Bậc Thầy nổi tiếng như sau :
« Người thọ bảy mươi xưa nay hiếm
Trước trừ thiếu niên, sau trừ già
Khoảng giữa phải lo ăn, làm, ngủ
Còn lại đời người có là bao »
Nay ta cùng chiêm nghiệm bốn câu kệ trên.
Nhiều người cứ nghĩ rằng thời gian sống của kiếp người thì dài. Nhưng nếu ta dùng cái trí tuệ của mình để chiêm nghiệm thì ta thấy thật sự qũy thời gian dành cho mỗi một con người chẳng là bao.
« Người thọ bảy mươi xưa nay hiếm »
Quý Vị có sống được tới bảy mươi tuổi không ?
Ngày nay cuộc sống với biết bao bệnh tật và tai nạn, hằng ngày chúng cướp đi rất nhiều mạng người. Nên thời nay mà ta nói sống thọ đến 70 tuổi thì thật sự rất khó. Đa phần là phải chết khi còn trẻ.
« Trước trừ thiếu niên, sau trừ già »
Lúc ta còn bé thơ, nhỏ tuổi ta có biết gì đâu.
Nhận thức chưa trưởng thành, lúc tuổi thơ ta sống nhưng thật sự ta giống như chưa tồn tại.
Khoảng đầu này ta tạm tính đến mười ba, mười bốn tuổi.
Và đoạn khi ta già yếu :
Qua sáu mươi tuổi, người ta bắt đầu lão hóa mạnh, ta dần trở thành người vô dụng, dần bị xã hội xem là kẻ ăn bám.
Một ngày quý nhất là buổi bình minh.
Một năm quý nhất là mùa xuân.
Cũng vậy, đời người quý nhất là tuổi trẻ.
Nhưng để ngẫm xem tuổi trẻ, phân đoạn ở giữa ta làm gì nào ?
« Khoảng giữa phải lo ăn làm ngủ »
Chỉ bàn về ngủ thôi thì chúng đã chiếm của ta hết phân nửa của tuổi trẻ rồi.
Khi ngủ ta như người đã chết, vì ta có nhận biết được đâu.
Rồi khi thức dậy thì ta lo vệ sinh cá nhân, lo ăn, rồi cặm cuội trong công việc ở sở làm.
Nếu Quí Vị để ý và nhận thấy khi ta cặm cụi làm thì dường như ta quên mất chính mình, đánh mất cái chánh niệm, đánh mất cái ý thức về sự tồn tại của chính mình.
Vậy chẳng khác nào ta đã quên rằng mình đang hiện hữu.
Vậy thì nhìn lại cả một quảng đời, một kiếp sống của kiếp người ta thấy thật rất mong manh, giả tạm quá.
« Còn lại đời người có là bao »
Ta hiện diện rồi mất đi như bóng mây, như bọt nước.
Ta xây dựng lâu đài, như kiếp dã tràng xây nhà cát trên bãi biển. Rồi phút chốc bị cơn sóng xô vào đánh tan tất cả trở lại với sự hoang vu.
Nhưng mấy ai thấu được lẽ đạo ấy.
Để họ tỉnh thức về sự mong manh, bỏ cái giả nhận cái chân, tìm đến với sự tu đạo, bước theo con đường của các Thánh nhân.
Để tìm về với Bản Nguyên Chân Diện Mục của chính mình.
Đây là điều thật đáng giá biết bao.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa

FB: Tu học mỗi ngày –
Xem thêm